#134 – Cách tiếp cận hệ thống và các lý thuyết

Nguồn: Kenneth N. Waltz (1979). “Systemic Approaches and Theories” (Chapter 3) in K. N. Waltz, Theory of International Politics (Reading, Mass.: Addison-Wesley Pub. Co.), pp. 38-59.

Biên dịch: Nguyễn Việt Vân Anh | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Theory of International Politics 

Những nghi ngờ về các lí thuyết giản lược không cho chúng ta biết kiểu lí thuyết hệ thống nào sẽ tốt hơn. Giải thích chính trị quốc tế bằng các thuật ngữ phi chính trị không yêu cầu phải giản lược chính trị quốc tế xuống tầm chính trị quốc gia. Chúng ta phải phân biệt một cách kĩ lưỡng việc giản lược từ cấp độ hệ thống xuống cấp độ đơn vị với việc giải thích các sự kiện chính trị, dù ở tầm quốc gia hay quốc tế, bằng cách đối chiếu với một hệ thống khác. Karl Marx đã cố giải thích chính trị giữa các quốc gia dựa trên [các nguyên nhân] kinh tế của các quốc gia này. Immanuel Wallerstein giải thích chính trị quốc gia và chính trị quốc tế dựa trên những tác động của “nền kinh tế tư bản toàn cầu” (Tháng 9 năm 1974). Có thể nhận thấy một điểm hữu ích, mặc dù đây là điều Wallerstein bác bỏ mạnh mẽ, đó là: nhiều hệ thống quốc gia và quốc tế cùng tồn tại và tác động lẫn nhau.

Hệ thống liên quốc gia không phải là hệ thống quốc tế duy nhất tồn tại.  Wallerstein đã cho thấy bằng nhiều cách thú vị khác nhau rằng hệ thống kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến chính trị quốc gia và quốc tế. Nhưng việc khẳng định kinh tế ảnh hưởng đến chính trị không có nghĩa là phủ nhận việc chính trị ảnh hưởng đến kinh tế và việc một số kết quả chính trị có nguồn gốc chính trị. Wallerstein cho rằng “trong thế kỉ 19 và 20, chỉ có một hệ thống thế giới duy nhất tồn tại, đó là nền kinh tế tư bản toàn cầu” (trang 390). Lập luận này nhầm lẫn giữa lí thuyết và thực tế, đồng nhất mô hình lí thuyết với thực tế, một sai lầm đã nêu trong Chương 1. Lí thuyết chính trị quốc tế chỉ được sử dụng chủ yếu để giải thích các sự kiện chính trị quốc tế. Đồng thời lí thuyết chính trị quốc tế cũng cho ta biết một số điều về chính sách đối ngoại, nền kinh tế của các quốc gia cùng những tương tác khác. Nhưng việc cho rằng một lí thuyết kinh tế quốc tế có thể cho chúng ta biết một điều gì đấy về chính trị và ngược lại không có nghĩa rằng lí thuyết này có thể thay thế cho lí thuyết khác. Cũng giống như việc mặc dù giúp chúng ta hiểu thêm về cơ thể sống, hoá học không thể thay thế sinh học.

Một lí thuyết hệ thống về chính trị quốc tế là cần thiết, nhưng liệu có thể xây dựng được không? Alan C. Isaak cho rằng khoa học chính trị không có một lí thuyết lẫn khái niệm mang tính lí thuyết nào (1969, trang 68). Những thảo luận ở trên có thể củng cố thêm lập luận này khi chỉ xem xét các lí thuyết kinh tế và xã hội – những lí thuyết hướng đến giải thích các kết quả chính trị mà không sử dụng các khái niệm và biến số chính trị. “Nếu có chủ nghĩa tư bản, ắt có chủ nghĩa đế quốc” là một khẳng định méo mó khi dùng qui luật kinh tế để giải thích chính trị, đây cũng là qui luật mà rất nhiều lí thuyết kinh tế về chủ nghĩa đế quốc tìm cách lý giải. Chúng ta có thể tìm được qui luật chính trị và lí thuyết chính trị để giải thích cho những điều trên không?  Những người đã nghiên cứu về lí thuyết hệ thống chính trị quốc tế gián tiếp khẳng định rằng điều này là có thể, vì một lí thuyết về chính trị quốc tế chỉ mang tính hệ thống khi và chỉ khi trong lập luận có những lí giải sự kiện chính trị ở mức độ chính trị quốc tế.

Chương này nghiên cứu các cách tiếp cận chính trị quốc tế mang cả hai yếu tố: chính trị và hệ thống. Cách tiếp cận hệ thống là gì? Một cách trả lời là so sánh cách tiếp cận phân tích với cách tiếp cận hệ thống. Phương pháp phân tích, rõ ràng là phương pháp chủ đạo của vật lí cổ điển và nhờ những thành công của nó mà ta thường nghĩ đây là phương pháp duy nhất của khoa học, yêu cầu phải tối giản những đặc tính của sự vật xuống tầm giản lược nhất để xem xét các tính chất và mối liên hệ giữa chúng. Cái toàn thể được hiểu rõ nhờ nghiên cứu các thành tố dưới trạng thái đơn giản nhất và quan sát mối quan hệ giữa các yếu tố này. Bằng cách thực hiện các thí nghiệm được kiểm soát, quan hệ giữa các cặp biến số được xem xét một cách riêng biệt. Sau khi xem xét những cặp biến số khác nhau, các kết quả được tổng hợp trong một phương trình mà trong đó các thành tố được thể hiện dưới dạng biến số trong một định luật thể hiện mối quan hệ nhân quả. Các thành tố kể trên, trong trạng thái tách biệt và được hiểu theo cách đơn giản nhất, được tổng hợp lại thành cái tổng thể, với thời gian và khối lượng là đại lượng vô hướng. Các mối quan hệ về khoảng cách và lực giữa các thành tố được tính tổng theo quy tắc cộng vector (xem Rapoport 1968, và Rapoport và Horvath 1959).

Đây chính là phương pháp phân tích. Phương pháp này có hiệu quả tuyệt vời khi mối quan hệ giữa nhiều yếu tố có thể được chia thành các quan hệ giữa các cặp biến số và “những điều kiện khác không đổi”, và khi ta có thể giả định các ảnh hưởng gây nhiễu không được xem xét trong các biến số là đủ nhỏ. Vì qui trình phân tích đơn giản hơn nên nó được yêu thích hơn so với phương pháp hệ thống. Nhưng phân tích không phải lúc nào cũng đầy đủ. Phương pháp này chỉ có hiệu quả khi những ảnh hưởng ở tầm hệ thống không có hoặc rất ít nên ta có thể bỏ qua được. Chỉ phương pháp phân tích là không đủ và ta cần phương pháp hệ thống nếu kết quả bị ảnh hưởng không chỉ bởi tính chất và mối quan hệ đan xen giữa các biến mà còn bởi cách thức chúng được sắp xếp.

Nếu cách tổ chức các thành tố ảnh hưởng đến hành động và mối quan hệ giữa chúng thì ta không thể phán đoán kết quả hay hiểu được chúng chỉ bằng cách biết được đặc điểm, mục tiêu và tương tác giữa các thành tố của hệ thống. Thất bại của các lí thuyết giản lược đề cập trong chương 2 cho chúng ta một số lí do để tin vào sự cần thiết của cách tiếp cận hệ thống. Khi sự tương đồng trong kết quả diễn ra bất chấp những thay đổi trong các thành tố vốn có vẻ tạo ra các kết quả này, ta có thể nghi ngờ rằng phương pháp tiếp cận phân tích sẽ thất bại. Có một điều gì đấy đóng vai trò như là một hạn chế áp đặt lên các thành tố hay xen vào giữa các thành tố và kết quả của hoạt động của chúng. Trong chính trị quốc tế, các lực lượng ở cấp hệ thống dường như đang tồn tại. Vì vậy chúng ta có thể thử nghiên cứu các hệ thống chính trị theo cách tương thích với lí thuyết hệ thống và điều khiển học.[1] Hệ thống được định nghĩa là tập hợp những phần tử tương tác với nhau. Ở một cấp độ, hệ thống bao gồm một cấu trúc, và cấu trúc là thành tố ở cấp độ hệ thống giúp cho ta nhận biết các phần tử đang thuộc một hệ thống chứ không phải đơn thuần là một tập hợp (không có mối liên kết nội tại – NBT).  Ở một cấp độ khác, hệ thống gồm các thành phần tương tác với nhau.

Mục đích của lí thuyết hệ thống là chỉ ra 2 cấp độ này vận động và tương tác như thế nào, vì vậy ta cần phải tách biệt chúng với nhau. Nếu một người đặt câu hỏi làm thế nào mà A và B tác động lẫn nhau thì ta chỉ có thế trả lời khi ta tách biệt rõ ràng A và B. Phương pháp tiếp cận hay lí thuyết nào, một khi đã mang “tính hệ thống” phải phân biệt được rõ ràng cấp độ hệ thống-cấu trúc và cấp độ tương tác giữa các phần tử. Nếu không làm được điều này, thì đó không phải là một lí thuyết hay cách tiếp cận hệ thống. Định nghĩa cấu trúc cần phải lược bỏ đi tính chất và mối tương quan giữa các phần tử. Chỉ bằng cách này ta mới có thể phân biệt được những thay đổi của cấu trúc với những thay đổi trong lòng cấu trúc.

Những gì lí thuyết hệ thống nghiên cứu thường bị các nhà phê bình hiểu lầm. Một số người cho rằng lí thuyết hệ thống chỉ xác định các điều kiện cân bằng, cách duy trì các điều kiện cân bằng này và chỉ nghiên cứu các hệ thống như là các tổng thể.  Những người khác cho rằng lí thuyết hệ thống nghiên cứu cách các hệ thống quy định hành vi và tương tác của phần tử, chỉ theo hướng từ trên xuống. Nếu chỉ vì nhiều nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào mục tiêu thứ nhất hay mục tiêu thứ hai, ta không nên hạn chế hoặc lên án lí thuyết hệ thống như vậy. Trong chính trị quốc tế, những vấn đề cần nghiên cứu thích đáng và những kết quả có thể đạt được của lí thuyết hệ thống gồm 2 lớp: thứ nhất, xem xét vận động của nhiều hệ thống quốc tế khác nhau, ví như tính bền vững và mức độ hoà bình của chúng; thứ hai là nghiên cứu cách cấu trúc  hệ thống tác động đến các đơn vị đang tương tác lẫn nhau, và ngược lại, cách các đơn vị này tác động ngược lại cấu trúc như thế nào.

Phương pháp tiếp cận hệ thống quan niệm hệ thống chính trị quốc tế như trong Biểu đồ 3.1. Để phát triển phương pháp tiếp cận hệ thống lên thành một lí thuyết, ta cần phải đi từ cách nhận diện mơ hồ về những lực lượng trong hệ thống và tác động của chúng sang sự mô tả chi tiết: những đơn vị trong hệ thống là gì, sức mạnh tương đối của những tác nhân hệ thống và dưới hệ thống, cách các lực lượng và tác động thay đổi từ hệ thống này sang hệ thống khác ra sao. Tôi sẽ xem xét công trình của 3 nhà nghiên cứu lí thuyết hệ thống nổi bật để xem những mục tiêu trên đã được thực hiện như thế nào.

I.

Đối với Richard Rosecrance, hệ thống chính trị quốc tế trông như trong Biểu đồ 3.2 (1963, trang 229). Khung lí thuyết của Rosecrance bao gồm 4 yếu tố: (1) nhân tố gây nhiễu hay đầu vào, (2) nhân tố điều chỉnh, (3) danh sách những hạn chế của môi trường chuyển đổi 2 yếu tố (1) và (2) sang yếu tố (4) là kết quả (1963, trang 220-21). Quốc gia là nhân tố gây nhiễu, nếu tầng lớp tinh hoa của một quốc gia mang tính cách mạng và đang kiểm soát  một cách thiếu an toàn những nguồn lực có sẵn thì quốc gia này là nguồn gây nhiễu lớn, và sẽ ngược lại nếu tầng lớp tinh hoa bảo thủ và đang an toàn kiểm soát các nguồn lực một cách hạn chế. Nhân tố kiểm soát xuất hiện trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau như là một thể chế, ví dụ như Hòa hợp châu Âu hoặc Hội Quốc Liên, hoặc như là một tiến trình không chính thức trong đó một vài quốc gia chống lại các hành động gây rối loạn của các quốc gia khác, có thể thông qua hình thức liên minh và chính sách cân bằng quyền lực. Môi trường bao gồm những chuỗi hạn chế vật lí ảnh hưởng đến chính sách: ví dụ nguồn cung thuộc địa trong giai đoạn đế quốc (1963, trang 224-30). Trong phương trình này, có hay không khái niệm về một điều gì đó ở tầm hệ thống ảnh hưởng đến hành vi của các quốc gia và kết quả tương tác giữa chúng? Câu trả lời là không. Rosecrance không phát triển một lí thuyết, ông chỉ vạch ra một khung lý thuyết. Bất cứ yếu tố nào có vẻ quan trọng nhất trong một giai đoạn lịch sử đều có trong khung lý thuyết này. Ngôn ngữ hệ thống được sử dụng sau đó để mô tả sự tương tác và kết quả.

Hơn nữa, cách Richard Rosecrance xây dựng khung lí thuyết của mình cũng quyết định trước kiểu kết luận mà ông sẽ đạt được. Ông tuyên bố một “phát hiện” mà ông tin rằng đi ngược lại những quan niệm uy tín lẫn quan niệm hiện thời: đó là, sự bất ổn nội tại trong tầng lớp tinh hoa có tương quan với bất ổn quốc tế (1963, trang 304-305). Mối tương quan này không thật sự cao. Theo Rosecrance, Napoleon và Hitler đều không lo ngại “sự đảo ngược hiến pháp trong nước” nhưng họ lại là những tác nhân gây biến động nhất trong giai đoạn 220 năm mà Rosecrance mô tả. Trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1960, khối trung lập, dù tầng lớp tinh hoa của khối này có nhiều bất ổn, vẫn đóng vai trò nhân tố điều chỉnh của hệ thống song song với Liên Hiệp Quốc (1963, trang 210-11). Tuy nhiên, dù mối tương quan này là nhiều hay ít thì Rosecrance cũng không thể đi đến kết luận nào khác ngoài việc hành vi của các nhân tố quyết định kết quả trên tầm quốc tế. Đối với các quốc gia, khung lý thuyết này quy định trước vai trò của chúng là “các tác nhân gây nhiễu”; nhưng quốc gia cũng phần lớn được xem nằm trong số các nhân tố điều chỉnh hệ thống. Do môi trường này hoàn toàn mang tính vật chất và vì không có yếu tố cấp độ hệ thống nào khác được nhận diện hay xem xét, các hệ thống quốc tế được quyết định chỉ dựa vào các đơn vị vốn được xem như chủ thể.[2]

Phần lớn thì các nhận định trên không phải để phê phán Rosecrance, mà là mô tả thành quả của ông. Ông vẽ ra các thành phần của hệ thống và sau đó xem xét “cách mà các thay đổi trong thành phần làm thay đổi hệ thống quốc tế”. Ông đặt thuật ngữ cho công trình của mình là “phân tích thực nghiệm hệ thống”. Công trình này vừa mang tính thực nghiệm vừa mang tính phân tích, nhưng không hề mang tính hệ thống ngoại trừ việc từ “hệ thống” được sử dụng chỉ để mô tả một phương pháp có trật tự được áp dụng. Nó không mang tính hệ thống theo bất kỳ một nghĩa nào khác, vì các thành tố tạo ra mọi sự thay đổi, và không một thành tố nào nằm ở tầm hệ thống. Theo ông, “những thay đổi hệ thống, sự ổn định và bất ổn không phụ thuộc lẫn nhau” (1963, trang 220, 232). Các hệ thống mà ông mô tả không có tác động lên các hành vi hoặc các tương tác giữa các quốc gia. Điều này càng rõ ràng hơn qua mô tả của ông về hệ thống quốc tế trong nhiều giai đoạn. Ví dụ như chính trị quốc tế từ 1789 đến 1814 và từ 1918 đến 1945 được gọi là “lưỡng cực”. Không một ai có thể, hoặc ít nhất là không ai nên tin rằng tính lưỡng cực là đặc điểm những thời kì này, nếu không thì làm sao giải thích được tại sao Napoleon vẫn rất thoải mái trước viễn cảnh phải một mình chống lại các liên minh. Chính trị của 2 thời kì trên phần lớn xoay quanh việc một phía cố gắng xây dựng và duy trì liên minh trong khi bên còn lại cố gắng ngăn chặn hoặc phá hoại các liên minh. Các liên minh cuối cùng cũng được thành lập khi chiến tranh xảy ra nhưng cũng không có được độ tin cậy vững chắc, nhất là trong thời kì 1789-1814. Những gì mà Rosecrance miêu tả là tình trạng lưỡng cực của những thời kỳ này không giải thích được tình hình chính trị tại thời điểm đó. Lưỡng cực là thuật ngữ được dùng để mô tả sự sắp xếp của các quốc gia vào thời điểm cuối cùng của các giai đoạn trên hơn là thuật ngữ mô tả cấu trúc chính trị quy định hành vi của quốc gia và ảnh hưởng lên các sự kiện quốc tế. Ở tầm hệ thống, chúng ta tìm thấy kết quả, ở cấp độ thấp hơn, ta tìm thấy nguyên nhân.

Cách tiếp cận của Rosecrance là cách tiếp cận giản lược, không phải hệ thống. Nhưng công trình của ông thể hiện một trong những ứng dụng của phương pháp tiếp cận hệ thống trong chính trị quốc tế, đó là: nguồn thuật ngữ và các loại hình tổ chức trong một vấn đề phức tạp. Sự phân loại hữu ích như thế nào? Các công trình lịch sử có ích không? Công trình của Rosecrance nên được đánh giá trên khía cạnh này hơn là với tư cách một lí thuyết hệ thống.

II.

Đặc biệt trong những tác phẩm đầu tiên, Stanley Hoffmann dường như có sự khác biệt lớn so với Rosecrance – cựu học trò của mình. Hoffman định nghĩa “hệ thống quốc tế” là “một mẫu hình các mối quan hệ giữa các đơn vị cơ bản trong chính trị quốc tế”. “Mẫu hình được quyết định bởi cấu trúc của thế giới”, bên cạnh những yếu tố khác (1961, trang 90). Điều này dường như hướng đến một lí thuyết hệ thống chứa đựng một cấu trúc được coi như có một yếu tố thực sự ở cấp độ hệ thống. Cấu trúc đó, không may rằng, do định nghĩa quá chung chung và mơ hồ nên không có ý nghĩa cụ thể. Đây không phải là do may rủi mà là kết quả hiển nhiên có được từ mục tiêu và những phương pháp của Hoffmann. Tôi giải thích điều này như sau:

Trước hết, theo cách nhìn của Hoffmann, “hệ thống quốc tế vừa là một mô hình phân tích vừa là một mệnh đề”. “Mô hình phân tích” hay “sản phẩm nhận thức” có nghĩa hệ thống là cách thức tổ chức rất nhiều các thông tin phức tạp. Hệ thống mang tính trừu tượng. Với tư cách là một “mệnh đề”, hệ thống là một sự khẳng định rằng “có những mẫu hình các mối liên hệ rõ ràng và biến số chính yếu có thể nhận thức được một cách khách quan. Hệ thống như vậy cũng là một thực tế, và đây quan điểm chủ đạo trong công trình của Hoffmann. Đoạn sau đây thể hiện rõ phương pháp và tham vọng của ông:

“Xã hội học lịch sử về chính trị quốc tế phải hướng đến nghiên cứu các hệ thống quốc tế trong lịch sử giống như là các nhà khoa học chính trị nghiên cứu những hệ thống chính trị nội địa có thực (phân biệt với trên lí thuyết).”

Sự tồn tại của các hệ thống trong nước là chắc chắn theo Hoffmann, sự tồn tại của hệ thống quốc tế mang tính “giả thuyết nhiều hơn”. Những người nghiên cứu chính trị quốc tế phải khổ công tiếp cận thực tế hơn, phải tìm ra mối quan hệ giữa các đơn vị “xuất hiện thường xuyên” và “đạt đến một độ tập trung nhất định”, các đơn vị có “chút ít nhận thức về sự tùy thuộc lẫn nhau của chúng”, và một cấu phần quốc tế cụ thể tách biệt rõ ràng với những vấn đề nội tại của các đơn vị (1961, trang 91-92, cf 1968, trang 11-12).

Những điểm trên cho thấy điều cốt lõi trong phương pháp của Hoffmann. Khi ông viết rằng “sự tồn tại” của  hệ thống chính trị trong nước là “chắc chắn”, ông đang vừa giả định rằng phương pháp tiếp cận hệ thống trong chính trị yêu cầu người nghiên cứu phải định nghĩa và mô tả hệ thống chính trị là “thực” vừa nêu lên một định nghĩa cụ thể về hệ thống. Điều mà Hoffmann cho rằng rõ ràng này thật ra lại phức tạp. Chúng ta không nên xem sự tồn tại của hệ thống chính trị trong nước là hiển nhiên. Chính phủ có tồn tại, nhưng ta hoàn toàn có thể xem các hệ thống chính trị đơn thuần chỉ là sản phẩm của nhận thức; (so sánh Manning 1962, Chương 3). Thật vậy, trừ khi có người nào làm điều đó, nếu không thì chẳng có lí do hay ý nghĩa gì khi xây dựng hệ thống như một khái niệm, một phương pháp tiếp cận hay có thể là một lí thuyết.

Hoffmann cũng chuyển đổi rất nhanh chóng từ việc coi hệ thống chính trị như là sản phẩm trí tuệ sang tìm kiếm nghiên cứu các hệ thống trong thực tế. Ông ít chú trọng đến xây dựng mô hình lý thuyết hệ thống đến nỗi ý nghĩa và khái niệm hệ thống được xây dựng vẫn còn mơ hồ. Nếu ta theo đuổi các hệ thống quốc tế có thực, thì phải theo con đường nào? Từ hiểu biết về các thành tố, ta có thể phác hoạ toàn cục. Chỉ những bộ phận riêng lẽ mới có thể được quan sát, theo dõi hoạt động và nắm bắt động lực của chúng. Vì thế, Hoffmann ca ngợi Raymond Aron vì đã “bác bỏ những ngành khoa học giải thích các hành vi của đối tượng nghiên cứu khác hoặc trái ngược với mục tiêu của đối tượng này”. Hoffmann bổ sung thêm “ta phải bắt đầu với các chủ thể và dạng hành vi điển hình” (1963a, trang 25). Hoffmann mô tả bản thân mình là người kế thừa Montesquieu, Tocqueville và Aron (1964, trang 1269). Phương pháp của ông vì vậy là phương pháp xã hội học lịch sử và cách tiếp cận quy nạp.

Những nhận định trên cho ta hiểu cách Hoffmann nghĩ thế nào là hệ thống và lí do tại sao ông nghĩ như vậy. Điều này cũng giải thích tại sao cách tiếp cận của Hoffmann thất bại. Đối với phương pháp tiếp cận hệ thống, ta phải chỉ ra được thay đổi nào là điều bình thường trong hoạt động của hệ thống và thay đổi nào đánh dấu sự chuyển đổi từ một hệ thống này sang một hệ thống khác. Hoffmann chỉ có thể phân biệt một cách đại khái hai loại thay đổi này do ông đã lẫn lộn các thành phần ở tầm đơn vị và tầm hệ thống trong định nghĩa cấu trúc của mình. Sự nhầm lẫn các yếu tố này là không tránh khỏi khi ta không thể, bằng sự suy luận quy nạp, mô tả hệ thống và những đặc điểm tách biệt giữa thay đổi trong hệ thống với thay đổi hệ thống. Vì cả tập hợp các thành tố và các tương tác giữa chúng đều hệ thống, ta không thể có một lí thuyết hay một logic nào tách biệt thay đổi trong và thay đổi giữa các hệ thống.

Làm cách nào Hoffmann phân biệt hệ thống này với hệ thống khác? Ông tin rằng nhờ vào so sánh lịch sử các thay đổi quan trọng sẽ lộ rõ và người ta có thể nói mỗi một thay đổi quan trọng đều là thay đổi của cả hệ thống. Những thay đổi lớn bên trong hệ thống theo ông chính là thay đổi của cả hệ thống. Các ví dụ kinh tế có thể dễ dàng cho thấy điều này không đúng. Nếu các nhà kinh tế học nhầm lẫn các thay đổi đơn vị với thay đổi hệ thống, thì họ sẽ đi đến kết luận rằng một nền kinh tế cạnh tranh, hoặc một bộ phận kinh tế độc quyền sẽ thay đổi bản chất khi có một đột phá khoa học kĩ thuật hay một cuộc cách mạng về quản lý doanh nghiệp bùng nổ. Các lí thuyết  kinh tế cạnh tranh hay độc quyền có thể được hoàn thiện hoặc thay thế bởi các lí thuyết tiến bộ hơn nhưng khả năng ứng dụng của các lí thuyết này không thể bị hoài nghi khi có một thay đổi kĩ thuật hoặc thay đổi trong các công ty. Việc xem thay đổi trong lòng hệ thống là thay đổi từ hệ thống này sang hệ thống kia khiến ta không thể nào phát triển khái niệm hệ thống lên thành một lí thuyết có khả năng giải thích. Thế mà Hoffmann trong các tác phẩm về chính trị quốc tế lại đi theo cách này. Ông cho rằng có một hệ thống mới xuất hiện mỗi lần “các đơn vị có tiềm năng xung đột” thay đổi trạng thái, mỗi lần “có một tiến bộ vượt bậc về công nghệ xung đột [công nghệ chiến tranh]” và mỗi lần “tập hợp các mục tiêu của đơn vị” thu nhỏ hay mở rộng (1961, trang 92-3). Số lượng hệ thống sẽ sinh sôi nảy nở nếu ta chấp nhận định nghĩa trên của Hoffmann. Quan điểm của Hoffmann trên thực tế sẽ không hữu ích vì mức độ phức tạp khi áp dụng. Tính chung chung trong định nghĩa của Hoffmann cho phép ta có thể khẳng định có một hệ thống mới bất cứ khi nào ta muốn. “Hệ thống” cộng theo một tính từ nào đấy đứng trước ví dụ như cách mạng, ổn định, tương đối, lưỡng cực, đa cực, vân vân có thể trở thành cái tên gán cho bất kỳ một thời kì nào nếu được tưởng tượng và mô tả đủ kĩ càng. Lúc đó thì “hệ thống” không giải thích bất kì điều gì mà chỉ là sự mô tả dông dài về tất cả những tiêu chuẩn của hệ thống, và hệ thống mới được cho là xuất hiện mỗi khi có lí do thay đổi bất kỳ khía cạnh quan trọng nào của hệ thống. Các hệ thống cứ thế mà nhân lên cho đến lúc mà nhiều hệ thống chính trị khác nhau được xem là cùng tồn tại trong cùng thời điểm và cùng không gian (Hoffmann 1968, trang 356-57, so sánh Rosecrance 1966 trang 320-25). Khi mà có một hiện tượng cần một cách giải thích khác đi, thì sẽ có mộthệ thống được dựng lên để giải thích hiện tượng đó. Nếu như vậy thì các hệ thống chỉ đơn thuần là nhằm phản ánh các biến thể được quan sát và mô tả mà thôi.

Dần dần Hoffmann tìm cách “nhét” tất cả mọi thứ vào cấu trúc. Trong bài “International Systems and International Law” (Các hệ thống quốc tế và luật pháp quốc tế), nội tình quốc gia và công nghệ vũ khí mỗi nước không được xem là các thành tố cấu trúc (1961). Trong cuốn Gulliver’s Troubles (Các rắc rối của Gulliver) thì các yếu tố trên trở thành một phần của cấu trúc (trang 17, 33). Mỗi một sự kiện lại có một nguyên nhân mang tính cấu trúc được “phát minh” để giải thích nó, và quá trình này được thực hiện một cách cực kì tối giản. Vì đặc điểm và hành vi của các thành tố được cho là có yếu tố cấu trúc, những nguyên nhân tầm hệ thống và tầm đơn vị bị nhầm lẫn với nhau, và thường là nguyên nhân từ đơn vị chiếm ưu thế. Mặc dù Hoffmann không đến mức cực đoan như Rosecrance, nhưng lý thuyết của ông cũng gần như vậy. Hoffmann định nghĩa cấu trúc một phần dựa vào sắp xếp của các đơn vị (mô hình quyền lực) và một phần dựa vào đặc điểm của các đơn vị (tính đồng nhất và không đồng nhất của quốc gia). Các đặc điểm cụ thể của quốc gia – tham vọng của người cầm quyền, các biện pháp mà họ sử dụng, mức độ thống nhất của quốc gia, đặc tính của các thể chế chính trị – đều là thành tố trong định nghĩa của Hoffmann về cấu trúc (1961, trang 94-95; 1968, trang 17-18), Trên thực tế, cách giải thích của ông về chính sách quốc gia và sự kiện quốc tế dựa hầu như chủ yếu vào yếu tố quốc gia và các chính trị gia.

Kết quả là Hoffmann định nghĩa “cấu trúc” là một tập hợp các yếu tố được cho là, bằng một cách nào đó, có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách đối ngoại và kết quả tương tác giữa các quốc gia. Bằng cách ấy ông tạo ra một sự mập mờ giữa các nguyên nhân với nhau và giữa nguyên nhân với kết quả. Việc xếp mô hình phân bổ quyền lực và tính đồng nhất hoặc không đồng nhất của quốc gia trong cùng một định nghĩa cấu trúc cũng giống như việc kết hợp các yếu tố ở nhiều  cấp độ trừu tượng hóa khác nhau. “Phân bổ quyền lực” là một khái niệm trừu tượng hóa cao độ, trong đó các đặc tính của quốc gia, ngoại trừ sức mạnh quốc gia, bị đặt sang một bên. Việc gộp các đặc tính đồng nhất và không đồng nhất của quốc gia vào yếu tố cấu trúc làm định nghĩa mang thêm nhiều thông số và do đó làm giảm tính khái quát của nó. Việc này yêu cầu chúng ta phải không chỉ đặt câu hỏi quốc gia có khả năng làm gì mà còn quốc gia tổ chức chính trị như thế nào, hệ tư tưởng và tham vọng quốc gia có thể là gì. Hệ thống như vậy mang cả những yếu tố ở tầm đơn vị vốn có thể bị ảnh hưởng bởi các đặc trưng cấu trúc ở tầm hệ thống.

Kết quả của việc tổng hợp nhiều cấp độ trong cùng một định nghĩa cấu trúc là ta không thể trả lời các câu hỏi như: Bằng cách nào cấu trúc được định nghĩa như là sự phân bổ quyền lực tác động lên đặc điểm của các quốc gia: mục tiêu, phương tiện và thậm chí cách thức tổ chức bên trong của quốc gia đó? Và ngược lại, các cấu trúc quốc tế khác nhau nhạy cảm như thế nào đối với các thay đổi từ trong thiết chế và hành vi của các quốc gia riêng rẽ? Phương pháp của Hoffmann chỉ cho phép ông mô tả hệ thống quốc tế, hay đúng hơn là mô tả các ấn tượng của ông về hệ thống. Phương pháp này không cho phép ông giải thích những gì đang xảy ra với hệ thống và trong lòng hệ thống. Vậy mà Hoffmann lại khẳng định làm được điều này. Ông phân biệt, ví dụ,  một hệ thống “kiềm chế” với hệ thống “cách mạng”. Hệ thống kiềm chế là hệ thống quyền lực đa cực và đồng nhất về mục tiêu và phương tiện của các quốc gia. Hệ thống cách mạng là hệ thống quyền lực lưỡng cực và chất lượng của các quốc gia không đồng nhất (1968, trang 12-14; 1965 trang 89-100). Nếu như các yếu tố nguyên nhân được xem xét kĩ lưỡng thì chúng rất có ích. Chúng có ích khi chúng liệt kê một loạt những dự đoán phù hợp với định mệnh lịch sử mà các hệ thống quốc tế khác nhau trải qua. Thế nên thật mệt mỏi khi người ta kết luận rằng “hệ thống hiện tại là tương đối tiết chế” và rằng “sự ổn định đã được xác lập bất chấp sự tồn tại rõ ràng của các mục tiêu mang tính cách mạng của quốc gia và của hệ thống lưỡng cực” (1968, trang 20, 33)[3].

Kết luận này cho ta thấy rõ ràng cấu trúc của Hoffmann như là một khái niệm cấp hệ thống không giải thích gì nhiều và không cho chúng ta biết được kết quả diễn biến quốc tế sẽ có vẻ như thế nào. Bản thân của Hoffmann cũng ít khi nghĩ rằng cấu trúc lưỡng cực hay đa cực ảnh hưởng đến hành vi các quốc gia. Ông không thể theo đuổi lối lập luận này lâu dài hay bền bỉ vì những lí do được nêu trong nhận định của ông về các hệ thống quốc tế trước đây: “Việc hệ thống có kiềm chế hay không có thể được xác định bằng việc xem xét mục tiêu của các đơn vị lớn.” (1968, trang 33). Thật ra mà nói Hoffmann thỉnh thoảng cũng có thừa nhận ảnh hưởng của hệ thống, nhưng những ảnh hưởng này dễ dàng bị ảnh hưởng của công nghệ vũ khí hay tham vọng của những người lãnh đạo vượt qua. Hệ thống của Hoffmann được thiết lập sao cho ông có thể chọn bất kỳ thành tố cấu trúc nào (đa số lại thuộc tầm tiểu hệ thống) để chứng minh rằng trong trường hợp này, thành tố đó quyết định kết quả. Như vậy điều quan trọng nhất chỉ là cách gọi “hệ thống” của Hoffmann, vì những tác động của hệ thống đã bị định đoạt một cách chủ quan và độc đoán.

Hoffmann liên tục cho mình là học trò của Aron, những tham vọng về lí thuyết của họ giống nhau: cả hai đều nghiêng về những cách giải thích “từ trong ra ngoài”. Theo như lời của Aron, “các đơn vị chính [các quốc gia]  quyết định hệ thống nhiều hơn là bị hệ thống xác định” (1966, trang 95). Theo Hoffmann cũng như Aron, kết quả bị ảnh hưởng bởi các đơn vị nhiều hơn từ hệ thống. Có thể họ đúng. Tuy nhiên, ta cũng có thể đặt ra câu hỏi cơ bản cần phải tìm hiểu là ảnh hưởng của đơn vị và hệ thống có mạnh yếu khác nhau từ hệ thống này qua hệ thống khác không. Aron và Hoffmann đãtrả lời câu hỏi này một cách áp đặt. Chỉ bằng cách này họ mới có thể nhấn mạnh rằng các lí thuyết gia có thể bảo vệ sự tương thích do họ đề ra giữa đặc tính của đơn vị và mẫu hình hành vi của chúng.

Cam kết của Hoffmann với cách giải thích “từ trong ra ngoài” mạnh đến nỗi ông cho mình là hiện thân của Rousseau. Rousseau là một trong những người đầu tiên của giới học giả chính trị nhấn mạnh việc ta không thể đoán được kết quả từ quan sát đơn thuần các đặc tính và hành vi của các đơn vị tham gia. Hoàn cảnh của hành vi phải được xem xét dù ta đang xét đến con người hay quốc gia, do hoàn cảnh luôn ảnh hưởng đến đặc điểm, mục tiêu và hành vi lẫn kết quả. Tuy vậy, Hoffmann tin rằng “cách giải quyết vấn đề chiến tranh và hoà bình” của Rousseau là thiết lập “các quốc gia lí tưởng trên toàn cầu, và hoà bình sẽ được xác lập – mà không cần phải có một tổ chức liên minh toàn cầu theo kiểu Kant” (1963b, trang 25). Tuy nhiên, điều thú vị là chính Rousseau lại bác bỏ niềm tin này và gần như cười nhạo nó.[4] Ta có thể tìm thấy dẫn chứng để ủng hộ gần như bất kỳ lập luận nào của một tác giả nếu như họ viết đủ dài và chi tiết về một vấn đề phức tập nào đấy. Khi Rousseau cho rằng hi vọng hoà bình có thể đạt được khi các quốc gia có mức độ tự chủ cao và ít có liên hệ với nhau, Hoffmann gán cho Rosseau cái quan điểm rằng những giá trị nội hàm của các quốc gia trên, sự tốt đẹp của chúng chẳng hạn, sẽ dẫn đến hoà bình giữa các quốc gia. Thật ra, Rosseau chỉ đưa ra một cách giải thích mang tính hoàn cảnh:  các quốc gia ít xung đột hơn nếu như có ít liên hệ với nhau. Cách hiểu của Hoffmann tương đồng với khuynh hướng lí thuyết của ông, tuy nhiên sự thiên vị này lại khiến ông gán cho Rousseau các kết luận về chính trị quốc tế vốn có thể lật đổ toàn bộ tư tưởng chính trị của mình.

III.

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Cach tiep can he thong va ly thuyet.pdf

 


[1] Tôi nhận thấy những công trình về lí thuyết hệ thống và điều khiển sau rất hữu dụng: Angual (1939), Bertalanffy (1968), Buckley (1968), Nadel (1957), Smith (1956 vaw 1966), Watzlawick (1967), Wiener (1961).

[2] Trong cuốn sách sau này (1973), Rosecrance dựa vào nhận thức thông thường hơn là đưa ra các đổi mới về lí thuyết. Vì vậy tôi không bàn về quyển sách này, nhưng tôi cũng nên nói rằng ông ấy có sửa đổi một số kết luận trước kia của mình.

[3] Một câu trả lời hiển nhiên nhưng không giúp ích gì là việc nói rằng vũ khí nguyên tử làm cho thế giới hai cực kiềm chế hơn, và Hoffmann thỉnh thoảng khẳng định điều này. Nhưng câu trả lời này lại mở ra thắc mắc hoặc cho thấy phương pháp tiếp cận hệ thống đã không được sử dụng, vì ngay lập tức ta thắc mắc rằng vũ khí nguyên tử sẽ ảnh hưởng khác nhau như thế nào trong các hệ thống khác nhau.

[4] Một khẳng định tiêu biểu trích từ công trình của Rousseau là “Do đó không phải là không thể nếu một nền cộng hoà, dẫu được cai trị tốt, có thể tham gia vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa.” (1762, trang 290-91; cf Waltz 1959, trang 145-86).