Những thách thức đối với Đảng Cộng sản Việt Nam trong năm 2015

Print Friendly, PDF & Email

04b3

Nguồn: Truong-Minh Vu, “2015 Challenges for the Communist Party of Vietnam,” The Diplomat, 01/02/2015.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Trương Minh Huy Vũ

Các chuyên gia hàng đầu về Việt Nam đã đánh giá Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI diễn ra hồi đầu tháng trước là một sự kiện mang tính bước ngoặt, bởi qua đó đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam trong 5 năm tới đã được hình thành. Quả thực, nhân sự chính là vấn đề trọng tâm của gần 197 Ủy viên Trung ương và dự khuyết tại Hà Nội lần này.  Trong khi các chuyên gia trong và ngoài nước tập trung chủ yếu vào kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý nghĩa cơ bản của nó lại chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Thật ra, việc đánh giá cán bộ phản ánh quan điểm của giới tinh hoa chính trị về việc thực hiện sự lãnh đạo của Đảng và báo hiệu cho đường lối tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kể từ năm 2011, lãnh đạo Đảng đã thể hiện sự sẵn sàng linh hoạt trong những nguyên tắc kiên định của mình. Dấu hiệu đầu tiên được thể hiện một năm sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI. Để đối phó với sự bất ổn kinh tế, Đảng đã thay đổi định hướng phát triển của mình theo hướng “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội” (Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/03/2011 của Bộ Chính trị). Trước đó, chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011, ưu tiên tăng cường chính sách tài khóa và tiền tệ.

Thứ hai, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành một nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.” Những biện pháp này nhằm tạo ra một cơ chế kiểm soát và đối trọng trong Đảng với mục tiêu giải quyết những thách thức mà Đảng phải đối mặt. Ngoài các chính sách đánh giá và tự đánh giá, những thay đổi trong giới lãnh đạo Đảng cũng được thể hiện thông qua một cơ chế biểu quyết cho phép người tham gia bỏ phiếu ủng hộ cho những vị trí được Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai là một sự thay đổi mới khác trong Đảng. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua một kế hoạch quy hoạch cán bộ cao cấp cấp chiến lược. Đây là lần đầu tiên vấn đề xây dựng nguồn cán bộ trước mắt và sau này được đặt làm trọng tâm. Cán bộ Trung Ương có năng lực được luân chuyển nhiệm vụ quản lý ở cấp địa phương. Về vấn đề đào tạo, trong hai năm qua, một số cán bộ đã được gửi ra nước ngoài để học sau đại học hoặc tiến sĩ. Năm khóa tập huấn đã được tổ chức với 400 người được cơ cấu lên vị trí lãnh đạo chủ chốt tham gia đến từ nhiều cơ quan Đảng khác nhau.

Cho dù có một số thay đổi, Đảng vẫn tiếp tục trung thành với các nguyên tắc cốt lõi. Một trong số đó là duy trì vai trò của Đảng là nhân tố chính trong hệ thống chính trị. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.”

Nguyên tắc thứ hai là giữ vững nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cuộc tranh luận nội bộ cho thấy có nhiều quan điểm song song cùng tồn tại. Một trong số đó là quản lý nền kinh tế theo quy luật thị trường, cho phép cạnh tranh để tăng hiệu quả của nền kinh tế. Theo quan điểm này, các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải cạnh tranh về vị thế như mọi người chơi khác trên thị trường mà không có những đặc quyền chính trị. Quan điểm thứ hai là duy trì vai trò của chính phủ trong những lĩnh vực chủ chốt bằng cách định hướng phát triển cho những tập đoàn lớn. Đây không hẳn là vấn đề về mức độ can thiệp của chính phủ mà là về trọng tâm và chất lượng của sự can thiệp đó. Quan điểm chủ đạo cho rằng các doanh nghiệp nhà nước là công cụ cho sự ổn định nền kinh tế vĩ mô, cho phép chúng hoạt động hiệu quả. Có vẻ như các chuyên gia của Đảng đang cố gắng xác định những công cụ mà chính phủ có để quản lý nền kinh tế, và làm như vậy có nghĩa là duy trì đặc quyền của Nhà nước trong việc quản lý và phân bổ tài nguyên quốc gia.

Nguyên tắc thứ ba nằm trong việc duy trì một chính sách ngoại giao đa phương-đa dạng. Vụ giàn khoan HD-981 và áp lực của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã làm dấy lên suy đoán rằng Việt Nam sẽ từ bỏ chính sách quốc phòng “ba không” của họ và tìm cách hình thành một liên minh quân sự với Mỹ và các đồng minh của nước này. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ suy đoán này là sai lầm. Theo Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Ban Chấp Hành Trung ương Đảng tiếp tục tập trung vào nguyên tắc “đối tác và đối tượng.” Theo đó, những lực lượng cản trở sự phát triển của Việt Nam được coi là đối tượng, và những ai ủng hộ nó được coi là đối tác. Trung Quốc sẽ không được coi là đối tác hay đối tượng đơn thuần, mà là nửa đối tác nửa đối tượng.

Với những người có quan điểm bi quan (hay cực đoan) thì học thuyết sơ cứng của Đảng là một trở ngại cho cải cách trong tương lai và là gót chân Achilles có thể khiến Đảng mất đi ý nghĩa chính trị của nó trong nền chính trị Việt Nam. Với những người lạc quan, sự uyển chuyển đúng lúc là chìa khóa giúp Đảng Cộng sản Việt Namm vượt qua những thách thức mang tính then chốt. 2015 là năm quan trọng đối với sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các nền tảng để xây dựng phát triển bền vững vẫn đang còn là một dấu hỏi. Là lực lượng lãnh đạo chính chị của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tìm cách cân bằng các yếu tố ảnh hưởng đến chế độ, bao gồm vai trò nhà nước, trị trường, người dân, các không gian dân sự và công cộng. Về quan hệ đối ngoại, thách thức là phải duy trì sự cân bằng trong quan hệ giữa các nước lớn trong bối cảnh đang diễn ra một sự chuyển dịch quyền lực khu vực.

Vậy nên, năm 2015 sẽ không chỉ là một thử nghiệm để xem liệu cách tiếp cận “uyển chuyển trong kiên định” có thể tiếp tục quản lý các thách thức sắp tới một cách hiệu quả hay không. Nó còn là một thử nghiệm cho các nhà lãnh đạo Bộ Chính trị đương nhiệm trong việc thể hiện những dấu ấn cuối cùng trong nhiệm kỳ này và bổ sung các yếu tố quan trọng cho đội ngũ lãnh đạo kế cận trong việc cạnh tranh và thành công trên cương vị của mình những năm kế tiếp.

Trương Minh Huy Vũ là nhà phân tích chính trị và ngoại giao, tập trung vào khu vực Đông Nam Á, và là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã xuất bản nhiều bài báo trên nhiều tạp chí học thuật và chính trị, bao gồm Revista Brasileira de Política Internacional, East Asia Policy, E-International Relations, Global Asia và ASIEN. Bài viết thể hiện quan điểm của riêng tác giả.