Tác giả: Lục Minh Tuấn
Cân bằng quyền lực là một trong những thuật ngữ lâu đời nhất của trường phái hiện thực trong quan hệ quốc tế. Thuật ngữ này có ảnh hưởng quan trọng đến việc hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia, đồng thời cũng giải thích nguyên nhân dẫn đến sự thiết lập những trật tự thế giới mới.
Đối với nhiều học giả, cân bằng quyền lực là nguyên tắc chủ yếu được liên hệ đến nhiều nhất về mặt lý thuyết khi nghiên cứu chính trị quốc tế. Một trong những học giả nổi tiếng của trường phái hiện thực, Hans Morgenthau, ban đầu đã sử dụng thuật ngữ này với 4 nghĩa khác nhau. Nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Đức Ernest B.Haas đã đưa ra 8 định nghĩa khác nhau, trong khi đó học giả người Anh Martin Wight tìm được 9 định nghĩa trong các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, ý nghĩa của thuật ngữ này vẫn chưa thực sự rõ ràng và luôn là đề tài tranh luận với nhiều cách diễn giải khác nhau.
Một số ý kiến cho rằng cân bằng quyền lực là một xu thế mang tính tất yếu và sẽ lặp đi lặp lại như một quy luật tự nhiên, trong khi các ý kiến khác lại không đồng tình. Một số người xem cân bằng quyền lực như một nguyên tắc định hướng chiến lược chủ yếu của các nhà chính trị, một số khác lại tìm ra những phân chia bất bình đẳng về quyền lợi giữa các nước lớn đối với các nước nhỏ dựa trên lớp vỏ bọc của nguyên tắc này. Nhiều quan điểm cho rằng cân bằng quyền lực là phương thức phổ biến để gìn giữ hoà bình, trong khi trên thực tế nó chỉ giúp duy trì một trạng thái quan hệ quốc tế và trong nhiều trường hợp đã gây thiệt hại cho nhiều quốc gia khi lôi kéo họ tham gia vào việc ngăn chặn sự thay đổi một trật tự thế giới nhất định.
Do đó, cân bằng quyền lực là một khái niệm rất phức tạp. Việc xác định mục tiêu của cân bằng quyền lực theo đó cũng không cụ thể, tuỳ thuộc vào bối cảnh lịch sử từng giai đoạn và từng cách tiếp cận khác nhau. Khi tiếp cận theo nghĩa là một nguyên tắc, thì “cân bằng quyền lực” là trạng thái của hệ thống quốc tế mà ở đó không có một quốc gia nào có sức mạnh áp đảo so với các quốc gia khác. Trạng thái này có thể được thiết lập thông qua việc tạo ra một thế đối lập với quốc gia hoặc nhóm quốc gia mạnh nhất bằng việc hình thành một đối thủ hoặc một liên minh có sức mạnh tương đương.
Việc duy trì trạng thái cân bằng quyền lực đồng nghĩa với việc gia tăng quyền lợi của các cường quốc, và những quốc gia nhỏ bé lệ thuộc phải chịu sự chia cắt về quyền lợi để phục vụ những mưu đồ này. Quyền lợi của các nước nhỏ hay các cường quốc đang suy vong thường không được quan tâm. Ví dụ, việc ký kết Hòa ước Westphalia (1648), Hiệp ước Utrecht (1714) và Hiệp ước Nystad (1721) đã đánh dấu sự rút lui hoàn toàn của hàng loạt các cường quốc cũ ở Châu Âu, và tạo cơ hội cho những cường quốc mới là Anh, Pháp, Nga, Áo, Phổ. Việc nâng đỡ các quốc gia bại trận chỉ được quan tâm rõ ràng trong Hội nghị Viên (1815), khi Pháp được Áo và Anh giúp bảo toàn để tập hợp lực lượng kiềm giữ tham vọng của Nga và Phổ. Tuy nhiên, các nước nhỏ vẫn chưa hề có tiếng nói trong Hội nghị, và buộc phải tuân theo thế cân bằng chiến lược do các nước chủ trì vạch ra.
Nguyên tắc cân bằng này đồng thời cũng thể hiện được xu hướng cố hữu trong quan hệ quốc tế. Vì giữa các quốc gia luôn có những chênh lệch nhất định về mặt lợi ích, dẫn đến hành vi cạnh tranh giữa các quốc gia, cho đến khi sự cân bằng bị đảo lộn thì lập tức xuất hiện xu hướng nêu ra nguyên tắc cân bằng để thiết lập lại cán cân lực lượng đó. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho Chiến tranh thế giới lần thứ hai vẫn diễn ra sau hai thập kỷ các nước cùng xây dựng hoà bình với hệ thống Versailles – Washington.
Khi tiếp cận theo nghĩa là một chính sách thì “cân bằng quyền lực” là một loạt những biện pháp nhất quán của các nhà ngoại giao, các chính khách nhằm duy trì trạng thái cân bằng của cán cân quyền lực. Theo đó, các quốc gia có thể hình thành một liên minh chống lại quốc gia có tiềm năng trở thành bá quyền hoặc thực hiện những biện pháp khác nhằm nâng cao khả năng kiềm chế những quốc gia hiếu chiến xâm lược. Bên cạnh đó một quốc gia cũng có thể tự mình đóng vai trò cân bằng hệ thống bằng cách thay đổi liên minh khi cần thiết. Như vậy, chính sách “cân bằng quyền lực” là nhằm duy trì một trạng thái cân bằng có lợi cho quốc gia hoặc một nhóm quốc gia thông qua các đường lối và chính sách cụ thể.
Chính sách cân bằng quyền lực nổi tiếng của nước Anh là một điển hình khi cường quốc này khéo léo xoay chuyển thế mạnh của một quốc gia bá quyền trên biển thành yếu tố chi phối quan hệ quốc tế ở Châu Âu lục địa, hình thành một trật tự nhất siêu đa cường có lợi cho cả Đế quốc Anh từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 18. Sau này với Kế hoạch Marshall, nước Mỹ cũng đã đầu tư cho một chính sách tương tự nhưng trên quy mô rộng lớn hơn, nhằm tái thiết và chi phối Châu Âu theo chính sách của Mỹ, tạo đối trọng với khối xã hội chủ nghĩa trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, chính sách cân bằng về quyền lực không chỉ là công cụ đắc lực trong tay các nước lớn, mà còn là đối sách chiến lược rất thành công của một số nước nhỏ, dù cho không phải lúc nào cũng thành công. Ba lần phân chia Ba Lan giữa Nga, Áo và Phổ (1772, 1793 và 1795) là một điển hình cho một quốc gia có chính sách cân bằng bị động về đối ngoại. Nhưng trong một trường hợp gần như tương tự thì nước Áo lại bảo toàn được trọn vẹn lãnh thổ nhờ những nỗ lực hiệu quả khi tiến hành các hoạt động ngoại giao nhằm thực hiện chính sách cân bằng ảnh hưởng giữa các nước láng giềng hùng mạnh là Pháp, Nga và Phổ giai đoạn trước và sau Hội nghị Viên 1815. Vào thế kỷ 19, trong xu thế các nước đế quốc đang tiến hành bành trướng thuộc địa sang Châu Á thì Thái Lan là một trong những quốc gia đã khéo léo tránh được thiệt hại của các cuộc chiến tranh xâm lược nhờ vào chính sách cân bằng quyền lực đối với cả Anh, Mỹ và Pháp.
Nhìn chung mọi hệ thống cân bằng quyền lực trong lịch sử như đã kể trên đều có những điều kiện chung gắn liền với những giả định của lý thuyết chủ nghĩa hiện thực. Thứ nhất, các quốc gia có chủ quyền nhưng tồn tại trong một thế giới vô chính phủ, không có một chính phủ toàn cầu hợp pháp bao trùm giúp điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Thứ hai, các quốc gia liên tục cạnh tranh với nhau nhằm giành giật các nguồn tài nguyên khan hiếm, bảo vệ lợi ích quốc gia và khuếch tán các giá trị vốn thường mâu thuẫn nhau của mình. Thứ ba, giữa các quốc gia trong hệ thống có sự chênh lệch nhau về địa vị, mức độ giàu có và sức mạnh.
Từ những giả định trên, các quốc gia thường theo đuổi chính sách cân bằng quyền lực để duy trì trật tự của hệ thống quốc tế, vốn là một điều kiện quan trọng giúp các quốc gia bảo vệ chủ quyền của mình. Chính vì vậy cân bằng quyền lực cũng có thể coi là một sự thỏa hiệp giữa các quốc gia với nhau nhằm bảo vệ trật tự và tránh tình trạng hỗn loạn của hệ thống, cho dù trạng thái cân bằng quyền lực có thể có lợi cho những quốc gia mạnh và giàu có hơn là những quốc gia nhỏ yếu.
Mặc dù cân bằng quyền lực là một chính sách được nhiều nhà hoạch định chính sách yêu thích trong lịch sử, trên thực tế vẫn tồn tại rất nhiều tranh cãi liên quan đến mối liên hệ giữa cân bằng quyền lực và tính ổn định của hệ thống quốc tế. Bản thân khái niệm “ổn định” cũng thường gây tranh cãi. Ổn định có thể đồng nghĩa với hòa bình nhưng cũng có thể có nghĩa là sự duy trì một trật tự phân bổ quyền lực nhất định, như đơn cực, lưỡng cực hay đa cực, mà bất chấp bản chất của trật tự đó có hòa bình hay không.
Những học giả ủng hộ thuyết cân bằng quyền lực cho rằng trật tự đa cực, vốn là một trạng thái cân bằng quyền lực giữa các quốc gia, mang tính ổn định và hòa bình hơn các trật tự khác như đơn cực hay lưỡng cực. Ngược lại, các học giả khác lại cho rằng trật tự đơn cực hay lưỡng cực mang tính ổn định cao hơn, tiêu biểu như các lập luận của thuyết ổn định nhờ bá quyền.
Ngoài ra, lập luận của những người ủng hộ thuyết cân bằng quyền lực cũng bị thách thức bởi thuyết chuyển đổi quyền lực. Theo đó, trong khi thuyết cân bằng quyền lực cho rằng sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia là yếu tố then chốt giúp duy trì hòa bình và ổn định trong hệ thống quốc tế, thì thuyết chuyển đổi quyền lực lại cho rằng việc quyền lực của các quốc gia, đặc biệt là của các cường quốc trong hệ thống, xích lại gần nhau và trở nên cân bằng lại dẫn tới nguy cơ xảy ra chiến tranh bá quyền, làm mất ổn định hệ thống.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).