Tác giả: Đinh Thị Hiền Lương (Julia Luong Dinh)| Biên dịch: Tuấn Anh
Hành động khiêu khích của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 (Haiyang Shiyou-981) và triển khai hạm đội tàu quân sự và bán quân sự khoảng 100 chiếc để bảo vệ giàn khoan này tại vùng biển tranh chấp với Việt Nam hồi đầu tháng 5 đã khiến dư luận Việt Nam hết sức bất bình, làm bùng phát làn sóng biểu tình quy mô lớn trong những ngày sau đó.
Để bác lại quan điểm của Trung Quốc cho rằng nước này có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), chúng ta cần nhắc lại ba nguyên tắc cơ bản của vùng lãnh thổ không có tranh chấp. Cụ thể là, thứ nhất, khi một quốc gia yêu sách một vùng lãnh thổ thì ngoài nước đó ra không còn bên tranh chấp nào khác; thứ hai, yêu sách đó đi cùng với sự kiểm soát (hoặc quản lý) hiệu quả vùng lãnh thổ trên; thứ ba, hành động yêu sách và chiếm hữu vùng lãnh thổ này phải được các quốc gia khác công nhận. Như vậy, yêu sách của Trung Quốc rõ ràng không đáp ứng được các điều kiện trên.
Từ những năm 1970, Trung Quốc và Việt Nam đã có tranh chấp về chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa. Nói một cách logic, nếu Trung Quốc không thể chứng minh quần đảo Hoàng Sa không có tranh chấp, thì những hành động đơn phương không có sự đồng thuận của các bên liên quan sẽ hoàn toàn không được coi là “hoạt động thương mại bình thường” như phía Trung Quốc tuyên bố. Việc Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và các văn bản quốc tế khác khi đơn phương tìm cách thay đổi hiện trạng thời gian gần đây, đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Trong tuyên bố chung đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-Mỹ-Úc vào cuối tháng 5, các Bộ trưởng đã phản đối mạnh mẽ hành động hăm dọa hoặc sử dụng vũ lực ở các vùng biển tranh chấp. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông trong một tuyên bố riêng, động thái đầu tiên của tổ chức này kể từ Tuyên bố các Ngoại trưởng ASEAN năm 1995 sau sự kiện Đá Vành Khăn (Mischief Reef).
Tranh chấp yêu sách đối với hai quần đảo
Yêu sách “đường chín đoạn” mà Trung Quốc thường viện dẫn, coi gần như toàn bộ vùng nước ở Biển Đông là một phần của lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa, khó có thể đứng vững theo các quy định hiện hành của luật pháp quốc tế, bởi cái Trung Quốc gọi là “bằng chứng không thể chối cãi” lại hoàn toàn không thuyết phục và khá mơ hồ. Trung Quốc có xu hướng diễn giải các văn bản pháp luật và hiệp ước, đặc biệt là UNCLOS 1982 theo hướng có lợi cho những yêu sách lịch sử của mình, trong khi không hề đếm xỉa tới những cách giải thích khác mà các bên tranh chấp khác đưa ra.
Theo nhận xét của ông Rodolfo C Severino, cựu Tổng thư ký ASEAN và là một nhà ngoại giao của Philippines, “Người Việt Nam về phần mình, đã đưa ra các yêu sách đối với các đảo, đá ở Biển Đông dựa trên việc phát hiện, khai thác và chiếm giữ khu vực này. Bên cạnh đó, với vai trò là quốc gia kế thừa các quyền chủ quyền từ tay thực dân Pháp, Việt Nam đã viện dẫn các hành động thực thi chủ quyền mà Pháp đã thực hiện ở hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ những năm 1920. Tại Hội nghị hòa bình San Francisco năm 1951, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà không có bất kỳ sự phản đối nào.
Trung Quốc cố tình xuyên tạc thiện chí của Việt Nam đối với Trung Quốc, đồng minh chính của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, coi đó như sự công nhận trên thực tế của Việt Nam đối với chủ quyền của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong công thư ngoại giao của Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958, chỉ thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với tuyên bố chiều rộng lãnh hải 12 hải lý mà chính phủ Trung Quốc đưa ra, không có bất kỳ câu chữ nào trong công thư cho thấy Việt Nam công nhận việc Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo, trên thực tế khi đó nằm dưới quyền quản lý của chính quyền Miền Nam Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc. Do Việt Nam vẫn chưa thống nhất hai miền nam bắc trước năm 1975, việc Trung Quốc viện dẫn công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Tuyên bố của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản đối chính phủ Mỹ xác định ranh giới chiến tranh năm 1965, để cáo buộc Việt Nam vi phạm nguyên tắc estoppel (theo nguyên tắc đó Việt Nam không có quyền đòi lại những gì mình đã từ bỏ), là hoàn toàn vô căn cứ.
Nguy cơ bất ổn gia tăng
Bắc Kinh luôn phản đối giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương hoặc các cơ chế pháp lý, bao gồm thủ tục trọng tài theo Công ước Luật Biển, vì họ mô tả đó là những âm mưu đầy toan tính của các thế lực bên ngoài nhằm mục tiêu quốc tế hóa tranh chấp. Trong khi còn tồn tại nhiều bất đồng, thay vì sử dụng các biện pháp hòa bình mang tính xây dựng để giải quyết những khác biệt, Trung Quốc lại có xu hướng sử dụng bạo lực như là lựa chọn số một để khẳng định yêu sách chủ quyền, đặc biệt nước này đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956 và 1974, và một số nhóm đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1988 và năm 1995.
Trong một vài năm trở lại đây, việc Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá, cắt cáp tàu Việt Nam hoặc quấy rối ngư dân của các bên yêu sách khác ở Biển Đông, đã khiến tình hình thêm bất ổn và đe dọa tới an ninh khu vực, trong đó có an toàn lưu thông trên biển ở các vùng biển tranh chấp. Trong khi cộng đồng quốc tế đang lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981, thì mới đây Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (hay còn gọi là Tập đoàn CNOOC) lại tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai thêm bốn giàn khoan nữa, dự kiến tới các khu vực ở phía tây và phía đông của Biển Đông trong nửa đầu của năm 2014.
Tìm kiếm một giải pháp hòa bình
Trong khi chờ đợi hai bên cùng có thiện chí ngồi xuống thương lượng về một giải pháp hòa bình, Lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam đã hành xử hết sức kiềm chế trước các hành động đầy khiêu khích của Trung Quốc trên thực địa. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố Việt Nam sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình, bao gồm cả hành động pháp lý, để bảo vệ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo và những vùng biển xung quanh hai quần đảo này. Tuy nhiên, dù biện pháp hòa bình luôn là ưu tiên hàng đầu để giải quyết tranh chấp, Việt Nam sẽ không loại trừ khả năng phải có những hành động quân sự cần thiết khi Hà Nội bị Bắc Kinh đẩy vào thế phải tự vệ.
Điều cần thiết hiện nay là các nhà lãnh đạo và giới học giả khu vực cần phải có tầm nhìn xa và cách tiếp cận tỉnh táo, “tim nóng nhưng đầu phải lạnh” trong việc giải quyết điểm nóng an ninh này, tránh những hậu quả bất lợi và hệ lụy của những hành động leo thang gây căng thẳng đầy nguy hiểm, vì mục tiêu duy trì sự ổn định và phát triển ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Julia Lương Đinh là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Khoa Chính phủ và Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Sydney, Úc. Có thể liên hệ với Julia Lương Đinh qua địa chỉ: [email protected].
Nguồn: International Affairs