#209 – Chương trình “Mười bốn điểm” của Tổng thống Wilson

Print Friendly, PDF & Email

131025102010-woodrow-wilson-story-top

Nguồn: “Woodrow Wilson’s ‘Fourteen Points’”, in Arthur S. Link et al., eds., The Papers of Woodrow Wilson, vol. 45 (1984), 536.>>PDF

Biên dịch: Khoa QHQT | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Lời giới thiệu: Ngày 18/1/1918, tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ, tuyên bố rằng việc Hoa Kỳ tham gia vào Thế chiến I là do các nguyên nhân về đạo đức. Trong bài phát biểu của mình, ông đã đề xuất 14 điểm tập trung vào các nguyên tắc theo hơi hướng tự do chủ nghĩa, ví dụ như tự do thương mại, thỏa thuận mở, dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc. Các đề xuất của ông sau đó đã trở thành nền tảng cho các điều khoản dẫn tới sự đầu hàng của nước Đức. Bài phát biểu về Chương trình “14 điểm” của Wilson cũng được coi là một bài đọc nền tảng về chủ nghĩa tự do trong các khóa học về Lý thuyết Quan hệ quốc tế. Dự án Nghiencuuquocte.net xin trân trọng giới thiệu bản dịch của bài đọc quan trọng này!  

Mong muốn và mục đích của chúng ta là các tiến trình hoà bình, một khi được bắt đầu, sẽ hoàn toàn công khai và do đó sẽ không bao gồm và cho phép bất cứ sự bí mật nào. Cái ngày của chinh phục và bành trướng đã qua; tương tự là cái ngày của những hiệp ước bí mật phục vụ lợi ích của các chính phủ nhất định vốn vào những thời điểm bất ngờ nào đó có thể làm đảo lộn hoà bình thế giới. Chính thực tế đáng mừng này – vốn giờ đã trở nên rõ ràng trong mắt công chúng, những người mà suy nghĩ của họ không còn bám vào một kỷ nguyên đã chết và qua rồi – sẽ làm cho mọi quốc gia nào có mục đích phù hợp với công lý và nền hoà bình thế giới có thể khẳng định các mục tiêu trong tầm mắt của mình vào lúc này hoặc vào bất cứ thời điểm nào khác.

Chúng ta bước vào cuộc chiến tranh này (tức Thế chiến I – NHĐ) là bởi có sự vi phạm những điều đúng đắn vốn lập tức tác động vào chúng ta và làm cho cuộc sống của chính người dân chúng ta không thể có được trừ phi những vi phạm này được sửa chữa và thế giới đảm bảo mãi mãi rằng những sự vi phạm đó sẽ không tái diễn. Do đó, điều mà chúng ta đòi hỏi trong cuộc chiến tranh này không phải dành riêng cho chúng ta. Điều chúng ta đòi hỏi là thế giới phải trở nên phù hợp và an toàn cho cuộc sống con người; và đặc biệt là nó phải trở nên an toàn cho tất cả mọi quốc gia yêu chuộng hoà bình, những quốc gia cũng giống như chúng ta, mong muốn được sống cuộc sống của riêng mình, quyết định các thể chế của chính mình, được đảm bảo có công lý và công bằng bởi các dân tộc khác của thế giới chống lại bạo lực và những sự xâm lược ích kỷ. Mọi dân tộc trên thế giới thực tế đều là các đối tác phục vụ lợi ích này, và về phần mình chúng ta hiểu rõ ràng rằng nếu không tạo ra được công lý cho người khác thì sẽ không thể có được công lý cho chính mình. Do vậy, chương trình hoà bình thế giới là chương trình của chúng ta; và chương trình đó, một chương trình duy nhất khả dĩ, trong quan điểm chúng ta sẽ như sau:

  1. Những hiệp ước hoà bình mở, được công khai ký kết, và sau đó sẽ không có bất cứ sự thoả thuận quốc tế riêng tư nào trừ việc mọi hoạt động ngoại giao sẽ luôn được tiến hành công khai trước sự chứng kiến của công chúng.
  2. Quyền tự do tuyệt đối đi lại trên biển, bên ngoài vùng lãnh hải, trong thời bình cũng như trong thời chiến, trừ phi bị đóng cửa toàn bộ hoặc một phần bởi một hành động quốc tế để cưỡng chế thực hiện các hiệp ước quốc tế.
  3. Nếu có thể được, huỷ bỏ tất cả các hàng rào kinh tế và thiết lập sự bình đẳng về các điều kiện thương mại giữa tất cả các quốc gia chấp thuận hoà bình và liên kết với nhau để gìn giữ nó.
  4. Những sự đảm bảo đầy đủ có đi có lại rằng việc vũ trang quốc gia sẽ giảm xuống đến mức thấp nhất phù hợp với tình hình an ninh nội địa.
  5. Một sự đánh giá có tính chất tự do, cởi mở và hoàn toàn không thiên vị về những yêu sách thuộc địa dựa trên sự tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc rằng khi quyết định các vấn đề về chủ quyền, lợi ích của các người dân liên quan phải có trọng lượng ngang với những đòi hỏi hợp lý của các chính phủ muốn yêu sách các thuộc địa đó.
  6. Việc rút quân ra khỏi toàn bộ lãnh thổ nước Nga và việc giải quyết tất cả các vấn đề liên quan tới nước Nga sẽ cần tới sự hợp tác tốt nhất và tự do nhất của các quốc gia khác trên thế giới nhằm làm cho nước Nga có được cơ hội thuận lợi và không bị cản trở để tự định đoạt sự phát triển chính trị và chính sách quốc gia của mình; đảm bảo nước Nga sẽ được chào đón chân thành gia nhập vào khối các quốc gia tự do dưới các thể chế do chính họ chọn lựa, đồng thời nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình về mọi mặt mà nước Nga có thể cần tới hay mong muốn. Sự đối xử dành cho nước Nga bởi các quốc gia anh em trong những tháng tới sẽ là một thử nghiệm khó khăn về thiện chí của họ, về sự hiểu biết đối với các nhu cầu của Nga vốn khác với các lợi ích riêng của chính các nước khác, và về sự thông cảm đầy hiểu biết và không ích kỷ của các nước khác.
  7. Toàn thể thế giới đều đồng ý rằng lực lượng quân sự sẽ được rút ra khỏi nước Bỉ và nước này sẽ được khôi phục lại mà không có bất kỳ ý đồ nào nhằm hạn chế chủ quyền mà nước này được hưởng cùng các quốc gia tự do khác. Đây là điều duy nhất có thể giúp khôi phục lại lòng tin của các quốc gia vào những luật lệ mà chính họ đã đặt ra và quyết định để giúp quản lý quan hệ của họ với các quốc gia khác. Nếu không có hành động hàn gắn này, toàn bộ cấu trúc và hiệu lực của luật pháp quốc tế sẽ vĩnh viễn bị suy yếu.

………..

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Muoi bon diem cua Wilson.pdf