Thượng đỉnh APEC: Cơ hội cải thiện quan hệ Nhật-Trung-Hàn

Asia-Pacific-Economic-Cooperation-APEC-China-2014

Tác giả: Yuriko Koike | Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Tại các hội nghị thượng đỉnh ngoại giao thành công, những công việc chuẩn bị với mọi khía cạnh của cuộc họp luôn được tỉ mỉ dàn dựng từ trước, từ những cái bắt tay đầu tiên cho tới các thông cáo cuối cùng. Nhưng Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng tới có vẻ là một kế hoạch đầy rủi ro. Thậm chí chưa rõ liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có đồng ý gặp gỡ một trong những khách mời quan trọng nhất của ông là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hay không. Và liệu Abe có thể gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hay không cũng còn chưa chắc chắn.

Tuy nhiên, có nhiều lí do đáng kể để hi vọng, không chỉ về những cái bắt tay và các cuộc họp song phương chính thức giữa các nhà lãnh đạo “Ba nước lớn” của Đông Bắc Á, mà còn về các cuộc thảo luận nghiêm túc nhằm giảm bớt những căng thẳng trong khu vực. Hi vọng đó dựa trên việc cả ba nhà lãnh đạo đều cần một khoảng lặng ngoại giao do những thách thức khó khăn trong nước mà mỗi quốc gia đang phải đối mặt.

Tập Cận Bình có lẽ đang đối đầu với nghị trình trong nước khó khăn nhất: nỗ lực vạch ra một quá trình chuyển đổi tương đối suôn sẻ từ một cơ cấu kinh tế dựa vào sản xuất và xuất khẩu sang một cơ cấu mà trong đó tiêu dùng nội địa và các ngành dịch vụ sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Chuyển dịch cơ cấu không chỉ làm nền kinh tế tăng trưởng chậm lại; nó còn phơi bày những lỗ hổng ẩn sâu trong hệ thống tài chính Trung Quốc.

Sự chuyển dịch mô hình kinh tế đất nước sẽ gặp khó khăn ngay cả trong các hoàn cảnh tốt nhất. Nhưng nó được thực hiện đồng thời với các cuộc thanh trừng chính trị sâu rộng nhất mà Trung Quốc từng trải qua kể từ thời Mao Trạch Đông, với việc Tập Cận Bình nhắm đến những quan chức tham nhũng từ cấp cao cho đến cấp thấp. Hiện nay, tâm điểm có vẻ là những sĩ quan quân đội và những người thân cận với cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, hiện đang bị giam giữ, và cựu Trưởng Ban Chính – pháp (phụ trách an ninh) trong Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, hiện đang chờ tuyên án. Có lẽ đây là giai đoạn nguy hiểm nhất trong cuộc thanh trừng của Tập Cận Bình, với việc bắt giữ Phó Tư lệnh Quân khu Thành Đô gần đây – một chức vụ chủ chốt nếu xét đến số lượng lớn dân cư Tây Tạng bất ổn của quân khu này.

Ai cũng biết những khó khăn trong nước của Abe, bắt nguồn từ hai thập kỷ kinh tế suy thoái. Dù chiến lược kinh tế của ông, được gọi là “Abenomics,” dường như đã chấm dứt giảm phát, nhưng một sự tăng trưởng mạnh mẽ gần như là không thể. Hơn nữa, sau một loạt các vụ bê bối khiến Abe mất đi một số bộ trưởng mới được bổ nhiệm, nhiều người lo ngại rằng ông có thể không còn sẵn sàng thực hiện hết các cải cách cơ cấu theo hướng tự do hóa – cái gọi là “mũi tên thứ ba” của Abenomics – vốn cần thiết cho việc phục hồi kinh tế bền vững.

Park Geun-hye có vẻ phải đối mặt với những tình hình trong nước ít gay go nhất, khi nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng với tốc độ hàng năm 3,2% trong quý hai năm 2014, chỉ thấp hơn một chút so với dự đoán của thị trường. Nhưng Park rõ ràng không lạc quan về tình hình trong nước; về nhiều mặt, đây là một năm tồi tệ cho chính bà và đất nước bà.

Thật vậy, nhiều thảm họa đã quét qua Hàn Quốc trong năm nay, bắt đầu vào tháng Tư với vụ chìm phà Sewol cướp đi khoảng 300 sinh mạng mà hầu hết là học sinh trung học. Phiên tòa xét xử thuyền trưởng phà Sewol, vụ tự tử của chủ sở hữu phà, và một loạt các vụ bê bối liên quan đến đánh đập và ngược đãi dẫn đến việc nhiều lính nghĩa vụ chết hoặc tự sát đã khiến nhiều bộ trưởng chủ chốt của bà Park phải từ chức, tất cả tạo nên một cảm giác bất an lan rộng về cách điều hành đất nước.

Một vấn đề phức tạp hơn nữa là bà Park cần phải đưa ra một phản ứng hữu hiệu đối với cuộc tấn công ngoại giao quyến rũ mới của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên chẳng mấy quyến rũ, Kim Jong-un. Park vẫn hoài nghi một cách đúng đắn về động cơ của Kim Jong-un; nhưng cảnh tượng một quan chức cấp cao đứng thứ hai của Bắc Triều Tiên bất ngờ xuất hiện tại Asian Games hồi đầu tháng này đã tạo ra một làn sóng phấn khích rằng có thể Kim Jong-un thực sự muốn cải thiện quan hệ.

Đối mặt với những mối quan tâm trong nước, cả ba nhà lãnh đạo cần một thời gian nghỉ ngơi sau những căng thẳng vốn đã khiến quan hệ giữa ba nước điêu đứng trong suốt ba năm qua. Dù thế, do mỗi nhà lãnh đạo (của Trung Quốc và Hàn Quốc) đều đã lợi dụng những căng thẳng, đặc biệt là với Nhật Bản, để kiểm soát các đối thủ trong nước của họ, việc đạt được khoảng lặng cần thiết này có thể sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên cũng có những dấu hiệu cho thấy ba nhà lãnh đạo hiểu rằng hội nghị thượng đỉnh APEC có thể là một thời điểm hệ trọng cho mối quan hệ của ba nước. Những lời lẽ phản đối Nhật Bản tồi tệ nhất đã không còn xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc trong nhiều tuần gần đây, và cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda sẽ gặp gỡ Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong tuần này. Điều này chưa làm tan băng mối quan hệ song phương nhưng nó cho thấy Tập Cận Bình có thể đang tìm kiếm một khoảng lặng, ít nhất là cho đến khi nền kinh tế Trung Quốc ổn định hơn và chiến dịch chống tham nhũng của ông bắt đầu lắng xuống.

Park Geun-hye cũng cho thấy những tín hiệu rằng bà có thể muốn xoa dịu căng thẳng. Gần đây bà đã gặp cựu Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Fukushiro Nukaga, và Kim Kwan-jin, Chánh Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc, gần đây đã gặp cố vấn an ninh quốc gia của Abe, Shotaro Yachi.

Với việc Shinzo Abe, Park Geun-hye, và Tập Cận Bình đều phải đối mặt với những thách thức khó khăn trong nước, một sự hội tụ hiếm hoi tại ba nước giữa lợi ích bản thân các nhà lãnh đạo và lợi ích quốc gia có thể đem đến cơ hội cải thiện các mối quan hệ. Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu các nhà lãnh đạo ba nước lớn của Đông Bắc Á có thể vượt qua được những lập trường cũ, bắt tay nhau, và coi trọng quan hệ ngoại giao khu vực hay không.

Yuriko Koike là cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhật Bản, Chủ tịch Đại hội đồng Đảng Dân chủ Tự do và hiện đang là thành viên của Quốc hội Nhật Bản.

Biên tập: Lê Hồng Hiệp | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate