#225 – Crimea và trật tự pháp lý quốc tế

2264359345

Nguồn: William W. Burke-White (2014). “Crimea and the International Legal Order”, Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 56, No. 4, pp. 65-80.

Biên dịch và Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Bài liên quan: Liệu Putin có thể sống sót?/ Điểm giới hạn của Nga và khủng hoảng Ukraine

Crimea đã thuộc về Nga. Tại thời điểm này, cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 3 năm 2014 và việc Nga sáp nhập Crimea sau đó đã là các sự kiện lịch sử, ngay cả khi biên giới lãnh thổ và tương lai chính trị của Ukraine vẫn còn đang bị tranh chấp. Dù vậy, khi sự chú ý của thế giới đã chuyển từ Sevastopol sang Kiev và nhiều cuộc khủng hoảng gần đây tại những nơi khác, một sự cân bằng chủ chốt giữa hai trong số những nguyên tắc cơ bản nhất của trật tự pháp lý và chính trị quốc tế thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai vẫn đang bị đe dọa.

Tại Crimea, Nga đã sử dụng luật  quốc tế một cách khôn ngoan, trong đó lợi dụng được sự mâu thuẫn giữa nguyên tắc cơ bản nghiêm cấm chiếm đoạt lãnh thổ thông qua sử dụng vũ lực và một nguyên tắc cơ bản không kém là quyền tự quyết để từ đó chiếm đoạt Crimea. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tạo ra một sự cân bằng khác hẳn giữa hai nguyên tắc này so với sự cân bằng vốn chiếm ưu thế trong gần 70 năm qua. Cách tái diễn giải hai nguyên tắc trên của Nga rất có thể sẽ phá vỡ sự cân bằng mong manh giữa việc bảo vệ các quyền lợi cá nhân và việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia – yếu tố đã giúp cho trật tự thế giới hậu Thế chiến thứ hai đứng vững. Sự diễn giải này đặt ra những tiền lệ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho những khu vực bất ổn, từ Iraq đến Syria, phá vỡ sự ổn định của hệ thống pháp luật quốc tế vào chính thời điểm hệ thống này đang cố thích nghi với một thế giới đa cực.

Bằng cách khẳng định những hành động của mình là hợp pháp, nhưng đồng thời cũng bẻ cong luật pháp theo những cách thức khôn khéo (và không mấy khôn khéo), Nga đã dùng chính một trong những cách thức mà Hoa Kỳ từng sử dụng. Trong gần 70 năm qua, và đặc biệt là từ đầu những năm 1990, Hoa Kỳ đã từng có thể lãnh đạo hệ thống luật quốc tế, thường là kết hợp cùng với châu Âu. Hoa Kỳ định nghĩa các quy định, xác định các trường hợp ngoại lệ của các quy định và thông thường cũng thi hành các quy định đó.[1]

Sự tái phân phối quyền lực trong hệ thống chính trị quốc tế ngày nay đã đặt dấu chấm hết cho liên minh xuyên Đại Tây Dương về luật quốc tế này.[2] Thay thế cho thời kỳ Mỹ chiếm ngôi vị bá quyền và lãnh đạo pháp luật như vậy là một hệ thống đa trung tâm đang trỗi dậy, trong đó một số lượng ngày càng tăng các quốc gia có thể và thực tế đã đóng vai trò lãnh đạo với từng vấn đề cụ thể trong một hệ thống pháp lý linh hoạt hơn rất nhiều.[3] Những quốc gia này bao gồm (nhưng không chỉ có) Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Trong vấn đề Crimea, Nga có lẽ là lần đầu tiên kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ đang tự khẳng định vị thế của mình như là một nước trung tâm mới cho một cách diễn giải cụ thể luật quốc tế, một hình thức diễn giải sẽ thách thức theo nhiều cách sự cân bằng có tầm quan trọng trung tâm của trật tự thế giới hậu Thế chiến thứ Hai và khả năng lãnh đạo trật tự đó của Hoa Kỳ.

Mâu thuẫn giữa quyền dân tộc tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ

Washington đã xây dựng trật tự hậu chiến này dựa trên một mâu thuẫn vốn có được thể hiện rõ ràng trong chính Hiến chương của Liên Hợp Quốc, mâu thuẫn giữa việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và việc bảo vệ các quyền lợi cá nhân, bao gồm sự độc lập cuối cùng của các cộng đồng dân cư bị áp bức được tiến hành các hành động tự quyết trong những hoàn cảnh đặc biệt.[4]

Mâu thuẫn này đã được nhận thức rõ và đưa ra tranh luận trong quá trình soạn thảo hiến chương vào năm 1945, và trong những nỗ lực của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhằm làm rõ khái niệm quyền tự quyết vào năm 1970.[5] Những câu hỏi tương tự đã được đặt ra vào cuối những năm 1990 khi Đông Timor và Kosovo cố gắng đòi độc lập sau khi chịu nhiều xung đột và áp bức, và trong những năm đầu của thập kỷ này, khi Nam Sudan trải qua một quá trình tương tự. Tuy vậy, trong khi vào năm 1999 Mỹ có thể kiểm soát việc diễn giải và thi hành luật quốc tế để đảm bảo độc lập cho Kosovo mà không phải chịu hậu quả pháp lý, thì đến năm 2014 Washington lại không thể phản bác hoàn toàn những lập luận pháp lý của Moscow cho rằng việc Nga hỗ trợ và cuối cùng là sáp nhập Crimea có cơ sở luật quốc tế vững vàng không kém.

Nga có được khả năng lợi dụng những điều không rõ ràng về pháp lý có trong cả 2 trường hợp Crimea và Kosovo phần lớn là nhờ sự mâu thuẫn cố hữu giữa hai nguyên tắc thường xung đột nhau ngay tại trung tâm của các hệ thống pháp luật và chính trị quốc tế kể từ năm 1945.

Nguyên tắc thứ nhất là các quốc gia không được phép sử dụng vũ lực chống lại nhau và đặc biệt là không được phép chiếm đoạt lãnh thổ của nhau thông qua sử dụng vũ lực. Nguyên tắc này được thể hiện trong Điều 2(4) Hiến chương Liên Hiệp Quốc: ”tất cả các Quốc gia thành viên sẽ từ bỏ sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”.[6] Điều này được tái khẳng định vào năm 1970, khi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng: “không hành động thâu tóm lãnh thổ nào bắt nguồn từ việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực sẽ được công nhận là hợp pháp”.[7] Nguyên tắc này đã giúp tập hợp được một liên minh lớn và đẩy lùi được cuộc xâm lược của Tổng thống Iraq Saddam Hussein vào Kuwait năm 1991.

Thứ hai là nguyên tắc tự quyết. Theo nguyên tắc này, người dân các nước từng bị chiếm làm thuộc địa hay từng phải chịu áp bức nặng nề có quyền tự do quyết định chính phủ tương lai và địa vị của mình trong cộng đồng quốc tế. Trong những hoàn cảnh đặc biệt như khi có tội ác chống lại loài người hoặc diệt chủng một cách có hệ thống, nguyên tắc này cho phép cộng đồng bị áp bức có quyền tự đảm bảo độc lập chính trị và pháp lý, ngay cả khi việc đó đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác. Nguyên tắc này cũng có nguồn gốc từ trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó lấy “sự tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi và quyền tự quyết của các dân tộc” làm mục tiêu của hệ thống quốc tế.[8] Thường bị vi phạm nhiều hơn là tuân thủ, đây chính là nguyên tắc đã dẫn đến sự độc lập của Đông Timor vào năm 2002, của Kosovo vào năm 2008 và của Nam Sudan vào năm 2011.

Trường hợp Crimea

Quan hệ giữa các nguyên tắc này đang bị đe dọa nghiêm trọng trong trường hợp Crimea. Cộng đồng dân cư nói tiếng Nga ở Crimea có quyền được có nhà nước riêng của họ do bị áp bức có hệ thống từ phía chính quyền Kiev hay không? Nga có được phép hỗ trợ những người dân nói tiếng Nga đó giành độc lập hay không? Hay liệu Ukraine, với tư cách một quốc gia độc lập có chủ quyền, phải có quyền bất khả xâm phạm về biên giới lãnh thổ? Chung quy hơn, trong trường hợp nào thì một cộng đồng dân cư có quyền đòi độc lập quốc tế và các nước bên thứ ba được phép hỗ trợ đến mức độ nào, cho dù khi làm vậy có thể xâm phạm đến sự toàn vẹn lãnh thổ của một nước khác?

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Putin đã trình bày rõ ràng một lập luận pháp lý được xây dựng tinh xảo, mặc dù có xu hướng theo chủ nghĩa xét lại, trong đó đã lợi dụng được sự mâu thuẫn giữa quyền tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ. Thông qua lập luận này, Nga rất có thể không chỉ đang tìm cách biện minh cho hành động của mình ở Crimea, mà còn đang cố tái khẳng định vị trí lãnh đạo của mình trong một trật tự pháp lý quốc tế đa trung tâm.

Lập luận pháp lý của Putin được lồng ghép trong bài diễn văn ngày 18 tháng 3 trước Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), hai ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea. Xét trong bối cảnh đó, Putin tuyên bố Nga có quyền can thiệp rộng rãi để bảo vệ người Nga thiểu số, và hạ rất thấp tiêu chuẩn xác định mức độ áp bức cần thiết để dẫn đến quyền tự quyết và sau đó là độc lập. Với hành động này, Putin đã chuyển cán cân giữa sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết từ cân bằng sang nghiêng hẳn về phía quyền tự quyết, khiến cho biên giới quốc gia trở nên dễ bị xâm phạm hơn và bản thân hệ thống quốc tế trở nên bất an hơn rất nhiều.

Với nguyên tắc thứ nhất về nghiêm cấm sử dụng vũ lực để chiếm đoạt lãnh thổ, Putin đã thực hiện việc bác bỏ mang tính chiến lược: “Các Lực lượng Vũ trang Nga chưa từng tiến vào Crimea; họ vốn đã có mặt ở đó theo một thỏa thuận quốc tế”.[9] Đáng lưu ý hơn, ông ta đã phủ nhận những hành động của các lực lượng chưa được xác định ở Crimea là của Liên bang Nga, dù những hành động đó đã được ghi hình lại rõ ràng và phát đi trên khắp thế giới. Ông ta làm được điều đó là do tiêu chuẩn pháp lý dùng để quy trách nhiệm cho các chính phủ về các hành động của các chủ thể phi quốc gia được các chính phủ đó hỗ trợ là tương đối lỏng lẻo và dường như đã lỗi thời.

Năm 1984, khi Hoa Kỳ trợ giúp cho quân nổi dậy Contra tại Nicaragua, Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ) đã cho rằng “để có thể quy trách nhiệm pháp lý cho Hoa Kỳ dựa trên hành vi này, về nguyên tắc phải chứng minh được rằng Hoa Kỳ có quyền kiểm soát hiệu quả các chiến dịch quân sự hoặc bán quân sự”.[10] Trong vụ án này, ICJ đã kết luận rằng “sự tham gia của Hoa Kỳ vào việc tài trợ, tổ chức, huấn luyện, cung cấp, và trang bị cho lực lượng Contra … và việc lên kế hoạch toàn bộ các hoạt động của lực lượng này, kể cả nếu có ảnh hưởng chi phối hay mang tính quyết định” đều không đủ để truy cứu trách nhiệm cho Hoa Kỳ.[11]

Putin đã lợi dụng tiêu chuẩn truy cứu trách nhiệm mềm mỏng này một cách khôn ngoan; ông ta nhận thức rõ được rằng sẽ rất khó, thậm chí là không thể chứng minh được lực lượng dân quân không rõ danh tính nói trên nằm dưới quyền kiểm soát hiệu quả của ông ta, và rằng Moscow sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý cho những hành động của lực lượng đó kể cả nếu như họ được Nga tài trợ và chỉ đạo. Kết quả là ông ta có thể gây áp lực lên chính quyền Ukraine và chiếm quyền kiểm soát những công trình cơ sở hạ tầng quan trọng tại Crimea mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế, chừng nào Nga còn có thể phủ nhận quyền kiểm soát hiệu quả các lực lượng tại Crimea một cách hợp lý.

Tuy nhiên, một cách tinh tế hơn, cách tiếp cận của Putin còn đòi hỏi quyền được can thiệp quân sự để bảo vệ kiều dân Nga ở nước ngoài. Trong bài phát biểu ngày 18 tháng 3 của mình, Putin đã khẳng định lợi ích của Nga ở Ukraine và đưa ra một lời đe dọa thẳng thừng:

Có hàng triệu người Nga và người nói tiếng Nga đang sống ở Ukraine và sẽ tiếp tục sống ở đó. Nga sẽ luôn bảo vệ lợi ích của họ bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao và pháp lý. Nhưng chính Ukraine có quyền lợi lớn hơn tất cả trong việc đảm bảo rằng các quyền và lợi ích của những người đó không bị xâm phạm. Đây là điều sẽ đảm bảo sự ổn định quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine.[12]

Lời đe dọa rằng Nga sẽ can thiệp quân sự, trong trường hợp Ukraine không thể bảo vệ được người Nga cư trú trên lãnh thổ Ukraine, càng rõ nét hơn khi nhìn đến những lập trường pháp lý khác của Moscow. Nga đã biện minh cho hành động đưa quân vào Gruzia vào năm 2008 phần nào bằng cách gọi đó là một hành động tự vệ chính đáng nhằm bảo vệ kiều dân Nga.[13] Hành động sử dụng vũ lực để bảo vệ người dân nước mình ở quốc gia khác, dù gắn liền với nguồn gốc lịch sử của việc sử dụng vũ lực, vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi.[14] Vậy nhưng Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc vẫn miêu tả việc Gruzia tấn công kiều dân Nga là “hành động quân sự bất hợp pháp nhằm chống lại Liên bang Nga” khiến Nga được thực thi quyền tự vệ chính đáng do có sự hiện diện của “công dân Liên bang Nga” tại Nam Ossetia.[15] Luật pháp và cách diễn giải của Nga khẳng định quan điểm của Moscow rằng quyền tự vệ bao gồm cả việc bảo vệ công dân của mình tại nước ngoài.[16] Nga đã tìm cách tái diễn giải những quy định này, thách thức các cách hiểu truyền thống nhằm cố gắng thiết lập một khuôn khổ khác cho quyền được sử dụng vũ lực trong khu vực ảnh hưởng của Nga.[17]

Cuối cùng, Putin đã thúc đẩy một tiền lệ luật quốc tế mà sẽ làm tăng đáng kể khả năng xuất hiện sự can thiệp của các lực lượng không rõ danh tính – những “người đàn ông mặc đồ xanh” xuất hiện tại Crimea vào hồi tháng 2 và tháng 3 – bằng cách làm cho việc tìm ra mối dây liên hệ giữa lực lượng này với quốc gia gửi họ đến trở nên khó khăn hơn, và như vậy sẽ biện minh được cho các hành động can thiệp lộ liễu của quân đội một nước khi kiều dân của nước đó bị đe dọa.

Thứ hai, bài phát biểu của Putin vào ngày 18 tháng 3 chủ trương một khái niệm quyền tự quyết rộng rãi, nhanh chóng và dễ được viện dẫn. Ông ta khoác lên những hành động của Nga tấm áo luật quốc tế và đồng thời làm cho cán cân giữa sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết nghiêng hẳn về yếu tố thứ hai. Để bênh vực cho tuyên bố độc lập của Crimea, ông Putin đã tham chiếu một phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế và một Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trong đó cho rằng “luật quốc tế nói chung không hề cấm tuyên bố độc lập”.[18] Ông ta liên tục viện dẫn nguyên tắc pháp lý về quyền tự quyết, lưu ý rằng “Hội đồng Tối cao Crimea đã tham khảo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó nhắc đến quyền tự quyết của các dân tộc”. Ông ta cũng lưu ý về quan điểm của Mỹ trong cuộc xung đột ở Kosovo rằng “những tuyên bố độc lập có thể, và trên thực tế thường vi phạm luật pháp nội địa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng vi phạm luật quốc tế”.[19]

Để củng cố lập luận về quyền tự quyết của Crimea, Putin đã thỏa mãn đầy đủ các yếu tố pháp lý cần thiết: những người muốn thực thi quyền tự quyết phải là một dân tộc rõ ràng đã phải chịu sự đàn áp có hệ thống, và đã quyết định tình trạng tương lai của mình một cách hợp pháp, thông qua một quy trình dân chủ.[20] Ông ta đưa ra luận điểm rằng cư dân Crimea cấu thành một dân tộc rõ ràng và tách biệt: “tổng số cư dân trên bán đảo Crimea hiện nay là 2,2 triệu người, trong đó gần 1,5 triệu người là người Nga, 350.000 người là người Ukraine nhưng chủ yếu coi tiếng Nga là ngôn ngữ gốc, và khoảng 290.000-300.000 người dân tộc Tatar thuộc Crimea, và những người này cũng hướng về phía Nga”.[21]

Hơn nữa, ông ta tuyên bố rằng những người sắc tộc Nga này, trong đó gồm một số công dân Nga, đã phải chịu sự đàn áp có hệ thống đủ để vận dụng quyền tự quyết theo luật quốc tế. Ông cũng gọi các quan chức chính phủ Ukraine là “những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc, tân Quốc xã, thù hận Nga và có tư tưởng bài Do thái” vốn đã đưa ra “một dự luật sửa đổi chính sách ngôn ngữ, một hành động vi phạm trực tiếp quyền lợi của các dân tộc thiểu số”, đồng thời coi những người này là “hậu duệ tư tưởng của [Stepan] Bandera, đồng lõa của Hitler trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2”.[22] Putin sau đó đưa ra lập luận thứ ba và cuối cùng rằng các dân tộc Nga tại Crimea đã chọn sáp nhập vào Nga một cách tự do và công bằng: “cuộc trưng cầu dân ý hoàn toàn công bằng và minh bạch, và người dân Crimea đã bày tỏ ý nguyện một cách rõ ràng, thuyết phục, và tuyên bố rằng họ muốn gia nhập Nga”.[23]

Putin tìm cách diễn giải lại quyền tự quyết

Một hệ thống luật quốc tế đa trung tâm đang nổi lên

Giải pháp cho Mỹ và phương Tây

….

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Crimea va trat tu phap ly quoc te.pdf

———————

[1] Để hiểu thêm về bình luận kinh điển về luật quốc tế này, xem Hans J. Morgenthau, ‘Positivism, Functionalism, and International Law”, American Journal of International Law, vol. 34, no. 2, April 1940.

[2] Xem Jim O’Neill, The Growth Map: Economic Opportunity in the BRICS and Beyond (London: Portfolio Penguin, 2011); Daniel W. Drezner, ‘The New New World Order’, Foreign Affairs, vol. 86, no. 2, March–April 2007; Fareed Zakaria, The Post-American World: Release 2.0 (New York: W.W. Norton & Company, 2011); John B. Bellinger III, ‘Reflections on Transatlantic Approaches to International Law’, Duke Journal of Comparative & International Law, vol. 17, no. 2, Spring 2007; Daniel Bethlehem, ‘Remarks by Daniel Bethlehem’, in American Society of International Law, Proceedings of the Annual Meeting, vol. 103.

[3] Để tìm hiểu thêm, xem William W. Burke-White, ‘Power Shifts in International Law: Structural Realignment and Substantive Pluralism’, Harvard International Law Journal, xẽ xuất bản trong năm 2014.

[4] Để được miêu tả rõ hơn, xem G. John Ikenberry, ‘Illusions of Empire: Defining the New American Order’, Foreign Affairs, vol. 83, no. 2, March–April 2004.

[5] UN General Assembly, ‘Resolution Adopted by the General Assembly: 2734 (XXV). Declaration on the Strengthening of International Security’, 16 December 1970, http://www.un-documents.net/a25r2734.htm.

[6] UN, ‘Charter of the United Nations’, Article 2(4), http://www.un.org/en/documents/charter/.

[7] UN General Assembly, ‘Resolution Adopted by the General Assembly’.

[8] UN, ‘Charter of the United Nations’, Article 1(2).

[9] Kremlin, ‘Address by President of the Russian Federation’, 18 March 2014, http://eng.kremlin.ru/news/6889.

[10] International Court of Justice, ‘Military and Paramilitary Activities in and against Nicaragua (Nicaragua v. United States of America)’, 27 June 1986, Paragraph 116, http://www.icjcij.org/docket/files/70/6503.pdf.

[11] Sđd, Paragraph 115.

[12] Kremlin, ‘Address by President of the Russian Federation’.

[13] Điều 61(2) trong Hiến Pháp Nga viết rằng ‘Liên Bang Nga sẽ bảo đảm cho công dân của mình khi ở nước ngoài luôn được bảo vệ và hỗ trợ.’ Dịch từ bản tiếng Anh: Kremlin, ‘Constitution of the Russian Federation’, http://www.constitution.ru/en/10003000-01.htm.

[14] Michael Akehurst, ‘The Use of Force to Protect Nationals Abroad’, International Relations, April 1977, vol. 5, no. 5; David J. Gordon, ‘Use of Force for the Protection of Nationals Abroad: The Entebbe Incident Note’, Case Western Journal of International Law, vol. 9, 1977 (trong đó lưu ý quan điểm đứng trên ‘chủ nghĩa hạn chế’ về Article 51).

[15] UN, ‘Letter Dated 11 August 2008 from the Permanent Representative of the Russian Federation to the United Nations Addressed to the President of the Security Council’, 11 August 2008, http://www.securitycouncilreport.org/atf/cf/%7B65BFCF9B-6D27-4E9C-8CD3-CF6E4FF96FF9%7D/Georgia%20S%202008%20545.pdf.

[16] Xem ‘Russian Federal Law on the State Policy in Regard to the Fellow Citizens Residing Abroad’, 1999, có tại đia chỉ http://www.loc.gov/law/help/russian-georgia-war.php#t41. Trong đó cho rằng ‘nếu một quốc gia khác có hành vi xâm phạm các quy luật được công nhận trong luật pháp quốc tế và nhân quyền đối với người Nga đang ở nước ngoài, thì Liên Bang Nga sẽ có các hành động phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích cho họ’. Chánh án Tòa án Hiến pháp Nga cũng bào chữa cho việc can thiệp trên cơ sở này vào tháng 8 năm 2008 trong một bài viết đăng trên tờ báo Rossiyskaya Gazeta. Valery Zorkin, ‘Peace Enforcement and Human

Rights’, Rossiyskaya Gazeta, 13 August 2008, http://www.rg.ru/2008/08/13/zorkin.html.

[17] Xem Gordon B. Smith, ‘Russian Exceptionalism? Putin’s Assertion of Sovereignty at Home and Abroad’, bài viết trình bày trong hội thảo ‘Sovereignty and the New Executive Authority’, University of Pennsylvania Law School, Philadelphia, PA, 19–20 April 2013, https://www.law.upenn.edu/live/files/1882-gordon-smith-russianexceptionalismpdf. Moskva đã nỗ lực một cách có hệ thống nhằm cung cấp quốc tịch Nga cho người Nga thiểu số ở nhiều quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ, với mục tiêu tạo ra khả năng có thể sử dụng quyền can thiệp. Xem Igor Zevelev, ‘Russia’s Policy Toward Compatriots in the Former Soviet Union’, Russia in Global Affairs, no. 1, March 2008, http://eng.globalaffairs.ru/number/n_10351.

[18] Kremlin, ‘Address by President of the Russian Federation’.

[19] Sđd.

[20] Supreme Court of Canada, ‘Reference re Secession of Quebec’, 20 August 1998, http://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/1643/index.do.

[21] Kremlin, ‘Address by President of the Russian Federation’.

[22] Sđd.

[23] Sđd.