Nguồn: Charles W. Kegley, JR. & Gregory A. Raymond, The Global Future: A Brief Introduction to World Politics (Chapter 2), (Boston, MA: Wadsworth, 2010).
Biên dịch: Lê Thùy Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Global Future
Có một sự liên kết không thể tránh khỏi giữa thế giới trừu tượng của lý thuyết và thế giới thực của chính sách. Chúng ta cần lý thuyết để hiểu được ý nghĩa của “cơn bão thông tin” đến với chúng ta mỗi ngày. Dù các nhà hoạch định chính sách là những người khinh thường “lý thuyết” nhưng họ cũng phải dựa vào những ý tưởng (thường không được nói ra) của riêng họ về việc thế giới vận hành như thế nào để đưa ra quyết định… Tất cả mọi người đều sử dụng lý thuyết dù họ có nhận ra điều đó hay không.
Stephen M. Walt – Nhà khoa học chính trị
Mặc dù nghiên cứu học thuật về quan hệ quốc tế là tương đối mới nhưng các nỗ lực để lý thuyết hóa hành vi của các quốc gia đã có từ thời cổ đại. Ví dụ tốt nhất có thể được tìm thấy ở Thucydides, sử gia người Hy Lạp đã nghiên cứu về chiến tranh Peloponnese (431-404 TCN) giữa Sparta và Athens. Thucydides tin rằng “sự hiểu biết về quá khứ” có thể là “sự giúp đỡ cho các giải thích về tương lai”, và từ đó ông đã viết về lịch sử của cuộc chiến “không phải là để giành được một tràng pháo tay vào lúc đó, mà coi nó như là một tài sản cho mọi thời đại”. Nghiên cứu tình trạng chiến tranh như một người bác sĩ đang chẩn đoán bệnh nhân, nghiên cứu lâm sàng chi tiết của ông được ghi chép như một bài tập tình huống thể hiện các triệu chứng của giai đoạn dễ xảy ra chiến tranh và đưa ra các dự đoán về kết quả có thể xảy ra của các chính sách đối ngoại khác nhau.
Hy Lạp vào thời của Thucydide không thống nhất. Đất nước này phải chịu đựng tình trạng hỗn loạn của các thành bang tự trị nhỏ đang phân tán khắp bán đảo Balkan, quần đảo Aegea mà ngày nay là miền tây Thổ Nhĩ Kỳ. Sparta và Athens là hai quốc gia mạnh nhất trong số các quốc gia hết sức coi trọng độc lập. Sparta là một cường quốc cẩn trọng và bảo thủ trên đất liền, Athens là một cường quốc liều lĩnh và cấp tiến trên biển. Mối quan hệ giữa hai quốc gia này là đối địch. Khi sự đối địch này cuối cùng cũng leo thang thành chiến tranh vào năm 431 TCN thì hai nước cũng bắt đầu rơi vào tình trạng bế tắc chính trị gây suy nhược kéo dài.
Đau đớn vì những mất mát ngày càng tăng trong suốt 1 thập kỷ chiến tranh không hiệu quả, vào năm 421 TCN, Sparta và Athens đồng ý đình chiến. Tuy nhiên, không bên nào hy vọng điều này kéo dài. Cả hai đối thủ kiềm chế không tấn công bên còn lại trong vài năm tới nhưng mỗi bên đều dùng thủ đoạn để đạt được lợi thế với bên kia vì họ dự kiến trước giai đoạn tiếp theo của chiến tranh sẽ xảy ra. Theo suy nghĩ của người Athens, một mạng lưới liên minh hùng mạnh và đáng tin cậy có thể tạo ra lợi thế quyết định khi chiến tranh bắt đầu lại. Để củng cố vị trí của mình đối với những người Hy Lạp đang sống trên đảo trong vùng biển Aegea (Aegean Sea), vào năm 416 TCN, 38 tàu và khoảng 3 ngàn lính Athens đã có 1 cuộc viễn chinh tới Melos – thành bang mong muốn duy trì tình trạng không liên minh với bất kỳ quốc gia nào trong suốt chiến tranh. Người Athens tuyên bố rằng nếu Melos không đồng ý trở thành đồng minh thì nước này sẽ bị “xóa sổ”. Người dân Melos cho rằng cuộc tấn công tàn bạo này là phi nghĩa vì họ đã không làm hại đến Athens. Hơn nữa, Athens cũng có lợi ích trong việc tự kiềm chế: tiêu diệt Melos sẽ làm cho các thành bang trung lập khác chuyển qua phía của Sparta. Cuối cùng, người Melos nhận thấy rằng không có lý do gì phải đầu hàng trong khi vẫn còn hy vọng được người Sparta cứu giúp. Xem thường những lời kêu gọi chân lý, sự hợp tình hợp lý này, người Athens tuyên bố rằng trong mối quan hệ giữa các thành bang thì “kẻ mạnh làm những điều họ có thể làm và kẻ yếu phải gánh chịu những điều mà họ phải gánh chịu”. Mặc cho những lý lẽ phải trái của người Melos, Athens đã dùng sức mạnh để chinh phục Melos. Dù biết kháng cự là vô ích nhưng người Melos vẫn không chịu khuất phục. Quân đội của Athens nhanh chóng bao vây thành phố, buộc Melos đầu hàng trong thời gian ngắn. Sau khi Melos đầu hàng, người Athens giết tất cả những nam thanh niên ở đây và bán phụ nữ và trẻ con làm nô lệ. (Xem thêm bài #7 – Cuộc đối thoại ở Melos)
Hành động thể hiện quyền lực chính trị hung bạo của Athens làm dấy lên những câu hỏi muôn đời về chính trị thế giới. Làm sao để các quốc gia được bảo đảm an ninh trong một hệ thống thế giới vô chính phủ? Trong tình hình thiếu vắng một chính quyền trung ương để giải quyết xung đột giữa các quốc gia, liệu có hạn chế nào đối với việc sử dụng sức mạnh quân sự hay không? Các cân nhắc về đạo đức sẽ có vai trò như thế nào trong việc thực thi chính sách đối ngoại? Chương này sẽ tập trung vào ba trường phái ảnh hưởng nhất đến suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách và các học giả về những câu hỏi trên: Chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo.
Các lý thuyết cạnh tranh nhau về chính trị thế giới
Hãy tưởng tượng bản thân bạn là một tổng thống vừa mới trúng cử của Hoa Kỳ. Bạn có kế hoạch đọc Thông điệp liên bang về tình hình hiện nay của thế giới. Nhiệm vụ của bạn là xác định vấn đề quốc tế đáng quan tâm nhất và giải thích kế hoạch đối phó với chúng như thế nào. Để thuyết phục người dân rằng những vấn đề này là quan trọng, bạn phải xem nó là một phần của một bức tranh rộng lớn hơn của thế giới, thể hiện rằng tình huống bạn đang đối mặt là một phần của thế giới ra sao. Nói ngắn gọn là bạn phải suy nghĩ một cách lý thuyết. Thành công của những nỗ lực nhằm giải thích nguyên nhân của tình trạng hiện tại, dự đoán hậu quả lâu dài và thuyết phục người khác rằng bạn có một chính sách khả thi để đối phó với những thách thức này sẽ xoay quanh việc bạn hiểu cách thế giới này vận hành tốt đến đâu.
Khi các nhà lãnh đạo đối diện với các loại thách thức về tư duy này thì họ may mắn được định hướng nhờ sự tồn tại của các lý thuyết của chính trị thế giới. Một lý thuyết[1]là một tập hợp các tuyên bố có mục đích giải thích một hiện tượng cụ thể. Về bản chất, các lý thuyết cung cấp một bản đồ hay khung tham chiếu giúp cho thế giới phức tạp xung quanh chúng ta trở nên dễ hiểu hơn. Việc chọn lựa sẽ theo lý thuyết nào là một quyết định quan trọng bởi vì mỗi lý thuyết dựa trên các giả định khác nhau về bản chất của chính trị quốc tế, mỗi lý thuyết đưa ra các tuyên bố nhân quả khác nhau và mỗi lý thuyết đưa ra một tập hợp các khuyến nghị khác nhau về chính sách đối ngoại. Mục đích của chúng tôi trong chương này là nhằm so sánh các giả định, các tuyên bố quan hệ nhân quả và các khuyến nghị chính sách của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo, vốn là các quan điểm lý thuyết chung nhất mà các nhà hoạch định chính sách và các học giả dùng để giải thích quan hệ quốc tế. Chúng tôi sẽ bắt đầu với chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lâu đời nhất trong các trường phái tư tưởng cạnh tranh nhau này.
Chủ nghĩa hiện thực
Chủ nghĩa hiện thực chính trị có lịch sử lâu đời, xuất phát từ các tài liệu của Thucydides về cuộc chiến tranh Peloponnese. Những nhân vật khác ảnh hưởng đến suy nghĩ hiện thực là nhà triết học người Ý Nicolo Machiavelli vào thế kỷ XVI và nhà triết học người Anh Thomas Hobbles vào thế kỷ XVII. Chủ nghĩa hiện thực xứng đáng có một sự xem xét cẩn thận vì thế giới quan của nó tiếp tục chỉ dẫn nhiều tư duy về chính trị quốc tế.
Thế giới quan hiện thực
Chủ nghĩa hiện thực khi được áp dụng vào chính trị quốc tế xem các quốc gia-dân tộc là chủ thể quan trọng nhất trên trường thế giới vì chúng không chịu sự quản lý của một thẩm quyền chính trị nào cao hơn. Quốc gia có chủ quyền: họ có quyền hạn tối cao đối với lãnh thổ và dân số của mình và không ai đứng trên họ nắm giữ tính hợp pháp và khả năng ép buộc để điều hành hệ thống quốc tế. Vì thiếu vắng một chính quyền cao hơn để bảo vệ và giải quyết xung đột giữa các quốc gia nên các nhà hiện thực mô tả chính trị thế giới như một cuộc đấu tranh giành quyền lực[2] liên tục và không ngừng nghỉ, nơi mà kẻ mạnh thống trị kẻ yếu –giống như Thucydides đã miêu tả trong chương về đảo Melos. Vì rốt cuộc thì mỗi quốc gia mới chính là người chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của chính mình và cảm thấy bất an với ý định của nước láng giềng, chủ nghĩa hiện thực cho rằng các nhà lãnh đạo chính trị khôn ngoan tìm kiếm sức mạnh và đồng minh để tăng cường an ninh quốc gia. Nói cách khác, tình trạng vô chính phủ của hệ thống quốc tế dẫn đến việc thậm chí các nhà lãnh đạo có thiện chí cũng phải thực hành việc tự cứu[3]bằng cáchtăng cường sức mạnh quân sự và liên minh với nước khác để chống lại mối đe dọa tiềm tàng. Lý thuyết hiện thực không loại trừ khả năng các cường quốc đối địch hợp tác với nhau trong vấn đề quản lý vũ khí hay vấn đề an ninh mang lại lợi ích chung. Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện thực khẳng định rằng hợp tác là rất hiếm vì các quốc gia lo lắng về sự chia sẻ lợi phần tương đối[4]có đượctừ sự hợp tác và lo lắng khả năng bên còn lại sẽ bội ước.
Người theo chủ nghĩa hiện thực, vốn nhấn mạnh bản chất tàn nhẫn của chính trị quốc tế, có khuynh hướng hoài nghi về vai trò của các cân nhắc đạo đức trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại. Theo họ thì các chính sách được định hướng bởi yêu cầu chiến lược và có khả năng buộc các nhà lãnh đạo quốc gia làm trái với các quy chuẩn đạo đức. Gắn với “triết lý của sự cần thiết này” là sự phân biệt giữa đạo đức cá nhân, vốn định hướng hành vi của người bình thường trong cuộc sống hàng ngày và lý do của quốc gia (raison d’état) vốn chi phối cách hành xử của các nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm với an ninh và sự tồn tại của quốc gia. Bất cứ hành động nào liên quan đến lợi ích của an ninh quốc gia bắt buộc phải được thực hiện dù hành động đó có đi ngược lại đạo đức cá nhân. Vì vậy lập luận này cho rằng “phớt lờ lợi ích của mình, lãng phí nguồn lực của quốc gia vì lòng vị tha là con đường nhanh nhất dẫn đến sự hủy hoại quốc gia”. Đối với các nhà lãnh đạo quốc gia, “suy nghĩ bằng con tim là một tội lỗi nghiêm trọng. Chính sách đối ngoại không phải là hoạt động công tác xã hội” (Krauthammer 1993).
Sự phát triển của tư duy hiện thực
Chúng ta đã xem xét làm thế nào mà nguồn gốc tri thức của chủ nghĩa hiện thực chính trị lại xuất phát từ thời Hy Lạp cổ đại. Những nguồn gốc này cũng vượt khỏi thế giới phương Tây tới Ấn Độ và Trung Quốc. Các thảo luận về “chính trị quyền lực” có nhiều trong Arthashastra, một tác phẩm Ấn Độ về nghệ thuật quản lý nhà nước được Kautilya viết vào thế kỷ thứ IV TCN, cũng như trong các nghiên cứu của Hàn Phi Tử và Thương Ưởng ở Trung Quốc cổ đại.
Chủ nghĩa hiện thực hiện đại nổi lên trong thời gian trước Thế chiến II khi niềm tin đang chiếm ưu thế về bản chất hài hòa lợi ích giữa các quốc gia bị công kích. Chỉ một thập kỷ trước đó, chính niềm tin này đã giúp nhiều quốc gia ký Hiệp ước Kellogg-Briand năm 1928 vốn không thừa nhận chiến tranh là một công cụ của chính sách quốc gia. Đến lúc đó, khi Đức Quốc xã, Phát xít Ý, và Đế quốc Nhật đều vi phạm Hiệp ước thì nhà ngoại giao và sử gia Anh E.H. Carr (1939) than phiền rằng giả định về mong muốn phổ quát đối với hòa bình đã cho phép quá nhiều người “lảng tránh một thực tế không dễ dàng về sự bất đồng lợi ích cơ bản giữa một bên là các quốc gia mong muốn duy trì hiện trạng và một bên là các quốc gia mong muốn thay đổi hiện trạng đó.
Với nỗ lực chống lại cái mà họ cho là một hướng tiếp cận không tưởng và thuần về pháp lý đối với chính sách đối ngoại, Reinhold Niebuhr (1947), Hans J. Morgenthau (1948), và những nhà hiện thực khác thể hiện rõ cái nhìn bi quan về bản chất con người. Giống với ý tưởng của nhà triết học thế kỷ XVII Baruch Spinoza, nhiều nhà hiện thực chỉ ra sự mâu thuẫn cố hữu giữa ham muốn và lý trí; hơn nữa, như trong truyền thuyết về Thánh Augustine, họ nhấn mạnh rằng sự khao khát vật chất khiến cho ham muốn áp đảo lý trí.Với họ, tình trạng của con người là một nơi mà thế lực của ánh sáng và bóng tối sẽ vĩnh viễn tranh giành nhau quyền kiểm soát.
Bức tranh hiện thực của chính trị quốc tế xuất hiện đặc biệt thuyết phục sau Thế chiến II. Sự bắt đầu ganh đua giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, sự mở rộng của Chiến tranh Lạnh thành một cuộc đấu tranh rộng lớn hơn giữa Đông và Tây, và các cuộc khủng hoảng định kỳ đe dọa làm nổ ra xung đột toàn cầu, tất cả đều ủng hộ sự nhấn mạnh của chủ nghĩa hiện thực về sự không thể tránh khỏi của xung đột, một viễn cảnh tối tăm cho sự hợp tác, và sự khác biệt về lợi ích quốc gia giữa các nhà nước ích kỷ chuyên tìm kiếm quyền lực.
Trong khi chủ nghĩa hiện thực cổ điển (classical realism) tìm lời giải thích cho các hành vi của quốc gia thông qua các nhân tố giải thích ở mức độ cá nhân thì chủ nghĩa hiện thực mới (neorealism) (đôi khi được gọi là chủ nghĩa hiện thực cấu trúc – structural realism) – một làn sóng tiếp theo của chủ nghĩa hiện thực – nhấn mạnh vào cấp độ hệ thống của phân tích. Kenneth Waltz (1979), người khởi xướng cho cái được gọi là chủ nghĩa hiện thực “phòng thủ”, cho rằng tình trạng vô chính phủ quốc tế, chứ không phải cái được cho là phần xấu trong bản chất con người, mới là điều giải thích tại sao các quốc gia lại bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác. Sự thiếu vắng của một trọng tài trung tâm là đặc điểm cấu trúc cốt lõi của hệ thống quốc tế. Vì luôn cảm thấy dễ bị tổn thương và không an toàn nên các quốc gia hành động phòng thủ bằng cách tạo lập liên minh chống lại mối đe dọa đang dần hiện ra. Theo Waltz, cân bằng quyền lực được tự động tạo ra trong môi trường vô chính phủ. Thậm chí khi cân bằng này bị phá vỡ, chúng cũng sẽ sớm tự khôi phục lại. (Xem thêm bài #69 – Cấu trúc vô chính phủ và cân bằng quyền lực)
Biến thể gần đây nhất của lý thuyết hiện thực cũng tập trung vào mức độ hệ thống của phân tích nhưng cho rằng mục đích quan trọng của các quốc gia là nhằm đạt được thế áp đảo về quân sự chứ không chỉ đơn giản là cân bằng quyền lực. Đối với John Mearsheimer (2001) và những người ủng hộ chủ nghĩa hiện thực “tấn công”, cấu trúc vô chính phủ của hệ thống quốc tế thúc đẩy các quốc gia tối đa hóa tỉ trọng của họ trong quyền lực thế giới nhằm nâng cao lợi thế sống sót trong cuộc đấu tranh nhằm giành giật lợi thế tương đối. Một quốc gia có lợi thế hơn so với các nước khác sẽ được bảo vệ chống lại khả năng bị đe dọa bởi một quốc gia hiếu chiến vào một ngày nào đó. Xin được trích một lời nói sáo như sau: “Tấn công chính là cách phòng thủ tốt nhất”.
Hạn chế của chủ nghĩa hiện thực
Dù cách nhìn nhận về bản chất thiết yếu của chính trị quốc tế theo chủ nghĩa hiện thực có thuyết phục như thế nào đi nữa thì các đề xuất chính sách của nó cũng thiếu sự chính xác trong cách sử dụng những thuật ngữ chủ chốt như quyền lực và lợi ích quốc gia. Do đó, một khi sự phân tích vượt qua nhận định rằng các nhà lãnh đạo quốc gia nên chiếm hữu quyền lực để phục vụ lợi ích quốc gia thì vẫn còn các câu hỏi quan trọng khác cần trả lời: Các thành tố chính của quyền lực quốc gia là gì? Cách sử dụng quyền lực nào phục vụ lợi ích quốc gia tốt nhất? Liệu vũ trang là sự bảo vệ hay sẽ gây ra những cuộc chạy đua vũ trang tốn kém? Liệu các liên minh sẽ tăng cường sự bảo vệ cho một quốc gia hay khuyến khích sự ra đời của các liên minh đối địch nguy hiểm? Theo quan điểm của các nhà phê bình của chủ nghĩa hiện thực, tìm kiếm an ninh bằng cách nâng cao quyền lực là một nỗ lực tự thất bại. Sự tìm kiếm một nền an ninh tuyệt đối của một quốc gia sẽ được xem như một sự mất an ninh tuyệt đối của các thành viên khác trong hệ thống, và từ đó dẫn đến kết quả là tất cả các nước đều bị mắc kẹt trong vòng xoáy trôn ốc đi lên của các biện pháp đối phó và sẽ phá hủy toàn bộ nền an ninh của các nước (Vasquez 1998;1993).
Do nhiều điểm trong lý thuyết hiện thực vẫn còn mơ hồ nên mọi người bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi. Chủ nghĩa hiện thực không đưa ra tiêu chuẩn nào để xác định các dữ liệu lịch sử nào là quan trọng để đánh giá các tuyên bố của mình và các quy tắc nhận thức luận nào để mọi người tuân theo khi giải thích các thông tin liên quan (Vasquez và Elaman 2003). Thậm chí các kiến nghị chính sách được cho là theo logic của chủ nghĩa hiện thực cũng thường khác nhau. Ví dụ như các nhà hiện thực cũng bị chia rẽ về việc liệu cuộc can thiệp của Mỹ ở Việt Nam phục vụ cho lợi ích quốc gia của Mỹ hay không, và việc liệu vũ khí hạt nhân có góp phần vào an ninh quốc tế hay không? Cũng tương tự như vậy, trong khi nhiều nhà quan sát sử dụng chủ nghĩa hiện thực để giải thích cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003 (Gvosdev 2005) thì một số khác dùng các lập luận hiện thực để lên án cuộc xâm lược đó (Mansfield và Snyder 2005; Mearsheimer và Walt 2003).
Ngày càng có nhiều nhà phê bình chỉ ra rằng chủ nghĩa hiện thực không giải thích được những phát triển quan trọng của chính trị thế giới. Ví dụ như chủ nghĩa hiện thực đã không thể giải thích được việc xuất hiện các thể chế chính trị và thương mại mới ở Tây Âu trong những năm 1950 và 1960, nơi việc theo đuổi sự hợp tác cùng có lợi đã đưa Châu Âu ra khỏi các cuộc chiến tranh chính trị quyền lực liên miên và không kiểm soát được kể từ khi các quốc gia-dân tộc xuất hiện 3 thế kỷ trước đó. Những nhà phê bình khác bắt đầu lo lắng về khuynh hướng coi thường các nguyên tắc đạo đức của chủ nghĩa hiện thực, cũng như các chi phí vật chất và xã hội mà kiến nghị chính sách của chủ nghĩa này áp đặt như sự phát triển kinh tế chậm chạp do các chi phí quân sự không kiểm soát được.
Dù chủ nghĩa hiện thực vẫn còn nhiều hạn chế nhưng nhiều người vẫn tiếp tục phân tích chính trị thế giới dưới góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực, đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng quốc tế. Một ví dụ gần đây được tìm thấy trong phát biểu của cựu cố vấn Anh Quốc Michael Gerson (2006, 59-60) về việc Hoa Kỳ nên đối phó với tham vọng hạt nhân của Iran như thế nào. Tranh luận dựa trên giả định hiện thực là “hòa bình không phải là một trạng thái tự nhiên”, ông đã kêu gọi Mỹ có phản ứng mạnh mẽ dựa trên trọng tâm chắc chắn rằng lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ là ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Trung Đông. “Chắc chắn phải có một ai đó trên thế giới này có khả năng vẽ ra một giới hạn. Một người nào đó có thể nói rằng “Đến đây thôi và không được xa hơn nữa”. Ông kết luận rằng hòa bình không thể đạt được bởi “một chính sách đối ngoại nhút nhát cho phép các mối đe dọa khủng khiếp xuất hiện”. Trừ khi những kẻ đe dọa người khác phải trả giá, không thì “xâm lược sẽ trở nên phổ quát”.
Chủ nghĩa tự do
Chủ nghĩa tự do được gọi là “thách thức hiện tại mạnh mẽ nhất đối với chủ nghĩa hiện thực” (Caporaso 1993). Giống như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do có một phả hệ riêng với nguồn gốc triết học xuất phát từ tư tưởng chính trị của John Locke, Immanuel Kant và Adam Smith. Chủ nghĩa tự do xứng đáng với quan tâm của chúng ta vì nó nêu lên những vấn đề mà chủ nghĩa hiện thực không đề cập tới, bao gồm ảnh hưởng của chính trị trong nước đến hành vi của quốc gia, tác động của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, và vai trò của các quy chuẩn và thể chế quốc tế đối với việc hỗ trợ hợp tác quốc tế.
Thế giới quan tự do
Có nhiều trường phái tư tưởng riêng biệt trong truyền thống của chủ nghĩa tự do. Đưa ra kết luận chung từ một tập hợp lý thuyết quá đa dạng như vậy sẽ có nguy cơ diễn dịch sai ý của bất cứ tác giả nào. Tuy nhiên, vẫn có đủ một số nét tương đồng để có thể tóm tắt thành một vài chủ đề chung.
Chủ nghĩa tự do khác với chủ nghĩa hiện thực ở một số điểm quan trọng. Trọng tâm của chủ nghĩa tự do là niềm tin vào lý trí và khả năng tiến bộ. Các nhà chủ nghĩa tự do xem cá nhân là trung tâm của các giá trị đạo đức và cho rằng con người nên được đối xử như là kết quả thay vì phương tiện. Trong khi các nhà hiện thực khuyên bảo những nhà làm chính sách nên tìm kiếm một điều ít xấu xa hơn thay vì một sự tốt đẹp tuyệt đối thì những nhà tự do nhấn mạnh vào nguyên tắc đạo đức thay vì theo đuổi quyền lực, vào các thể chế thay vì khả năng quân sự (xem Doyle 1997; Howard 1978; Zacher và Matthew 1995). Chính trị ở cấp độ quốc tế là cuộc đấu tranh vì sự đồng thuận và lợi ích chung hơn là cuộc đấu tranh vì quyền lực và danh thế.
Thay vì đổ lỗi cho ham muốn cố hữu về quyền lực gây ra xung đột quốc tế, các nhà tự do lại chê trách các điều kiện mà con người đang sống. Họ cho rằng cải tổ được những điều kiện này sẽ tăng cường triển vọng hòa bình. Yếu tố đầu tiên phổ biến trong nhiều dòng suy nghĩ tự do là nhấn mạnh việc thực hiện cải cách chính trị để tạo ra nền dân chủ ổn định. Ví dụ như Woodrow Wilson đã tuyên bố rằng “chính phủ dân chủ sẽ làm cho chiến tranh ít có khả năng xảy ra”. Sau đó Franklin Roosevelt cũng đã phản ánh lại quan điểm này khi ông cho rằng “Sự tăng cường và duy trì liên tục nền dân chủ sẽ tạo ra một sự đảm bảo quan trọng cho hòa bình quốc tế”. Dựa trên sự khoan dung, chung sống và các quyền về quy trình, văn hóa chính trị dân chủ được cho là luôn tránh xa những vũ lực gây ra thương vong như là phương tiện phải quyết xung đột. Chính trị không được xem như trò chơi có tổng bằng 0,[5] do đó việc sử dụng sự thuyết phục thay cho ép buộc, và việc dựa trên con đường pháp lý để giải quyết các tranh chấp là những phương tiện chủ yếu để giải quyết xung đột.
Theo lý thuyết tự do, các thói quen giải quyết xung đột được sử dụng trong nước cũng có thể được áp dụng để giải quyết xung đột quốc tế. Các nhà lãnh đạo tương tác với nhau qua các nền văn hóa dân chủ có cái nhìn giống nhau. Xem chính trị quốc tế là một sự mở rộng của chính trị nội bộ, các nhà lãnh đạo cũng “ngoại hóa” các quy chuẩn của cạnh tranh được điều tiết. Xung đột với các chính phủ tương tự rất hiếm khi leo thang thành chiến tranh vì mỗi bên chấp nhận tính chính đáng của bên còn lại và hy vọng giải quyết xung đột theo cách hòa bình. Những hy vọng này được củng cố nhờ bản chất minh bạch của chế độ dân chủ. Các hoạt động bên trong của tổ chức nhà nước mở có thể được giám sát kỹ lưỡng bởi bất kỳ ai, do đó, thật khó để bêu xấu họ là đang mưu đồ tạo nên sự đối địch.
Suy nghĩ thứ hai quen thuộc trong lý thuyết tự do là sự nhấn mạnh tự do thương mại. Ý tưởng về việc thương mại giúp thúc đẩy các giải pháp giải quyết xung đột có nguồn gốc từ nghiên cứu của Montesquieu, Adam Smith và một số nhà tư tưởng của thời kỳ Khai sáng. Nhà triết học David Hume (1817) cho rằng “không gì thuận lợi hơn cho việc nâng cao học hỏi và sự lịch thiệp bằng liên kết bằng thương mại giữa một số nước láng giềng độc lập”. Quan điểm này sau đó được Trường phái kinh tế chính trị Manchester áp dụng và tạo thành cơ sở cho sự bác bỏ nổi tiếng của Norman Angell (1910) đối với nhận định rằng việc chinh phục quân sự mang lại sự giàu có về kinh tế.
Học thuyết cho rằng thương mại tự do giúp ngăn chặn các cuộc xung đột leo thang thành chiến tranh dựa trên một số mệnh đề. Thứ nhất, trao đổi thương mại tạo ra động lực về mặt vật chất để giải quyết xung đột một cách hòa bình: Chiến tranh làm giảm lợi nhuận vì làm gián đoạn các trao đổi kinh tế quan trọng. Thứ hai, các giới tinh hoa kinh doanh quốc tế vốn có lợi nhất từ những trao đổi này tạo thành một nhóm lợi ích xuyên quốc gia quyền lực mong muốn thúc đẩy các giải pháp hòa bình để giải quyết các bất đồng. Cuối cùng, mạng lưới thương mại giữa các quốc gia sẽ tăng cường thông tin liên lạc, làm xói mòn chủ nghĩa hẹp hòi và khuyến khích hai phía tránh những va chạm tai hại. Theo lời của Richard Cobden, một người phản đối Luật Ngũ cốc (Corn Laws) mang tính bảo hộ vốn từng điều tiết thương mại ngũ cốc quốc tế của Anh thì “Thương mại Tự do! Điều đó là gì? Tại sao lại cần phá bỏ những rào cản chia rẽ các quốc gia; những rào cản đó, mà đằng sau chúng là những cảm giác tự hào, thù hận, căm ghét và đố kỵ, điều mà thỉnh thoảng phá vỡ giới hạn của chúng và làm cả quốc gia tràn ngập máu” (trích trong Wolfers và Martin 1965).
Cuối cùng, điểm chung thứ ba trong lý thuyết tự do là sự ủng hộ các thể chế quốc tế. Các nhà tự do đề xuất việc thay thế nền chính trị cân bằng quyền lực nguy hiểm bằng các tổ chức dựa trên nguyên tắc rằng mối đe dọa tới hòa bình ở bất kỳ đâu đều là mối quân tâm chung của tất cả mọi người. Họ xem chính sách đối ngoại được tiến hành trong một xã hội toàn cầu đang manh nha có dân số là các chủ thể luôn nhận ra phí tổn của xung đột, chia sẻ những lợi ích chính yếu, và có thể đạt được những lợi ích này bằng cách sử dụng các thể chế để hòa giải tranh chấp khi có nhận thức sai lầm, những nhạy cảm bị tổn thương và khát khao của quốc gia mới nổi đe dọa đến quan hệ của họ.
Sự phát triển của tư duy tự do
Chủ nghĩa tự do hiện tại đã chiếm ưu thế sau khi Thế chiến I kết thúc. Cuộc chiến tranh này không chỉ bao gồm các bên tham gia trải rộng trên một khu vực địa lý rộng lớn hơn bất kỳ một cuộc chiến tranh nào trước đó mà còn là do khoa học và kỹ thuật hiện đại đã làm cho cuộc chiến tranh này trở thành cuộc chiến tranh về máy móc. Những vũ khí cũ được nâng cấp và tạo ra với số lượng lớn, những vũ khí mới sát thương cao thì nhanh chóng được phát triển và triển khai. Khi cuộc tàn sát này kết thúc, gần 20 triệu người đã chết.
Đối với một người theo chủ nghĩa tự do như Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson, Thế chiến I là “cuộc chiến tranh để kết thúc tất cả các cuộc chiến tranh”. Cho rằng một cuộc chiến tranh khủng khiếp khác sẽ xảy ra nếu các quốc gia tiếp tục thực hiện chính trị quyền lực trở lại, các nhà chủ nghĩa tự do bắt đầu cải tổ hệ thống quốc tế. Các “nhà lý tưởng” này, theo như cách gọi của các nhà hiện thực cứng rắn, thường rơi vào ba nhóm sau (Herz 1951). Nhóm thứ nhất ủng hộ việc tạo ra các thể chế quốc tế để giảm nhẹ những cuộc đấu tranh quyền lực khốc liệt giữa các quốc gia ích kỷ và nghi ngờ lẫn nhau. Hội Quốc Liên là hiện thân của dòng suy nghĩ tự do này. Các nhà sáng lập nó hy vọng rằng thể chế này sẽ ngăn chặn được các cuộc chiến tranh trong tương lai bằng cách tạo ra một hệ thống an ninh tập thể[6] có thể huy động toàn bộ cộng đồng quốc tế chống lại kẻ xâm lược tương lai. Những nhà sáng lập Hội Quốc Liên tuyên bố rằng hòa bình là không thể chia rẽ: Bất cứ cuộc tấn công nào vào một thành viên của Hội sẽ được coi là cuộc tất công vào tất cả các thành viên khác. Vì không có quốc gia nào mạnh hơn tổng các quốc gia còn lại, những kẻ xâm lược sẽ bị răn đe và chiến tranh là có thể tránh được.
Nhóm thứ hai kêu gọi việc sử dụng các thủ tục pháp lý để xét xử các cuộc tranh chấp trước khi chúng leo thang thành xung đột vũ trang. Sự xét xử là một thủ tục luật pháp để giải quyết xung đột bằng cách đưa tranh chấp ra tòa án thường trực để có một quyết định mang tính ràng buộc.
Ngay khi chiến tranh kết thúc, một số chính phủ đã phác thảo một đạo luật để thành lập Tòa Án Công lý Quốc tế Thường trực (PCIJ). Được khen ngợi bởi chủ tịch đầu tiên của tòa án – Ông Bernard C.J, Loder – như là một dấu hiệu của kỷ nguyên mới của nền văn minh, PCIJ đã tổ chức cuộc họp ra mắt công chúng vào đầu năm 1922 và đưa ra phán xét đầu tiên trong một trường hợp tranh chấp năm sau đó. Những người ủng hộ chủ nghĩa tự do của tòa án quả quyết rằng Tòa án Công lý sẽ thay thế các cuộc trả đũa quân sự bằng bộ máy pháp lý có thể mang vấn đề của các cuộc tranh chấp ra ánh sáng và đưa ra một phán quyết công bằng.
Nhóm thứ ba của các nhà tự do đi theo lời răn trong Kinh thánh cho rằng các quốc gia nên chuyển gươm đao thành lưỡi cày và tìm kiếm sự giải trừ quân bị như là phương tiện để tránh chiến tranh. Các nỗ lực của họ được minh chứng tại hội nghị hải quân Washington từ năm 1921 đến năm 1922 nhằm giảm bớt sự cạnh tranh hàng hải giữa Hoa Kỳ, Liên hiệp Anh, Nhật Bản, Pháp và Ý bằng cách giới hạn số tàu chiến. Mục đích chủ yếu của nhóm này là giảm căng thẳng quốc tế bằng cách thúc đẩy giải trừ quân bị tổng thể, điều này cũng dẫn đến việc triệu tập Hội nghị Giải trừ quân bị tại Geneva năm 1932.
Mặc dù giọng điệu của chủ nghĩa lý tưởng chiếm ưu thế trong luận điệu chính sách và các tranh luận học thuật trong suốt thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh nhưng có rất ít chương trình cải cách tự do được thực hiện nghiêm túc, và thậm chí càng ít chương trình hơn nữa thành công. Hội Quốc Liên thất bại trong việc ngăn chặn Nhật xâm lược Mãn Châu (1931) hoặc Ý xâm lược Ethiopia (1935). Các cuộc tranh chấp quan trọng hiếm khi được nộp lên Tòa Án Công lý Quốc tế; và Hội nghị Giải trừ quân bị Geneva năm 1932 kết thúc thảm bại. Khi mối đe dọa chiến tranh bất đầu xuất hiện lại ở Châu Âu và Châu Á vào cuối những năm 1930 thì sự nhiệt tình đối với chủ nghĩa lý tưởng tự do cũng dần bị lu mờ đi.
Làn sóng tiếp theo của chủ nghĩa tự do xuất hiện nhiều thập kỷ sau đó để đáp lại sự thờ ơ của chủ nghĩa hiện thực đối với quan hệ xuyên quốc gia[7] (xem Keohane và Nye 1971). Mặc dù các nhà hiện thực tiếp tục tập trung vào các quốc gia nhưng các sự kiện xoay quanh cuộc Khủng hoảng dầu mỏ 1973 cho thấy rằng các chủ thể phi quốc gia cũng ảnh hưởng đến chiều hướng của các sự kiện quốc tế, và thỉnh thoảng cạnh tranh với các quốc gia. Sự nhìn nhận này dẫn đến việc phát hiện ra rằng sự phụ thuộc lẫn nhau phức tạp[8] (Keohane và Nye 1977) thường đưa ra nhiều miêu tả tốt hơn về chính trị thế giới hơn là chủ nghĩa hiện thực, đặc biệt đối với vấn đề môi trường và kinh tế quốc tế. Mối liên hệ giữa các nước thay vì chỉ giới hạn trong các quan chức cấp cao của chính phủ thì nên được mở ra trên nhiều kênh giao tiếp khác nhau để kết nối xã hội. Thay vì an ninh luôn chế ngự trong các sự cân nhắc chính sách đối ngoại thì các vấn đề trên chương trình nghị sự quốc gia không phải lúc nào cũng có một ưu tiên cố định. Thay vì lực lượng quân sự được sử dụng như một phương tiện chủ yếu của nghệ thuật quản lý nhà nước thì các phương tiện khác thường có hiệu quả hơn khi sự mặc cả xảy ra giữa các quốc gia có mối liên hệ kinh tế với nhau. Nói tóm lại, mối quan tâm của chủ nghĩa hiện thực đối với quan hệ giữa chính phủ với chính phủ đã bỏ sót mạng lưới phức tạp của sự trao đổi giữa cộng đồng và tư nhân vốn đan chéo nhau qua biên giới quốc gia. Các quốc gia trở nên ngày càng phụ thuộc lẫn nhau; đó chính là sự phụ thuộc, nhạy cảm và dễ bị tổn thương vì bên kia theo cách mà chủ nghĩa hiện thực không đề cập tới.
Trong khi sự phụ thuộc lẫn nhau không mới nhưng sự phát triển của nó trong suốt một phần tư cuối thế kỷ XX đã dẫn đến việc nhiều nhà tự do thách thức quan niệm của chủ nghĩa hiện thực về tình trạng vô chính phủ. Mặc dù chấp nhận rằng hệ thống quốc tế là vô chính phủ nhưng họ cũng cho rằng nó nên được định nghĩa chính xác là tình trạng vô chính phủ “có trật tự” bởi vì hầu hết các quốc gia đều theo một tiêu chuẩn quy phạm được thừa nhận chung, thậm chí khi không có sự cưỡng chế thực hiện. Khi một bộ quy chuẩn khuyến khích các mong muốn chung, giúp định hướng một mô hình hợp tác được điều tiết về một vấn đề cụ thể thì chúng ta gọi đó là thiết chế quốc tế[9] (xem Hansenclever, Mayer, và Rittberger 1996). Nhiều loại thiết chế đã được đưa ra để quản trị các hành vi trong thương mại và vấn đề tiền tệ, cũng như quản lý cách tiếp cận các nguồn tài nguyên chung như đánh cá và nguồn nước sông. Tới đầu thế kỷ XXI, khi các vấn đề môi trường và kinh tế cấp thiết luôn xuất hiện đầy trên các chương trình nghị sự quốc gia, một bộ phận lớn các học giả tự do đã tập trung nghiên cứu cách các thiết chế phát triển như thế nào và điều gì khiến các quốc gia tuân theo các thiết chế đó.
Được nhen nhóm bởi niềm tin rằng sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng có thể dẫn đến mức độ hợp tác cao hơn, làn sóng mới của chủ nghĩa tự do, được biết đến dưới tên chủ nghĩa tự do mới (hay chủ nghĩa thể chế tự do mới) đã đưa ra một thách thức nghiêm trọng cho chủ nghĩa hiện thực và hiện thực mới trong suốt thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Những người theo chủ nghĩa tự do mới cho rằng các quốc gia cố gắng để tối đa hóa lợi phần tuyệt đối[10] bằng cách hợp tác nhằm gia tăng lợi ích chung, và rằng các thể chế quốc tế đưa ra một cơ chế để phối hợp hành động đa phương và giảm thiểu xung đột của bất kỳ ai không giữ đúng cam kết. Một mặt, các thể chế tăng cường sự hợp tác bằng cách cung cấp thông tin về mong muốn của những nước khác; mặt khác, chúng ngăn chặn các động cơ bội ước bằng cách giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận.
Gần đây, các nhà tự do mới đã tìm hiểu tình huống tiến thoái lưỡng nan của rủi ro đạo đức[11] khi các quốc gia hành xử theo cách làm trầm trọng thêm các vấn đề cấp thiết bởi họ mong rằng các thể chế quốc tế sẽ bảo lãnh cho họ. Chẳng hạn như một quốc gia không thể thanh toán những khoản dư nợ có thể tiếp tục mượn thêm tiền dưới giả định rằng một thể chế như Qũy Tiền tệ Quốc tế sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho họ (Martin 2007, 118-124). Các nghiên cứu về tình trạng lưỡng nan này giúp các nhà tự do mới có được cái nhìn sâu sắc hơn về việc làm thế nào mà các thể chế quốc tế thỉnh thoảng lại có đủ quyền tự trị để theo đuổi chương trình riêng của họ mặc cho áp lực phải đáp lại mong muốn của các quốc gia quyền lực nhất.
Các hạn chế của chủ nghĩa tự do
Các nhà tự do quan tâm đến việc tìm hiểu các điều kiện mà theo đó các lợi ích hội tụ và chồng chéo giữa các chủ thể chính trị có chủ quyền có thể dẫn đến việc họ hợp tác với nhau. Nhận thức rõ ràng sự ngăn cấm quốc tế, thông qua đồng thuận cộng đồng, đối với các tập quán lâu đời trước đây như nô lệ, cướp biển, đấu súng tay đôi và chủ nghĩa thực dân, các nhà tự do nhấn mạnh triển vọng tiến bộ thông qua việc cải cách các thể chế. Các nghiên cứu về sự hội nhập Châu Âu suốt năm 1950 và 1960 đã mở đường cho các lý thuyết thể chế tự do xuất hiện trong những năm 1990. Sự mở rộng của thương mại, truyền thông, thông tin, công nghệ và lao động nhập cư đã đẩy Châu Âu tới việc phải hi sinh một phần độc lập chủ quyền của mình để tạo ra một liên minh chính trị và kinh tế mới dựa trên các đơn vị riêng lẻ trước đây. Những phát triển này vượt khỏi thế giới quan của chủ nghĩa hiện thực, tạo ra các điều kiện để kêu gọi một lý thuyết có nền móng từ truyền thống tự do vốn thuyết phục những người đã từng nghi ngờ chủ nghĩa hiện thực trước đây. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nói: “Trong một thế giới nơi mà sự tự do chứ không phải sự chuyên chế đang phát triển thì các tính toán bất chấp đạo lý của chính trị quyền lực thuần túy đơn giản không mang lại kết quả. Điều đó không phù hợp với kỷ nguyên mới.”
Tuy nhiên, dù chủ nghĩa thể chế tự do đương đại tỏ ra hấp dẫn lúc mới bắt đầu thế kỷ XXI, nhiều nhà hiện thực phàn nàn rằng nó không vượt qua được di sản lý tưởng của chính nó (Xem Áp dụng: Thép và các mục đích tốt). Họ cho rằng giống như Hội Quốc Liên và Tòa án Công lý Quốc tế Thường trực, các thể chế ngày nay chỉ có ảnh hưởng tối thiểu đến hành vi của quốc gia. Các tổ chức quốc tế không thể ngăn nổi các quốc gia hành động theo logic của cân bằng quyền lực, tính toán mỗi bước đi của họ ảnh hưởng thế nào đến vị trí tương đối của mình trong thế giới cạnh tranh liên tục này (Mearsheimer 1994/1995; 1995).
Các nhà phê bình chủ nghĩa tự do tranh luận rằng hầu hết các nghiên cứu ủng hộ thể chế quốc tế xuất hiện trong lĩnh vực chính trị cấp thấp[12] của thương mại, tài chính và các vấn đề xã hội chứ không phải trên lĩnh vực chính trị cấp cao[13] của an ninh quốc gia. Dù rất khó để xác định ranh giới rõ ràng giữa các vấn đề kinh tế và an ninh nhưng một vài học giả cho rằng các sắp xếp thể chế khác nhau tồn tại trong từng lĩnh vực và triển vọng hợp tác giữa các quốc gia lớn hơn trong lĩnh vực kinh tế so với lĩnh vực an ninh (Lipson 1984). Chủ nghĩa hiện thực khẳng định rằng sự tồn tại của quốc gia phụ thuộc vào việc quản lý hiệu quả các vấn đề an ninh. Các tổ chức an ninh tập thể ngây thơ cho rằng tất cả các thành viên nhận thức về mối đe dọa theo cách giống nhau, và sẵn sàng chấp nhận rủi ro và chi trả phí tổn cho việc chống lại những mối đe dọa này (Kissinger 1992). Bởi vì các quốc gia tư lợi không nhìn nhận lợi ích thiết yếu của mình theo hướng này nên các tổ chức quốc tế không thể đưa ra phản ứng kịp thời và cứng rắn đối với các cuộc xâm lược. Các nhà hiện thực kết luận rằng đối với các vấn đề an ninh thì các quốc gia sẽ tin tưởng vào sức mạnh của chính mình chứ không phải là những lời hứa của các tổ chức quốc tế.
Một lời phàn nàn cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực dành cho chủ nghĩa tự do là khuynh hướng được cho là biến chính sách đối ngoại thành một cuộc vận động đạo đức. Trong khi các nhà hiện thực cho rằng người đứng đầu quốc gia bị chi phối bởi những đòi hỏi chiến lược thì nhiều nhà tự do tin rằng các đòi hỏi đạo đức áp đặt mệnh lệnh tuyệt đối lên các lãnh đạo. Hãy xem xét cuộc chiến tranh ở Kosovo năm 1999, vốn là cuộc đọ sức giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Nam Tư. Chỉ ra cuộc đàn áp người gốc Albani ở tỉnh Kosovo của nhà lãnh đạo Nam Tư Slobodan Milosevic, Tổng Thư ký NATO Javier Solana, Thủ tướng Anh Tony Blair và Tổng Thống Mỹ Bill Clinton cho rằng can thiệp nhân đạo là một việc làm bắt buộc về mặt đạo đức. Mặc dù nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia đã từ lâu là nguyên tắc chính trong luật pháp quốc tế nhưng các nhà lãnh đạo trên đều thấy sự can thiệp quân sự chống lại Nam Tư là một nhiệm vụ cấp bách do quyền con người là quyền quốc tế và chính phủ nào vi phạm điều đó sẽ mất đi sự bảo vệ của luật pháp quốc tế. Theo các nhà tư tưởng tự do, chủ quyền không phải là bất khả xâm phạm. Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ sử dụng vũ lực để ngăn chặn các vi phạm hiển nhiên đối với quyền con người (Xem thêm bài #116 – Trách nhiệm bảo vệ).
Tóm lại, chủ nghĩa hiện thực vẫn còn hoài nghi tuyên bố của chủ nghĩa tự do về sự cần thiết của đạo đức. Mặt khác, họ phủ nhận việc áp dụng toàn cầu một nguyên tắc đạo đức riêng lẻ trong một thế giới đa nguyên văn hóa. Họ lo sợ rằng sự áp dụng tiêu chuẩn này sẽ gây ra chính sách đối ngoại tự mãn, giống như một vị cứu tinh. Chủ nghĩa hiện thực áp dụng “chủ nghĩa hệ quả”.[14] Nếu không có tiêu chuẩn toàn cầu nào bao trùm các tình huống mà bắt buộc phải đưa ra các lựa chọn đạo đức thì các quyết định chính sách chỉ có thể được đánh giá về mặt kết quả trong những tình huống cụ thể. Các nhà lãnh đạo khôn ngoan nhận ra rằng các giá trị đạo đức đối nghịch nhau có thể bị đe dọa trong một số tình huống cụ thể và họ phải cân nhắc sự đánh đổi giữa các giá trị này cũng như theo đuổi chúng như thế nào để không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và các lợi ích quan trọng khác. Nhà cựu ngoại giao Mỹ và học giả hiện thực George Kennan (1985) đã từng nói rằng bổn phận chính yếu của chính phủ “là lợi ích của xã hội quốc gia nó đại diện chứ không phải là các thôi thúc đạo đức mà các yếu tố cá nhân của xã hội đó trải nghiệm”.
Chủ nghĩa kiến tạo
Thế giới quan của chủ nghĩa kiến tạo
Sự phát triển của tư duy kiến tạo
Các hạn chế của chủ nghĩa kiến tạo
Điều gì còn sót trong các lý thuyết về chính trị thế giới?
Quan điểm cấp tiến
Quan điểm vị nữ
Dự đoán tương lai toàn cầu qua các lý thuyết về chính trị thế giới
Tóm tắt chương
Bài đọc gợi ý
Câu hỏi tư duy phản biện
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Cac ly thuyet ve chinh tri the gioi.pdf
—-
[1] Theory: một tập hợp các tuyên bố liên quan lẫn nhau nhằm giải thích một hiện tượng lặp đi lặp lại quan sát được.
[2] Power: Khả năng khiến ai đó phải tiếp tục một hành động, thay đổi những gì người đó đang làm, hoặc kiềm chê không được hành động.
[3] Self-help: nguyên tắc rằng trong tình trạng vô chính phủ, các chủ thể phải tự dựa vào sức mình.
[4] Relative gains: lợi ích mà một bên thu được trong một thỏa thuận so với lợi ích thu được của bên kia.
[5] Zero-sum game: là một tình huống mà trong đó một bên thắng và một bên thua.
[6] Collective security: một chế độ an ninh dựa trên nguyên tắc rằng một hành động xâm lược của bất kỳ quốc gia nào sẽ được đáp trả tập thể bởi các quốc gia còn lại.
[7] Transnational relations: Tương tác xuyên biên giới các quốc gia liên quan tới ít nhất một chủ thể không phải là tác nhân của một chính phủ hay một tổ chức quốc tế.
[8] Complex interdependence: Một mô hình chính trị thế giới dựa trên các giả định cho rằng các quốc gia không phải là các chủ thể quan trọng duy nhất, an ninh không phải là mục tiêu quốc gia áp đảo, và lực lượng quân sự không phải là công cụ chính sách đối ngoại quan trọng duy nhất.
[9] International regime: Một tập hợp các nguyên tắc, quy chuẩn và quy định điều chỉnh hành vi bên trong một lĩnh vực vấn đề cụ thể.
[10] Absolute gains: Các điều kiện mà trong đó tất cả các bên tham gia vào trao đổi đều được hưởng lợi,
[11] Moral hazard: Một tình huống mà trong đó các thể chế quốc tế tạo ra sự khuyến khích để các quốc gia hành xử một cách mạo hiểm, rủi ro.
[12] Low politics: Phạm trù các vấn đề toàn cầu liên quan đến các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của mối quan hệ giữa các chính phủ và dân tộc.
[13] High politics: Phạm trù các vấn đề toàn cầu liên quan đến các khía cạnh quân sự và an ninh của mối quan hệ giữa các chính phủ và dân tộc.
[14] Consequentialism: một cách tiếp cận để đánh giá các lựa chọn đạo đức trên cơ sở kết quả của các hành động được thực hiện.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]