Vẫn chưa phải là sự cáo chung của lịch sử

Print Friendly, PDF & Email

lead

Tác giả: Timothy Stanley & Alexander Lee | Biên dịch: Nguyễn Việt Vân Anh

Bài liên quan: Sự cáo chung của lịch sử?

Dù chúng ta có công nhận hay không thì đa số người phương Tây đều tin vào chủ nghĩa tự do. Chúng ta muốn đạt được quyền bình đẳng cho tất cả mọi người, xóa bỏ ranh giới chủng tộc, vừa tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng vừa bảo vệ quyền được phản đối. Đồng thời, chúng ta theo đuổi một hệ thống kinh tế có lợi cho tham vọng của cá nhân. Nhưng càng ngày người ta càng cảm thấy rằng chủ nghĩa tự do dường như không đạt được những gì mà nó đã hứa hẹn ngay chính tại phương Tây và cũng không được ưa chuộng như chúng ta mong muốn tại các quốc gia đang phát triển. Vấn đề ở đây chính là sự tự đại đã làm mờ mắt những người ủng hộ thuyết tự do, làm cho họ không trông thấy những vấn đề trong cuộc khủng hoảng đang làm mai một bản sắc của lí thuyết này. Điều này làm cho chủ nghĩa tự do không thể thích nghi được với những thách thức trong thế giới hiện nay.

Vào mùa hè cách đây 25 năm, Francis Fukuyama tuyên bố “sự cáo chung của lịch sử” và chiến thắng không thể chối cãi của nền dân chủ tư bản tự do. Lập luận của Fukuyama đơn giản là: nền dân chủ sẽ lấn át các loại hình nhà nước khác vì bản chất yêu chuộng hòa bình và thịnh vượng [của con người] sẽ thúc đẩy các quốc gia đi vào con đường tiến bộ – điều này là không thể tránh khỏi. Nếu một quốc gia – thậm chí là một quốc gia cộng sản – mong muốn đạt được độ thịnh vượng cao nhất có thể, quốc gia này phải áp dụng một số phương pháp của chủ nghĩa tư bản. Vì khả năng tạo ra thịnh vượng phụ thuộc vào sự bảo vệ tài sản cá nhân, những “yếu tố tư bản” dần rồi sẽ đòi hỏi quyền cá nhân được bảo vệ nhiều hơn trước pháp luật.

Cũng như nhiều nhà phê bình đã chỉ ra, logic của Fukuyama mang sắc thái gần giống như thuyết sử luận kiểu giả Hegel (pseudo-Hegelian historical determinism). Trong đầu thế kỉ 20, những nhà Mác-xít và Phát-xít đã vận dụng thuyết này và để lại nhiều hậu quả khủng khiếp. Tuy nhiên, khi bài báo của Fukuyama xuất hiện trên tờ The National Interest thì khó có thể không đồng tình với ông. Bức tường Berlin chuẩn bị sụp đổ, Liên Xô đang tan rã và cả thế giới đang háo hứng với sự nở rộ của thị trường tự do. Mọi thứ đều chỉ ra rằng chỉ có nền dân chủ tư bản tự do mới cho phép con người phát triển trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, và chỉ có việc thúc đẩy nền kinh tế tư bản mới có thể đảm bảo một tương lai của các quốc gia tự do-dân chủ, không bị áp bức, tồn tại trong hòa bình và sung túc.

Với hoàn cảnh hiện tại thì Fukuyama không thể nào sai hơn. Lịch sử không hề cáo chung và chủ nghĩa tự do lẫn nền dân chủ cũng không hề tăng lên. Sự đồng thuận êm ái của phương Tây bắt nguồn từ lập luận của Fukuyama đang bị thách thức theo những cách mà chính Fukuyama cũng đã không dự báo được. Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đã nổ ra. “Chủ nghĩa tư bản Mác-xít” của Trung Quốc cho thấy rằng có thể đạt được sự thịnh vượng mà không cần đến tự do. Và sự thắng thế của phong trào Nhà nước Hồi giáo ISIS có thể là khởi đầu của một loại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo kiểu mới hướng tới mẫu hình nhà nước.

Đáng lo ngại hơn nữa là mối liên hệ giữa chủ nghĩa tư bản, nền dân chủ và chủ nghĩa tự do – nền tảng chính trong lập luận của Fukuyama – bản thân nó cũng đã sụp đổ. Với cuộc khủng hoảng tài chính và sự đi xuống của kinh tế toàn cầu, ta càng thấy rõ rằng thịnh vượng không thể đạt được thông qua việc theo đuổi hệ thống kinh tế tư bản mở hay việc mở rộng không thể tránh khỏi của quyền tự do trong kinh tế. Thậm chí điều ngược lại có thể đúng. Như Thomas Piketty đã lập luận trong quyển Capital in the Twenty-First Century (Tư bản trong Thế kỷ 21), thị trường tự do không chỉ làm tăng khoảng cách giàu nghèo, mà còn làm suy giảm thu nhập trung bình tại các nước phát triển lẫn đang phát triển. Tại các nước bị thiệt hại nặng nề nhất từ suy thoái kinh tế – như Hi Lạp hay Hungary, các cử tri đã quay lưng lại với chính khái niệm chủ nghĩa tự do mà Fukuyama tin tưởng rằng họ sẽ đón chào nồng nhiệt. Trên khắp châu Âu, chủ nghĩa can thiệp kinh tế, chủ nghĩa dân tộc, thậm chí là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đang thu hút được nhiều cử tri hơn những những người ủng hộ tự do, phi điều tiết hay bình đẳng trước pháp luật. Nền dân chủ tư bản tự do không hề chiến thắng. Thậm chí, những thất bại của chủ nghĩa tư bản đã biến nền dân chủ thành kẻ thù của chủ nghĩa tự do. Thêm vào đấy, bản sắc tư tưởng nền tảng của chủ nghĩa tự do đang bị tấn công mạnh mẽ.

Dự cảm thấy rằng lập luận khổng lồ của Fukuyama đang gặp phải một trở ngại lớn, những lí thuyết gia của chủ nghĩa tự do cố gắng làm mọi cách để cho con thuyền này không bị đắm. Hàng loạt đầu sách được xuất bản nhằm thổi một luồng gió mới vào chủ nghĩa tự do. Trong số này có quyển Inventing the Individual của Larry Siedentop và Liberalism: The Life of an Idea của Edmund Fawcett là nổi bật hơn cả. Cả hai đều thừa nhận những điểm yếu trong lập luận của Fukuyama đã được bộc lộ trong những sự kiện gần đây. Cả hai đều thừa nhận những trở ngại mà chủ nghĩa tự do đang mắc phải. Nhưng thay vì đề cập trực tiếp đến những trở ngại này, họ lại tìm về quá khứ để tự an ủi. Thông qua việc gọi một tập hợp tùy tiện các tư tưởng là “tự do”, họ cố chứng tỏ rằng chủ nghĩa tự do đã từng chiến thắng nhiều tư tưởng đối nghịch trong nhiều thế kỉ qua. Họ đang cố vẽ nên một câu chuyện mới để chứng minh rằng chủ nghĩa tự do là chính đáng. Vì những tư tưởng “tự do” đã chiến thắng, Siedentop và Fawcett lập luận rằng chủ nghĩa tự do là đúng đắn, dù rằng hiện nay có đang gặp khó khăn nhưng rồi vẫn sẽ chiến thắng về sau.

Các nhà lãnh đạo từ nhiều cực chính trị nhanh chóng chấp nhận lập luận mang nặng tính sử luận này. Tại Anh Quốc, chính phủ trung hữu của David Cameron rất tự hào rằng mình theo chủ nghĩa tự do. Chính phủ này cũng không ngần ngại sử dụng lịch sử để nhào nặn một thế hệ cử tri mới theo mẫu hình của chủ nghĩa tự do. Đầu năm nay, cựu bộ trưởng giáo dục của chính quyền này là Michael Gove rao giảng rằng Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là ví dụ của việc những giá trị tự do chiến thắng chủ nghĩa tiền phát-xít của Đức. Đây là “bằng chứng” biện minh cho tính chính đáng không thể chối cãi của loại chủ nghĩa tự do quân sự mà phái bảo thủ mới rất ưa chuộng.

Gần chúng ta hơn chính là Hillary Clinton – người hiện giờ đang trong giai đoạn đầu tiên của cuộc tranh cử úp mở vào Nhà Trắng – đã áp dụng một loại tầm nhìn tương tự trong lĩnh vực đối ngoại. Nhìn nhận những lí tưởng của các nhà lập quốc thông qua một lăng kính màu hồng, bà Clinton đã nhẹ nhàng tách mình ra khỏi chủ nghĩa hiện thực thận trọng của ông Barack Obama. Bà sử dụng khéo léo những liên hệ đến quá khứ để biện minh cho việc “xuất khẩu” những giá trị tự do ra toàn cầu thường xuyên nhất có thể. Theo luận điểm này, vì lịch sử đã chứng minh rằng chủ nghĩa tự do thật tuyệt vời thông qua những chiến thắng trong lịch sử trước cường quyền, chủ nghĩa tự do sẽ lại chiến thắng nếu chúng ta cố gắng ủng hộ và chiến đấu vì nó.

Nhưng dù dạng thức sử luận tự do mới này nghe có một chút xuôi tai thì nó cũng khó có thể thuyết phục được ai. Thay vì thừa nhận điểm yếu trong lập luận ban đầu của Fukuyama, Siedentop, Fawcett, Cameron và Clinton đều khơi dậy lập luận sử luận cũ kĩ, có khác chăng thì chỉ là không đề cập đến khía cạnh kinh tế. Lập luận của họ cũng kém thuyết phục như của Fukuyama.

Chính Karl Popper – triết gia vĩ đại theo trường phái tự do – là người đầu tiên chỉ ra khuyết điểm của thuyết sử luận trong vai trò một dạng biện minh chính trị trong tác phẩm đã đánh tan nát thuyết định mệnh luận Mác-xít và phát-xít của mình. Mỉa mai thay, lập luận tương tự bây giờ lại có thể áp dụng cho chính chủ nghĩa tự do – trường phát mà Popper bảo vệ. Nếu đi theo lập luận của Popper, ta có thể thấy rằng có ít nhất 2 vấn đề logic nghiêm trọng trong cách tiếp cận sử luận đối với chủ nghĩa tự do.

Thứ nhất, đó là lập luận cho rằng bất cứ ai thể hiện, ở bất kì mức độ nào, sự công bằng hay sự quan tâm đối với lương tri của cá nhân đều là người theo chủ nghĩa tự do. Việc cho rằng lịch sử tiến bộ của con người đã phát triển theo một đường thẳng nối giữa Thánh Paul sang Luther, sang các triết gia của Kỉ nguyên Ánh sáng, sang Lloyd George và Jack Kennedy, là rất vô lí. Tất cả những người này đều có một định nghĩa riêng về tự do và mục đích của tự do.

Thứ hai, việc cho rằng có một “định luật lịch sử” quyết định sự phát triển của xã hội là hão huyền. Nếu như thật sự có sự lặp đi lặp lại nào đó trong quá khứ mà ở đó có thể xem tư tưởng “tự do” đã “chiến thắng”, thì không thể kết luận gì hơn ngoài việc tò mò về mô hình này. Điều này không thể chứng minh được gì về bản chất của chủ nghĩa tự do và cũng không thể dùng để tiên đoán tương lai. Nó chỉ có thể cho chúng ta biết những điều đã xảy ra trong quá khứ. Việc tìm ý nghĩa hay khả năng tiên đoán tương lai từ những mô hình trong quá khứ thì thật ra chẳng khác nào xem bói qua bã trà.

Những khuyết điểm của cách tiếp cận sử luận trong chủ nghĩa tự do đã chỉ ra rằng, chủ nghĩa tự do đang cố gắng vực dậy từ khủng hoảng hậu-Fukuyama vì chính những người bảo vệ chủ nghĩa tự do quá lười biếng. Siedentop, Fawcett, Cameron và bà Clinton đều giả định rằng ai có một tí lí trí là phải theo chủ nghĩa tự do. Vì vậy không cần phải bảo vệ chủ nghĩa tự do trước những yếu kém vốn có. Nhưng dù tự vỗ vai bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể thuyết phục được những người bất đồng ý kiến. Chính vì sự ngạo mạn trong khoa học này mà ta không ngạc nhiên khi thấy phần lớn thế giới từ bỏ họ. Ta cũng không ngạc nhiên khi thấy người khác từ chối lắng nghe lời cố vấn khôn ngoan của những người theo chủ nghĩa tự do khi thị trường thì đang sụp đổ và các khoản tiết kiệm cả đời đang bị đe dọa bởi các tai nạn của nền kinh tế tư bản thị trường tự do.

Nếu như chủ nghĩa tự do muốn sống sót và phát triển thì phải thoát khỏi lập luận của Fukuyama và thuyết sử luận. Nó phải được định nghĩa lại và bảo vệ lại. Điều này dẫn đến câu hỏi chủ nghĩa tự do thật sự là gì – điều đáng chú ý là nhiều người theo chủ nghĩa tự do đã bỏ qua bước này, tưởng như nó không quan trọng. Trong ấn phẩm gần đây của Foreign Policy xoay quanh việc đánh giá lại di sản của Fukuyama, vấn đề “bản sắc chủ nghĩa tự do” chưa được giải quyết vẫn hiển hiện. Việc hết bài viết này đến bài viết khác thất bại trong việc bảo vệ chủ nghĩa tự do trước chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân túy chính là vì chúng không đưa ra được cách hiểu rõ ràng, thuyết phục về chủ nghĩa tự do hậu-Fukuyama nào. Ta không thể bảo vệ chủ nghĩa tự do trước những phản biện nếu không làm rõ ra rằng chủ nghĩa tự do ủng hộ điều gì. Ta cũng không thể thuyết phục những người còn nghi ngờ nếu như bản thân những người theo chủ nghĩa tự do cũng không thể nói được rằng tư tưởng mới này là gì và nó khác gì so với mớ hỗn độn chẳng đem lại cảm hứng gì của Fukuyama và những người theo sau Fukuyama.

Vì bị bủa vây bởi những câu nói ngớ ngẩn, lảm nhảm và tối nghĩa của các bình luận viên chính trị hiện nay, ta có thể dễ dàng quên mất rằng chủ nghĩa tự do chính là sự cam kết đối với tự do. Ở gốc rễ, tự do là một khái niệm bắt nguồn từ con người cá nhân. Đó là sự tự do được là những gì mình muốn, giúp phát triển đầy đủ những tiềm năng của cá nhân, trở thành một con người có khả năng sáng tạo và khả năng tự đưa ra những đánh giá về giá trị cho chính bản thân mình.

Đúng là tự do đương nhiên có thể được hiểu theo nhiều cách. Theo như quan sát của Isaiah Berlin, còn có tự do tích cực (positive liberty) – tự do được làm điều gì đấy,  và tự do tiêu cực (negative liberty) – tự do được thoát khỏi điều gì đấy. Tùy theo hoàn cảnh mà loại tự do nào có giá trị quan trọng hơn. Tuy cách phân biệt này rất phổ biến trong triết học chính trị kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, việc xem lại những bài viết của Voltaire và tác phẩm của nhóm Bách khoa gia Pháp (Encyclopédistes) vào thế kỉ 18 sẽ nhắc cho chúng ta nhớ lại rằng tự do trong nghĩa thuần khiết nhất- cả tiêu cực lẫn tích cực – là sự hiện thực hóa nhân phẩm vốn có của con người.

Đây không hề là những lời hoa mỹ. Khái niệm nhân phẩm có 2 ý nghĩa quan trọng, thậm chí được Cicero thừa nhận vào tận thế kỉ thứ nhất trước công nguyên, mà hiện nay đang bị quên lãng. Thứ nhất, chúng ta cùng chia sẻ một mức nhân phẩm: không một ai có ít tiềm năng hơn người khác và nhân phẩm của một người không thể ít hơn người khác. Thứ hai, vì chúng ta là con người nên chúng ta có cùng những nhu cầu cơ bản. Theo bản chất, chúng ta cần thức ăn, chốn ở, quần áo, sự an toàn, và một loạt những loại sản phẩm cần cho sự sống còn khác. Mặc dù nghe rất đơn giản, những ý nghĩa này có tác động quan trọng khi chúng ta xem xét làm cách nào tích hợp tự do cá nhân vào các thiết chế xã hội và chính trị. Để tự do của mỗi cá nhân được duy trì và mở rộng, những nền tảng qui tắc về sự công bằng và những lợi ích chung phải được ghi nhận trong nền tảng của cấu trúc xã hội. Vì xã hội được xây dựng dựa trên luật, luật lệ phải thể hiện những tư tưởng này. Sống trong sự tự do tức là sống theo những điều luật dựa trên sự công bằng và lợi ích chung. Nếu như pháp luật đi chệch dù một ít ra khỏi nền tảng này, thì pháp luật trở thành công cụ của các nhóm lợi ích và lợi ích tư. Như vậy, nền tự do sẽ bị mất đi.

Tuy nhiên, nền tự do nói trên sẽ phải phụ thuộc vào đạo đức của công dân, đặc biệt là các quan chức. Mặc dù luật lệ kiến tạo nên xã hội, chính ý chí của những người quản lí và công dân mới là động lực và sắc thái của nó. Chỉ khi mọi người công nhận nhân phẩm của từng cá nhân, họ mới công nhận giá trị tự có của sự công bằng và lợi ích chung. Chỉ khi đấy họ mới cố gắng phấn đấu bảo vệ không chỉ tự do của riêng mình, mà của tất cả những người khác thông qua luật pháp. Nếu cam kết đối với nền tự do sụp đổ, xã hội trở thành một khu rừng mà thân ai lo cho người đấy, lợi ích cá nhân hoàn toàn sẽ chi phối, luật pháp không còn công minh và sự độc tài sẽ chiến thắng tự do.

Tóm lại, nền chính trị tự do phải là một nền chính trị đạo đức. Chủ nghĩa tự do sẽ không có tác dụng nếu đặt nặng vấn đề tự chủ cá nhân lên trên lợi ích của người khác. Chủ nghĩa tự do cũng sẽ không có tác dụng nếu bị phụ thuộc quá nhiều vào chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa tiêu thụ. Mô hình của Fukuyama là pha trộn giá trị tự do với lợi ích kinh tế cá nhân. Mô hình này nếu không được kiểm soát sẽ gây hại cho xã hội như trong những năm gần đây. Thay vào đó, một mô hình đặt nặng nhân phẩm cho phép một dạng chính trị có ý nghĩa tích cực hơn – tự bản thân nó chiến đấu để tồn tại. Thay vì thuyết phục bản thân cứ yên tâm rằng chủ nghĩa tự do cuối cùng rồi sẽ chiến thắng, một khái niệm tự do dựa trên nhân phẩm chấp nhận rằng sự thành công của nó không phải là chắc chắn. Mỗi chúng ta mong muốn được tự do ở tầm cá nhân, nhưng tự do cá nhân lại phụ thuộc vào tự do của cả tập thể. Điều này có nghĩa rằng chúng ta đều phải bám lấy nhân tính chung, nhân phẩm chung.

Như vậy, nếu chủ nghĩa tự do có tương lai, thì tương lai đó không phụ thuộc vào thuyết sử luận của Fukuyama hay như gần đây là của Siedentop, Fawcett và Clinton, mà phụ thuộc vào mỗi chúng ta. Tương lai này không phụ thuộc vào kinh tế hay là nhưng đợt sóng của lịch sử. Nó phụ thuộc vào việc công nhận giá trị nhân văn trong mỗi con người.

Bản gốc tiếng Anh: The Atlantic 

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]