#54 – Sự va chạm giữa các nền văn minh?

Print Friendly, PDF & Email

Islamophobia-293x300

Nguồn: Samuel P. Huntington (1993). “The Clash of Civilizations?” Foreign Affairs, No. 72 (Summer), pp. 22-49.>>PDF

Biên dịch: Lưu Ngọc Trâm | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Hình thái tiếp theo của xung đột

Chính trị thế giới đang bước vào một giai đoạn mới, và các nhà trí thức đã không hề ngần ngại đưa ra vô số quan điểm về hình hài của nó – sự cáo chung của lịch sử, sự trở lại của mối thâm thù giữa các quốc gia – dân tộc, và sự suy tàn của các quốc gia – dân tộc dưới sức ép của chủ nghĩa bộ lạc, chủ nghĩa toàn cầu và các chủ nghĩa khác. Mỗi quan điểm đều nắm bắt một khía cạnh nào đó của hiện thực đang hình thành. Tuy nhiên tất cả đều không nắm bắt được một khía cạnh quan trọng, thực tế là trung tâm, của hình hài khả dĩ của chính trị thế giới trong những năm sắp tới.

Theo giả thiết cá nhân tôi, nguồn chính của xung đột trong thế giới mới sẽ không chỉ tập trung vào vấn đề hệ tư tưởng hay kinh tế. Thay vào đó khác biệt văn hóa sẽ là yếu tố chính gây nên sự chia rẽ loài người và là nguồn chính của xung đột. Quốc gia dân tộc vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò là chủ thể trung tâm của quan hệ quốc tế, tuy nhiên xung đột trong thế giới chính trị chủ yếu sẽ diễn ra giữa các quốc gia và các nhóm thuộc những nền văn minh khác nhau. Sự xung đột giữa các nền văn minh sẽ chi phối chính trị thế giới. Và như vậy đường phân cách các nền văn minh sẽ trở thành các đường chiến tuyến trong tương lai.

Xung đột giữa các nền văn minh sẽ là bước phát triển mới nhất trong sự tiến hóa của xung đột trong thế giới hiện đại. Một thế kỷ rưỡi sau Hòa ước Westphalia cùng sự xuất hiện của hệ thống quốc tế hiện đại, các cuộc xung đột của thế giới phương Tây chủ yếu diễn ra giữa các đấng quân vương – các hoàng đế, các vị vua của chế độ quân chủ chuyên chế hay quân chủ lập hiến cố gắng mở rộng hệ thống nhà nước, quân đội, sức mạnh kinh tế theo tư tưởng trọng thương, và quan trọng nhất là mở rộng lãnh thổ cai trị. Tuy nhiên trong quá trình hình thành các quốc gia dân tộc, và bắt đầu từ cuộc Cách mạng Pháp, chiến tuyến chính của xung đột là giữa các quốc gia hơn là giữa các bậc quân vương. Năm 1793, R. R. Palmer nhận xét “Thời kỳ chiến tranh giữa các vị vua đã qua, thời kỳ chiến tranh giữa các dân tộc đã bắt đầu.” Mẫu hình xung đột của thế kỷ 19 kéo dài đến hết Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Sau đó, từ kết quả của Cách mạng Nga và các phản ứng chống lại cuộc cách mạng này, xung đột giữa các quốc gia đã nhường đường cho sự xung đột giữa các hệ tư tưởng, đầu tiên là giữa chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa dân chủ tự do, và sau đó là giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân chủ tự do. Suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, xung đột ý thức hệ này biểu hiện qua sự đối đầu giữa hai siêu cường là Mỹ và Liên Xô, cả hai nước này đều không phải là các quốc gia dân tộc theo nghĩa châu Âu cổ điển và mỗi quốc gia đều xác định bản sắc của mình trên phương diện hệ tư tưởng.

Xung đột giữa các bậc quân vương, giữa các quốc gia dân tộc và giữa các hệ tư tưởng cơ bản là những xung đột của nền văn minh phương Tây, hay “nội chiến giữa các nước phương Tây” theo như cách gọi của William Lind. Sự phân loại này là đúng nếu xét đến cuộc Chiến tranh Lạnh, hai cuộc chiến tranh thế giới và các cuộc chiến tranh trước đó trong thế kỷ mười bảy, mười tám và mười chín. Với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, chính trị thế giới bước ra khỏi giai đoạn chi phối bởi phương Tây, và trung tâm của nó giờ đây là sự tương tác giữa các nền văn minh phương Tây với ngoài phương Tây hay giữa các nền văn minh ngoài phương Tây với nhau. Trong quan hệ chính trị giữa các nền văn minh, các dân tộc và chính phủ của các nền văn minh ngoài phương Tây không còn đóng vai trò chủ thể lịch sử là mục tiêu của chủ nghĩa thực dân phương Tây nữa mà đã cùng với phương Tây trở thành đối tượng thúc đẩy và định hình lịch sử.

Bản chất của các nền văn minh

Suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thế giới bị phân chia thành các nước thế giới thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Sự phân chia này giờ đây không còn phù hợp nữa. Giờ đây cách phân chia ý nghĩa hơn nhiều là phân loại các nước theo nền văn hóa và văn minh của họ chứ không phải theo hệ thống chính trị, kinh tế, hay theo trình độ phát triển kinh tế như trước kia.

Khái niệm nền văn minh nghĩa là gì? Một nền văn minh là một thực thể văn hóa. Các thôn làng, các vùng, các nhóm sắc tộc, các dân tộc, các nhóm tôn giáo, tất cả đều có những nền văn hóa riêng biệt với các cấp độ đồng nhất văn hóa khác nhau. Văn hóa của một ngôi làng miền Nam nước Ý sẽ có sự khác biệt với văn hóa một ngôi làng ở miền Bắc, nhưng cả hai đều chia sẻ nét văn hóa chung của nước Ý, phân biệt chúng với những ngôi làng ở nước Đức. Cũng như vậy, các cộng đồng châu Âu chia sẻ những đặc điểm văn hóa chung phân biệt họ với các cộng đồng người Ả Rập hay người Hoa. Tuy nhiên, các cộng đồng người Ả Rập, người Hoa hay các cộng đồng châu Âu không nằm trong một thực thể văn hóa lớn hơn nào khác. Họ cấu thành nên các nền văn minh. Như vậy một nền văn minh là nhóm văn hóa cao nhất của con người và là cấp độ rộng nhất của bản sắc văn hóa mà con người có được để phân biệt với các loài khác. Các yếu tố của một nền văn minh bao gồm các yếu tố khách quan chung như ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo, phong tục, các thể chế, và các yếu tố chủ quan để con người tự nhận dạng lẫn nhau. Con người có nhiều cấp độ bản sắc khác nhau: một công dân La Mã có thể tự xác định mình theo nhiều cấp độ như là một người La Mã, một công dân Ý, một người theo Công giáo, một tín đồ Cơ đốc giáo, một công dân châu Âu hay một người phương Tây. Trong đó nền văn minh là cấp độ bản sắc rộng nhất mà anh ta có thể dùng để tự nhận dạng. Con người hoàn toàn có thể và thực sự đã từng tái định nghĩa bản sắc của mình và do đó dẫn tới sự thay đổi trong thành phần và ranh giới của các nền văn minh.

Một nền văn minh có thể bao gồm một cộng đồng lớn người dân, ví dụ như Trung Hoa (“một nền văn minh vờ làm một quốc gia” như cách nói của Lucian Pye), hay cũng có thể chỉ bao gồm một số rất ít người như cộng đồng những người nói tiếng Anh ở vùng Caribbê. Một nền văn minh có thể gồm nhiều quốc gia dân tộc như nền văn minh của các nước phương Tây, các nước Mỹ Latinh hay các nước Ả Rập; cũng có thể chỉ gồm một quốc gia như trường hợp nền văn minh Nhật Bản. Giữa các nền văn minh sẽ có sự pha trộn và chồng lấn nhau, và có thể bao gồm cả các nền văn minh nhỏ hơn. Ví dụ như văn minh phương Tây có hai biến thể chính là văn minh châu Âu và văn minh Bắc Mỹ, hay như cộng đồng Hồi giáo có thể chia nhỏ thành văn minh Ả Rập, văn minh người Thổ hay cộng đồng các nước nói tiếng Malay. Tuy nhiên, các nền văn minh là các thực thể có ý nghĩa, và dù ranh giới giữa chúng rất mong manh, các ranh giới đó là có thật. Các nền văn minh cũng luôn vận động, chúng hưng thịnh rồi suy vong, chia tách rồi hợp nhất. Và như những người nghiên cứu lịch sử đều biết thì các nền văn minh còn biến mất và bị chôn vùi dưới rêu phong thời gian.

Người phương Tây có xu hướng quan niệm rằng các quốc gia dân tộc là chủ thể chính của các vấn đề toàn cầu. Các quốc gia dân tộc đã đóng vai trò đó, nhưng chỉ trong vài thế kỷ. Phạm vi rộng lớn nhất của lịch sử loài người chính là lịch sử của các nền văn minh. Trong cuốn Một nghiên cứu về lịch sử [A Study of History], Arnold Toynbee đã chỉ ra 21 nền văn minh chính, nhưng chỉ 6 trong số đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Lý do các nền văn minh sẽ xung đột lẫn nhau

Bản sắc của nền văn minh đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tương lai khi thế giới sẽ được định hình phần lớn bởi sự tương tác giữa bảy hay tám nền văn minh chính, bao gồm văn minh phương Tây, văn minh Nho giáo, văn minh Nhật Bản, văn minh Hồi giáo, văn minh Ấn giáo, văn minh của người Slavơ –Chính thống giáo, văn minh Mỹ Latinh và cũng có thể sẽ gồm cả nền văn minh châu Phi. Xung đột quan trọng nhất trong tương lai sẽ diễn ra dọc theo đường chia cắt giữa các nền văn minh này.

Tại sao lại như vậy?

Thứ nhất, sự khác biệt giữa các nền văn minh không chỉ là có thật mà còn rất căn bản. Các nền văn minh phân biệt với nhau chủ yếu qua tôn giáo, ngoài ra còn qua các yếu tố khác như lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống. Người dân ở các nền văn minh khác nhau có sẽ những quan điểm riêng biệt về quan hệ giữa con người với Đấng tối cao, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa công dân với quốc gia, cha mẹ với con cái, quan hệ chồng vợ cũng như sự khác biệt quan điểm về tầm quan trọng của quyền lợi so với nghĩa vụ, sự tự do so với quyền hạn nhà nước, hay quan điểm về sự bình đẳng và phân chia thứ bậc. Những sự khác biệt này được hình thành từ hàng thế kỷ nay, do đó không thể dễ dàng biến mất. Những khác biệt này mang tính nền tảng hơn so với sự khác biệt giữa các ý thức hệ chính trị hay chế độ chính trị. Cho dù khác biệt không có nghĩa là xung đột và xung đột cũng không có nghĩa là bạo lực thì hàng thế kỷ qua, khác biệt giữa các nền văn minh đã tạo ra các cuộc xung đột kéo dài nhất và bạo lực nhất.

Thứ hai, thế giới đang dần thu hẹp lại. Sự tương tác giữa cư dân thuộc các nền văn minh khác nhau đang ngày càng tăng lên, kèm theo đó là sự gia tăng ý thức về nền văn minh cũng như nhận thức về sự khác biệt và tương đồng giữa các nền văn minh với nhau. Thái độ thù địch là phản ứng của người Pháp khi những người Bắc Phi di cư đến nước này, trong khi đó những người nhập cư Ba Lan Công giáo châu Âu “lương thiện” lại ngày càng được chào đón. Người Mỹ phản ứng tiêu cực hơn nhiều với những nguồn đầu tư từ Nhật Bản so với các nguồn đầu tư lớn hơn từ Canada hay các nước châu Âu. Tương tự như vậy, như Donald Horowitz đã chỉ ra, “đối với những người dân vùng Đông Nigeria, một người Ibo có thể là người Ibo Owerri hay người Ibo Onitsha. Ở Lagos, người đó đơn giản là người Ibo. Ở London, anh ta là một người Nigeria. Còn ở New York, người ta chỉ biết đó là một người châu Phi.” Tương tác giữa cư dân thuộc các nền văn minh khác nhau làm gia tăng ý thức về nền văn minh của họ, điều đến lượt nó sẽ tăng cường sự khác biệt và sự thù địch đã có, hoặc được cho là đã có, từ sâu xa trong lịch sử.

Thứ ba, quá trình hiện đại hóa nền kinh tế và thay đổi trong xã hội trên phạm vi toàn cầu sẽ đưa con người rời xa khỏi các bản sắc bản địa lâu đời. Chúng cũng sẽ làm suy yếu các quốc gia dân tộc trong vai trò là một nguồn tạo nên bản sắc. Thay vào đó các hệ thống tôn giáo lớn trên thế giới sẽ nắm giữ vai trò này, thường là dưới dạng các phong trào được gọi là “trào lưu chính thống”. Những phong trào nào có thể được tìm thấy ở Kitô giáo Tây phương, Do Thái giáo, Phật giáo, Ấn giáo, cũng như Hồi giáo. Ở hầu hết các nước hay tôn giáo, những người tích cực đi theo các phong trào chính thống này chủ yếu là những chuyên gia kỹ thuật, những người có trình độ chuyên môn, hay các doanh nhân thuộc tầng lớp trung lưu, học cao và còn trẻ. George Weigel nhấn mạnh “sự phi thế tục hóa thế giới đang là một xu hướng xã hội chủ đạo vào cuối thế kỷ hai mươi.” Sự hồi sinh của tôn giáo mà Gilles Kepel gọi là “sự trả thù của Chúa” (la revanche de Dieu) đã tạo nên cơ sở của bản sắc cũng như sự cam kết vượt khỏi biên giới quốc gia để kết nối các nền văn minh với nhau.

Thứ tư, phương Tây đóng vai trò kép trong việc cải thiện ý thức về nền văn minh. Một mặt, nền văn minh phương Tây đang ở đỉnh cao của quyền lực. Mặt khác, điều này dẫn đến hiện tượng các nền văn minh phi phương Tây đang tìm cách quay lại các giá trị gốc rễ. Chúng ta ngày càng nghe nhiều hơn về xu hướng hướng nội và xu hướng “Á hóa” của Nhật, sự kết thúc của di sản Nehru và xu hướng “Hindu hóa” của Ấn Độ, sự thất bại của các ý tưởng về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc của phương Tây, từ đó dẫn đến xu hướng “tái Hồi giáo hóa” của vùng Trung Đông, hay cuộc tranh luận về xu hướng “phương Tây hóa” so với “Nga hóa” ở đất nước của Boris Yeltsin. Một phương Tây đang ở đỉnh cao quyền lực đang đối mặt với một thế giới ngoài phương Tây ngày càng có mong muốn, ý chí và các nguồn lực để định hình thế giới theo các cách thức phi phương Tây.

Trong quá khứ, giới tinh hoa của các xã hội phi phương Tây thường là những người có quan hệ mật thiết với phương Tây, được giáo dục tại những ngôi trường như Oxford, Sorbonne hay Sandhurst, hấp thu các quan niệm và giá trị phương Tây. Trong khi đó, dân chúng ở các nước phi phương Tây thường lại thấm nhuần văn hóa bản địa. Tuy nhiên, các mối quan hệ này lại bị đảo ngược. Một quá trình phi phương Tây và bản địa hóa của giới tinh hoa đang diễn ra ở nhiều quốc gia ngoài phương Tây cùng lúc với việc các giá trị văn hóa, phong cách và thói quen của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, lại ngày càng trở nên phổ biến với những người dân thường.

Thứ năm, các đặc trưng và khác biệt về văn hóa khó biến đổi, vì vậy việc thỏa hiệp hay giải quyết khó hơn so với các khác biệt về chính trị hay kinh tế. Như ở Liên Xô cũ, những người cộng sản có thể trở thành những người dân chủ, người giàu có thể thành người nghèo và người nghèo có thể giàu lên, nhưng người Nga không thể trở thành người Estonia, cũng như người Azerbaijan không thể trở thành người Armenia. Trong các xung đột về giai cấp và tư tưởng, câu hỏi mấu chốt là “Bạn thuộc phe nào?” và người ta có thể và thực sự đã chọn phe và cả đổi phe. Trong các cuộc xung đột giữa các nền văn minh, câu hỏi đặt ra là “Anh là ai?” Đó là một bản sắc mặc định không thể thay đổi? Như ta đã biết, từ Bosnia, tới khu vực Capcadơ và tới Sudan, trả lời sai câu hỏi trên có thể khiến một viên đạn găm vào đầu người đáp. Hơn cả khía cạnh sắc tộc, tôn giáo phân định con người một cách rõ ràng và riêng biệt. Một người có thể mang hai dòng máu Pháp và Ả Rập và đồng thời là công dân của hai nước nhưng lại khó hơn nhiều để vừa là người Công giáo vừa là người Hồi giáo.

Cuối cùng, chủ nghĩa khu vực về kinh tế đang phát triển. Tỉ trọng của thương mại liên khu vực trong tổng thương mại giai đoạn 1980 – 1989 tăng từ 51% lên 59% ở châu Âu, từ 33% lên 37% ở Đông Á, và từ 32% lên 36% ở Bắc Mỹ. Tầm quan trọng của các khối kinh tế khu vực sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Một mặt, sự thành công của chủ nghĩa khu vực kinh tế sẽ củng cố ý thức về bản sắc văn minh. Mặt khác, chủ nghĩa khu vực kinh tế chỉ có thể thành công khi xuất phát điểm của nó là từ một nền văn minh chung. Cộng đồng châu Âu tồn tại dựa trên nền tảng là văn hóa châu Âu và Kitô giáo phương Tây. Hay như thành công của Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) dựa trên sự hội tụ đang diễn ra giữa các nền văn hóa Mexico, Canada và Mỹ. Ngược lại, Nhật Bản gặp khó khăn trong việc tạo nên một thực thể kinh tế tương tự ở Đông Á bởi vì bản thân Nhật Bản là một xã hội và là một nền văn minh độc nhất, riêng biệt. Cho dù các mối liên kết thương mại và đầu tư của Nhật Bản với các nước Đông Á khác có phát triển tới đâu thì những sự khác biệt văn hóa với các quốc gia này sẽ ngăn cản Nhật thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực như ở châu Âu hay Bắc Mỹ.

Ngược lại, văn hóa chung rõ ràng đang tạo thuận lợi cho sự mở rộng nhanh chóng quan hệ kinh tế giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hồng Kông, Đài Loan, Singapore với các cộng đồng Hoa kiều ở các nước châu Á khác. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự giống nhau về văn hóa ngày càng vượt qua những khác biệt về hệ tư tưởng, mang Trung Hoa đại lục và Đài Loan xích lại gần nhau. Nếu các nét chung về văn hóa là điều kiện tiên quyết cho sự hội nhập kinh tế thì khối kinh tế chính ở Đông Á trong tương lai sẽ có trung tâm là Trung Quốc. Khối này trên thực tế đang được hình thành. Như Murray Weidenbaum nhận xét,

Mặc cho hiện nay Nhật Bản đang thống trị trong khu vực, nền kinh tế dựa vào người Trung Quốc của châu Á đang nổi lên nhanh chóng trở thành trung tâm của các ngành công nghiệp, thương mại và tài chính. Khu vực chiến lược này bao gồm các thành tố đáng kể về trình độ phát triển công nghệ và chế tạo (Đài Loan), khả năng tiếp thị, kinh doanh và dịch vụ nhạy bén (Hồng Kông), một mạng lưới liên lạc tốt (Singapore), một nguồn tài chính dồi dào (cả ba), cũng như nguồn đất đai, tài nguyên và nhân công rộng lớn (Trung Hoa đại lục)… Từ Quảng Châu đến Singapore, từ Kuala Lumpur đến Manila, mạng lưới nhiều ảnh hưởng này – vốn thường dựa vào sự mở rộng các dòng tộc truyền thống – đã được miêu tả như là xương sống của nền kinh tế Đông Á.[1]

Văn hóa và tôn giáo đồng thời là nền tảng của Tổ chức Hợp tác Kinh tế (ECO), đem mười nước Hồi Giáo phi Ả Rập gồm Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Tadjikistan, Uzbekistan và Afghanistan lại gần nhau. Đây là tổ chức được thành lập năm 1960 bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Iran. Một động lực cho sự hồi sinh và mở rộng của tổ chức này là do sự nhận thức của lãnh đạo một vài nước rằng họ không thể gia nhập vào Cộng đồng châu Âu. Tương tự vậy, Caricom, Thị trường chung Trung Mỹ và khối Mercosur cũng dựa trên nền tảng văn hóa chung. Tuy nhiên, cố gắng xây dựng một thực thể kinh tế rộng lớn hơn ở Trung Mỹ và vùng Caribbean làm cầu nối giữa khu vực gốc Anglo và Latinh cho đến nay đã thất bại.

Bởi vì con người tự xác định bản sắc của mình trên khía cạnh dân tộc và tôn giáo, họ có xu hướng thấy một mối quan hệ đối chọi giữa “chúng tôi” với “họ” tồn tại giữa mình với những người thuộc các dân tộc hay tôn giáo khác. Sự sụp đổ của các quốc gia mang bản sắc hệ tư tưởng ở Đông Âu và Liên Xô cũ đồng nghĩa với việc vấn đề bản sắc và sự đối chọi về sắc tộc truyền thống nổi lên hàng đầu. Khác biệt về văn hóa và tôn giáo tạo nên những khác biệt về các vấn đề chính sách, từ các vấn đề về quyền con người đến các vấn đề nhập cư, thương mại và giao dịch cho đến các vấn đề về môi trường. Khoảng cách ngắn về mặt địa lý làm gia tăng các yêu sách lãnh thổ xung đột nhau ở Bosnia cho tới Mindanao. Quan trọng nhất, nỗ lực của phương Tây trong việc biến chủ nghĩa dân chủ và tự do thành giá trị toàn cầu, duy trì lợi thế quân sự sẵn có và nâng cao lợi ích kinh tế đang tạo ra sự chống đối từ các nền văn minh khác. Khả năng kêu gọi hỗ trợ và thiết lập các liên minh trên nền tảng hệ tư tưởng giảm xuống đã làm các chính phủ và các nhóm quốc gia phải ngày càng dùng bản sắc văn minh và tôn giáo chung như một cách khác để huy động sự ủng hộ.

Có thể nói, sự xung đột giữa các nền văn minh diễn ra trên hai cấp độ. Ở tầm vi mô, các nhóm nằm ở gần hai bên ranh giới giữa các nền văn minh đấu tranh lẫn nhau, thường là một cách bạo lực, để kiểm soát lãnh thổ của mình và kiểm soát lẫn nhau. Ở cấp độ vĩ mô, các quốc gia ở các nền văn minh khác nhau đấu tranh để giành quyền lực quân sự và kinh tế tương đối, đồng thời còn đấu tranh để kiểm soát các tổ chức quốc tế và các bên thứ ba, và cạnh tranh nhau để thúc đẩy các giá trị tôn giáo và chính trị cụ thể của mình.

Đường chia cắt giữa các nền văn minh

Kết thúc Chiến tranh Lạnh, ranh giới khác biệt giữa các nền văn minh dần thay thế các ranh giới về chính trị và hệ tư tưởng trở thành các điểm nóng xung đột và đổ máu. Chiến tranh Lạnh bắt đầu khi Bức Màn Sắt được dựng lên phân chia châu Âu theo hệ thống chính trị và hệ tư tưởng, và cũng kết thúc cùng với sự sụp đổ của bức màn này. Khi sự phân chia về hệ tư tưởng ở châu Âu biến mất, sự phân chia về văn hóa ở châu Âu giữa Kitô giáo Tây phương với Chính thống giáo và đạo Hồi lại xuất hiện trở lại. Đường phân chia đáng kể nhất ở châu Âu như William Wallace đã nhận xét là đường biên giới phía Đông của Kitô giáo Tây phương trong năm 1500. Đường này chạy dọc nơi bây giờ là biên giới giữa Phần Lan và Nga và biên giới giữa các nước vùng Baltic với Nga, đi qua Belarus và Ucraina, chia cắt những người Công giáo ở phía Tây Ucraina với người Chính thống giáo ở phía Đông Ucraina, lấn sang phía Tây chia cắt Transylvania với phần còn lại của Rumani, sau đó đi xuyên qua Nam Tư dọc theo đường chia cắt Croatia và Slovenia khỏi phần còn lại của Nam Tư. Ở vùng Bancăng, đường này trùng với biên giới lịch sử giữa đế quốc Ottoman và đế chế Hapsburg trong lịch sử. Các dân tộc ở phía Bắc và phía Tây của đường này là theo đạo Tin Lành hay Công giáo, cùng chia sẻ các giá trị lịch sử châu Âu – như chế độ phong kiến, thời kỳ Phục Hưng, cải cách Kháng Cách, thời kỳ Khai Sáng, cách mạng Pháp và cách mạng công nghiệp; họ có điều kiện kinh tế tốt hơn những người ở phương Đông và giờ đây có thể mong muốn tham gia vào nền kinh tế chung châu Âu và củng cố hệ thống chính trị dân chủ. Những người ở phía Đông và Nam đường này lại là người Chính thống giáo hay Hồi giáo, về lịch sử họ thuộc đế quốc Ottoman hay các đế chế thuộc Sa hoàng và chỉ bị tác động nhẹ bởi các sự kiện diễn ra ở phần còn lại của châu Âu; nền kinh tế của họ kém phát triển hơn và ít có khả năng phát triển các hệ thống chính trị dân chủ ổn định. Đường phân định chính của châu Âu giờ đây là Bức màn Nhung của văn hóa chứ không còn là Bức màn Sắt của hệ tư tưởng như trước kia. Những sự kiện ở Nam Tư cho thấy đó không chỉ là đường phân định sự khác biệt mà có lúc còn là chiến tuyến của xung đột đẫm máu.

Sự khác biệt dẫn đến xung đột giữa nền văn minh phương Tây và nền văn minh Hồi giáo đã diễn ra hơn 1300 năm nay. Sau khi Hồi giáo ra đời, người Ả Rập và người Moor đã xâm nhập về phía Tây và Bắc, và chỉ dừng lại khi lan đến Tours vào năm 732. Từ thế kỷ mười một đến mười ba đội quân Thập tự chinh luôn cố gắng mang Kitô giáo và các giáo lý Kitô đến Vùng đất Thánh nhưng chỉ đạt được các thành công tạm thời. Từ thế kỷ mười bốn đến mười bảy, quân Thổ Ottoman đã đảo ngược thế cân bằng, mở rộng thế lực đến vùng Trung Đông và Bancăng, chiếm Constantinople và hai lần bao vây Viên. Trong thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi khi sức mạnh của đế quốc Ottoman suy giảm, Anh, Pháp và Ý đã thiết lập sự kiểm soát của phương Tây lên trên khắp vùng Bắc Phi và Trung Đông.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đến lượt phương Tây bắt đầu rút lui, các đế quốc thực dân biến mất; thay vào đó là sự xuất hiện đầu tiên của chủ nghĩa dân tộc Ả Rập và sau đó là trào lưu Hồi giáo chính thống; các nước phương Tây bị phụ thuộc nặng nề vào các nước vùng vịnh Ba Tư trong vấn đề năng lượng; các quốc gia Hồi giáo có nhiều dầu giàu lên về kinh tế, và khi họ muốn, cũng giàu lên cả về vũ khí. Một số cuộc chiến đã xảy ra giữa người Ả Rập và người Israel (vốn được thành lập bởi phương Tây). Đã có một cuộc chiến đẫm máu giữa Pháp và Algeria diễn ra trong suốt những năm 1950; người Anh và Pháp xâm lược Ai Cập năm 1956; lực lượng Mỹ tiến quân vào Libăng năm 1958, sau đó quay trở lại Libăng để tấn công Libya, và tham gia vào nhiều đụng độ quân sự với Iran; quân khủng bố Ả Rập và Hồi giáo, với sự trợ giúp của ít nhất ba chính phủ Trung Đông, đã sử dụng vũ khí của kẻ yếu và đánh bom các máy bay, các cơ sở của phương Tây, và bắt giữ người phương Tây làm con tin. Căng thẳng trong cuộc chiến giữa phương Tây và người Ả Rập lên đỉnh điểm năm 1990 khi Mỹ gửi một lượng quân hùng hậu đến vịnh Ba Tư để bảo vệ một số nước Ả rập khỏi sự xâm lược của một nước Ả rập khác. Hậu quả của kế hoạch này là việc các kế hoạch của NATO ngày càng tập trung vào các mối đe dọa và bất ổn tiềm tàng dọc “biên giới phía nam”.

Các tương tác về quân sự giữa phương Tây và các nước Hồi giáo hàng thế kỷ qua không hề có dấu hiệu suy giảm. Cuộc Chiến tranh vùng Vịnh đã khiến một số người dân Ả Rập tự hào rằng Saddam Hussein đã tấn công Israel và đứng lên chống lại phương Tây. Cuộc chiến cũng khiến nhiều người cảm thấy bị sỉ nhục và giận dữ về việc lực lượng quân đội phương Tây đóng tại vịnh Ba Tư, việc phương Tây đang áp đảo về lực lượng quân sự, và sự bất lực của họ vì không thể tự định hình được số phận của mình. Rất nhiều các nước Ả Rập, bên cạnh các nước xuất khẩu dầu mỏ, đang đạt tới trình độ phát triển kinh tế xã hội mà khi đó hình thức chính phủ chuyên chế không còn phù hợp và các nỗ lực xây dựng nền dân chủ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Một vài cải cách đã được thực hiện trong hệ thống chính trị Ả Rập với kẻ hưởng lợi chính là các phong trào Hồi giáo. Nói một cách ngắn gọn, trong thế giới Ả Rập, chế độ dân chủ của phương Tây đã tạo sức mạnh cho các lực lượng chính trị chống phương Tây. Đây có thể chỉ là một hiện tượng mang tính nhất thời nhưng nó chắc chắn sẽ góp phần làm phức tạp hóa mối quan hệ giữa các nước Hồi giáo với phương Tây.

Các quan hệ này cũng bị phức tạp hóa bởi khía cạnh nhân khẩu học. Sự gia tăng mạnh dân số ở các nước Ả Rập, đặc biệt là ở Bắc Phi, đã dẫn đến việc tăng số lượng người di cư đến Tây Âu. Các diễn tiến trong lòng Tây Âu hướng tới xóa bỏ các ranh giới nội bộ đã làm rõ nét các vấn đề nhạy cảm về chính trị liên quan tới sự gia tăng này. Ở Ý, Pháp và Đức, nạn phân biệt chủng tộc ngày càng công khai, các phản ứng chính trị và bạo lực chống lại người di cư Ả Rập và người Thổ Nhĩ Kỳ trở nên mạnh mẽ và phát triển rộng khắp từ năm 1990.

Mối tương tác giữa Hồi giáo và phương Tây được coi là xung đột giữa các nền văn minh nếu xét từ cách nhìn của cả hai bên. M. J. Akbar, một tác giả Ấn Độ theo Hồi giáo nhận xét “cuộc đối đầu tiếp theo (chống lại phương Tây) chắc chắn sẽ đến từ thế giới Hồi giáo. Tất cả các quốc gia Hồi giáo từ khu vực người Hồi giáo Maghreb (Bắc Phi) tới Pakistan đều cho rằng cuộc chiến cho một trật tự thế giới mới sắp bắt đầu.” Bernard Lewis cũng có một kết luận tương tự:

Chúng ta đang đối mặt với một thái độ và một phong trào vượt xa phạm vi các vấn đề và chính sách, cũng như các chính phủ theo đuổi các chính sách đó. Vấn đề này không là gì khác ngoài cuộc xung đột giữa các nền văn minh – nghe có vẻ vô lý nhưng chắc chắn đó là phản ứng lịch sử của một đối thủ lâu đời đối với các di sản Kitô– Do Thái giáo của chúng ta, hiện trạng thế tục của chúng ta, cũng như sự bành trướng của cả hai yếu tố trên.[2]

Về mặt lịch sử, một sự tương tác mang tính đối đầu khác với nền văn minh Hồi giáo của người Ả Rập là với những người ngoại đạo, những người theo chủ nghĩa duy linh và đến hiện nay là với những người da đen ngày càng theo Kitô giáo ở phía Nam. Trong quá khứ, sự đối đầu này có thể được miêu tả bằng hình ảnh của những người buôn bán nô lệ Ả Rập và những nô lệ da đen. Nó còn được phản ánh trong một cuộc nội chiến đang diễn ra ở Sudan giữa người Ả Rập và người da đen, trong chiến sự ở Chad giữa quân nổi dậy được Libya ủng hộ và chính phủ nước này, hay căng thẳng giữa người Kitô Chính thống và người Hồi giáo ở vùng Sừng châu Phi, cũng như các xung đột về chính trị, các cuộc bạo loạn và bạo động tái diễn giữa người Hồi giáo và người Kitô giáo ở Nigeria. Quá trình hiện đại hóa của châu Phi và sự truyền bá rộng rãi của đạo Kitô ngày càng có nguy cơ gia tăng xác suất bạo lực dọc theo đường phân cách này. Biểu hiện của sự gia tăng xung đột này là bài diễn văn của Giáo hoàng John Paul  II ở Khartoum tháng Giêng năm 1993 công kích các hành động của chính phủ Hồi giáo Sudan chống lại thiểu số người Kitô giáo sống ở đây.

Ở biên giới phía bắc của đạo Hồi, xung đột ngày càng bùng nổ giữa người Kitô Chính thống và người Hồi giáo bao gồm các cuộc tàn sát ở Bosnia và Sarajevo, các vấn đề bạo lực âm ỉ giữa người Serbia và người Albania, quan hệ yếu ớt giữa người Bungari và sắc dân thiểu số người Thổ Nhĩ Kỳ, bạo lực giữa người Ossetia và người Ingushetia, các cuộc tàn sát lẫn nhau liên tiếp giữa người Armenia và người Azerbaijan, quan hệ căng thẳng giữa người Nga và người Hồi giáo ở Trung Á, và việc triển khai quân Nga ở Capcadơ và Trung Á để bảo vệ lợi ích của người Nga ở đây. Tôn giáo củng cố sự hồi sinh của bản sắc sắc tộc và đồng thời cũng khiến người Nga quan ngại hơn về an ninh ở biên giới phía nam. Mối quan ngại này được Archie Roosevelt tóm gọn như sau:

Phần lớn lịch sử Nga liên quan đến cuộc xung đột giữa người Slavơ và các dân tộc gốc Thổ Nhĩ Kỳ dọc theo các đường biên giới từ thời nhà nước Nga mới thành lập hơn một ngàn năm về trước. Cuộc đối đầu kéo dài hàng thiên niên kỷ giữa người Slavơ với những nước láng giềng phương đông này cung cấp chìa khóa để chúng ta hiểu được cả lịch sử lẫn tính cách Nga. Để hiểu được thực tế nước Nga ngày nay chúng ta bắt buộc phải có những ý niệm về nhóm dân tộc thiểu số gốc Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã khiến nước Nga phải bận tâm từ hàng thế kỷ trước.[3]

Vấn đề xung đột giữa các nền văn minh cũng có gốc rễ sâu xa ở các nước châu Á. Lịch sử xung đột giữa người Hồi giáo và Ấn Độ giáo ở tiểu lục địa không chỉ biểu hiện ở sự đối đầu giữa Pakistan và Ấn Độ ngày nay mà còn ở sự gia tăng xung đột tôn giáo trong lòng Ấn Độ giữa các nhóm chiến binh Ấn giáo và cộng đồng thiểu số người Hồi giáo đáng kể ở Ấn Độ. Việc phá hủy đền thờ Hồi giáo ở Ayodhya tháng 12 năm 1992 đã đưa ra vấn đề nên chăng chuyển Ấn Độ từ một quốc gia dân chủ thế tục thành một quốc gia Ấn giáo. Ở Đông Á, Trung Quốc có các cuộc tranh chấp lãnh thổ nổi bật với phần lớn các nước láng giềng. Quốc gia này đưa ra các chính sách tàn nhẫn với người Phật giáo ở Tây Tạng cũng như với người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến tranh Lạnh đi qua, những khác biệt ẩn sâu giữa Trung Quốc và Mỹ như các vấn đề về quyền con người, thương mại và phổ biến vũ khí lại được khơi gợi lại. Những khác biệt này không dễ được dung hòa. Một “cuộc chiến tranh lạnh mới” đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ như lời Đặng Tiểu Bình nhận xét năm 1991.

Cụm từ này cũng có thể áp dụng cho mối quan hệ ngày càng khó khăn giữa Nhật Bản và Mỹ. Ở đây khác biệt văn hóa càng làm trầm trọng hơn các xung đột kinh tế. Cư dân của cả hai nước đều có sự phân biệt chủng tộc lẫn nhau, nhưng ít nhất là từ phía Mỹ các ác cảm đến từ văn hóa chứ không phải là sự phân biệt chủng tộc. Các giá trị, thái độ và mẫu hình hành vi cơ bản của hai xã hội hầu như hoàn toàn trái ngược nhau. Các vấn đề kinh tế giữa Mỹ và châu Âu không hề kém nghiêm trọng hơn so với giữa Mỹ và Nhật Bản nhưng hai bên không có mức độ cảm xúc và căng thẳng chính trị như giữa Mỹ và Nhật do khác biệt giữa văn hóa Mỹ và văn hóa châu Âu ít gay gắt hơn nhiều so với giữa nền văn minh Nhật và văn minh Mỹ.

Sự tương tác giữa các nền văn minh là khác nhau ở chỗ các tương tác đó được đặc trưng bằng bạo đến mức nào. Dễ thấy sự cạnh tranh về kinh tế là xu hướng chính trong quan hệ giữa các nền tiểu văn minh phương Tây ở châu Âu và Mỹ, và giữa chúng với Nhật Bản. Tuy nhiên, ở lục địa Á – Âu, sự gia tăng các xung đột sắc tộc, đại diện cực đoan bởi tình trạng “thanh lọc sắc tộc”, xảy ra không phải hoàn toàn ngẫu nhiên. Các cuộc xung đột này diễn ra thường xuyên nhất và bạo lực nhất là giữa các nhóm thuộc các nền văn minh khác nhau. Ở lục địa Á – Âu, đường ranh giới lịch sử giữa các nền văn minh lại một lần nữa bùng cháy thành xung đột. Điều này đặc biệt diễn ra dọc theo biên giới khối Hồi giáo có hình trăng lưỡi liềm trải dài từ phần lồi ra của châu Phi tới Trung Á. Bạo lực còn diễn ra giữa người Hồi giáo với rất nhiều nhóm người khác, như người Serbia theo Chính thống giáo ở vùng Bancăng, người Do Thái ở Israel, với người Ấn giáo ở Ấn Độ, người Phật giáo ở Miến Điện hay với những người Công giáo ở Philippin. Rõ ràng Hồi giáo đã có những đường biên giới đẫm máu.

Tập hợp lực lượng theo nền văn minh: Hiện tượng quốc gia “có họ hàng”

Phương Tây đối đầu với phần còn lại của thế giới 

Những quốc gia bị chia rẽ

Mối liên hệ giữa Nho giáo và Hồi giáo

Hàm ý chính sách đối với phương Tây

Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Su va cham giua cac nen van minh.pdf


[1] Murray Weidenbaum, Greater China: The Next Economic Superpower? St. Louis: Washinton University Center for Study of American Business, Contemporary Issues, Tập 57, Tháng 2/1993, trang 2 – 3.

[2] Bernard Lewis, “The Roots of Muslim Rage”, The Atlantic Monthly, Vol. 266, tháng 9/1990, tr. 60; Time, 15/6/1992, tr, 24 – 28

[3] Archie Roosevelt, For Lust of Knowing, Boston: Little, Brown, 1998, tr. 332 – 333.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]