#183 – Lý Quang Diệu viết về kinh tế Singapore

Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “Singapore: The Economy”, in L.K. Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 228-237.

Biên dịch: Ngô Trần Thanh Hiền | Hiệu đính: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Bài liên quan: Các phần khác của cuốn One Man’s View of the World

Singapore có một nền kinh tế rất mở. Từ khi chúng ta tách khỏi Malaysia, chúng ta đã xác định rằng, là một thành phố cảng bị cắt lìa khỏi lục địa, chúng ta không còn con đường nào khác để phát triển ngoài việc tạo ra những liên kết sâu rộng với phần còn lại của thế giới. Chúng ta thịnh vượng đi lên từ những kết nối này, tận dụng đà tăng trưởng mạnh mẽ diễn ra trên khắp thế giới sau Thế chiến thứ hai. Ngày nay, theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới, tỉ lệ thương mại trên GDP của chúng ta (416%) vượt xa con số của láng giềng Malaysia (167%) và Indonesia (47%) cũng như những nền kinh tế Châu Á khác vốn cùng theo đuổi chính sách hướng tới xuất khẩu trong nỗ lực hiện đại hoá, như Đài Loan (135%), Hàn Quốc (107%), và Thái Lan (138%). Chỉ có Hồng Kông (393%) là có nền kinh tế mở như của Singapore – và đó là nếu tính cả việc kinh doanh với Trung Quốc là ngoại thương.

Do phụ thuộc vào những kết nối này, chúng ta luôn rất dễ tổn thương trước những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta – những điều xảy ra ở những phần khác của thế giới. Chúng ta cố hết sức dự phòng nhiều phương án để khỏi bị mắc nợ bất kỳ một lực lượng bên ngoài nào. Nhưng khi suy thoái tấn công những nền kinh tế lớn trên thế giới, ví dụ vậy, thật phi thực tế nếu kỳ vọng Singapore sẽ bình chân như vại. Và do đó, nếu những nền kinh tế phát triển của phương Tây có thể tăng trưởng 2 đến 3% một năm, và Trung Quốc 7 đến 8%, thì chúng ta có thể ổn thỏa với mức tăng trưởng trung bình 2 đến 4% một năm.

Nếu có biến động ở Đông Nam Á, chúng ta có thể bị tác động. Những công ty đa quốc gia có thể coi cả khu vực là một vùng bất ổn, và có thể rút hoặc ngưng các khoản đầu tư. Hiện tại, khả năng về một kết quả như vậy thật may mắn là không lớn. Malaysia có vẻ bình lặng. Indonesia từ lâu đã từ bỏ những luận điệu hiếu chiến thời Sukarno. Myanmar đang bắt đầu mở cửa. Thái Lan vẫn luôn là một thị trường tự do. Khu vực này hiện thời đang yên ổn, và Singapore sẽ hưởng lợi nếu mọi sự cứ tiếp tục thế này.

Tình hình quốc nội cần được giữ ổn định. Nếu Singapore quay trở lại những năm 1950, khi sinh viên và công nhân người gốc Trung Quốc biểu tình bãi khoá và băng rôn treo khắp nơi như một lời nhắc nhở thường xuyên về hoạt động chính trị và bản chất chia rẽ của xã hội, những khoản đầu tư sẽ đi đâu? Tại sao chúng lại nên tới đây? Những mối quan hệ công nghiệp ngày nay tương đối hoà bình, như từ hàng thập kỷ nay, nhờ công lao của những thành viên nghiệp đoàn thế hệ đầu tiên như Devan Nair, người tận tâm với không chỉ công nhân mà còn với phúc lợi của cộng đồng. Họ tìm cách dàn xếp tranh chấp một cách lặng lẽ nhưng hiệu quả mà không làm tổn hại đất nước hoặc gián đoạn những dịch vụ thiết yếu. Đối với những hãng nước ngoài, sự bình ổn trong quan hệ công nghiệp là một trong những điểm hấp dẫn thu hút họ tới Singapore. Để củng cố hệ thống tay ba, chúng ta luôn có một thành viên công đoàn trong Nội các. Nếu sự thấu hiểu chia sẻ giữa chính phủ, công nhân và bên quản lý đổ vỡ, Singapore sẽ rơi vào vùng xoáy.

Cuối cùng, chúng ta cần theo kịp sự cạnh tranh, luôn trong trạng thái linh hoạt và nhanh chóng chấp nhận những thực tế mới. Những thực tế đó là gì trong vòng hai hoặc ba thập kỷ tới, tôi không thể nói trước. Nhưng chúng ta luôn trong tư thế sẵn sàng nếu chúng ta củng cố những lợi thế mà chúng ta đã tích luỹ qua năm tháng: một lực lượng lao động trình độ cao sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ nhất và tiếng Trung là ngôn ngữ thứ hai, nền pháp quyền và sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, sự hăm hở đón nhận công nghệ mới nhất trong mọi lĩnh vực, sự minh bạch và không tham nhũng trong chính phủ cũng như sự dễ dàng trong công việc làm ăn.

Không may thay, khi chúng ta tiếp tục phát đạt, chúng ta sẽ phải đối mặt với khoảng cách thu nhập tăng lên. Vấn đề này không chỉ đặc thù ở Singapore. Trong một thế giới toàn cầu hoá, bản chất của cạnh tranh là tiền công của những người dưới đáy bị tụt hẳn và  những người top đầu, những người nhanh nhạy và được săn đón, sẽ được hưởng những gói lương ngày càng lớn hơn. Nhưng thực ra chúng ta đang làm tốt hơn nhiều những gì mà các nhà phê bình dành cho chúng ta. Nổi tiếng về hệ thống phúc lợi như Châu Âu, có thành phố Châu Âu nào đủ khả năng chứa 80% dân số trong các công trình nhà ở công cộng, với đa số trong đó sở hữu nhà của riêng mình?

Tôi không ngụ ý là chúng ta có thể tự mãn về vấn đề này. Chính phủ cần xử lý khoảng cách thu nhập nếu không Singapore sẽ không còn thống nhất với tư cách một dân tộc. Câu hỏi là: Chúng ta sẽ làm thế nào mà không làm tổn hại tới tính cạnh tranh tổng thể?

Tôi phản đối sự can thiệp quá nhiều vào thị trường tự do. Nó bóp méo các động lực và tạo ra sự thiếu hiệu quả mà sau này rất khó trừ bỏ. Tiền lương tối thiểu là một ví dụ. Một cách tiếp cận tốt hơn hẳn là cho phép thị trường tự do tự vận hành và đạt kết quả tối ưu về mặt tổng thể đầu ra kinh tế trước khi chính phủ rốt cuộc nhúng tay vào bằng cách đánh thuế người giàu chuyển cho người nghèo. Singapore đang làm việc ấy ở một chừng mực nhất định. Người giàu chịu phần gánh nặng thuế hơn hẳn người nghèo – thuế thu nhập cá nhân, thuế hàng hoá và dịch vụ, tài sản…, qua đó tăng ngân sách vốn được sử dụng để giúp người nghèo thông qua hoàn thuế hàng hoá và dịch vụ, tiết kiệm khi sử dụng các tiện ích, trợ cấp căn hộ trong các khu nhà công (HDB), xuất chi phúc lợi lao động.… Đây chỉ là một trong số những kế hoạch hiện hành mà bản chất là tái phân phối thu nhập. Nhưng chúng ta cần thận trọng không tăng thuế quá cao nếu không người giàu, hay những người có phương tiện để rời khỏi Singapore, sẽ làm vậy. Chúng ta có thể giữ lại một số người thế hệ già bởi vì họ đã cắm rễ ở đây. Nhưng nếu bạn còn trẻ và tài năng và thế giới thì đang vẫy gọi, cám dỗ rời bỏ sẽ trở nên không thể cưỡng nổi.

Một vài người lập luận làn sóng công nhân ngoại quốc trong thập niên qua làm giãn rộng khoảng cách thu nhập bằng việc giảm khả năng tăng lương tiềm năng cho những người Singapore có kỹ năng kém hơn. Tôi không phủ nhận điều này đúng ở một chừng mực nhất định. Thực tế của Singapore là, nếu chúng ta ngăn không cho những công nhân đó tới đây, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm gần phân nửa GDP của đất nước và 70% lao động, sẽ sụp đổ, với hệ quả tai hại hơn nhiều cho dân địa phương thu nhập thấp. Đương nhiên chúng ta sắp chạm tới giới hạn số lượng công nhân ngoại quốc chúng ta có thể thu nhận, do sự khó chịu đến từ người dân Singapore và trong việc tìm không gian để cung cấp nơi ăn chốn ở cho họ, và đây cũng là lý do tại sao chính phủ phải tiến tới giảm số lượng (công nhân nhập cư) trong vài năm vừa qua. Nhưng sự đánh đổi vẫn thế – cắt giảm đáng kể sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Sự cân bằng mà chúng ta duy trì trong vấn đề này có thể không được đón nhận đầy đủ bởi phần đông dân số, mà dễ hiểu sẽ có xu hướng ủng hộ những kết quả dân tuý, nhưng chính phủ có trách nhiệm phải tỉnh táo trong việc quản lý nền kinh tế về lâu về dài.

Hỏi – Đáp

Hỏi:   Có sự thay đổi đặc biệt nào trong chiến lược về tăng trưởng kinh tế mà chúng ta nên cân nhắc hay không?

Đáp: Một sự thay đổi trong chiến lược có thể là gia tăng tiêu dùng nội địa, nhưng với dân số ít, điều này chẳng có nghĩa lý gì. Trung Quốc và Ấn Độ có thể đẩy mạnh tiêu dùng. Chúng ta thì không.

Hỏi:   Có khả năng nào trong tương lai cho việc phát hiện và nuôi dưỡng những ngành công nghiệp nhất định như chúng ta đã làm với khoa học sức khỏe không?

Đáp: Có thể. Nhưng anh phải khá chính xác và tin rằng đó là một khu vực tăng trưởng mà chúng ta có thể phát triển, và chúng ta có đội ngũ tài năng nằm trong lĩnh vực đó.

Hỏi:   Chúng ta có khá tự tin về khoa học sức khỏe khi chúng ta thực hiện cú nhảy vọt không?

Đáp: Không, tôi cho là chúng ta vẫn chưa hẳn đã thực hiện cú nhảy đó. Chúng ta đã đào tạo nhiều tiến sĩ để làm nghiên cứu và phát triển trong khoa học sức khỏe, nhưng từ việc xây dựng nghiên cứu chất lượng cho tới gặt hái lợi ích kinh tế là cả một chặng đường dài.

Hỏi:   Về vấn đề tăng năng suất, chúng ta đang lê bước sau nhiều nước phát triển. Trong sản xuất và dịch vụ, năng suất của Singapore chỉ bằng 55% tới 65% Nhật và Mỹ.

Đáp: Bởi vì chúng ta có nhiều người di cư không thích nghi được với lực lượng lao động một cách dễ dàng và không nói tiếng Anh. Một số người có giấy phép làm việc và không ở lại lâu – họ rời đi sau một vài năm, sau khi đã phát triển được các kỹ năng.

Hỏi:   Chuyển qua bất bình đẳng thu nhập: Có thể làm thêm được gì để tăng tiền công cho những người ở dưới đáy, bất chấp những thực tế mà Singapore đang phải đối mặt?

Đáp: Bất bình đẳng tồn tại là do ở tầng thấp có lượng cung khổng lồ công nhân người Trung Quốc và Ấn Độ, không phải ở đây mà là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Do vậy trừ khi bạn có kỹ năng, khoảng cách đó sẽ mở rộng theo hướng bất lợi cho bạn. Nhưng bạn hãy tự hỏi có bao nhiêu công ty vừa và nhỏ sẽ cuốn gói nếu chúng ta cắt giảm công nhân ngoại quốc?

Hỏi:   Nhưng đó không phải là tình huống con gà – quả trứng sao? Bởi vì thuê người ngoại quốc thì dễ dàng và rẻ mạt, các công ty vừa và nhỏ tiếp tục dựa vào họ. Nếu thắt chặt nguồn cung, họ sẽ buộc phải tìm cách khác để hoạt động. Sẽ có một số phải đóng cửa, nhưng có lẽ một mức độ xáo trộn nào đó là cần thiết để nền kinh tế có thể tiếp tục năng suất hơn.

Đáp: Anh cắt giảm họ và sẽ thấy các công ty vừa và nhỏ sụp xuống.

Hỏi:   Đó có phải điều tồi tệ, hay chỉ là một sự chuyển tiếp cần thiết?

Đáp: Nếu các công ty vừa và nhỏ sụp đổ, chúng ta sẽ mất hơn một nửa nền kinh tế.

Hỏi:   Theo một cách thì đấy là những gì chính phủ đang cố gắng làm. Họ cố giảm tốc độ tăng trưởng trong lực lượng lao động nước ngoài.

Đáp: Đúng vậy, vì công chúng Singapore cảm thấy khó chịu với rất nhiều người trong số họ. Không phải vì kinh tế. Từ góc độ kinh tế, chúng ta nên tăng thêm.

Hỏi:   Vậy ông đánh giá kết cục này thế nào nếu xét đến việc chúng ta đã bắt đầu thắt chặt nguồn cung? Nó có nghĩa là chúng ta sẽ mất một nửa nền kinh tế không?

Đáp: Khi anh xua đuổi những công nhân hiện thời về nước bằng giấy phép làm việc, nền kinh tế sẽ thu hẹp. Nhưng chúng ta đang giữ cùng một nhịp độ và chỉ phanh đầu vào là những công nhân mới mà thôi. Không phải là cho dừng lại. Khi anh dừng hẳn lại, anh sẽ gặp rắc rối.

Hỏi:   Thuế suất của chúng ta hiện nay rất thấp so với nhiều nước phát triển khác. Có khả năng điều chỉnh nó cao hơn không?

Đáp: Nếu anh tăng nó lên quá cao, anh sẽ thấy những con người ưu tú nhất ra đi. Chúng ta cũng đang mất họ rồi. Rất nhiều sinh viên giỏi nhất đã tới Mỹ, họ được săn lùng bởi những công ty lớn và không trở về. Những người trung niên và cao tuổi hơn mới ở lại. Họ không có lựa chọn. Những người vẫn linh hoạt, chưa tới trung niên, sẽ lũ lượt ra đi. Và nếu không có những con người top đầu, nơi này sẽ không còn là chính nó nữa. Nếu không có thế hệ của tôi, sẽ không có Singapore ngày nay. Chính Goh Keng Swee, S.Rajaratnam, Lim Kim San đã giúp xây dựng nơi này. Trong thế giới hôm nay, họ sẽ tới Mỹ kiếm một công việc ở Microsoft và không quay trở lại.

Hỏi:   Nhưng ông và thế hệ ông đã quyết định trở lại Singapore sau khi được hưởng nền giáo dục ở những trường đại học tốt nhất trên thế giới. Thế hệ trẻ Singapore không thể quay trở về nếu họ có một cảm nhận về quê hương hay về tính mục đích sao?

Đáp: Thế hệ tôi – chúng tôi không được phép ở lại Mỹ hay Anh sau khi tốt nghiệp.

Hỏi:   Ông không thể ở lại Anh làm luật sư sao?

Đáp: Không. Tôi sẽ không thể kiếm sống nổi. Tôi không làm việc ở Anh. Tôi quay trở về và bắt đầu làm việc ở đây.

Hỏi:   Thế còn thế hệ của Thủ tướng Lý Hiển Long thì sao? Ý tôi là, có thể quyết định trở về không thuần tuý là vì cơ hội kinh tế.

Đáp: Không, lý do duy nhất khiến họ quay lại là cha mẹ họ.

Hỏi:   Đó là một lý do lớn. Thế còn cảm thức về lòng yêu nước, hoặc cảm thấy cần phải đóng góp gì đó cho đất nước?

Đáp: Anh đang nói về một thế giới toàn cầu hoá. Các cơ hội luôn rộng mở.

Hỏi:   Và có lẽ Singapore là một phần của các cơ hội đó?

Đáp: Không. Lúc đó thế giới chưa toàn cầu hoá. Bây giờ nó mới toàn cầu hoá.

Hỏi:   Ông có theo dõi cuộc thảo luận châm ngòi bởi nhận định của Giáo sư Lim Chong Yah về sự cần thiết phải có một cuộc cách mạng trong tiền công không?

Đáp: Lim Chong Ah là một học giả. Ông ta muốn gây tranh cãi. Ông ta đã bao giờ đưa ra một kế hoạch “Nếu ông thực sự nghiêm túc, ông sẽ làm nó, và ông sẽ làm nó theo cách này” chưa? Thủ tướng và các bộ trưởng không xem xét quan điểm ông ấy một cách nghiêm túc. Một bộ trưởng đã phản hồi và ông ấy thú nhận ông ta chỉ đầu trò để những người khác a dua – chứ không phải ông ta sẽ dẫn dắt câu chuyện đến một cái đích nào đó.

Hỏi:   Ông ta không thể dẫn dắt được – không phải từ vị trí của ông ta.

Đáp: Không. Nếu ông ấy có một kế hoạch đâu ra đấy, ông ta có thể đưa ra kiểu: bước 1, bước 2, bước 3, bước 4, bước 5, cho tới lúc đạt được mục tiêu.

Hỏi:   Do chúng ta đang trở thành một nền kinh tế tri thức, có phải chúng ta sẽ ngày càng dựa vào các ý tưởng và những thứ xoay chuyển cuộc chơi mang tính cách tân thực sự như Twitter và Facebook không?

Đáp: Không. Làm sao chúng ta có thể tạo ra một Bill Gates? Chúng ta là 3 triệu người Singapore. Người Hoa là 1,4 tỉ, dù họ không mang tính sáng tạo như người Mỹ được. Ấn Độ cũng thế. Tại sao? Mỹ có những con người xuất sắc di cư tới đó từ đời đầu tiên, sau đó tiếp nối bởi những con người hàng đầu khác.

Download toàn bộ văn bản tại đây: Ly Quang Dieu viet ve kinh te Singapore.pdf