Ai yêu Trung Quốc?

Print Friendly, PDF & Email

130701231925-hong-kong-july-1-protest-4-story-top

Tác giả: Ian Buruma | Biên dịch: Lê Khánh Toàn

Bài liên quan: Lý Quang Diệu viết về chính trị Trung Quốc

Hàng vạn người đã “chiếm đóng” những con đường ngập tràn hơi cay của khu vực Trung tâm Hong Kong để chiến đấu cho những quyền dân chủ của họ. Nhiều người hơn nữa sẽ sớm gia nhập với họ. Mặc dù một vài người kinh doanh và chủ ngân hàng cảm thấy khó chịu bởi sự gián đoạn công việc, nhưng những người biểu tình đã đúng khi phản kháng.

Chính quyền Trung Quốc đã hứa hẹn với những người dân Hong Kong rằng họ có thể tự do bầu chọn Trưởng Đặc khu vào năm 2017. Nhưng, với điều kiện rằng các ứng viên phải được rà soát bởi một ủy ban thân Trung Quốc được bổ nhiệm bởi chính quyền trung ương, việc bầu chọn của công dân sẽ không còn có nhiều ý nghĩa. Chỉ có những người “yêu Trung Quốc” – tức yêu Đảng Cộng Sản Trung Quốc – mới được tranh cử.

Người ta có thể dễ dàng hiểu được tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại bị phong trào phản kháng ở Hong Kong làm cho cảm thấy bối rối. Suy cho cùng thì khi Hong Kong còn là một thuộc địa của Anh, người Anh đã chỉ định các vị toàn quyền mà chẳng có ai phản kháng cả đấy thôi.

Thực tế, thỏa thuận mà những người dân thuộc địa Hong Kong chấp nhận – gạt chính trị sang một bên để đổi lấy cơ hội theo đuổi sự thịnh vượng vật chất trong một môi trường an toàn và trật tự – không khác là mấy so với thỏa thuận (với chính quyền Bắc Kinh) mà những tầng lớp có giáo dục ở Trung Quốc ngày nay chấp nhận. Trước đây, một quan điểm thông thường của các công chức chính quyền thực dân, thương gia, và các nhà ngoại giao là người Trung Quốc không thực sự hứng thú với chính trị chút nào; tất cả những thứ họ quan tâm chỉ là tiền.

Bất cứ ai có những kiến thức cơ bản nhất về lịch sử Trung Quốc sẽ thấy rằng quan điểm này hoàn toàn sai. Nhưng, trong một thời gian dài, nó dường như đã đúng ở Hong Kong. Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng kể giữa Hong Kong dưới sự cai trị của Anh Quốc và Hong Kong thuộc Trung Quốc ngày nay. Trước đây, Hong Kong không phải là một vùng đất dân chủ, nhưng nó đã có một nền báo chí tương đối tự do, một chính quyền tương đối trung thực và một hệ thống tư pháp độc lập – tất cả được ủng hộ bởi một chính quyền dân chủ ở London.

Đối với phần lớn công dân Hong Kong, triển vọng của việc bị chuyển giao từ một một cường quốc thực dân này sang một cường quốc thực dân khác vào năm 1997 chưa bao giờ là một triển vọng hoàn toàn vui vẻ. Nhưng thứ thật sự tiếp sức cho chính trị ở Hong Kong là cuộc đàn áp quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và ở các thành phố khác trong năm 1989. Những cuộc biểu tình khổng lồ đã diễn ra ở Hong Kong để phản đối cuộc thảm sát, và các lễ tưởng niệm có quy mô lớn về sự kiện đó được tổ chức vào tháng 6 hàng năm. Điều này đã giúp duy trì một ký ức vốn bị kìm nén và lãng quên ở những nơi khác thuộc Trung Quốc.

Không chỉ sự giận dữ từ lý do nhân đạo đã kích động rất nhiều người Hong Kong hành động trong năm 1989. Họ đã nhận ra rằng dưới sự cai trị trong tương lai của Trung Quốc, chỉ có nền dân chủ chân chính mới có thể giữ vững các thể chế vốn giúp bảo vệ các quyền tự do ở Hong Kong. Nếu không có tiếng nói đáng kể nào về cách mà họ sẽ bị cai trị, cuộc đời của những người dân Hong Kong sẽ bị phó mặc cho những nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Từ quan điểm của những nhà cai trị Cộng sản Trung Quốc, điều này thật sai trái. Họ coi những yêu sách về dân chủ của người Hong Kong là những nỗ lực sai lầm để bắt chước nền chính trị phương Tây, hoặc thậm chí giống như là một dạng hoài cổ về thời kỳ đế quốc chủ nghĩa của Anh. Dù theo cách nghĩ nào đi nữa, kế hoạch của những người biểu tình luôn bị coi là “chống lại Trung Quốc”.

Theo cách nhìn nhận của những nhà cai trị Trung Quốc, chỉ có sự lãnh đạo vững chắc từ trung ương và quyền lực tối cao không bị thách thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới có thể tạo ra những điều kiện cần thiết để nước Trung Quốc giàu mạnh trỗi dậy. Dân chủ, trong quan điểm của họ, sẽ dẫn tới sự hỗn loạn; tự do tư tưởng sẽ gây ra sự nhiễu loạn của người dân; và sự chỉ trích của công chúng về Đảng có khuynh hướng dẫn đến sự sụp đổ chính quyền.

Theo nghĩa này, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhìn chung theo tư duy truyền thống (giống các triều đại phong kiến trước đây – NBT). Nhưng, mặc dù chính quyền Trung Quốc luôn luôn độc tài, nó chưa bao giờ tham những tràn lan như hiện nay. Và nền chính trị Trung Quốc cũng chưa bao giờ vô luật pháp như vậy.

Theo truyền thống, Trung Quốc đã có những thiết chế – các liên kết dòng họ, các cộng đồng tôn giáo, các nhóm thương nhân, vv… – mang tính tự trị tương đối. Sự cai trị của hoàng đế có thể rất độc đoan, nhưng vẫn có những khoảng trống lớn cho sự độc lập bên ngoài kiểm soát của trung ương. Theo nghĩa này, Hong Kong có lẽ mang tính truyền thống hơn so với các phần còn lại của Trung Quốc, dĩ nhiền là loại trừ Đài Loan.

Ngày nay, quyền uy chính trị tối cao đã đặt Đảng Cộng sản lên trên luật pháp, điều này đã khuyến khích tham nhũng trong các quan chức của Đảng, cả ở cấp địa phương và trung ương. Sự kiểm soát nghiêm khắc đối với tôn giáo, học thuật, nghệ thuật và báo chí đã kiềm chế sự phổ biến các thông tin cần thiết và các tư tưởng sáng tạo. Sự thiếu vắng một hệ thống tư pháp độc lập đã làm suy yếu nền pháp quyền. Những điều này không có lợi ích gì cho sự phát triển tương lai cả.

Khi Hong Kong được chính thức trao trả về Trung Quốc 17 năm trước, một số người lạc quan nghĩ rằng mức độ tự do lớn hơn ở vùng đất thuộc địa này sẽ giúp thúc đẩy cải cách ở các phần còn lại của Trung Quốc. Hình mẫu về bộ máy quan chức trong sạch và những người thẩm phán công tâm sẽ giúp đẩy mạnh pháp quyền trên toàn bộ đất nước. Một số người khác, với cùng lý do đấy, coi Hong Kong như con ngựa thành Troy nguy hiểm có thể làm xói mòn nghiêm trọng trật tự cộng sản.

Đến nay, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những người biểu tình ở khu vực Trung tâm Hong Kong có bất kỳ tham vọng nào trong việc làm suy yếu, chứ đừng nói đến lật đổ chính quyền ở Bắc Kinh. Họ chỉ thực sự chú tâm vào việc đứng lên bảo vệ quyền lợi của họ ở Hong Kong, và cơ hội mà họ sẽ thành công dường như rất mong manh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất nóng lòng để thể hiện sự cứng rắn của ông ta. Thỏa hiệp sẽ thể hiện sự yếu đuối. Mục tiêu của ông ta là khiến Hong Kong giống với những phần còn lại của Trung Quốc, hơn là một cái gì đó khác biệt.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lý do để tin rằng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi lớn từ con đường ngược lại. Ít tham nhũng hơn, sự tin tưởng vào pháp luật nhiều hơn, sự tự do tư tưởng lớn hơn sẽ làm cho Trung Quốc thêm vững chắc, thêm sáng tạo và thịnh vượng hơn.

Trong ngắn hạn, điều này có thể chưa xảy ra, nhưng những người thực sự “yêu Trung Quốc” sẽ dễ dàng được tìm thấy trên những con phố của Hong Kong hơn là ở những khu nhà chính phủ kín cổng cao tường ở Bắc Kinh.

Ian Buruma là giáo sư về dân chủ, quyền con người và báo chí ở trường Đại học Bard. Ông là tác giải của rất nhiều đầu sách, bao gồm: Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance [Án mạng ở Amsterdam: Cái chết của Theo Van Gogh và Những giới hạn của Sự khoan dung], và gần đây nhất, Year Zero: A History of 1945 [Năm zero: Lịch sử 1945].

Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate