“Rửa tiền” và toàn cầu hoá

Print Friendly, PDF & Email

yTg3ic

Tác giả: Trần Hữu Dũng

Theo định nghĩa, “rửa tiền” là việc biến đổi thu nhập phi pháp thành tài sản mà các cơ quan công quyền không thể truy ra nguồn gốc phi pháp ấy.  (Đúng hơn, nếu dịch từ tiếng Anh “money laundering” thì phải là “giặt tiền” thay vì “rửa tiền”, lý do là các tổ chức tội phạm ở Mỹ vào những năm 1920 dùng các tiệm giặt – laundry − để biến tiền phi pháp thành hợp pháp, vì nhà nước không thể đòi hỏi các tiệm này cung cấp danh sách khách hàng.)

Vì bản chất tiền bẩn là tài sản giấu diếm, và “bẩn” thì cũng có nhiều mức độ (từ “thật bẩn” đến “hơi bẩn”), không ai biết được chính xác tổng số tiền này.  Tuy nhiên, để có sơ một ý niệm: theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) thì độ 640 tỉ đến 1,6 ngàn tỉ USD, tức là khoảng 2-5% GDP toàn cầu, hàng năm, là tiền bẩn.  Phân nửa số này là từ các nước ngoài tây phương chảy vào tây phương, một phần tư là giữa các nước tây phương.  Khoảng 250 tỉ USD tiền bẩn này đi vào Mỹ.

Rửa tiền không phải là một hiện tượng mới.  Theo nhiều sử gia, thương nhân Trung Quốc đã biết “rửa tiền” hơn ba ngàn năm trước để tránh thuế của triều đình.  Tuy nhiên, hoạt động này đã bùng nổ với toàn cầu hoá, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển hoặc chuyển tiếp.  Nhiều xì-căng-đan rửa tiền, dính líu đến các quan chức cao cấp, đã gây khủng hoảng chính trị ở một số quốc gia.  Gần đây hơn, liên hệ giữa tiền bẩn và các hoạt động khủng bố đã trở thành quan tâm hàng đầu của các cơ quan công lực.

Ai cần rửa tiền?

Có thể xếp những người rửa tiền (ngoài các tổ chức khủng bố, một hiện tượng tương đối mới) làm ba nhóm: (1) Những người buôn lậu (ma tuý, vũ khí, lao động bất hợp pháp…), (2) những người tham nhũng, và (3) những người muốn tránh thuế, nói chung là những người muốn giữ kín thu nhập thật sự (dù là hợp pháp) của mình.  Tiền bẩn có thể từ các doanh nghiệp làm ăn công khai, chẳng hạn khi họ chuyển tiền từ nước này sang nước khác để tránh thuế.  Có hai phương pháp để làm việc này. Một là khai gian giá trị những dịch vụ mà bản chất là hợp pháp, hai là khai (như trong hoá đơn) một dịch vụ hoàn toàn không có (kể cả việc lập công ty ma). Trong các nguồn tiền cần rửa thì có lẽ nguồn kinh doanh là phản ảnh toàn cầu hoá nhiều nhất: với toàn cầu hoá là sự phát triển vượt bậc của các công ty xuyên quốc gia, và ai cũng biết rằng sở trường của các công ty này là khai man giá chuyển giao (transfer price) để tránh thuế.

Vài ước lượng:

Toàn cầu Các nước chậm tiến và các nước đang chuyển đổi
Ước lượng cao Ước lượng thấp Ước lượng cao Ước lượng thấp
Tội phạm $549 $331 $238 $169
Tham nhũng $50 $30 $40 $20
Kinh doanh $1000 $700 $500 $350
Tổng cộng $1599 $1061 $778 $539

Đơn vị: tỉ USD

Tất nhiên, ba nhóm trên không hoàn toàn biệt lập: tham nhũng, rửa tiền, và kinh doanh bất chính có nhiều chỗ giống nhau, cấu kết với nhau, và tiếp sức cho nhau.  Ví dụ, tham nhũng thì cần có người để rửa tiền hối lộ, người rửa tiền này có thể là tội phạm chuyên nghiệp, hoặc công ty ma.  Ngược lại, tội phạm và doanh nghiệp cũng thường đút lót các quan chức tham ô để làm ngơ dịch vụ rửa tiền.

Rửa tiền là một cơ chế yểm trợ nhiều tội phạm kinh tế khác, song chính nó cũng là một dịch vụ với một thị trường hẵn hoi, có cung có cầu.  Tăng trưởng kinh tế và toàn cầu hoá làm sinh sôi vô số lối kinh doanh, ngành nghể sản xuất phi pháp (ngoài buôn lậu ma tuý, vũ khí, động vật hoang dã, cổ vật, lao động, bây giờ còn có công nghiệp hàng dỏm, hàng nhái, vv), nhu cầu rửa tiền theo đó mà bùng nổ thêm.  Rồi, khi cơ cấu những mậu dịch phi pháp này biến dạng, hoặc các dòng chảy của chúng chuyển hướng, thì những nơi khác trên thế giới lại mọc lên những dịch vụ rửa tiền.  Đến chừng mực nào đó, hoạt động rửa tiền là hình ảnh phản chiếu đích thật nền “kinh tế ngầm” của cả thế giới.

Công nghiệp rửa tiền

Dù không ít tội phạm đích thân rửa tiền bẩn của mình, một “công nghiệp” rửa tiền đã xuất hiện để phục vụ những cá thể có tiền bẩn nhưng cần người khác rửa.  Đội ngũ công nghiệp này, chủ chốt là những người rửa tiền chuyên nghiệp, ngày càng được tăng cường với nhiều luật sư đắt giá, người giao dịch chứng khoán, mua bán bất động sản, cố vấn thuế vụ, kế toán, v.v.  Thật vậy, có lẽ biến tướng nổi bật nhất của bộ máy rửa tiền là càng ngày nó càng xâm nhập vào nhiều kinh doanh, ngành nghề tương đối có uy tín trong xã hội (như các đại ngân hàng, hiệp hội thể thao, cơ sở văn hoá, thậm chí các cơ quan từ thiện).  Qua đó, cách thức và phương tiện rửa tiền ngày càng tinh vi, đa dạng, quy mô hơn.

Nhìn chung, hình thức rửa tiền cũng đang qua nhiều thay đổi: ít dựa vào tiền mặt, vào hệ thống ngân hàng… mà nhiều hơn đến các công cụ và thị trường tài chính khác (như chứng khoán).  Hình thức “hàng đổi hàng” (ma tuý đổi lấy vũ khí, chẳng hạn) cũng là một cách rửa tiền hiện khá phổ thông.

Từ thập kỷ 1990, công nghiệp rửa tiền lại đuợc thêm nhiều ”cú hích” do các thay đổi về thể chế và chính sách tài chính, và những tiến bộ công nghệ.

Thứ nhất, hầu hết mọi quốc gia đều nới lỏng kiểm soát ngoại hối, nhất là từ đầu thập kỷ 1990.  Ở nhiều nước, việc đổi nội tệ ra ngoại tệ, và ngược lại, là hoàn toàn tự do.  Lượng tiền hoán đổi hàng ngày đã tăng từ 590 tỉ USD năm 1989 lên 1,88 ngàn tỉ năm 2004.  Đi xa hơn, nhiều quốc gia đã chính thức sử dụng chung một thứ tiền (trường hợp đồng euro), hoặc công nhận đô la Mỹ hay euro như là nội tệ bán chính thức của họ.  Một số công cụ tài chính mới (như các loại hợp đồng chứng khoán) đã xuất hiện (có thứ phức tạp đến độ ít người hiểu nổi!).  Nhờ thế, nhiều lượng tiền (sạch hay bẩn) khổng lồ có thể được chuyển từ nước này sang nước khác trong nháy mắt, ngoài tầm kiểm soát của cơ quan công lực.

Thứ hai, tiến độ mở cửa kinh tế ở hầu hết mọi nước đã tăng vọt, nhất là từ 10-15 năm gần đây.  Các thị trường tài chính (đặc biệt là vốn) trở nên thông thoáng hơn.  Hầu như mọi ngân hàng, công ty tài chính, giao dịch chứng khoán… đều có đối tác quốc tế, thậm chí có thể 100% là của nước ngoài.   Số lượng tiền lưu hành toàn cầu đã tăng gầp ba (từ 6,8 ngàn tỉ USD năm 1990 đến 19,9 ngàn tỉ năm 2005), mức độ phức tạp của nó cũng tăng lên.  Hiển nhiên, càng nhiều loại hình dịch vụ tài chính thì càng lắm cơ hội và cách thức để chuyển tiền phi pháp, hoặc đưa tiền bẩn vào luồng tiền sạch.

Thứ ba, cạnh tranh thu hút vốn ngày càng kịch liệt giữa các nước, các công ty phát hành chứng khoán, các ngân hàng, và các loại trung gian tài chính khác.  Đây cũng là sự kiện làm những người rửa tiền thích thú vì họ biết rằng sớm muộn gì cũng có ngân hàng, hay các công ty chứng khoán, sẳn sàng nhận tiền của họ mà không cần biết nguồn gốc tiền ấy.  Càng dễ dàng hơn nữa nếu người rửa tiền chịu đút lót ngân hàng, hoặc trả “hoa hồng” cao hơn bình thường.  Chính phủ cũng như các công ty tư nhân ngày càng nổ lực thu hút vốn từ khắp nơi, dưới dạng đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp.  Từ năm 1990 đến 2000, tổng số lượng đầu tư gián tiếp quốc tế đã tăng gấp mười lần (từ 5 tỉ đến 50 tỉ USD mỗi năm), đầu tư trực tiếp gần gấp ba (209 tỉ năm 1990 đến 560 tỉ năm 2003).

Thứ tư là tác động của cuộc cách mạng thông tin.  Ở bất cứ nước nào ngân hàng cũng là công nghiệp đưa tiến bộ công nghệ thông tin vào ứng dụng sớm và nhanh nhất.  Ngày nay, hầu hết dịch vụ tài chính đều có thể thực hiện trong nháy mắt từ bất cứ nơi nào trên thế giới.  Phí giao dịch cũng hạ thấp: chi phí trực tiếp cho một ngân hàng giảm 40% khi khách hàng giao dịch qua điện thoại thay vì đích thân đến ngân hàng, và giảm 98% khi dịch vụ ấy được thực hiện qua internet.  Những thành quả này của cuộc cách mạng thông tin đã được những người rửa tiền lợi dụng triệt để.  So với họ, các cơ quan công lực chậm chạp hơn nhiều, nhất là khi các cơ quan này cần phối hợp giữa nhiều địa phương, xuyên quốc gia.

Cuối cùng, phải kể đến những lối rửa tiền mới, sử dụng Internet.  Những trạm web “đen” như trang sex, cờ bạc, cá cuộc… thường được dùng để rửa tiền vì các cơ quan công lực khó thể truy ra tiền ấy từ đâu đến, và vào tay ai.   Hơn nữa, hiện nay hầu như không có quy chế, luật lệ quốc tế nào về những trang này.  Cụ thể: ai có thẩm quyền phán xử các tội phạm quốc tế  (nếu may mắn phát giác kẻ chủ mưu) sử dụng Internet?

Hậu quả và chính sách

Rõ ràng là toàn cầu hoá đã đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại, song cũng phải nhìn nhận rằng nó cũng làm trầm trọng hơn một số tệ nạn.  Một trong những hậu quả đáng tiếc ấy là rửa tiền trở thành dễ dàng hơn, và do đó khuyến khích những hoạt động phi pháp khác.

Cũng có người cho rằng một số quốc gia, nhất là ở tây phương, đã có lợi nhờ tiền bẩn.  Mỹ chẳng hạn. Lượng tiền bẩn chảy vào nước này là khoảng 250 tỉ USD mỗi năm, gần đủ để bù đắp thâm hụt trong cán cân thương mại (300 tỉ USD) của họ!  (Để so sánh: số tiền này còn lớn hơn tổng doanh thu của công ty Mỹ trong công nghiệp vũ khí, dầu hoả, và máy bay.)  Không nhờ tiền bẩn thì hẳn là kinh tế Mỹ phải tệ hơn.

Khách quan, nhìn từ quan điểm phân bố nguồn lực (tạm gác qua một bên những phán đoán đạo lý và pháp luật), một số nhà kinh tế cực đoan (tôn sùng thị trường) cho rằng không có tiền nào là bẩn, tiền nào là sạch.  Theo họ, “rửa tiền” chỉ là phản ứng “hợp lý” của mọi “cá thể kinh tế”: không ai muốn trả thuế và ai cũng muốn vận dụng tài sản của mình vào những hoạt động đem lại nhiều lợi nhuận nhất.  Như vậy, tiền bẩn, theo họ, đã giúp phát triển kinh tế (cụ thể là khu vực tư nhân, và do đó làm giảm vai trò của nhà nước – là một điều tốt, đối với những nhà kinh tế vốn dĩ tôn sùng thị trường này).

Song, ngay trên cơ sở thuần lý thuyết, ý kiến này là hoàn toàn sai lầm.  Tự bản chất của nó, sự phân bố tài nguyên do rửa tiền không chỉ theo tín hiệu lợi nhuận, mà phần lớn là để trốn tránh luật pháp.  Nói cách khác, sự phân bố ấy cũng tùy ở mức độ chấp nhận rủi ro của người có tiền bẩn, ở mức “kín đáo” mà họ muốn, và mức độ dám “uốn cong luật pháp” của họ.  Đơn giản: tiền bẩn không được đưa vào những sử dụng có hiệu quả kinh tế tối đa, nhưng vào những ngõ ngách mà khả năng kiểm soát của luật pháp là lỏng lẻo nhất.  Hoạt động rửa tiền vừa lãng phí nguồn lực kinh tế của xã hội (vào các hoạt động tội phạm sinh ra tiền bẩn, thay vì vào các hoạt động sản xuất thật sự hữu ích), vừa bóp méo sự phân bố các nguồn lực ấy.

Ngoài những ảnh hưởng về phân bố tài nguyên, luồng tiền bẩn cũng sẽ làm sai lệch các thống kê kinh tế.  Chẳng hạn, nhà cầm quyền khó biết được chính xác khối lượng tiền đang lưu hành, bao nhiêu là của người trong nước, bao nhiêu là của người nước ngoài.  Cũng nên để ý là, đối với nền kinh tế nói chung, ảnh hưởng của mỗi loại tiền bẩn có khác nhau (chẳng hạn tiền bẩn do tham nhũng có ảnh huởng khác tiền bẩn do buôn lậu).  Thiếu những con số chính xác, tất nhiên là chính sách kinh tế (nhất là về tiền tệ, như việc điều chỉnh lãi suất) sẽ không thể đúng liều lượng và hữu hiệu được.

Tiền bẩn và hoạt động rửa tiền cũng ảnh hưởng sâu sắc đến phân bố thu nhập (tạo bất công) và làm chao đảo sự tín nhiệm của xã hội vào các thị trường tài chính.  Nhìn từ quan điểm tăng trưởng vĩ mô, có thể đây là tai hại hiểm nguy nhất.  Sự vững mạnh của hệ thống tài chính và ngân hàng tuỳ thuộc một cách quyết định vào lòng tin của công chúng (kể cả người nước ngoài) vào tính trong sạch và sự lành mạnh của hệ thống ấy.  Dính líu đến tiền bẩn sẽ làm suy giảm niềm tin này, có cơ gây khủng hoảng cho cả nền kinh tế quốc gia, thậm chí có thể hăm doạ sự ổn định chính trị.  Nguy hại của nạn rửa tiền là nó dung túng tiền bẩn, và những hoạt động đem lại những tiền bẩn đó.

Làm sao để chống rửa tiền?  Rõ ràng là cần sự quyết tâm của mọi quốc gia, và sự phối hợp toàn cầu.  Một khó khăn căn bản hiện nay là mỗi nước đánh giá tính quan trọng của mỗi loại tiền bẩn một khác.  Ở các nước chậm tiến thì nạn tham nhũng rửa tiền là vấn đề nhức nhối nhất. Trái lại, các nước tây phương thì xem việc rửa tiền bẩn liên hệ đến khủng bố là quan trọng nhất, và không hề “chê” tiền bẩn do tham nhũng ở các nước khác.  Mỹ, chẳng hạn, đến năm 2001 mới có luật ngăn cấm tiền do hối lộ từ nước ngoài gửi vào Mỹ, và cho đến nay vẫn chưa có một ngân hàng nào ở Mỹ bị truy tố về tội này!

Tham khảo:

Baker, Raymond W., 2005, Capitalism’s Archilles Heel, NY: Wiley.

Naím, Moisés, 2005, Illicit, NY: Doubleday.

Quirk, Peter J., 1997, “Money Laundering: Muddying the Macroeconomy,” Finance & Development, March.

Reuter, Peter, và Truman, Edwin R., 2004, Chasing Dirty Money, Washington D.C.: Institute for International Economics.

Tanzi, Vito, 1996, Money Laundering and the International Financial System.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Viet-studies (22/12/2005)