#167 – Quái vật đảo Jekyll (Ch.6): Xây dựng Trật tự Thế giới Mới

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: G. Edward Griffin, “Building the New World Order”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 6.

Biên dịch: Nguyễn Đức Chánh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Creature from Jekyll Island

Nội dung chính: Trò chơi Giải cứu đã được kiểm tra lại và cho thấy không chỉ là một phương tiện được dùng vào việc lấy tiền từ những người nộp thuế để bù vào chi phí của những khoản vay xấu; cuộc chơi cuối cùng được tiết lộ như là nhằm sáp nhập các quốc gia vào một chính phủ toàn cầu; sự hé mở của chiến lược đã từng được áp dụng cho Panama, Mexico, Brazil, Argentina, Trung Quốc, Đông Âu và Nga.

Bây giờ chúng ta sẽ quay trở lại trò chơi được gọi là giải cứu. Mọi thứ ở chương trước chỉ là các thông tin nền tảng giúp ta hiểu được trò chơi khi nó được thực hiện trên trường quốc tế. Và cuối cùng, đây là các quy luật:

  1. Các ngân hàng thương mại ở các quốc gia công nghiệp hóa, được hỗ trợ bởi các ngân hàng trung ương tương ứng, tạo ra tiền từ con số không và cho chính phủ các quốc gia kém phát triển vay. Họ biết rằng đây là những khoản vay chứa đựng rủi ro nên họ sẽ tính lãi suất đủ cao để bù đắp. Khoản này còn cao hơn cả những gì họ mong nhận được trong dài hạn.
  2. Khi các quốc gia kém phát triển không thể trả được lãi suất của các khoản nợ, IMF và Ngân hàng Thế giới sẽ tham gia cuộc chơi với tư cách vừa là một người chơi và vừa là trọng tài. Bằng việc sử dụng khoản tiền bổ sung do các ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên tạo ra từ con số không, hai tổ chức này chuyển những khoản vay “phát triển” đến những chính phủ vốn giờ đã có đủ tiền để thanh toán lãi cho những khoản vay gốc cũng như đủ dư ra một ít dành cho những mục đích chính trị của riêng họ.
  3. Nước nhận viện trợ nhanh chóng sử dụng hết nguồn cung ứng tiền mới và cuộc chơi quay lại điểm số 2 nói trên. Tuy nhiên, lần này, các khoản vay sẽ được bảo đảm bởi Ngân hàng Thế giới và ngân hàng trung ương của các nước công nghiệp hóa. Giờ đây rủi ro vỡ nợ đã được loại bỏ, các ngân hàng thương mại đồng ý giảm lãi suất xuống mức đã dự kiến ban đầu. Chính phủ của những nước mắc nợ lại tiếp tục các khoản thanh toán.
  4. Cuộc chơi cuối cùng, mà thực ra trong trò chơi này hiển nhiên là không có cuộc chơi cuối cùng, bởi kế hoạch đặt ra là để trò chơi kéo dài mãi. Để làm được điều đó, phải có sự xuất hiện của những điều mang tính quyết định, bao gồm việc chuyển IMF thành ngân hàng trung ương thế giới như Keynes từng lên kế hoạch, nơi sau đó sẽ phát hành ra đồng tín tệ quốc tế (international fiat money). Một khi “ngân hàng phát hành” xuất hiện thì IMF có thể thu được những nguồn tiền bất tận từ các công dân trên toàn thế giới nhờ một loại thuế ngầm, được gọi là lạm phát. Sau đó, luồng tiền có thể được duy trì vô hạn định – dù có được các quốc gia phê chuẩn hay không – bởi họ sẽ nhanh chóng không còn nguồn tiền tệ riêng của quốc gia mình.

Vì cuộc chơi gây ra sự chảy máu của cải từ các quốc gia công nghiệp nên nền kinh tế của những quốc gia này sẽ ngày càng sa sút và ảm đạm hơn – một quy trình đã liên tục diễn ra sau Hội nghị Bretton Woods. Kết quả là mức sống của người dân bị hạ thấp nghiêm trọng. Sự thật ẩn sau những khoản vay được gọi là phát triển này là nước Mỹ và các quốc gia công nghiệp hóa khác đang bị quá trình đó làm cho biến chất. Điều này hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên mà chính là bản chất của kế hoạch đó. Một cường cuốc chắc chắn không bao giờ muốn chuyển nhượng chủ quyền của mình. Người dân Mỹ sẽ chẳng bao giờ đồng ý chuyển giao hệ thống tiền tệ, quân đội, tòa án của mình cho một hội đồng thế giới được tạo ra từ những chính phủ đã tàn bạo với chính người dân nước mình, đặc biệt khi hầu hết những chế độ đó đã bộc lộ thái độ thù địch chống lại nước Mỹ. Nhưng nếu những người Mỹ bị dồn đến điểm phải chịu đựng sức ép đổ vỡ kinh tế và sự xáo trộn trật tự xã hội, mọi thứ sẽ trở nên khác biệt. Khi họ đứng trong hàng dài chờ mua bánh mỳ và chứng kiến sự hỗn loạn trên phố, họ sẽ sẵn sàng từ bỏ chủ quyền của mình để đổi lại sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới và “lực lượng giữ gìn hòa bình” của Liên Hợp Quốc. Điều đó càng trở nên dễ được chấp nhận hơn nếu sự sụp đổ có trật tự của chủ nghĩa cộng sản được sắp đặt sớm nhằm làm cho có vẻ như các hệ thống chính trị chủ đạo trên toàn thế giới đã tiến tới mẫu thức chung là “dân chủ xã hội”.

Cuộc chơi cuối cùng

Mặt khác, các quốc gia chưa phát triển đều không phát triển được. Điều đang diễn ra với họ là các nhà lãnh đạo chính trị của họ trở thành con nghiện đối với dòng tiền của IMF và sẽ không dứt bỏ được thói quen đó. Những quốc gia này giờ đây đang bị tiền, thay vì vũ khí, chế ngự. Điều đó khiến họ không còn là các quốc gia độc lập thực sự mà dần trở thành một phần của hệ thống chủ nghĩa xã hội thế giới do Harry Dexter White và John Maynard Keynes vạch ra. Các nhà lãnh đạo của họ đang được định hướng trở thành những ông vua chuyên quyền trong một chế độ phong kiến công nghệ cao, mới mẻ thể hiện lòng tôn kính đối với những ông Chủ của mình tại New York. Và họ vô cùng háo hức làm được điều đó để đổi lấy đặc ân và quyền lực trong “Trật tự Thế giới Mới”. Đó chính là cuộc chơi cuối cùng.

Cốt lõi của chủ nghĩa xã hội là phân phối lại của cải nhằm mục tiêu đạt đến sự công bằng, và điều này có nghĩa là lấy của người giàu chia cho kẻ nghèo. Lý thuyết là như vậy. Nhưng thật không may rằng, người nghèo không bao giờ được lợi từ mánh lới này. Họ chẳng bao giờ nhận được tiền trực tiếp – có quá nhiều khoản bị lọt ra ngoài bởi bộ máy hành chính chịu trách nhiệm cho các chương trình như thế này hoặc họ nhận được một phần và chẳng biết phải làm gì với chúng. Họ chỉ tiêu cho đến khi nhẵn túi, rồi khi đó chẳng ai còn tiền – ngoại trừ, tất nhiên, những người chịu trách nhiệm quản lý chương trình này của chính phủ. Ngược lại, các chính trị gia hiểu rằng những lời hứa về việc tái phân phối của cải sẽ được lòng hai nhóm đối tượng: những cử tri ngây thơ tin rằng điều này sẽ giúp những người nghèo, và những nhà quản lý theo chủ nghĩa xã hội, những người coi việc này là một sự bảo đảm việc làm. Nhận được hỗ trợ từ hai nhóm đối tượng này, việc thắng cử coi như được đảm bảo.

Một trong những người Mỹ đầu tiên ủng hộ chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn cầu – bao gồm cả việc (nhận thấy) sự thất thoát của cải từ nước Mỹ “giàu có” – là John F. Kennedy. Ông ta chắc chắn đã biết về khái niệm này khi theo học tại Trường Kinh tế London bị ảnh hưởng bởi tư tưởng xã hội chủ nghĩa Fabian (tư tưởng ủng hộ xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách từ từ, tiệm tiến chứ không phải thông qua cách mạng cấp tiến – vui lòng xem chương trước để biết thêm thông tin – NHĐ) vào năm 1935 – 1936, trước khi cha ông được cử làm Đại sứ tại Anh.[1] Khi JFK trở thành Tổng thống, quan điểm chính trị của ông được tiếp tục phát huy. Vào tháng 9 năm 1963, ông đọc diễn văn trước hội nghị thường niên của IMF/ Ngân hàng Thế giới, trước các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng từ 102 quốc gia. Ông ta đã giải thích khái niệm về chủ nghĩa xã hội toàn cầu bằng những từ ngữ hết sức sôi nổi:

Hai mươi năm trước, khi những công trình sư của những tổ chức này gặp nhau để thiết kế ra cấu trúc ngân hàng quốc tế, đời sống kinh tế của thế giới đã bị phân cực quá mạnh và thậm chí còn đáng báo động, cụ thể là ở Mỹ…. Sáu mươi phần trăm nguồn dữ trự vàng thế giới ở trên nước Mỹ… Cần có sự phân phát lại nguồn tài chính của thế giới… Có một nhu cầu tương tự trong việc tổ chức lại dòng vốn cho những quốc gia bần cùng trên thế giới. Và thời cơ đã đến. Đó hoàn toàn không phải do ngẫu nhiên mà là do việc lên kế hoạch có chủ ý, thận trọng và có trách nhiệm.[2]

CFR đặt ra chiến lược

Cơ quan đầu não trong việc thực thi kế hoạch Farbian ở Mỹ được gọi là Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR). Chúng ta sẽ xem xét Hội đồng một cách sâu hơn ở các chương kế tiếp, nhưng một điều quan trọng cần phải biết là hầu hết các nhà lãnh đạo Mỹ đều xuất thân từ chính nhóm nhỏ này, bao gồm các tổng thống của chúng ta và các vị cố vấn của họ, các thành viên nội các, các đại sứ, các thành viên hội đồng quản trị của Cục Dự trữ Liên bang, giám đốc của các ngân hàng lớn nhất và các quỹ đầu tư, chủ tịch các trường đại học, người đứng đầu các tạp chí, dịch vụ thông tin và mạng truyền hình lớn.[3] Có lẽ không quá cường điệu khi ví rằng đây là một chính phủ ngầm của nước Mỹ.

Những thành viên CFR sẽ không bao giờ thấy xấu hổ trong việc thúc đẩy một nước Mỹ suy yếu bởi đó là một bước tiến cần thiết hướng tới việc xây dựng một chính phủ toàn cầu. Một trong những sáng lập viên của CFR là John Foster Dulles, người mà sau này được đề cử làm Bộ trưởng Ngoại giao bởi Dwight Eisenhower, một thành viên CFR. Chính Dulles năm 1939 đã từng nói:

Sự giảm bớt hay chững lại của hệ thống chủ quyền quốc gia, vốn đang chiếm ưu thế trên thế giới hiện nay, phải xảy ra… và tác động ngay lập tức tới những quốc gia vốn đang nắm ưu thế quyền lực …Sự thành lập một đồng tiền chung…. sẽ tước bỏ quyền kiểm soát hoàn toàn của chính phủ chúng ta đối với đồng tiền quốc gia…. Nước Mỹ phải chuẩn bị cho sự hy sinh sau này để thiết lập một trật tự kinh tế – chính trị thế giới, điều sẽ san bằng sự bất bình đẳng về cơ hội kinh tế đối giữa các nước”.[4]

Thành viên khác của CFR, Zbigniew Brzenski là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Jimmy Carter (cũng là thành viên của CFR). Năm 1970, Brzinski đã viết rằng:

….chúng ta đã đạt được một số sự hợp tác quốc tế, nhưng tiến trình sau này sẽ đòi hỏi sự hy sinh lớn hơn của người dân Mỹ. Nhiều nỗ lực tập trung hơn nhằm hình thành nên một cấu trúc tiền tệ thế giới mới sẽ phải được thực hiện, với những rủi ro xảy đến với vị trí thuận lợi đang có của nước Mỹ.[5]

Mùa xuân 1983, tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh tế ở Williamsburg, Virginia, Tổng thống Ronald Regan đã tuyên bố:

Nền kinh tế các quốc gia cần những cơ chế điều phối tiền tệ, và đó là lý do tại sao việc hội nhập kinh tế thế giới cần một chuẩn tiền tệ chung… Nhưng không đồng tiền quốc gia nào sẽ làm được- chỉ một đồng tiền thế giới mà thôi.

Chiến lược của CFR nhằm hội tụ hệ thống tiền tệ thế giới đã được Richard N. Cooper, một giáo sư của Đại học Harvard, và cũng là một thành viên của CFR – người giữ chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách về Kinh tế trong Nội các của Carter, giải thích cặn kẽ:

Tôi đề xuất một chương trình thay thế cấp tiến cho thế kỷ tới: tạo ra một đồng tiền chung cho tất cả các nền dân chủ công nghiệp, với một chính sách tiền tệ chung và Ngân hàng phát hành chung nhằm quyết định chính sách tiền tệ…Làm sao một quốc gia đơn lẻ có thể thực hiện điều này? Họ cần trao quyền quyết định về chính sách tiền tệ cho một thực thể siêu quốc gia

Khó mà người dân Mỹ có thể chấp nhận được ý tưởng rằng các nước với chế độ chuyên quyền sẽ được bỏ phiếu cho chính sách tiền tệ vốn sẽ ảnh hưởng đến điều kiện tiền tệ của Mỹ… Để bước đi táo bạo này thành công, cần phải có một sự hội tụ về các giá trị chính trị…[6]

Những cụm từ như cơ chế điều phối tiền tệ, trật tự kinh tế thế giới hiện đại, hội tụ những giá trị chính trị hoặc trật tự thế giới mới đều không phải là ngôn ngữ quá chuyên môn. Với một người bình thường, nó nghe có vẻ bình dân là vô hại. Nhưng với những người bên trong tổ chức này, nó là những ám hiệu có những ý nghĩa đặc biệt.… Richard Gardner – một cố vấn khác của Tổng thống Carter – giải thích ý nghĩa của những cụm từ này và kêu gọi thực hiện chiến lược Fabian và diễn tiến từ từ:

Tóm lại, trật tự của Ngôi nhà thế giới này phải được xây dựng từ dưới lên… Cách làm xói mòn chủ quyền quốc gia, từng bước, từng bước một sẽ hiệu quả hơn lối tấn công trực diện cũ.[7]

Về sự suy giảm được lên kế hoạch cho nền kinh tế Mỹ, thành viên CFR Samuel Huntington lập luận rằng, nếu giáo dục đại học là thứ được dân chúng mong đợi, thì “cần có một chương trình nhằm làm giảm kỳ vọng việc làm đối với những ai có bằng đại học”.[8] Paul Volcker, cựu chủ tịch Fed, nói rằng: “Mức sống trung bình của người dân Mỹ phải giảm xuống… Điều này không thể tránh được”.[9]

Vào năm 1933, Volcker trở thành Chủ tịch Hội đồng Ba Bên (The U.S Chairman of the Trilateral Commission- The TLC). Hội đồng TLC được thành lập bởi David Rockefeller, nhằm điều phối việc xây dựng Trật tự Thế giới Mới phù hợp với chiến lược Gardner: “Làm xói mòn chủ quyền quốc gia, từng bước, từng bước một”. Mục tiêu là lôi kéo Mỹ, Mexico, Canada, Nhật Bản và Tây Âu vào một liên minh kinh tế và chính trị. Dưới những khẩu hiệu như thương mại tự do và bảo vệ môi trường, mỗi quốc gia giao nộp chủ quyền “từng bước, từng bước một” cho đến khi một chính phủ cấp khu vực nổi lên. Chính phủ mới này sẽ kiểm soát điều kiện làm việc, lương, thuế của mỗi quốc gia. Một khi điều này xảy ra, sẽ dễ dàng cho bước tiếp theo, là việc sáp nhập các khu vực vào một chính phủ toàn cầu. Đó là thực tế đằng sau những hiệp ước thương mại trong Liên minh châu Âu, Hiệp ước Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cơ chế Hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định Chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT). Trong báo cáo thường niên của Hội đồng Ba Bên năm 1993, Volcker giải thích:

Sự phụ thuộc lẫn nhau dẫn các đất nước của chúng ta tiến đến một sự hội tụ trong những lĩnh vực từng được coi chỉ thuộc thẩm quyền trong nước. Có thể kể đến những lĩnh vực như chính sách điều tiết của chính phủ, tiêu chuẩn môi trường, đối xử công nhân công bằng và thuế.[10]

Vào năm 1922, Hội đồng Ba Bên đưa ra một bản báo cáo, viết bởi Toyoo Gyohten – Tổng giám đốc Bank of Tokyo và là cựu bộ trường tài chính Nhật Bản đặc trách về vấn đề quốc tế. Gyohten là một học giả Fulbright, được đào tạo tại Princeton và giảng dạy tại Trường Kinh doanh Harvard. Ông này cũng là đại diện cho Nhật Bản tại IMF. Nói cách khác, ông ta đại diện cho lợi ích của Nhật Bản trong Trật tự Thế giới Mới. Trong báo cáo này, Gyohten giải thích rằng tầm quan trọng thực sự của thỏa thuận “thương mại” không phải là thương mại – mà để xây dựng chính phủ toàn cầu:

Các thỏa thuận thương mại khu vực không nên được hiểu là mục tiêu, mà là sự bổ sung cho toàn cầu hóa… Các thỏa thuận cấp khu vực cung cấp những hình mẫu và xây dựng nền tảng để phát triển và làm vững chắc chủ nghĩa toàn cầu… Phương Tây (khối EU) đại diện cho chủ nghĩa khu vực theo cách thức rõ ràng nhất… Các bước tiến sâu (gia tăng số lượng các thỏa thuận) là rất quan trọng và không thể đảo ngược…. Một đồng tiền chung… ngân hàng trung ương… tòa án và Nghị viện – sẽ được gia tăng quyền lực… Sau Hiệp ước Maastricht (tên của một thành phố Hà Lan, nơi xảy ra hội nghị), một bài xã luận trên tờ Economist nêu nhận định: “Hãy gọi nó bằng bất cứ cái tên nào bạn muốn, dù với tên gì thì đó vẫn sẽ là một chính phủ liên bang.”… Nhìn chung, quá trình hội nhập khu vực ở châu Âu có thể được xem tương tự như một quá trình xây dựng quốc gia.[11]

Áp dụng cách tiếp cận tương tự với Hiệp định NAFTA, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger nói rằng đó “không phải là một hiệp định thương mại theo kiểu thông thường, mà là kiến trúc của một hệ thống quốc tế…. một bước đi quan trọng bước đầu cho một kiểu cộng đồng quốc gia mới”. Bài báo chứa đựng thông điệp như tiêu đề của nó: “Với NAFTA, nước Mỹ cuối cùng kiến lập được một Trật tự Thế giới mới”.[12] David Rockefeller (CFR) thậm chí còn hùng hồn hơn. Ông ta nói rằng sẽ là “có tội” nếu không thông qua hiệp định này bởi: “Mọi thứ đã đâu vào đó – sau 500 năm – nhằm tạo lập một ‘thế giới mới’ ở Tây Bán cầu”.[13]

Đầu năm 1994, sự thay đổi hướng đến Trật tự Thế giới Mới trở nên vô cùng gấp rút. Vào ngày 15 tháng 4, chính phủ Marốc đăng quảng cáo toàn trang trên tờ New York Times nhằm kỷ niệm sự thành lập của Tổ chức Thương mại Thế giới – tổ chức được thành lập dựa trên sự ký kết hiệp ước Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), vốn được kí tại Marrakech của Marốc. Trong khi người Mỹ vẫn tin rằng GATT chỉ đơn giản là hiệp định “thương mại”, những người theo chủ nghĩa quốc tế lại đang kỷ niệm một ý tưởng lớn hơn nhiều. Quảng cáo này thể hiện rõ điều đó bằng những ngôn ngữ không lẫn đâu được:

Năm 1944, Bretton Woods: IMF và Ngân hàng Thế giới

Năm 1945, San Francisco: Liên Hợp Quốc

Năm 1994: Marakech: Tổ chức Thương mại Thế giới

Lịch sử biết được nó sẽ đi về đâu… Tổ chức Thương mại Thế giới, trụ cột thứ ba trong Trật tự Thế giới Mới, cùng với Liên Hợp Quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.[14]

Một cái nhìn hiếm hoi về hoạt động bên trong

Nói về cuộc chơi cuối cùng như vậy là đã đủ. Bây giờ chúng ta trở lại với trò chơi có tên là giải cứu như nó đã thực sự được áp dụng trên trường quốc tế. Chúng ta sẽ bắt đầu với việc xem xét qua hoạt động bên trong của Nội các Tổng thống. James Watt là Bộ trưởng Bộ Nội vụ dưới thời Reagan. Trong cuốn hồi ký của mình, ông ta miêu tả một sự cố trong một cuộc họp Nội các vào mùa xuân năm 1982. Điểm đầu tiên trong chương trình họp liên quan đến vấn đề mà các nước kém phát triển đang gặp phải với các khoản vay ngân hàng của họ, được báo cáo bởi Bộ trưởng Tài chính Donald Regan và Giám đốc Ngân sách David Stockman. Watt nói:

Bộ trưởng Regan giải thích về việc các nước nghèo thậm chí không thể trả được lãi cho các khoản vay từ các ngân hàng tư nhân như Bank of America, Chase Manhattan và Citibank. Tổng thống được hỏi về các hành động mà nước Mỹ “phải” làm để giải cứu tình thế.

Sau bản tóm tắt của Regan và Stockman là vài phút thảo luận trước khi tôi hỏi, “Liệu có ai tin rằng những nước kém phát triển sẽ trả được khoản nợ gốc?” Không ai nói gì, tôi nói tiếp “Nếu khoản nợ không bao giờ được trả, tại sao chúng ta lại giải cứu những quốc gia này và sắp xếp các khoản thanh toán lãi suất đó?”

Và câu trả lời đến từ vài người một lúc là “Nếu chúng ta không sắp xếp cho việc thanh toán lãi, vỡ nợ sẽ xảy ra và đẩy các ngân hàng Mỹ của chúng ta vào tình thế nguy hiểm.” Khách hàng có mất tiền của họ không? Câu trả lời là Không, nhưng các nhà đầu tư có thể sẽ mất cổ tức.

Trong sự ngạc nhiên, tôi thả mình xuống chiếc ghế da rộng lớn, cách Tổng thống chỉ hai ghế. Tôi đã nhận ra rằng chẳng có gì trong thế giới này có thể ngăn cản các chính khách này khỏi sự nỗ lực nhằm bảo vệ và giải cứu một số ít [nhưng rất lớn và quyền lực]” những ngân hàng Mỹ.[15]

Panama

Phi vụ đầu tiên của trò chơi đã được thực hiện dưới thời của Carter khi Panama bị chậm thanh toán nợ. Một liên hiệp các Ngân hàng bao gồm Chase Manhattan, First National of Chicago và Citibank đã gây áp lực lên Washington, hối thúc việc trao trả Kênh đào cho chính phủ Panama để quốc gia này có nguồn thu để chi trả các khoản nợ.

Vào thời điểm diễn ra đảo chính Torrijos năm 1968,khoản nợ nước ngoài chính thức của Panama ở ngưỡng có thể kiểm soát, và theo mức chuẩn thế giới, chỉ khiêm tốn là 167 triệu đô-la. Dưới thời Torrijos,khoản nợ đã gia tăng chóng mặt gần 1.000% lên đến con số khổng lồ 1,5 tỷ đô-la. Tỉ lệ thanh toán nợ giờ đây ước tính chiếm 39% ngân sách của Panama… Dường như điều mà chúng ta đang làm là viện trợ cho một kẻ độc tài nhãi nhép dưới hình thức các khoản trợ cấp mới và các khoản doanh thu từ kênh đào mà các hiệp ước dành cho chế độ Torrijos, bên cạnh đó là một khoản giải cứu dành cho một số ngân hành vốn lẽ ra đã không nên đầu tư vào Panama, và cho dù điều gì xảy ra thì đáng ra đã phải tự chịu trách nhiệm cho khoản đầu tư của mình.[16]

Việc giải cứu Panama là một cuộc chơi độc đáo. Panama là quốc gia duy nhất mà chúng ta có một tài sản đem lại thu nhập [kênh đào Panama]; và do đó cuộc giải cứu chỉ liên quan đến tiền. Để chuẩn bị cho đợt giải cứu này, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Kiểm soát Tiền tệ năm 1980 nhằm cho phép Cục Dữ trự Liên bang “tiền tệ hóa khoản nợ nước ngoài”. Còn nói theo ngôn ngữ của giới ngân hàng thì Fed đang nắm quyền tạo ra tiền từ con số không cho mục đích cho chính phủ nước ngoài vay. Các khoản cho vay này được phân loại là “tài sản” và sau đó được sử dụng làm khoản thế chấp để tạo ra nhiều tiền hơn ở Mỹ. Đó thực sự là sự mở rộng quyền lực mang tính cách mạng của Fed. Cho đến thời điểm đó, Fed chỉ được phép tạo tiền cho chính phủ Mỹ. Còn hiện giờ, nó có khả năng tạo tiền cho cả các chính phủ quốc gia khác. Kể từ đó trở đi, nó thực hiện chức năng như một ngân hàng trung ương cho cả thế giới.

Mexico

Tính đến 1982, hầu như chính phủ của các nước Thế giới Thứ Ba đều có vấn đề với việc thanh toán nợ. Mexico đã trở thành con nợ hàng đầu khi thông báo rằng không có khả năng thanh toán tiền trên khoản nợ 85 tỷ đô-la. Thống đốc Cục dữ trữ Liên bang Henry Wallich đã hối thúc Thụy Sĩ đàm phán một khoản vay IMF trị giá 4,5 tỷ đô-la thông qua Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank of International Settlements). Các ngân hàng trung ương châu Âu và Nhật Bản cung cấp 1,85 tỷ đô-la (khoảng 40%); phần còn lại do Cục Dự trữ Liên bang đảm trách. Các ngân hàng thương mại trì hoãn việc thanh toán gốc trong hai năm, nhưng với việc  bổ sung các khoản vay mới, việc thanh toán lãi được tiếp tục. Nhưng điều này không giải quyết được vấn đề. Chỉ sau vài năm, Mexico lại rơi vào tình trạng tương tự và năm 1985, các ngân hàng đã đồng ý hoãn lại khoản thanh toán 29 tỷ đô-la và quay vòng 1 khoản 20 tỷ đô-la khác, điều đó có nghĩa rằng họ cung cấp nợ mới để thanh toán nợ cũ.

Trong cùng năm, Bộ trưởng Tài chính James Baker thông báo kế hoạch của chính phủ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu. Đó là một tuyên bố chính thức khuyến khích các ngân hàng tiếp tục cho chính phủ các nước Thế giới Thứ Ba vay, bởi các nước này đã hứa sẽ đẩy nhanh cải cách kinh tế nhằm tự do hóa thị trường. Đó là một triết lý tư tưởng hơn là một kế hoạch, bởi không thể hy vọng rằng điều đó [cải cách kinh tế nhằm tự do hóa thị trường] sẽ được thực hiện bởi các chính phủ xã hội chủ nghĩa đang nhận các khoản vay. Đằng sau thông báo đó là ẩn ý rằng người ta có thể dựa vào chính phủ liên bang, thông qua Cục Dữ trự Liên bang, nếu như các khoản cho vay gặp vấn đề. Baker đã kêu gọi chuyển 29 tỷ đô-la trong 3 năm, chủ yếu cho các nước Mỹ Latinh, trong đó Mexico là đối tượng ưu tiên.

Hoán đổi tiền tệ

Không lâu sau khi chính phủ Mexico cho Fidel Castrol vay 55 triệu đô-la, Mexico đã thông bào với các ngân hàng: “Chúng tôi chỉ thoanh toán dựa trên những gì chúng tôi có, không hơn”. Điều này làm Paul Volcker, người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang vội vã tới gặp Bộ trưởng Tài chính Mexico, Jesus Silva Herzog, và đề xuất đặt trách nhiệm lên vai người nộp thuế Mỹ. Một khoản nợ nắn hạn 600 triệu đô-la được gia hạn để giúp Mexico vượt qua cuộc bầu cử ngày 4 tháng 7. Điều này được gọi là “hoán đổi tiền tệ” (currency swap) bởi Mexico đã đổi một lượng tương đương đồng peso sang đồng đô-la và hứa sẽ hoán đổi lại. Đồng peso, tất nhiên, là vô giá trị trên thị trường quốc tế- đó là lý do mà Mexico muốn đồng đô-la.

Tầm quan trọng của khoản vay này không nằm ở quy mô hay thậm chí vấn đề chi trả mà nằm ở phương thức mà khoản vay này được tạo ra.

Đầu tiên, điều này được thực hiện trực tiếp bởi Cục dự trữ Liên bang- như một ngân hàng trung ương của Mexico, không phải của Mỹ; và thứ hai nó được thực hiện bí mật hoàn toàn. William Greider thuật chi tiết:

Hoán chuyển tiền tệ có một lợi thế khác: nó có thể được thực hiện một cách bí mật. Volcker đã thận trọng thông báo cho cả chính phủ lẫn các vị chủ tịch các ủy ban trong quốc hội mà không gặp sự phản đối nào. Nhưng việc báo cáo công khai về việc hoán đổi tiền tệ được thực hiện hàng quý, nên những khoản vay “khẩn cấp” từ Cục dữ trự Liên bang sẽ không bị tiết lộ trong vòng từ ba đến bốn tháng. Trong thời gian đó, Volcker hy vọng rằng Mexico sẽ dàn xếp được nguồn vốn mới đáng kể hơn từ IMF… Các khoản viện trợ nước ngoài được tiến hành cẩn trọng hết mức có thể nhằm tránh gây ra sự hoảng loạn và sự bất đồng chính trị trong nước…. Giải cứu Mexico dường như quan trọng đến mức không thể gây tranh cãi được.[17]

Hoán đổi nợ

Việc hoán đổi tiền tệ đã không giải quyết được vấn đề. Vì vậy nên vào tháng 3 năm 1988, các trọng tài và người chơi đã thống nhất áp dụng một mánh lới mới trong cuộc chơi: một mánh tài chính được gọi là hoán đổi nợ (debt swap). Hoán đổi nợ cũng giống như hoán đổi tiền tệ ở chỗ, nước Mỹ sẽ đổi những thứ giá trị thực để nhận lấy những thứ vô giá trị. Nhưng thay vì sử dụng tiền, họ hoán đổi trái phiếu chính phủ. Giao dịch này bị phức tạp hóa do giá trị thời gian của những trái phiếu đó. Tiền tệ được đánh giá bởi giá trị hiện tại của chúng, tức là những gì chúng ta mua tại thời điểm hiện tại; nhưng trái phiếu thì được đánh giá bởi giá trị tương lai tức là những gì mua được tại thời điểm tương lai. Sau khi tính toán được sự khác biệt này, quá trình về cơ bản là giống nhau. Và sau đây là cách thức hệ thống hoạt động.

Mexico, sử dụng đồng đô-la, mua 492 triệu đô-la trái phiếu Kho bạc Mỹ không lãi suất nhưng sẽ trả lại 3,67 tỷ đô-la khi đáo hạn sau 20 năm. (Về mặt kỹ thuật, thì đây là những trái phiếu không lãi suất). Sau đó Mexico phát hành trái phiếu của riêng họ bằng cách sử dụng những trái phiếu Mỹ làm khoản ký quỹ. Điều này có nghĩa là giá trị tương lai của trái phiếu Mexico, trước đó được coi như vô giá trị, nay lại được bảo đảm bởi chính phủ Mỹ. Các ngân hàng rất phấn chấn chuyển những khoản cho vay cũ của mình sang trái phiếu Mexico mới với tỷ lệ 1,4/1. Nói cách khác, họ chấp nhận đổi 140 triệu đô-la khoản nợ cũ lấy 100 triệu đô-la bằng trái phiếu mới. Điều này sẽ làm giảm thu nhập từ lãi của họ, nhưng họ vẫn cảm thấy vui sướng khi làm việc này, bởi họ vừa chuyển được những khoản cho vay vô giá trị thành những trái phiếu được bảo đảm hoàn toàn.

Mánh lới này được giới truyền thông tung hô như một phép màu tiền tệ thực sự. Nó sẽ giúp cho chính phủ Mexico tiết kiệm hơn 200 triệu đô-la trả lãi hàng năm; và rằng nó sẽ phục hồi dòng tiền đến các ngân hàng; và kì diệu thay – người nộp thuế Mỹ không bị mất mát gì.[18]Lý do cho việc này chính là trái phiếu Kho Bạc được bán ra với giá thị trường bình thường. Chính phủ Mexico cũng trả tương đương như các chính phủ khác. Điều này là chính xác, nhưng nhiều nhà bình luận đã sai sót không nhận ra đâu là nơi Mexico có được những đồng đô-la để mua trái phiếu này. Số tiền này đến thông qua IMF, dưới dạng “khoản dự trữ trao đổi ngoại tệ”. Nói cách khác, nó được viện trợ bởi các quốc gia công nghiệp hóa, chủ yếu là Mỹ. Vậy nên Bộ Tài chính Mỹ đã cấp phần lớn tiền để mua lại trái phiếu của chính mình. Nó [Bộ] đã lún sâu vào nợ thêm nửa tỷ đô-la và thống nhất trả thêm 3,7 tỷ đô-la trong tương lai để chính phủ Mexico có thể tiếp tục trả lãi suất cho các ngân hàng. Điều đó chính là giải cứu và đã dồn gánh nặng lên vai người nộp thuế Mỹ.

IMF trở thành người bảo lãnh cuối cùng

Trong năm kế tiếp, Bộ trưởng Ngoại giao James Baker (CFR) và Bộ trưởng Tài chính Nicolas Brady (CFR) đã bay tới Mexico để bàn về một thỏa thuận nợ mới với IMF trong vai trò người bảo lãnh cuối cùng. IMF đã cho Mexico vay thêm 3,5 tỷ đô-la (sau nâng lên là 7,5 tỷ đô-la), Ngân hàng Thế giới cho vay thêm 1,5 tỷ đô-la và các ngân hàng đã giảm giá trị khoản nợ trước đây xuống 1/3. Các ngân hàng tư nhân hoàn toàn sẵn lòng mở rộng các khoản cho vay mới và gia hạn các khoản cho vay cũ. Sao lại không nhỉ? Giờ đây, những khoản thanh toán lãi sẽ được những người nộp thuế ở Mỹ và Nhật đảm bảo.

Điều này cũng không giải quyết được vấn đề này tận gốc bởi nền kinh tế Mexico đang phải hứng chịu cú sốc từ lạm phát, gây ra bởi nợ trong nước, cùng lúc với khoản nợ nước ngoài. Những cụm từ như “nợ trong nước” hay “vay nội địa” là mật hiệu ám chỉ thực tế rằng chính phủ đang làm tăng cung tiền bằng việc bán trái phiếu. Lãi suất phải trả để khuyến khích người dân mua những trái phiếu này có thể rất cao, và thực tế lãi suất chi trả cho các khoản vay nội địa của Mexico đã làm cạn kiệt nền kinh tế nước này nhiều gấp ba lần việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài.[19]

Bất chấp thực tế này, John S. Reed (CFR), chủ tịch Citicorp – một trong những ngân hàng cho Mexico vay nhiều nhất – nói rằng họ sẵn sàng cho Mexico vay nhiều hơn. Tại sao vậy? Có phải bởi vì thực tế rằng Fed và IMF sẽ bảo đảm các khoản vay không? Không hẳn. “Bởi vì chúng tôi tin rằng nền kinh tế Mexico đang vận hành tốt”.[20]

Vào cuối năm 1994, cuộc chơi vẫn tiếp tục và trò chơi vẫn như cũ. Ngày 21 tháng 12, chính phủ Mexico đã thông báo rằng quốc gia này không còn khả năng giữ tỷ giá cố định và rằng đồng peso sẽ được thả nổi trên thị trường tự do để tự tìm kiếm giá trị thực của nó. Ngay ngày hôm sau, đồng peso giảm hẳn 30% và thị trường chứng khoản Mexico trở nên rối loạn. Một lần nữa, Mexico không thể thanh toán lãi cho các khoản nợ của mình. Ngày 11 tháng 1, Tổng thống Clinton (CFR) đã thuyết phục Quốc hội phê duyệt đảm bảo cho các khoản vay mới trị giá 40 tỷ đô-la. Bộ trưởng Bộ Tài chính Robert Rubin (CFR) đã giải thích: “Tất cả mọi người, kể cả chủ tịch Fed Alan Greenspan (CFR), đã nhận định rằng khả năng Mexico thanh toán được nợ là rất cao.” Nhưng trong khi Quốc hội đang thảo luận vấn đề thì đồng hồ nợ vẫn điểm. Việc thanh toán 17 tỉ đô la trái phiếu Mexico phải được thực hiện trong vòng 60 ngày, và 4 tỉ trong số đó phải được thanh toán vào ngày mồng 1 tháng 2. Ai sẽ chi trả cho các ngân hàng đây?

Điều này không thể đợi được nữa. Vào ngày 31 tháng 1, Tổng thống Clinton hành động không cần sự cho phép của Quốc hội và thống báo một khoản giải cứu 50 tỉ đô la dưới dạng bảo đảm cac khoản vay cho Mexico, 20 tỉ đến từ Quỹ Bình ổn Hối đoái Hoa Kỳ, 17,8 tỉ đến từ IMF, 10 tỉ từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, và 3 tỉ đến từ các ngân hàng thương mại.

Brazil

Argentina

Sự cần thiết cho sự hội tụ

Trung Quốc

Cú lừa ngoạn mục

Những người cộng sản trở thành những nhà dân chủ xã hội

Đông Âu

Nga 

Kinh doanh mạo hiểm ở Nga được bảo đảm bởi Mỹ

Thuyết âm mưu

Tổng kết

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Quai vat dao Jekyll – Ch 6.pdf

—-

[1] Martin, trang 25

[2] Text of Kenedy Speech on World Monetery Parley, New York Times, ngày 1 tháng 10 năm 1963

[3] Để nghiên cứu sâu hơn về CFR, bao gồm danh sách các thành viên, xin xem James Perloff, Shadows of Power (Appleton, Wiscosin: Western Islands, 1988)

[4] “Dulles Outlines World Peace Plan”, New York Times, ngày 28 tháng 10 năm 1939

[5] Zbigniew Brzezinski, Between Two Ages: America’s Role in the Techtronic Era (Westport, Connecticut: Greenwood Press, 1970), trang 300

[6] Richard N.Cooper, “A Monetary System for the Future”, Foreign Affairs, Mùa thu, năm 1984, trang 166, 177, 184.

[7] Richard Gardner, “The Hard Road to World Order”, Foreign Affairs, Tháng 4, năm 1974, trang 558

[8] Michael Crozier, Samuel P. Huntington, và Joji Watanuki, The Crisis of Democracy (New York: New York University Press, 1975), trang 183-184

[9] “Volcker Asserts U.S Must Trim Living Standard”, New York Times, ngày 18 tháng 10 năm 1979, trang 1

[10] Washington 1993: The Annual Meeting of the Trilateral Commission¸ Trialogue 46 (New York: Trilateral Commission, 1993). Trang 77

[11] Toyoo Gyohten và Charles E. Morrison, Regionalism in A Converging World (New York: Trilateral Commission, 1992), trang 4, 7-9, 11

[12] Henry Kissinger, “With NAFTA, U.S Finally Creates a New World Order”, Los Angeles Times, ngày 18 tháng 7 năm 1993, trang M-2, 6

[13] David Rockerfeller, “A Hemisphere in the Balance”, Wall Street Journal, ngày 1 tháng 10 năm 1993, trang A-10

[14]  New York Times, ngày 15 tháng 4 năm 1994, trang A9

[15] James G. Watt, The Courage of A Conservative (New York: Simon and Schuster, 1985), trang 124-25

[16] Philip M. Crane, Surrender in Panama (Ottawa, Ililois: Caroline House Books, 1978), trang 64, 68

[17] Greider, trang 485-6

[18] Tom Redburn, “US. Bond Issue Will Aid Mexico in Paying Debts”, Los Angeles Times, 30 tháng 12 năm 1987

[19] “With Foreign IOUs Messaged, Interest Turns to Internal Debt”, Insight, ngày 2 tháng 10 năm 1989, trang 34

[20] Như trên, trang 35