#211 – Quan hệ quốc tế: Một thế giới, nhiều lý thuyết

International_relations

Nguồn: Stephen M. Walt (1998). “International Relations: One World, Many Theories”, Foreign Policy, No. 110, pp. 29-32+34-46.

Biên dịch: Khoa QHQT | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan:  Các lý thuyết về chính trị thế giới

Tại sao những người hoạch định và thực hiện chính sách lại nên quan tâm đến công trình nghiên cứu của các học giả về các vấn đề quốc tế? Những ai điều hành chính sách đối ngoại thường không quan tâm đến các nhà lý thuyết kinh viện (thường thì phải thừa nhận họ có lý do chính đáng để làm như vậy), nhưng có một mối dây liên hệ không tránh khỏi giữa một thế giới trừu tượng của lý thuyết với một thế giới thực của chính sách. Chúng ta cần các lý thuyết để hiểu được cơn bão táp thông tin tấn công chúng ta hàng ngày. Thậm chí các nhà hoạch định chính sách, những người kinh thường “lý thuyết” cũng phải dựa vào các ý tưởng của chính họ (thường không được nói ra) về việc thế giới này hoạt động như thế nào để quyết định sẽ làm gì. Khó có thể đưa ra một chính sách tốt nếu các nguyên tắc tổ chức cơ bản của người đó sai lầm, giống như khó có thể xây dựng được các lý thuyết tốt nếu như không hiểu biết nhiều về thế giới thực. Mọi người đều sử dụng các lý thuyết – dù có nhận thức được điều đó hay không – và những bất đồng về chính sách thường xuất phát từ các bất đồng cơ bản về các lực lượng nền tảng định hình nên cục diện quốc tế.

Thử lấy cuộc tranh luận hiện nay về việc nên đối phó lại với Trung Quốc như thế nào làm ví dụ. Theo một quan điểm, sự đi lên của Trung Quốc là một ví dụ mới nhất của chiều hướng các cường quốc đang lên làm thay đổi sự cân bằng quyền lực toàn cầu theo các cách thức nguy hiểm tiềm tàng, đặc biệt khi ảnh hưởng ngày càng tăng lên của họ làm cho họ có nhiều tham vọng hơn. Theo một quan điểm khác, mấu chốt đối với hành vi của Trung Quốc trong tương lai là liệu hành vi của Trung Quốc sẽ có được điều chỉnh bởi sự hội nhập của nước này vào thị trường thế giới và bởi sự mở rộng (không tránh khỏi?) của các nguyên tắc dân chủ hay không? Theo một quan điểm khác nữa, quan hệ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới sẽ được định hình bởi các vấn đề văn hoá và bản sắc: Liệu Trung Quốc có thấy bản thân họ (và được các nước khác nhìn nhận) như là một thành viên bình thường của cộng đồng thế giới hoặc một xã hội lập dị khác thường cần phải có cách ứng xử đặc biệt?

Tương tự như vậy, cuộc tranh luận về việc mở rộng NATO cũng có các cách nhìn khác nhau tuỳ thuộc vào việc người ta áp dụng lý thuyết nào. Theo quan điểm “hiện thực”, việc mở rộng NATO là một nỗ lực để mở rộng ảnh hưởng của phương Tây – vượt quá phạm vi các lợi ích sinh tử truyền thống của Hoa Kỳ – trong giai đoạn Nga yếu kém và dường như là làm nảy sinh sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Mát-xcơ-va. Tuy nhiên, theo quan điểm tự do, sự mở rộng sẽ tăng cường thêm sức mạnh cho các nền dân chủ non trẻ mới ra đời ở Trung Âu và mở rộng cơ chế kiểm soát xung đột của NATO tới các vùng có nguy cơ rối loạn tiềm tàng. Quan điểm thứ ba có thể nhấn mạnh đến giá trị của việc kết nạp Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan vào cộng đồng an ninh phương Tây, nơi các thành viên chia sẻ một bản sắc chung, do đó làm cho chiến tranh là điều hầu như không thể nghĩ tới.

Không có cách tiếp cận đơn lẻ nào có thể nắm bắt được tất cả những điều phức tạp của nền chính trị thế giới đương đại. Tốt nhất là chúng ta hãy sử dụng hàng loạt các ý tưởng đa dạng cạnh tranh nhau hơn là chỉ theo một thuyết chính thống đơn lẻ. “Sự cạnh tranh giữa các lý thuyết giúp vạch ra những điểm mạnh và những điểm yếu của chúng và thúc đẩy sự sàng lọc tiếp theo, trong khi vạch ra các thiết sót theo sự hiểu biết thông thường. Mặc dù chúng ta cần cẩn trọng khi nhấn mạnh sự sáng tạo thay vì công kích, chúng ta nên hoan nghênh và khuyến khích sự đa dạng của các lý thuyết đương đại.

Chúng ta đến từ đâu?

Việc nghiên cứu các vấn đề quốc tế có thể được hiểu một cách tốt nhất như là một sự cạnh tranh lâu dài giữa những người theo trường phái hiện thực, những người theo trường phái tự do và những người theo trường phái cấp tiến. Chủ nghĩa hiện thực nhấn mạnh đến xu hướng lâu dài của xung đột giữa các nhà nước; chủ nghĩa tự do xác định một số cách thức để các xu hướng xung đột đó giảm xuống; và phái cấp tiến mô tả hệ thống tổng thể của quan hệ giữa các nhà nước có thể được biến đổi như thế nào. Ranh giới giữa các trường phái này không hoàn toàn rõ ràng và có hàng loạt tác phẩm quan trọng dường như không phù hợp với bất kỳ trường phái nào, nhưng tranh luận trong mỗi trường phái và giữa các trường phái với nhau đã đóng góp nhiều cho việc định hình nên ngành học quan hệ quốc tế.

Chủ nghĩa hiện thực

Chủ nghĩa hiện thực là một trường phái lý thuyết áp đảo suốt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nó mô tả quan hệ quốc tế như một cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các nhà nước tư lợi và thường bi quan về triển vọng triệt tiêu xung đột và chiến tranh. Chủ nghĩa hiện thực thống trị trong những năm Chiến tranh Lạnh bởi vì nó đưa ra sự giải thích đơn giản nhưng có sức nặng về chiến tranh, các liên minh, chủ nghĩa đế quốc, các trở ngại cho sự hợp tác và các hiện tượng quốc tế khác, và còn bởi vì sự nhấn mạnh vào cạnh tranh của nó phù hợp với những đặc tính trung tâm của sự kình địch Mỹ-Xô.

Tất nhiên, chủ nghĩa hiện thực không phải là một lý thuyết riêng lẻ và tư duy hiện thực biến đổi đáng kể qua Chiến tranh Lạnh. Những người theo chủ nghĩa hiện thực “cổ điển” như Hans Morgenthau và Reinhold Niebuhr tin tưởng rằng các nhà nước, giống như con người, có khát vọng bẩm sinh thống trị những kẻ khác nên đã dẫn họ đến việc tiến hành chiến tranh. Morgenthau cũng nhấn mạnh đến những ưu điểm của hệ thống cân bằng quyền lực cổ điển, đa cực, đồng thời nhận thấy rằng sự kình địch lưỡng cực giữa Hoa Kỳ và Liên Xô là đặc biệt nguy hiểm.

Trái lại, lý thuyết “hiện thực mới” phát triển bởi Kenneth Waltz đã bỏ qua bản chất con người và tập trung vào các ảnh hưởng của hệ thống quốc tế. Đối với Waltz, hệ thống quốc tế bao gồm nhiều cường quốc lớn, trong đó mỗi cường quốc tìm cách để tồn tại. Bởi vì hệ thống mang tính vô chính phủ (ví dụ, không có một quyền lực trung tâm để bảo vệ nhà nước này trước nhà nước khác); mỗi nhà nước phải dựa vào chính mình để tồn tại. Waltz cho rằng điều kiện đó sẽ dẫn tới việc các nhà nước yếu hơn tìm cách cân bằng (balance) lại thay vì phù thịnh (bandwagon) các địch thủ hùng mạnh hơn. Và trái ngược với Morgenthau, Waltz cho rằng thế lưỡng cực ổn định hơn thế đa cực.

Một thành tựu quan trọng của chủ nghĩa hiện thực là sự bổ sung lý thuyết về chủ nghĩa hiện thực tấn công-phòng thủ như Robert Jervis, George Quester và Stephen Van Evera đã trình bày. Các học giả này lập luận rằng chiến tranh dường như có nhiều khả năng xẩy ra hơn khi mà các nhà nước có thể chinh phục các nước khác một cách dễ dàng. Mặc dù vậy, khi mà phòng thủ dễ dàng hơn tấn công thì an ninh sẽ lớn hơn, các động lực bành trướng bị giảm xuống, và sự hợp tác có thể bắt đầu nảy nở. Và nếu việc phòng thủ có lợi thế, các nhà nước có thể phân biệt giữa các vũ khí tấn công và vũ khí phòng thủ, sau đó có thể trang bị các phương tiện để tự bảo vệ họ mà không đe doạ người khác, do đó làm giảm hiệu ứng của tình trạng vô chính phủ.

Đối với những người theo chủ nghĩa hiện thực “phòng thủ”, các nhà nước thuần tuý chỉ tìm cách tồn tại và các cường quốc lớn có thể đảm bảo an ninh của họ bằng việc tạo nên các liên minh cân bằng và lựa chọn các tư thế quân sự mang tính phòng thủ (như các lực lượng hạt nhân trả đũa). Không có gì là đáng ngạc nhiên khi Waltz và phần lớn những người theo chủ nghĩa hiện thực mới khác tin rằng Hoa Kỳ cực kỳ an toàn trong hầu hết thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nỗi lo sợ chính của họ là Hoa Kỳ có thể phí phạm vị thế thuận lợi của mình thông qua việc lựa chọn một chính sách đối ngoại hiếu chiến quá mức. Do vậy, tới cuối Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa hiện thực đã tách khỏi cách nhìn tiêu cực của Morgenthau về bản chất con người và bắt đầu có một cách nhìn lạc quan hơn một chút.

Chủ nghĩa tự do

Thách thức chủ yếu đối với chủ nghĩa hiện thực đến từ phía tập hợp rộng lớn các lý thuyết tự do. Một bộ phận của tư duy tự do cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ làm nản lòng các nhà nước trong việc sử dụng vũ lực chống lại nhau bởi vì chiến tranh sẽ đe dọa sự thịnh vượng của cả hai bên. Dòng tư tưởng thứ hai, thường gắn với Tổng thống Woodrow Wilson, xem việc mở rộng dân chủ như là chìa khoá đối với hoà bình thế giới, dựa trên cơ sở rằng các quốc gia dân chủ vốn có tính chất hoà bình hơn các quốc gia độc tài. Lý thuyết thứ ba, gần đây hơn, cho rằng các thể chế quốc tế như Uỷ ban Năng lượng Quốc tế và Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thể giúp vượt qua hành vi quốc gia vị kỷ, chủ yếu thông qua việc khuyến khích các quốc gia bỏ qua các lợi ích trước mắt để ưu tiên cho các lợi ích lớn hơn xuất phát từ sự hợp tác lâu dài, bền vững.

Mặc dù một vài người theo chủ nghĩa tự do từng thử gợi ý rằng các chủ thể xuyên quốc gia mới, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, dần dần lấn át quyền lực của các quốc gia; nhưng chủ nghĩa tự do nhìn chung xem các quốc gia như là các chủ thể trung tâm trong công việc quốc tế. Tất cả các lý thuyết tự do đều hàm ý rằng sự hợp tác lan toả rộng lớn hơn so với lối giải thích của chủ nghĩa hiện thực phòng thủ. Tuy nhiên mỗi quan điểm đưa ra cách thức khác nhau để thúc đẩy hợp tác.

Các cách tiếp cận cấp tiến

Cho đến tận thập kỷ 1980, chủ nghĩa Mác vẫn là sự lựa chọn chủ yếu thay cho các trường phái hiện thực và tự do chính thống. Trong khi chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do coi hệ thống các nhà nước là điều hiển nhiên, thì chủ nghĩa Mác lại đưa ra những giải thích khác biệt về xung đột quốc tế lẫn kế hoạch để thay đổi một cách cơ bản trật tự quốc tế hiện đang tồn tại.

Học thuyết Mác chính thống coi chủ nghĩa tư bản là nguồn gốc trung tâm của xung đột quốc tế. Các nước tư bản gây chiến lẫn nhau do cuộc đấu tranh triền miên để giành lợi nhuận, đồng thời họ chống lại các nhà nước xã hội chủ nghĩa bởi nhìn thấy ở các nước xã hội chủ nghĩa mần mống của sự hủy diệt chính họ. Thuyết “phụ thuộc” (dependency theory) tân Mác-xít, trái lại, lại tập trung vào các mối quan hệ giữa các cường quốc tư bản tiên tiến với các nước kém phát triển và cho rằng các cường quốc tư bản tiên tiến – với sự trợ giúp của liên minh xấu xa với giai cấp cầm quyền ở các nước đang phát triển – sẽ trở nên giàu có bằng việc bóc lột các nước kém phát triển. Giải pháp là phải lật đổ các tầng lớp tinh hoa ăn bám này và thiết lập nên chính quyền cách mạng cam kết đối với sự phát triển tự trị.

Cả hai học thuyết này phần lớn đều bị nghi ngờ trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Lịch sử hợp tác kinh tế và quân sự dài lâu giữa các cường quốc công nghiệp tiên tiến chỉ ra rằng chủ nghĩa tư bản không phải là không thể tránh khỏi xung đột. Sự chia rẽ cay đắng trong thế giới cộng sản cho thấy rằng chủ nghĩa xã hội không phải lúc nào cũng thúc đẩy sự hoà thuận. Thuyết phụ thuộc cũng gặp phải những hạn chế thực nghiệm tương tự bởi vì ngày càng rõ ràng là: Một, sự tham gia tích cực vào nền kinh tế thế giới là con đường tốt hơn mang lại thịnh vượng hơn là sự phát triển chủ nghĩa xã hội tự trị; và hai, nhiều nước đang phát triển tự chứng minh bản thân họ hoàn toàn có đủ khả năng mặc cả thành công với các công ty đa quốc gia và các thể chế tư bản chủ nghĩa khác.

Trong khi chủ nghĩa Mác không chống lại nổi những thất bại của nó, cái vỏ bên ngoài của nó đã được tiếp quản bởi một nhóm các lý thuyết gia vốn vay mượn rất nhiều từ làn sóng các bài viết hậu hiện đại trong phê bình văn học và lý thuyết xã hội. Cách tiếp cận “có tính chất tàn phá” này công khai hoài nghi các nỗ lực đưa ra các học thuyết tổng quát hoặc phổ biến như chủ nghĩa hiện thực hoặc chủ nghĩa tự do. Sự thực là những người ủng hộ cách tiếp cận này nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn ngữ và diễn ngôn trong việc định hình các kết cục xã hội. Tuy vậy, do các học giả này tập trung chủ yếu vào việc phê bình các mẫu hình lý thuyết chính thống mà không đưa ra được các lý thuyết thay thế tích cực cho chúng nên họ vẫn chỉ là một thiểu số bất đồng trong hầu hết thập kỷ 1980.

Nền chính trị trong nước

Không phải tất cả các học giả về quan hệ quốc tế thời Chiến tranh Lạnh  hoàn toàn ăn khớp vào các khuôn mẫu lý thuyết hiện thực, tự do hoặc Mác-xít. Đặc biệt, nhiều tác phẩm quan trọng tập trung vào các đặc điểm của các quốc gia, các tổ chức chính phủ, hoặc từng nhà lãnh đạo riêng biệt. Bộ phận học thuyết dân chủ tự do phù hợp với phạm trù này, tương tự là những nỗ lực của các học giả như Graham Alison và John Steinbruner trong việc sử dụng lý thuyết tổ chức và chính trị quan liêu để lý giải hành vi chính sách đối ngoại, cũng như các nỗ lực của Jervis, Irving Janis và những người khác trong việc áp dụng tâm lý học xã hội và tâm lý học nhận thức vào nghiên cứu quan hệ quốc tế. Hầu hết các nỗ lực này không tìm cách đưa ra một học thuyết chung về hành vi trong quan hệ quốc tế nhưng đã xác định được các yếu tố khác vốn có thể làm cho các quốc gia ứng xử trái ngược với những dự đoán của các cách tiếp cận hiện thực hoặc tự do. Do đó, phần lớn bộ phận văn liệu này cần phải được xem như là sự phần bổ sung cho ba dòng lý thuyết chính kể trên hơn là một cách tiếp cận cạnh tranh nhằm phân tích tổng thể hệ thống quốc tế.

Những đề xuất mới cho các lý thuyết cũ

Số lượng nghiên cứu về quan hệ quốc tế đã trở nên đa dạng đáng kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Các tiếng nói từ ngoài nước Mỹ trở nên nổi trội hơn; hàng loạt các phương pháp và lý thuyết được thừa nhận là hợp lý; nhiều vấn đề mới như xung đột sắc tộc, môi trường và tương lai của các quốc gia được đặt trong chương trình nghiên cứu của các học giả ở khắp mọi nơi.

Hơn nữa, cảm giác lặp lại cũng rất đáng chú ý. Thay vì giải quyết cuộc đấu tranh giữa các trường phái lý thuyết cạnh tranh nhau, sự chấm dứt Chiến tranh Lạnh thuần tuý chỉ đưa ra hàng loạt các cuộc tranh luận mới. Điều trớ trêu là trong khi nhiều nước cùng tiếp nhận các lý tưởng dân chủ, thị trưởng tự do và nhân quyền thì các học giả nghiên cứu về sự phát triển này lại bị chia rẽ sâu sắc hơn bao giờ hết.

Điều chỉnh lại chủ nghĩa hiện thực

Mặc dù sự chấm dứt Chiến tranh Lạnh làm cho một số người tuyên bố rằng chủ nghĩa hiện thực chỉ để dành riêng cho bãi rác học thuật, nhưng những tin đồn về sự lụi tàn của nó đã bị phóng đại lên quá nhiều.

Sự đóng góp gần đây của học thuyết hiện thực là sự chú ý của nó dành cho vấn đề những lợi phần tương đối (relative gains) và tuyệt đối (absolute gains). Đáp lại tuyên bố của những người theo trường phái thể chế rằng các thể chế quốc tế có thể làm cho các quốc gia bỏ qua các lợi ích ngắn hạn và ưu tiên các lợi ích dài hạn, các nhà hiện thực như Joseph Grieco và Stephen Krasner đã chỉ ra rằng tình trạng vô chính phủ buộc các quốc gia phải quan tâm tới cả những lợi phần tuyệt đối xuất phát từ sự hợp tác lẫn cách thức mà các lợi ích đó được phân chia giữa các bên tham gia. Lô-gíc là rõ ràng, dễ hiểu: Nếu một quốc gia giành được nhiều lợi ích hơn các đối tác khác, nó sẽ dần dần trở nên mạnh hơn và các đối tác của nó sẽ ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Nhưng người theo chủ nghĩa hiện thực cũng đã lập tức khai thác hàng loạt các vấn đề mới. Barry Posen đưa ra sự lý giải về xung đột sắc tộc, lưu ý rằng sự tan rã của một quốc gia đa sắc tộc có thể đặt các các nhóm sắc tộc đối địch vào tình trạng vô chính phủ, do đó làm tăng thêm nỗi sợ hãi và khích lệ các nhóm này sử dụng vũ lực để cải thiện vị thế tương đối của mình. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng khi lãnh thổ của mỗi nhóm lại chứa đựng vùng đất nội phận nơi các sắc tộc đối thủ sinh sống – như Nam Tư cũ – bởi vì mỗi bên sẽ cố gắng “thanh lọc” (phủ đầu) các sắc tộc ngoại lai thiểu số và mở rộng để thu nạp các nhóm thuộc sắc tộc của mình nằm bên  ngoài biên giới lãnh thổ của họ. Những nhà hiện thực chủ nghĩa cũng cảnh báo rằng NATO, một khi thiếu vắng các kẻ thù rõ ràng, dường như sẽ phải đối mặt với các căng thẳng ngày càng tăng và rằng việc mở rộng sự hiện diện sang phía Đông có thể phá hoại quan hệ của họ với Nga. Cuối cùng, các học giả như  Michael Mastanduno cho rằng nhìn chung chính sách đối ngoại của Hoa kỳ phù hợp với các nguyên tắc hiện thực, chừng nào mà các hành dộng của nó vẫn được hoạch định để duy trì ưu thế vượt trội của Hoa Kỳ và định hình trật tự sau chiến tranh giúp thúc đẩy các lợi ích của Hoa Kỳ.

Sự phát triển quan điểm lý thú nhất bên trong phái hiện thực là sự chia rẽ đang nổi lên giữa hai trường phái tư tưởng “phòng thủ” và “tấn công”. Các nhà hiện thực phòng thủ như Waltz, Van Ereva và Jack Snyder cho rằng các quốc gia có rất ít lợi ích trong việc xâm chiếm quân sự và lập luận rằng cái giá phả trả cho sự bành trướng nhìn chung cao hơn cái lợi có được. Theo họ, các cuộc chiến tranh giữa các cường quốc phần lớn xẩy ra do các nhóm trong nước phóng đại mối đe doạ và tin tưởng một cách quá mức vào hiệu quả của lực lượng quân sự.

Hiện nay quan điểm này đang bị thách thức trên một số mặt trận.

          Thứ nhất, như Randall Schweller lập luận, giả định của các nhà hiện thực mới cho rằng các quốc gia thuần túy chỉ tìm cách tồn tại chủ yếu có lợi cho (các quốc gia muốn giữ) nguyên trạng bởi nó loại trừ mối đe doạ của các quốc gia xét lại bành trướng – các quốc gia như nước Đức của Adolf Hítler hoặc nước Pháp của Napoleon Bonaparte vốn “coi trọng cái mà họ thèm muốn hơn rất nhiều so với cái mà họ đang sở hữu” và quyết tâm mạo hiểm cả tính mạng của mình để đạt được các mục đích.

          Thứ hai, Peter Liberrman, trong cuốn sách của mình Liệu sự xâm lược có mang lại lợi ích hay không? (Does Conquest Pay?), sử dụng nhiều trường hợp lịch sử – ví dụ như việc Đức Quốc xã chiếm đóng Tây Âu và bá quyền của Liên Xô ở Đông Âu – để chỉ ra rằng lợi ích của sự xâm lược thường cao hơn cái giá phải trả, do đó gây nên nghi ngờ đối với lời tuyên bố rằng bành trướng quân sự không còn mang lại lợi ích nữa.

          Thứ ba, các nhà hiện thực tấn công như Eric Labs, John Mearsheimer và Fareed Zakaria lập luận rằng tình trạng vô chính phủ khích lệ tất cả các quốc gia cố gắng tăng cường tối đa sức mạnh tương đối của mình đơn giản là bởi vì không có quốc gia nào từ trước đến nay lại có thể chắc chắn yên ổn khi mà một cường quốc xét lại thực thụ có thể trỗi dậy.

Những khác biệt này giúp lý giải vì sao các nhà hiện thực không thể thống nhất ý kiến về các vấn đề như tương lai của Châu Âu. Đối với các nhà hiện thực phòng thủ như Van Evera, chiến tranh rất hiếm khi mang lại lợi nhuận và nó thường bắt nguồn từ chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa quốc gia cực đoan, hoặc từ một yếu tố trong nước có tính chất bóp méo nhận thức về tình hình quốc tế nào đó. Cho rằng các lực lượng như vậy phần lớn không còn tồn tại ở Châu Âu trong thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, Van Evera rút ra kết luận rằng khu vực này là “chắc chắn sẽ có hoà bình”. Trái lại, Mearsheimer và các nhà hiện thực tấn công khác lại tin rằng tình trạng vô chính phủ buộc các cường quốc lớn phải cạnh tranh nhau bất chấp các đặc điểm nội tại của họ và rằng sự cạnh tranh về an ninh sẽ nhanh chóng quay trở lại châu Âu ngay khi Hoa Kỳ rút đi.

Sinh khí mới của chủ nghĩa tự do

Các lý thuyết của chủ nghĩa kiến tạo

Các vấn đề chính trị trong nước được xem xét lại

Các quan điểm của tương lai

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Mot the gioi nhieu ly thuyet.pdf

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]