Căn nguyên của phát triển

Print Friendly, PDF & Email

article-2421829-1BDB4B9C000005DC-174_634x324

Tác giả: Trần Hữu Dũng

Bất cứ ai quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế của một quốc gia đều có thể kể một loạt yếu tố ảnh hưởng đến mức độ và tốc độ phát trỉển: vốn vật thể, vốn con người, công nghệ, thể chế, v.v.   Những yếu tố ấy hẳn là quan trọng nhưng, khoảng10-15 năm trở lại đây, một cuộc tranh luận đã diễn ra trong giới kinh tế về thành tố sâu xa nhất của phát triển, cụ thể là: có yếu tố nào căn bản hơn, đàng sau những yếu tố nói trên? Thắc mắc này là tất yếu vì lẽ, chẳng hạn như, dù xác định được vai trò của tích lũy vốn và tiến bộ công nghệ trong phát triển kinh tế, vẫn còn có thể hỏi: Thế thi tại sao có sự chênh lệch rộng lớn giữa các xã hội về tốc độ tích lũy và “cải tiến”?

Có ba trường phái chính trong cuộc tranh luận này. Trường phái thứ nhất, tạm gọi là phái địa lý, mà thủ lĩnh là nhà kinh tế Jeffrey Sachs. Trường phái thứ hai, thường được gọi là trường phái hội nhập, mà kinh tế gia tiêu biểu là David Dollar.  Trường phái thứ ba là trường phái thể chế, thường gắn liền với tên Daron Acemoglu và Dani Rodrik.

1. Địa lý là tất cả?

Thứ nhất là địa lý.  Lý thuyết này được nhiều tác giả ngoài kinh tế (Montesquieu, Jared Diamond) nói đến từ rất lâu. Jeffrey Sachs (đại học Columbia) và các đồng sự có ý kiến rằng vị trí nhiệt đới, không có bờ biển, và sự tuỳ thuộc vào “hàng hóa” (nhất là tài nguyên thô, thay vì dịch vụ) là những yếu tố trực tiếp cản trở phát triển.  Không phải tình cờ mà hầu hết các nước chậm phát triển đều ở vùng nhiệt đới.  Địa lý là yếu tố quyết định của khí hậu, của tài nguyên thiên nhiên, của nhiều thứ bệnh tật, của tổn phí giao thông và vận chuyển.  Chướng ngại địa lý cũng ngăn cản sự lan truyền kiến thức, phát minh, từ những vùng tiến bộ đến những vùng hậu tiến, qua đó địa lý có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất nông nghiệp và “chất lượng của tài nguyên con người”.

William Easterly (cũng ở đại học Columbia) và đồng sự là Ross Levine là tiêu biểu cho những người chống đối mạnh mẽ “giả thuyết địa lý” của Sachs. Họ nhìn nhận khí hậu nhiệt đới, mùa màng, và bệnh tật có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, song theo họ thì ảnh hưởng đó chỉ là gián tiếp, qua ảnh hưởng đến thể chế.  Không thể xem chúng là căn nguyên của (sự chậm) phát triển được, họ khẳng định.

Trả lời Easterly và Levine, Sachs dùng mô hình kinh lượng của chính hai người này để chứng minh rằng bất kỳ thể chế tốt hay xấu, hễ nước nào nhiều sốt rét thì không tăng trưởng nhanh được.  Sachs đắc thắng kết luận: địa lý vẫn là căn bản nhất!  Song, khách quan mà nhìn thì Sachs chỉ chứng minh sốt rét là quan trọng.  Từ đó sẽ là một bước nhảy vọt niềm tin để cho rằng địa lý nói chung là quan trọng.

Tuy là người chủ xướng yếu tố “địa lý” nhưng Sachs nói rõ là ông không hề cho rằng mỗi quốc gia đều có một “định mệnh” không thể tránh (không ai có thể di dời một quốc gia!).  Ông chỉ rõ: Một quốc gia không có bờ biển thì vẫn có thể xây đường, đào kênh ra biển, một quốc gia vì khí hậu mà bị sốt rét thì vẫn có thể diệt trừ sốt rét.  Chính vì thế mà Sachs cũng là người cực lực biện hộ cho viện trợ quốc tế (để xây đường, diệt sốt rét…), cho rằng ngọai viện là hữu ích, thậm chí tối cần cho phát triển.

Sachs cũng nhìn nhận là nhiều quốc gia miền ôn đới, và không có những bất lợi về địa lý (ví dụ như các nước Bắc Phi ven Địa Trung Hải, các nước ở châu Mỹ La Tinh…) mà vẫn chậm phát triển.  Đối với những nước này, Sachs quay sang các yếu tố “xã hội”.

2. Tiếp cận hội nhập

Trường phái thứ hai, dẫn đầu là David Dollar (kinh tế gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, đã có thời làm việc ở Việt Nam) thì khẳng định rằng căn nguyên phát triển của một quốc gia là khối lượng thương mại giữa quốc gia ấy và thế giới. Nói rõ hơn, tiếp cận này cho rằng thương mại quốc tế là đầu tàu của gia tăng năng suất, tiến bộ công nghệ và nâng cao thu nhập.  Quan điểm này thường được gọi là “quan điểm hội nhập” vì nó gán tầm quan trọng bậc nhất cho sự hội nhập thị trường.Những tranh luận (mà ai cũng biết) về “toàn cầu hoá”, hiển nhiên, là tranh luận về sự đúng hay sai của quan điểm hội nhập.

Cũng nên phân biệt hai dạng khác nhau của trường phái này.  Dạng thứ nhất (có thể gọi là dạng “ôn hòa”) cho rằng thương maị sẽ là một nguồn tăng trưởng sau khi những nền móng thể chế đã được thiết lập.  Hầu như mọi nhà kinh tế học đều chấp nhận ý kiến này.  Dạng thứ hai thì “cực đoanhơn, cho rằng thuơng maị/hội nhập là yếu tố căn bản nhất quyết định tốc độ tăng trưởng của một quốc gia kém mở mang.  Chính dạng “cực đoan” này là chủ trương của các công trình của Sachs và Warner (1995) và Dollar và Kraay (2004)

3. Thể chế là quan trọng nhất?

Quan điểm thứ ba xoay quanh “thể chế” – đặc biệt là vai trò của quyền sở hữu (property rights) làluật định (rule of law).  Theo quan điểm này (dẫn đầu là Douglass North (1990)) thì cái quan trọng là “luật chơi” trong xã hội.  Luật chơi này được định (công khai hay tiềm ẩn) bởi các chuẩn mực ứng xử và khả năng mà các chuẩn mực này tạo ra những động cơ kinh tế thích hợp cho con người. Hai nhân vật chính của trường phái thể chế hiện đại là Daron Acemoglu và Dani Rodrik, tuy nhiên, giữa hai người này cũng có nhiều khác biệt đáng kể.

Daron Acemoglu

Daron Acemoglu (giáo sư kinh tế ở MIT) đồng ý với Sachs rằng có một tương quan giữa điạ lý và phát triển: không phải tình cờ mà hầu hết các nước kém phát triển đều ở vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, theo Acemoglu, điều này chưa phải là bằng cớ điạ lý là lý do chính của tình trạng kém mở mang. Ông đưa nhiều ví dụ cho thấy một số quốc gia miền nhiệt đới mà hiện nay rõ là nghèo thì trong quá khứ đã có lúc khá phát triển (thậm chí so với các quốc gia ôn đới thời ấy) vậy thì cái nghèo hiện nay của họ đâu phải vì địa lý?

Acemoglu sử dụng một phương pháp khá mới lạ (và cực kỳ công phu) để khám phá căn nguyên của phát triển: ông so sánh ảnh hưởng của chế độ thực dân trên các vùng đất bị trị: từ Bắc Mỹ, Mỹ La Tinh, đến Úc, châu Phi, v.v. Ngòai những khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, tài nguyên thiên nhiên, mật độ dân số… Acemoglu phát hiện rằng nơi nào mà “thực dân” tạo được một thể chế rập khuôn mẫu quốc (như ở Mỹ, Canada, hoặc Úc, và ở vài thuộc điạ khác mà thể chế của thực dân chỉ nhằm khai thác tài nguyên địa phương) thì sau khi bị thực dân đô hộ, nơi đó phát triển hơn là trước khi bị đô hộ.

Tất nhiên, Acemoglu không ngây thơ đến độ cho rằng chính sách thực dân là có lợi cho phát triển.  Chinh xác hơn, ông nhận thấy những nơi nào (vì khí hậu ôn hòa, dân chúng “dễ bảo”) thì thực dân (hầu hết là từ Âu châu) đến định cư đông, có thời giờ áp đặt thể chế đã thành công ở mẫu quốc, và do đó các nơi ấy phát triển nhanh chóng (Mỹ, Canada, Úc…).  Trái lại, những nơi nhiều bệnh tật, khí hậu không hợp với người châu Âu, hay “thổ dân” chống đối mạnh mẽ, thì thực dân chỉ đến, khai thác tài nguyên cho nhanh, rồi bỏ đi mà không thiết lập thể chế cho nơi ấy.

Acemoglu nghiêng về “trường phái thể chế” vì những phát hiện như thế.  Acemoglu cũng nhận định rằng địa lý có thể ảnh hưởng đến thể chế mà thực dân Tây phương đem áp đặt ở thuộc điạ.  Chẳng hạn như nếu thuộc điạ chỉ là để khai thác khoáng sản thì thể chế cai trị phải là khác thể chế ở các thuộc địa “loại” khác (như đồn điền).

Dani Rodrik

Dani Rodrik (một giáo sư kinh tế gốc Thổ Nhĩ Kỳ, hiện dạy ở Harvard) thì có ý khác.  Ông khẳng định rằng các nghiên cứu kinh lượng học đã cho một kết quả rõ ràng: chất lượng của thể chế là quan trọng hơn bất cứ yếu tố nào khác.  Theo ông thì “địa lý”, chẳng hạn, tuy ảnh hưởng trực tiếp đền mức thu nhập, nhưng có ảnh hưởng gián tiếp mạnh hơn, qua ảnh hưởng của nó đến thể chế.  Tương tự, ngoại thương có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng thể chế, nhưng nó không có ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập.

Tuy nhìn nhận đóng góp của Acemoglu và đồng sự, Rodrik và các người theo ông cho rằng Acemoglu đã lẫn lộn (hay mập mờ) về “nguồn gốc thuộc địa”.  Theo Rodrik, công trình của Acemoglu chỉ là một cách kiểm chứng giả thuyết về sự quan trọng của thể chế, kết luận của nó không thể được xem như bằng cớ là thuộc điạ có ảnh hưởng tích cực cho phát triển. Rodrik và cộng sự đặt câu hỏi: nếu quả “kinh nghiệm thuộc địa” là yếu tố quyết định mức thu nhập thì làm sao giải thích sự chênh lệch thu nhập giữa những nước chưa bao giờ là thuộc điạ của Tây phương?  Nói khác đi, độc giả của Acemoglu có thể lầm tưởng rẳng đó là một thuyết về “nguồn gốc thuộc điạ của thể chế”.  Rodrik nhấn mạnh: Đúng là thuộc địa có ảnh hưởng phần nào, nhưng nó không thể là ảnh hưởng chính yếu, ở bất cứ nơi nào.  Hơn nữa, Rodrik lập luận, nhìn thật kỹ thì “thuyết thuộc điạ” của Acemoglu có khác gì “thuyết địa lý” của Sachs đâu?

4. Đánh giá

Như đã nói ở phần dẫn nhập, ba tiếp cận vừa lược duyệt là tiêu biểu của xu hướng nghiên cứu kinh tế trong những năm gần đây.  Tuy cuộc tranh cãi này là cực kỳ lý thuyết, chỉ một nhóm nhỏ trong giới kinh tế là thích thú theo dõi, nó có nhiều hậu quả quan trọng vì những nhân vật chính (Sachs, Dollar, Acemoglu, Rodrik…) lại là những “khuôn mặt lớn” trong những thảo luận về chính sách phát triển và thương mại hiện nay.  Một trong những bài học thực tế rút ra từ cuộc tranh luận này liên hệ đến vai trò của ngọai viện.  Người tin vào địa lý (như Sachs) thì cho rằng viện trợ nước ngoài là thiết yếu cho phát triển kinh tế; người không tin (như Easterly) thì cho rằng viện trợ là vô ích, thậm chí còn có hại. Giả thuyết của Acemoglu cũng có nhiều hệ luận liên quan đến dân chủ và trình độ giáo dục (cụ thể: dân trí có cần thiết cho dân chủ hay không?)

Tuy nhiên, như Rodrik ghi nhận: Dù có tìm được “căn nguyên tối hậu” của sự giàu nghèo của một quốc gia, chưa chắc chúng ta có thể rút ra những bài học rõ ràng về chính sách.  Ví dụ, xác định rằng “pháp trị” (rule of law) là một nhân tố của phát triển không có nghĩa là chúng ta biết cách để kiện toàn nó trong hoàn cảnh cá biệt của một quốc gia.  Một ví dụ nữa, dù xác định được rằng “địa lý là cốt yếu” thì cũng không có nghĩa chủ nghĩa “địa lý tất định” (geographic determinism) là đúng.  Xác định ấy chỉ cho thấy những chướng ngại mà người làm chính sách phải vượt qua.

Tuy giả thuyết “địa lý là tất cả” của Sachs bị nhiều chống đối nhưng có lẽ phần lớn lý do là Sachs chỉ nghĩ đến những đặc tính địa lý thông thường như khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình..   Nhưng “địa lý” còn gồm “địa chính trị” nữa.  Một nước nhỏ mà vì số phận phải nằm kề một nước khổng lồ thì dù có nhiều thuận lợi về các phương diện khác cũng khó tránh vòng cương tỏa – về văn hóa, kinh tế – của người láng giềng lớn.  Và chính vòng cương tỏa ấy đặt ra những ràng buộc nhất định mà các tiếp cận khác (hội nhập, thể chế) chọn làm tiêu điểm.  Nhìn từ góc cạnh này, tiếp cận thể chế và tiếp cận điạ lý không phải là không có điểm tương đồng.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn/ Viet-studies