Tác giả: Brahma Chellaney | Biên dịch: Lương Khánh Ninh
Thông tin chính thức: Tổng thống Mỹ và người nhận giải Nobel Hòa bình Barack Obama lại một lần nữa tham chiến! Sau khi lật đổ nhà lãnh đạo Muammar el-Qaddafi của Libya và đánh bom các mục tiêu ở Somalia và Yemen, ông Obama đã tiến hành không kích vành đai Syria-Iraq, thực chất là tuyên bố chiến tranh với Nhà nước Hồi giáo (IS) – một quyết định sẽ vi phạm, nếu không thì cũng làm suy yếu, chủ quyền quốc gia của Syria. Trong nỗ lực tích cực can thiệp, Tổng thống Obama một lần nữa đang bất chấp luật pháp Hoa Kỳ và quốc tế vì đã không tìm cách có được sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ cũng như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Người tiền nhiệm của ông Obama, Tổng thống George W. Bush, tiến hành cái gọi là “cuộc chiến tranh chống khủng bố” của Hoa Kỳ nhằm tiêu diệt những tổ chức mà ông một mực cho rằng muốn “thiết lập một đế chế Hồi giáo cực đoan trải dài từ Tây Ban Nha đến Indonesia.” Tuy nhiên, cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq của chính quyền Bush đã gây rất nhiều tranh cãi đến mức làm rạn nứt sự đồng thuận toàn cầu nhằm đấu tranh chống khủng bố, với Trại giam Vịnh Guantánamo và việc đưa tù nhân ra nước ngoài để hỏi cung cũng như tra tấn các nghi phạm cho thấy cuộc chiến này đã đi quá giới hạn.
Sau khi Obama lên nắm chính quyền, ông tìm cách đem đến một giọng điệu hòa nhã và tế nhị hơn. Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện năm 2009, ông khẳng định rằng “ngôn ngữ chúng ta sử dụng đóng vai trò quan trọng”, ông đổi cách gọi cuộc chiến tranh chống khủng bố thành một cuộc “đấu tranh” và là một “thử thách chiến lược.” Tuy nhiên, sự thay đổi trong giọng điệu không chuyển thành những điều chỉnh trong chiến lược với việc chính quyền Obama đã vượt quá giới hạn những quan ngại an ninh để sử dụng những hoạt động chống khủng bố nhằm đạt được thêm những lợi ích địa chính trị rộng lớn hơn của Mỹ.
Do đó, thay vì nhìn nhận việc tiêu diệt Osama bin Laden năm 2011 là đỉnh điểm của “cuộc đấu tranh” chống khủng bố mà Bush đã tiến hành, chính quyền Obama đã tăng cường viện trợ cho những người nổi dậy “tốt đẹp” (như ở Libya) trong khi truy đuổi những phần tử khủng bố “xấu xa” một cách hăng say hơn, trong đó bao gồm cả chương trình “tìm diệt mục tiêu”. Dù vậy, khi nói đến hoạt động khủng bố, những ranh giới tốt xấu như vậy rất khó để vạch ra rõ ràng.
Chẳng hạn, ông Obama ban đầu đã đưa Nhà nước Hồi giáo vào hạng mục “tốt” bởi nó làm suy yếu sự thống trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như làm tổn hại những lợi ích của Iran ở Syria và Iraq. Lập trường của ông ta chỉ thay đổi sau khi Nhà nước Hồi giáo đe dọa đánh chiếm Erbil, thủ phủ của người Kurd – nơi đặt các căn cứ và cơ sở quân sự, tình báo, ngoại giao và kinh doanh của Mỹ. Sau sự kiện trên cùng với vụ chặt đầu hai nhà báo Hoa Kỳ, chính quyền Obama đột nhiên sử dụng giọng điệu chiến tranh của Tổng thống Bush, tuyên bố nước Mỹ trong tình trạng chiến tranh với Nhà nước Hồi giáo “giống như chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh với Al Qaeda và các chi nhánh của tổ chức này trên toàn cầu.”
Cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ đang có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh dài hơi chống lại một danh sách kẻ thù ngày càng nhiều thêm, cái vô tình được gây ra bởi chính những sách lược của cuộc chiến này. Giống như việc viện trợ công khai cho lực lượng nổi dậy chống Liên Xô của Afghanistan trong thập niên 1980 mà đã góp phần vào sự trỗi dậy của Al Qaeda sau này – điều mà bà Hillary Clinton đã thừa nhận khi còn là Ngoại trưởng trong chính quyền Obama – sự hỗ trợ mà nước Mỹ và đồng minh dành cho phiến quân Syria sau cuộc nổi dậy của họ năm 2011 đã góp phần vào sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo.
Năm 2001, Hoa Kỳ quay lại Afghanistan để tiến hành một cuộc chiến chưa khi đó vẫn chưa kết thúc nhằm vào những người thánh chiến Hồi giáo được tạo ra bởi chính những hành động của mình. Tương tự, Hoa Kỳ đang tiến hành một cuộc chiến tranh ở Iraq và Syria chống lại những đứa con sinh ra từ công cuộc thay đổi chế độ được thực hiện một cách cưỡng ép bởi chính quyền Bush ở Baghdad và kế hoạch lật đổ Assad không được tính toán đến nơi đến chốn của chính quyền Obama.
Đã đến lúc Hoa Kỳ cần nhận ra rằng kể từ khi quốc gia này tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, tai họa chỉ lan tràn hơn. Vành đai Afghanistan-Pakistan vẫn là tâm điểm của chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia, và những quốc gia đã từng trong tình trạng ổn định như Libya, Iraq và Syria đã nổi lên như những trung tâm khủng bố mới.
Nỗ lực của ông Obama nhằm đạt được một thỏa thuận kiểu của Faust (bán linh hồn cho quỷ)[1] với lực lượng Taliban mà lãnh đạo của họ đang ẩn náu ở Pakistan ám chỉ rằng ông quan tâm hơn tới việc khoanh vùng chủ nghĩa khủng bố trong phạm vi Trung Đông hơn là tiêu diệt nó – thậm chí nếu điều đó có nghĩa là để cho Ấn Độ chuốc lấy gánh nặng do hoạt động khủng bố gây ra. (Trên thực tế, cuộc chiến mang tính chất khủng bố hiện nay của Pakistan chống lại Ấn Độ cũng bắt nguồn từ chiến dịch chống Liên Xô của Mỹ ở Afghanistan – chiến dịch lớn nhất trong lịch sử của CIA – với việc Cục Tình báo Pakistan chuyển một số tiền lớn từ khoản viện trợ quân sự trị giá hàng tỉ đôla cho phiến quân Afghanistan.)
Tương tự, chiến lược của ông Obama đối với Nhà nước Hồi giáo chỉ tìm cách giới hạn tầm ảnh hưởng của một trật tự man rợ mang màu sắc thời trung cổ. Một thời gian sau khi tuyên bố ý định “làm tan rã và hủy diệt” tổ chức này, ông Obama đáp lại yêu cầu từ phóng viên về việc giải thích cụm từ này bằng cách tuyên bố rằng mục tiêu thật sự của ông là biến Nhà nước Hồi giáo thành một “vấn đề có thể xử lý được.”
Vấn đề còn trở nên trầm trọng hơn khi ông Obama lên kế hoạch chống lại Nhà nước Hồi giáo bằng chính chiến thuật dẫn đến sự trỗi dậy của tổ chức này: cho phép CIA, với sự hỗ trợ từ một vài vương quốc giàu dầu lửa trong khu vực, huấn luyện và vũ trang cho hàng ngàn phiến quân Syria. Không khó để nhận thấy những nguy cơ cố hữu từ việc làm ngập tràn những chiến trường ở Syria bằng nhiều chiến binh được trang bị tốt hơn.
Hoa Kỳ có thể sở hữu một vài trong số những think-tank (viện nghiên cứu cố vấn chính sách) hàng đầu của thế giới và những bộ óc được đào tạo trình độ cao nhất. Dù vậy, quốc gia này liên tục phớt lờ những bài học từ những sai lầm ngớ ngẩn trong quá khứ và do vậy lặp lại những sai lầm này. Các chính sách đối với thế giới Hồi giáo dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ lẽ ra tìm cách ngăn chặn sự xung đột giữa các nền văn minh nhưng lại đã thúc đẩy một cuộc xung đột trong một nền văn minh, điều mà về cơ bản đã làm suy yếu an ninh khu vực cũng như an ninh quốc tế.
Một cuộc chiến tranh không có hồi kết theo cách của Mỹ chống lại những kẻ thù mà quốc gia này góp phần tạo ra dường như sẽ không giành được sự hỗ trợ quốc tế hay những kết quả lâu dài. Không gì thể hiện điều này rõ ràng hơn phản ứng hờ hững từ thế giới Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ trước nỗ lực của Mỹ nhằm tập hợp một liên minh quốc tế để ủng hộ cái mà chính quyền Obama thừa nhận là sẽ trở thành một cuộc tấn công quân sự kéo dài nhiều năm chống lại Nhà nước Hồi giáo.
Nguy cơ của sự kiêu ngạo mang màu sắc đế quốc vốn thúc đẩy thay vì ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo nay lại một lần nữa hoàn toàn là sự thật.
Brahma Chellaney, giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách đặt tại New Dehli, là tác giả của hai cuốn sách Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground, và Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.
Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate
———–
[1] Theo một truyền thuyết của Đức, Faust chấp nhận trao linh hồn của mình cho quỷ Mephistopheles để đổi lấy những lợi ích vật chất tầm thường (NBT).