#132 – Quan hệ giữa truyền thông và dân chủ dưới góc nhìn lịch sử

Nguồn: Marc F. Plattner (2012). “Media and Democracy: The Long View”, Journal of Democracy, Vol. 23, No. 4 (October), pp. 62-73.>>PDF

Biên dịch: Bùi Thị Hoàng Hà | Hiệu đính: Phạm Thị Huyền Trang

Ngày nay tất cả chúng ta đều ý thức được là mình đang sống trong cuộc cách mạng thông tin liên lạc. Trong suốt hai thập kỉ qua, chúng ta đã được chứng kiến những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ truyền thông và trong cách áp dụng chúng – cách đây chỉ một vài năm không ai có thể tiên đoán được sự bùng nổ của mạng xã hội Facebook hay Twitter. Hơn nữa, những sự đổi mới (công nghệ) đó dường như vẫn đang tiếp diễn với một nhịp độ phát triển mau lẹ. Giới trẻ ngày nay được sinh ra trong một thế giới đầy biến đổi – họ khó có thể tưởng tượng nổi cuộc sống trước kia khi chưa có mạng Internet và điện thoại di động. Ngay cả ở các nước kém phát triển hơn, nơi mà Internet vẫn bị hạn chế, điện thoại di động đang ngày càng được sử dụng rộng rãi.

Theo nhiều cách, phương tiện truyền thông kĩ thuật số mới rõ ràng đang làm thay đổi cuộc sống thường ngày của con người. Đối với cá nhân tôi, mặc dù tôi không cho đó là ví dụ điển hình, thói quen hằng ngày của tôi đã được cách mạng hóa hoàn toàn bởi sự ra đời của thư điện tử. Nhờ có thư điện tử, những công việc từng được gọi là “công việc văn phòng” giờ đây có thể đi theo chúng ta đến khắp mọi nơi, thậm chí ngay trong kì nghỉ. Không nghi ngờ gì nữa, thành tựu này đã mang lại lợi ích rất lớn trong quá trình xử lý công việc kịp thời và hiệu quả, nhưng nó cũng đã thay đổi nhịp điệu cuộc sống của chúng ta một cách triệt để. Không còn nữa những ngày tháng khi ta phải tới văn phòng làm việc từ sáng sớm, nhâm nhi một tách cà phê trong khi đọc báo và chờ đợi thư từ dịch vụ bưu chính. Có thể dễ dàng liệt kê một loạt những khía cạnh đời sống chịu sự tác động của mạng Internet, từ các hoạt động mang tính chuyên nghiệp như báo chí và nghiên cứu học thuật đến các vấn đề cá nhân trong cuộc sống như tình bạn hay tình yêu.

Phương tiện truyền thông đại chúng mới cũng đang tác động đến nền chính trị và dân chủ, tuy nhiên tôi phải nói rằng vẫn còn quá sớm để biết được ảnh hưởng đó sẽ là cơ bản hay chuyển biến như thế nào. Trong suốt thập kỉ 1990 hậu Chiến tranh Lạnh, những người đam mê mạng đã cho rằng mạng Internet sẽ thay đổi đáng kể tính chất của đời sống chính trị, nó sẽ mở ra một “thế giới vô biên”, trong đó các cộng đồng ảo nối mạng sẽ lật đổ các quốc gia – dân tộc kiểu cũ và kết nối mạng theo chiều ngang sẽ phá hủy hoàn toàn tất cả các mô hình tổ chức có thứ bậc theo chiều dọc. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, thực tế đã chứng minh tính bất khả thi của sự biến đổi sâu rộng này, bởi các quốc gia – dân tộc đã thể hiện rằng họ hoàn toàn có khả năng áp đặt những giới hạn thực tế đối với việc sử dụng Internet. Cho đến nay, trên thực tế, tác động của phương tiện truyền thông mới lên đời sống chính trị không  nghiêm trọng bằng những tác động nảy sinh từ sự xuất hiện và ảnh hưởng rộng rãi của truyền hình. Thật vậy, ngay trong những năm gần đây, sự phát triển của truyền hình vệ tinh và truyền hình cáp (một chủ đề tôi sẽ đề cập sau) đã tác động tới chính trị nhiều hơn bất kì sự tiến bộ nào trong phương tiện truyền thông kĩ thuật số.

Điều này không hề phủ nhận những tác động chính trị quan trọng mà các phương tiện truyền thông mới đem lại, hay phủ nhận tầm ảnh hưởng của chúng trong tương lai. Việc sử dụng phương tiện truyền thông mới trong suốt các cuộc nổi dậy Ả Rập gần đây đã chứng minh rằng những tiến bộ khoa học đó rõ ràng là một loại vũ khí mới hữu ích đối với những người đang thách thức chế độ độc tài – thậm chí ngay cả giới cầm quyền cũng đang gồng mình tìm cách sử dụng các công cụ tương tự để ngăn chặn họ.

Các công nghệ mới cũng tạo ra những thay đổi trong một vài khía cạnh chính trị của các nước theo chế độ dân chủ, đáng chú ý là công tác vận động chính trị và gây quỹ. Tóm lại, các phương tiện truyền thông mới đang ảnh hưởng đến cách thức hình thành và lan truyền dư luận. Sự phổ biến ngày một rộng rãi của phương tiện truyền thông trực tuyến trong các nền dân chủ lâu đời là nguyên nhân chính khiến cho lượng độc giả và lợi nhuận của báo viết bị sụt giảm. Trong khi các ấn phẩm in ấn đang cố gắng duy trì vai trò chủ chốt có phần suy yếu của mình bất chấp ảnh hưởng gia tăng từ phương tiện truyền thông phát sóng, thì giờ đây dường như người ta đã bắt đầu nghi ngờ khả năng tồn tại lâu dài của chúng. Tuy nhiên, sẽ rất vội vàng nếu chúng ta dự đoán sự sụp đổ của báo viết tại thời điểm này, đặc biệt khi tổng số báo phát hành vẫn tiếp tục tăng tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở các nước như Ấn Độ và Brazil.

Thật vậy, không ai có thể đoán trước được các công nghệ viễn thông mới nổi sẽ tác động đến truyền thông như thế nào trong những năm tới. Nhưng chính vì sự thay đổi đang diễn ra quá nhanh chóng và tương lai thì lại không hề chắc chắn, đây là thời điểm đặc biệt thích hợp để chúng ta mở một cuộc điều tra lớn hơn về mối quan hệ giữa dân chủ và truyền thông. Đây là một vấn đề không nhận được nhiều sự chú ý như mong đợi từ giới học thuật, đặc biệt từ phía các nhà khoa học chính trị và các nhà nghiên cứu dân chủ khác.1 Trong những trang tiếp theo, tôi sẽ cung cấp một số phản ánh ban đầu về mối quan hệ giữa dân chủ và truyền thông, những cách thức mà mối quan hệ ấy được giải quyết bởi một số nhà tư tưởng chính trị hàng đầu trong quá khứ và những thay đổi mà nó đã phải trải qua cùng với sự tiến bộ của nền dân chủ hiện đại và công nghệ.

Chính phủ đại diện và báo chí

Nền dân chủ được sinh ra trong các thành phố Hy Lạp cổ đại, những nơi không hề có phương tiện truyền thông được hiểu như trong ngữ cảnh này. Nhưng chắc chắn rằng những thành phố đó có các nhà thơ, người hát rong, nhà viết kịch, nhà hùng biện, và tại đây, nghệ thuật biểu diễn và thuyết phục được tinh lọc ở trình độ cao. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận và tranh cãi mang tính chính trị trong các thành bang (polis) Hy Lạp được diễn ra trực tiếp trong các hội đồng (ekklesia), cơ quan vừa có quyền lập pháp vừa có quyền ra quyết định đối với tất cả các vấn đề về chính sách cộng đồng, trong đó có vấn đề chiến tranh và hòa bình. Một phần vì dân chủ được hiểu là việc yêu cầu đích thân công dân nhóm họp lại và bàn bạc trực tiếp – địa điểm đặt hội đồng thành Athens là sườn đồi Pnyx – nên trong một thời gian dài, hình thức chính phủ này được cho rằng chỉ có tính khả thi trong các thành bang. Đến tận giữa thế kỉ 18, các triết gia chính trị lỗi lạc như Montesquieu và Rousseau cho rằng chỉ có những chính thể rất nhỏ mới có thể hoạt động theo chế độ dân chủ.2

Trái lại, nền dân chủ hiện đại được dựa trên nguyên tắc mới “các đại biểu do chính nhân dân bầu chọn sẽ là đại diện của nhân dân trong cơ quan lập pháp”.3 Dân chủ đại diện được sinh ra trong thời đại truyền thông in ấn. Tất nhiên, bản thân thuật ngữ “phương tiện truyền thông” đã không được sử dụng cho đến mãi sau này. Trong nhiều thế kỉ, thay vì nói “báo chí” (the press), con người đã sử dụng một thuật ngữ mô tả công nghệ in ấn để đề cập tới các phương tiện giao tiếp khác nhau dựa trên các ấn phẩm. Ngày nay chúng ta nghĩ về thuật ngữ lỗi thời này chủ yếu đề cập tới báo chí và tạp chí xuất bản định kì. Nhưng ban đầu thuật ngữ này cũng bao gồm cả sách, như chúng ta thấy nó được phản ánh trong tên của các nhà xuất bản hiện đại như Nhà xuất bản Đại học Oxford hay Harvard (Oxford/Havard University Press).

Ở Anh, những trận chiến lớn hồi thế kỉ 17 nhằm ủng hộ tự do báo chí, do các nhân vật xuất chúng như John Milton và John Locke tiến hành, đã tập trung vào việc cấp giấy phép cho máy in. Cả hai cuốn sách nhỏ mang tựa đề Areopagitica của Milton viết về bảo vệ “quyền tự do in ấn không cấp phép” được xuất bản năm 1644 và bản ghi nhớ cá nhân năm 1695 của Locke bày tỏ thái độ chống lại việc gia hạn Luật Cấp phép đều chỉ ra rằng kẻ thù của tự do xuất bản là các nhà chức trách của Giáo hội và nhà nước.4 Luật Cấp phép, thực tế đã được Quốc hội sửa đổi vào năm 1692 sau cuộc Cách mạng Huy hoàng nhưng ngay sau đó lại mất hiệu lực vào năm 1695, được xây dựng để ngăn chặn trước việc xuất bản các tác phẩm dị giáo và ly giáo cũng như những tác phẩm nổi loạn hay phản nghịch. Cuộc đấu tranh ủng hộ quyền tự do xuất bản có sự liên kết mật thiết với công cuộc đại tự do của thời kỳ Khai sáng.

Mặc dù sự ủng hộ định hướng Khai sáng về quyền tự do báo chí không có nghĩa ngụ ý kêu gọi quyền tự do cá nhân không hạn chế, huống hồ là nền dân chủ. Trong số các nhà triết học nổi danh của thời đại Khai sáng, chỉ có Spinoza mới nối kết được một cách rõ ràng sự tự do ngôn luận với dân chủ: Chương cuối của Luận thuyết Thần học Chính trị (Theologico-Political Treatise) có tựa đề “Trong một Quốc gia Tự do, mỗi người có thể Nghĩ điều họ Muốn và Nói điều họ Nghĩ,” và Spinoza chỉ rõ rằng dân chủ, với tư cách là “hình thức tự nhiên nhất của việc cai trị” cũng là chế độ phù hợp nhất để đạt được mục tiêu này.5 Ngược lại, David Hume, trong bài luận “Về Tự do Báo chí” (“Of the Liberty of the Press”) năm 1742 của mình, lập luận rằng việc tự do “thông tin cho công chúng bất kì điều gì chúng ta muốn” là đặc biệt phổ biến ở những nước có chính quyền hỗn hợp như của Anh, trái ngược với những quốc gia “hoàn toàn theo chế độ quân chủ” hay “hoàn toàn theo chủ nghĩa cộng hòa”.6

Việc sự ủng hộ quyền tự do báo chí được tách biệt hẳn với sự ủng hộ nền dân chủ đã đạt tới mức độ rõ ràng trong văn bản nhìn chung được coi là đạo luật đầu tiên quy định một cách rành mạch về tự do báo chí – một pháp lệnh hoàng gia của Thụy Điển năm 1766 có tên gọi “Pháp lệnh Liên quan tới Quyền tự do Viết lách và Báo chí.” Pháp lệnh mở đầu bằng lời ghi nhận “những lợi thế lớn bắt nguồn từ sự tự do hợp pháp của việc viết lách và báo chí”, thể hiện ở chỗ “một sự khai sáng lẫn nhau không giới hạn trong các chủ đề hữu ích khác nhau không chỉ thúc đẩy sự phát triển và phổ biến của khoa học và nghề thủ công hữu ích mà còn tạo ra những cơ hội lớn hơn cho các thần dân trung thành của Chúng ta được nâng cao kiến thức và nhận thức đầy đủ về một hệ thống chính quyền được tổ chức khôn khéo.” Mặc dù việc kiểm duyệt trước đó đã bị bãi bỏ, nhưng Pháp lệnh hoàng gia này vẫn xác nhận những hình phạt pháp lý nghiêm khắc đối với những ấn phẩm “phạm thượng chống lại Thiên Chúa” hay “xem thường quan điểm của chúng ta và Hoàng gia.”7

Tuy nhiên, nếu chuyển sang những xác nhận chính thức đầu tiên của Bắc Mỹ về nguyên tắc tự do báo chí, chúng ta sẽ tìm thấy thứ ngôn ngữ chính trị rất khác và một vài mục tiêu chính trị bên cạnh mục tiêu của thời kỳ Khai sáng, thể hiện trong một bức thư vào tháng 10 năm 1774 của Đệ Nhất Quốc hội Lục địa (First Continental Congress) gửi tới người dân Quebec. Bức thư liệt kê ra năm quyền “mà không có những quyền ấy con người sẽ không thể sống tự do và hạnh phúc”, mở đầu là quyền của con người có tiếng nói trong chính quyền của họ thông qua các đại biểu mà họ bầu chọn. Việc kể đến quyền thứ năm, “quyền tự do báo chí”, được giải thích như sau:

Tầm quan trọng của điều này không chỉ bao gồm việc thúc đẩy chân lý, khoa học, đạo đức và nghệ thuật nói chung trong việc truyền bá những quan điểm tự do dưới sự quản lí của chính phủ, mà còn cả sự sẵn sàng trao đổi tư tưởng giữa các đối tượng và vì vậy thúc đẩy tình đoàn kết giữa họ, qua đó các quan chức hay áp bức cảm thấy xấu hổ và sợ hãi, khiến họ chuyển sang những cách thức tiến hành công việc công bằng và có danh dự hơn.8

Các chức năng chính trị đặc biệt của báo chí ở đây không chỉ bao gồm việc truyền bá “các quan điểm tự do” về chính phủ, mà ngoài ra còn tạo điều kiện thuận lợi cho truyền thông cũng như sự hợp nhất giữa nhân dân, đồng thời phơi bày và hạn chế hành vi của quan chức nhà nước. Trong các thành bang cổ đại, người ta không cần đến các phương tiện truyền thông viết tay hay in ấn nào để thực hiện những chức năng sau cùng đó. Tuy nhiên, nếu một dân tộc muốn cai quản và tự trị một lãnh thổ rộng lớn thì việc có được một thứ giống như tự do báo chí là điều cần thiết.

Ý tưởng về một nước cộng hòa được mở rộng hoặc có quy mô lớn là một sự đổi mới chính trị của Mỹ hồi thế kỷ 18, vốn được làm rõ một cách toàn diện lần đầu tiên trong tập bài viết Federalist (gồm 85 bài viết của Alexander Hamilton, James Madison và John Jay nhằm kêu gọi phê chuẩn Hiến pháp Hoa Kỳ – NBT). Lập luận chống lại truyền thống gắn các nước cộng hòa với các chính thể nhỏ, các tác giả của tập Federalist cho rằng bằng cách “mở rộng phạm vi” của chính phủ cộng hòa, người ta có thể khiến nó ít bị tổn thương hơn trước những mối đe dọa bè phái và do đó có thể đảm bảo các quyền công dân tốt hơn: Như James Madison đã nói trong tờ Federalist 51, ​​“xã hội càng rộng lớn, miễn là nằm trong một không gian thực tế, thì chính phủ sẽ càng có nhiều khả năng tự quản hơn.” Phạm vi mà Madison đề xuất mở rộng theo như bản chất tự nhiên của nó phải là “không gian công cộng” – không phải theo ý nghĩa lý tính – phê phán mang tính giai cấp nhưng có vẻ mỹ miều là “không gian công cộng tư sản”9 như lời của Jurgen Habermas, mà chỉ đơn giản là một đấu trường trong đó các công dân tự quản có thể thảo luận về các vấn đề chính trị mà họ đối mặt. Chính vì điều này, vai trò của báo chí là không thể thiếu được.

Điều kỳ lạ là mặc dù ban đầu tờ Federalist, được công bố dưới dạng một loạt các bài tiểu luận báo chí, nhưng bản thân tờ báo lại hầu như chẳng nói gì về vai trò của báo chí. Thậm chí trong một chương dành để bác bỏ phản đối cho rằng Liên bang sẽ là quá rộng lớn đối với chính phủ cộng hòa, Madison đã nhấn mạnh tới các yếu tố địa lý như khả năng tập hợp các đại biểu tại thủ đô và chỉ ra những cải thiện sắp tới về giao thông vận tải hơn là thảo luận về vai trò của báo chí trong việc tạo điều kiện thông tin liên lạc thuận lợi giữa các vùng miền trong nước.

Một trong những tác phẩm đầu tiên chỉ ra mối liên kết rõ ràng giữa tự do báo chí với quy mô lớn của các quốc gia hiện đại, đó chính là cuốn “Các nguyên tắc chính trị có thể áp dụng cho tất cả chính phủ (Principles of Politics Applicable to All Governments) (1810)” của tác giả Benjamin Constant – một nhà tư tưởng chính trị lỗi lạc. Constant không hạn chế tranh luận của mình vào chỉ các chính phủ dân chủ hoặc thậm chí là các chính quyền tự do. Như ông đã nói: “Trong các chính thể quy mô lớn của thời kì hiện đại, tự do báo chí là phương tiện duy nhất đảm bảo tính công khai, và vì vậy dưới bất cứ loại chính phủ nào cũng là biện pháp đặc biệt để bảo vệ các quyền của chúng ta.” Ông lưu ý rằng trong thời La Mã cổ đại, nạn nhân của sự bất công có thể trình bày ở quảng trường công cộng về những oan trái mà anh ta gặp phải. Ông nói thêm, “Tuy nhiên trong thời đại của chúng ta, việc bành trướng các quốc gia lại là một trở ngại đối với hình thức phản kháng này. Những bất công nhỏ vẫn luôn ít được biết đến đối với hầu hết tất cả người dân trong những quốc gia rộng lớn.”10 Chỉ có sự tự do báo chí mới giúp con người nhận biết được những sự lạm dụng mà chính phủ của họ có thể gây ra.

Các đảng chính trị, truyền thông và xã hội công dân

Các hệ thống truyền thông ở Châu Âu và Hoa Kỳ

Sự phai nhạt của Mô hình Tự do

Chú thích

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Truyen thong va dan chu duoi goc nhin lich su.pdf

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]