Chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc sẽ về đâu?

CstoG480

Tác giả: Trương Minh Vũ & Nguyễn Thành Trung | Biên dịch: Thụy Điển

Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh đã có chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Trung Quốc trong tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm nỗ lực cải thiện quan hệ song phương sau sự kiện giàn khoan 981 vào tháng 5. Truyền thông chính thống của Việt Nam tường thuật mục đích chính của chuyến đi là nhằm phục hồi và cải thiện mối quan hệ giữa hai Đảng và hai quốc gia. Ông Lê Hồng Anh, người đứng thứ 5 trong Bộ Chính trị, đã gặp gỡ với nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các cơ quan báo chí Trung QuốcViệt Nam thông báo rằng hai bên đã đạt được một thỏa thuận 3 điểm trong chuyến thăm:

  1. Lãnh đạo hai Đảng và hai nước sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo trực tiếp phát triển quan hệ song phương;
  2. Tăng cường giao lưu giữa hai Đảng, hai nước;
  3. Tuân thủ các nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước nhằm tiếp tục duy trì, giữ vững quan hệ Việt Trung cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Chuyến đi của ông Lê Hồng Anh đã khuấy động một cuộc tranh luận nảy lửa giữa các nhà quan sát. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan hệ song phương đã xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ sau khi Trung Quốc di chuyển giàn khoan nước sâu của quốc gia này vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự căng thẳng chỉ được xoa dịu khi Trung Quốc đơn phương rút giàn khoan dầu của mình vào ngày 16/7, với thông báo nhiệm vụ đã hoàn thành. Mười tuần của cuộc khủng hoảng nhắc nhở Việt Nam cần bắt đầu đánh giá lại chính sách đối ngoại của mình.

Tại Việt Nam, trên khắp các hội thảo và diễn đàn đã chứng kiến cuộc thảo luận về “thoát Trung”, “đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế,” và cách để “giảm phụ thuộc vào Trung Quốc”. Những đối thoại này, dù được thúc đẩy bởi chính quyền Việt Nam hay không, đều thu hút sự tham gia của đông đảo các giai tầng trong xã hội. Hầu hết các thành viên tham gia coi Trung Quốc như một mối đe dọa đối với Việt Nam. Kết quả là nhiều nhà phê bình đã cho rằng nỗ lực xoa dịu căng thẳng của Hà Nội với Bắc Kinh (thông qua chuyến đi) là “một sự nhượng bộ” hay một hình thức “khúm núm”.

Tuy vậy, chuyến đi phải được hiểu trong một bối cảnh rộng hơn: đó là cách thức Việt Nam xử lý các mối quan hệ với các cường quốc một cách tế nhị, đặc biệt là với người hàng xóm đang trỗi dậy. Chiến lược quan hệ đối ngoại của Việt Nam không phải là một đường tuyến tính đơn giản, mà thực sự là một sự tổng hòa của nhiều chiến thuật khác nhau với nhiều biến số cần được đánh giá đúng mực. Giới tinh hoa chính trị Việt Nam hiện nay đang nghiên cứu ba cách tiếp cận chiến lược để thiết lập lại vị trí cân bằng giữa các cường quốc trong khu vực. Chúng bao gồm cân bằng, đối trọng lại Trung Quốc (balancing), tạo ra các mối quan hệ phức tạp, song phương và đa phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau (omni-enmeshment), đồng thời dành ít nhiều sự tôn trọng đối với nước này (deference).

Những phát triển gần đây trong chính sách quốc phòng của Việt Nam là một ví dụ của việc duy trì chính sách cân bằng. Trong chuyến thăm hai ngày đến Việt Nam vào đầu tháng Tám, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kushida cho biết Tokyo sẽ cung cấp cho Hà Nội 6 tàu tuần tra đã qua sử dụng như một phần của gói viện trợ nhằm nâng cao năng lực bảo vệ bờ biển của Việt Nam. Vào ngày 14, tướng Mỹ Martin Dempsey đã trở thành Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đầu tiên sang thăm Việt Nam trong hơn bốn thập kỷ qua. Một tuần trước đó, hai thượng nghị sĩ John McCain và Sheldon Whitehouse đã đến thăm và nói chuyện công khai về việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam.

Vào ngày 25.8, Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj sang thăm sau khi Việt Nam gia hạn hợp đồng cho Ấn Độ thăm dò hai lô dầu khí ở Biển Đông. Ngoài ra, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee dự kiến ​​sẽ thăm Việt Nam vào tháng Chín. Các cơ quan báo chí cho rằng Ấn Độ và Việt Nam có thể sẽ ký một thỏa thuận quốc phòng trong đó Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam đào tạo phi công điều khiển máy bay chiến đấu Sukhoi và cân nhắc bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam. Những động thái nhanh chóng và quyết liệt này đã cho phép Việt Nam nâng tầm các mối quan hệ gần gũi với ba đối thủ cạnh tranh lớn của Trung Quốc.

Trong mặt trận thương mại và ngoại giao, Hà Nội đã thông qua một chiến lược dài hạn nhằm tăng cường mạng lưới các tổ chức khu vực và các hiệp định thương mại tự do (FTA) với một loạt các cường quốc. Chiến lược này giúp tạo ra sự chồng chéo khu vực ảnh hưởng, qua đó Hà Nội có thể dự đoán tốt hơn và giúp định hình được ý đồ của các nước lớn. Mục tiêu của Việt Nam là đa dạng hóa ngoại thương, giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc cũng như hạn chế các ảnh hưởng chính trị tiềm tàng mà Bắc Kinh có thể lợi dụng.

Ví dụ, nhiều người thuộc giới học giả và tầng lớp tinh hoa Việt Nam nhận định việc tham gia cùng lúc hai cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là cách thức “cân bằng mềm” chống lại sự mạnh bạo ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời là một cách để “thuần hóa” Trung Quốc thông qua các tổ chức khu vực.

Lời nguyền địa lý cũng như sự bất đối xứng về quyền lực buộc Việt Nam phải cẩn trọng, tránh “chọc giận” người láng giềng lớn. Chuyến đi của ông Lê Hồng Anh đưa ra một tín hiệu từ Việt Nam cho thấy rằng quốc gia này không muốn đối đầu với Trung Quốc. Điều này trong khi đó cũng được Bắc Kinh coi là một thành công về mặt ngoại giao trong việc bảo đảm rằng Hà Nội vẫn cân nhắc một cơ chế song phương để giải quyết tranh chấp. Trong cuộc nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Anh cho rằng Việt Nam sẽ làm hết sức mình để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, và củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.

Kết quả (sau chuyến đi) là một thỏa thuận tạm thời giữa hai bên, nhưng thỏa thuận này chưa chắc có một độ bền vững lâu dài. Trong khi thỏa thuận giữa hai Đảng cộng sản đôi khi là một công cụ hiệu quả để quản lý các mối quan hệ song phương, nhưng sự linh hoạt trong lựa chọn chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với một số hạn chế lớn. Đó là khoảng cách giữa những lời hứa và hành động thực tế của Trung Quốc, và những phản đối trong nội bộ quốc gia đối với các thỏa hiệp được cho là có lợi cho Trung Quốc.

Chỉ còn 18 tháng nữa là Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiến hành đại hội toàn quốc tiếp theo, việc vận động một chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc sẽ được phổ biến một cách âm thầm nhưng quyết liệt như một cách thức để “chạy đua” cho các vị trí chủ chốt. Tuy nhiên, cái giá sẽ là rất đắt cho những người theo trường phái này nếu nhóm chủ trương thỏa hiệp với Trung Quốc giành chiến thắng cùng với thế thượng phong trở lại trong cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại.

Trương Minh Vũ là giảng viên tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Thành Trung là Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Hong Kong Baptist University. Một bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên CSIS CogitAsia. Các quan điểm trình bày trong bài viết này là của riêng các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của nơi các tác giả công tác.