Nguồn: Truong-Minh Vu and Trang Pham, “International Law and the South China Sea,” The Diplomat, Dec. 22, 2014.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Phạm Ngọc Minh Trang
Văn bản lập trường của Trung Quốc được công bố hôm mùng 7 tháng 12 năm 2014 là một trong số ít các tài liệu mà qua đó Bắc Kinh chính thức bày tỏ quan điểm của họ về các vấn đề trên Biển Đông, cũng như về quá trình tố tụng mà Philippines đã khởi động tại Toà Trọng tài Thường trực (PCA) hồi tháng 1 năm 2013. Có thể động cơ (của Trung Quốc khi ra văn bản này) là hạn cuối cùng để đáp lại những cáo buộc của Philippines trước Tòa hôm 15 tháng 12 (mà họ đã bỏ qua).
Quan điểm của Trung Quốc về việc họ từ chối trình diện tại quá trình tố tụng trọng tài có thể được gói gọn trong bốn điểm chính có liên quan đến nhau.
Thứ nhất, trọng tâm của các tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là những yêu sách chủ quyền lãnh thổ của các quần đảo trong khu vực, chứ không phải là việc diễn giải Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Do đó, theo quan điểm của Bắc Kinh, việc giải quyết vụ việc này là nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của Tòa.
Thứ hai, Trung Quốc nhấn mạnh rằng Philippines phải tôn trọng những tuyên bố song phương giữa hai nước, cũng như Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà trong đó Trung Quốc và Philippines đã đồng ý giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước chỉ thông qua các cuộc đàm phán.
Thứ ba, thậm chí dù Philippines có quyền đưa vụ việc ra Tòa, Trung Quốc cũng không bị ràng buộc bởi quy chế này vì vào năm 2006, họ đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc tuyên bố quyền miễn trừ trọng tài bắt buộc và các thủ tục giải quyết tranh chấp khác.
Và cuối cùng, việc Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận những lựa chọn trọng tài khác do UNCLOS đưa ra sẽ dẫn đến một sự vi phạm luật quốc tế.
Có thể thấy lập luận chính của Trung Quốc trong bản tuyên bố lập trường của họ là Tòa thiếu quyền tài phán để giải quyết vụ việc. Việc Trung Quốc tập trung vào thẩm quyền của tòa thay vì thể hiện quyền phản tố đầy đủ không có gì là ngạc nhiên. Quả thật, trong hầu hết các trường hợp vắng mặt khi trình diện trước tòa, bên bị đơn (thường là bên từ chối trình diện) thường thách thức thẩm quyền của Tòa án. Đã có 11 trường hợp vắng mặt khi trình diện trước Tòa Thường trực Công lý Quốc tế (PCIJ) và Tòa Công lý Quốc tế (CIJ). Đối với Tòa Quốc tế về luật Biển (ITLOS), mới có một trường hợp bên tranh chấp từ chối trình diện trước tòa: trong vụ Artic Sunrise,[1] Liên bang Nga đã không tham gia vào quá trình tố tụng . Hầu như tất cả các bên vắng mặt đều hành xử theo cách tương tự.
Thật vậy, dễ dàng chỉ ra những điểm tương đồng trong các tuyên bố của họ. Chẳng hạn, trong vụ Fisheries Jurisdiction,[2] Iceland tuyên bố rằng vấn đề mà Vương quốc Anh và Đức đem ra chống lại họ trước Tòa Công lý Quốc tế là không có cơ sở dựa trên Điều lệ CIJ để Tòa có thể thực thi quyền tài phán của nó. Ngoài ra, họ cũng không đồng ý trao quyền tài phán cho Tòa; và họ cũng không chỉ định bất cứ đại diện nào để đại diện cho chính phủ của họ trong bất cứ trường hợp nào. Những lập luận của Trung Quốc trong thông cáo về tuyên bố lập trường hôm mùng 7 tháng 12 của họ ở một số khía cạnh cũng tương tự như vậy.
Có thể giải thích những thách thức đối với thẩm quyền của Tòa án nói trên theo phương diện pháp lý. Bước đầu tiên mà tòa án thực hiện trước một trường hợp vắng mặt khi trình diện là chứng minh rằng nó có thẩm quyền pháp lý để đưa ra phán quyết. Nếu không thể viện dẫn được thẩm quyền của Tòa án, vụ việc sẽ bị/được bãi bỏ; do đó, bên vắng mặt không cần phải giải quyết các chi tiết trong những cáo buộc chống lại nó của bên kia.
Trung Quốc có thể công bố lập trường của họ đúng lúc, nhưng điều đó không nhất thiết chứng tỏ rằng Bắc Kinh đang quan tâm đến một giải pháp pháp lý cho những tranh chấp ở Biển Đông. Thực ra nó ngụ ý rằng Trung Quốc đang tiếp tục chính sách loại bỏ thách thức đối với yêu sách của họ trong khu vực và khả năng nhờ đến một hội đồng pháp lý để giải quyết các tranh chấp. Quy phạm vẫn là khía cạnh quan trọng của tranh chấp Biển Đông. Các bên tranh chấp định hình những yêu sách của họ trong các bối cảnh quy phạm riêng biệt. Ví dụ minh họa là trong khi Trung Quốc viện dẫn khái niệm “vùng nước lịch sử” và tính hợp pháp lịch sử để chống lưng cho yêu sách bành trướng của họ thì các quốc gia ASEAN như Việt Nam, Philippines, hay Indonesia lại phản đối nó bằng UNCLOS. Việc diễn giải quyền và nghĩa vụ của nhà nước theo UNCLOS và tính khả thi của của nó trong bối cảnh của Biển Đông cũng khác biệt từ quốc gia này sang quốc gia khác.
Mặt khác, những diễn biến gần đây trên Biển Đông, bao gồm việc dịch chuyển giàn khoan dầu của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và nhiều công trình xây dựng đang diễn ra ở Trường Sa, ám chỉ một cam kết không đồng đều giữa một số, nếu không nói là tất cả các bên, về nguyên trạng – ngay cả khi không tồn tại nguyên trạng. Nếu không có cơ sở đồng thuận, bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng đang nằm trên một nền tảng mong manh. ASEAN và Trung Quốc đã tham gia nhiều cuộc đàm phán đáng kể kể từ khi ký kết DOC năm 2002, nhưng triển vọng về việc các cuộc đàm phán này có thể dẫn đến một bộ Quy tắc ứng xử (COC) rất được mong đợi dường như vẫn còn là xa vời.
Việc thiếu trật tự quy phạm ở Biển Đông sẽ mở đường cho sự bùng nổ pháp lý và học thuật trong năm 2015, bắt đầu bằng việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố một báo cáo (Limits in the Sea – Các giới hạn trên biển) phân tích tình trạng pháp lý của yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc chỉ hai ngày trước khi Trung Quốc công bố thông cáo về tuyên bố lập trường của họ. Bản báo cáo dài 26 trang này đưa ra một phân tích chi tiết về tính hợp pháp của đường chín đoạn, kết luận rằng không thể tìm thấy tình trạng pháp lý của đường lưỡi bò của Trung Quốc trong UNCLOS. Điều này có thể được xem là một cuộc tấn công mạnh mẽ và trực tiếp vào độ tin cậy và tính hợp pháp của các tuyên bố của Trung Quốc, cũng như là một lập luận có liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông.
Quan trọng hơn, bản báo cáo này cũng có thể được coi là đề xuất của Mỹ với các nước ASEAN về một “liên minh pháp lý” đối với tự do hàng hải và việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Với sức mạnh khác biệt hơn hẳn Trung Quốc, việc có Mỹ bảo vệ hiệu lực của các quy tắc và thủ tục hiện có và tính hữu dụng của họ trong quản lý tranh chấp ở Biển Đông là một tài sản lớn, đặc biệt là khi tất cả các bên đang tìm kiếm ưu thế chính nghĩa (moral high ground).
Tuy nhiên, ưu tiên số một của ASEAN là giải quyết được những cách biệt trong nội bộ của họ. Những cách biệt này đã làm hạn chế những hành động phản đối Trung Quốc của ASEAN, cũng như hạn chế khả năng lôi kéo các cường quốc khác can dự vào việc giải quyết hoà bình các tranh chấp trên Biển Đông. Mục tiêu đầu tiên là sự hợp tác chiến lược giữa Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Indonesia. Bốn quốc gia này cần xây dựng và thông qua một lập trường chung về các khía cạnh khác nhau của luật biển ở Biển Đông, như một phần trong nỗ lực liên tục nhằm phi hợp pháp hóa đường chín đoạn của Trung Quốc. Đối với ASEAN, hoạt động trong bối cảnh đang diễn ra một sự chuyển dịch quyền lực khu vực, phương pháp tiếp cận quy phạm và pháp lý đã và sẽ vẫn là giải pháp khả thi nhất trong việc đối phó với các quốc gia mạnh hơn.
Trương Minh Huy Vũ là nhà phân tích chính trị và ngoại giao, tập trung vào khu vực Đông Nam Á, và là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã xuất bản nhiều bài báo trên nhiều tạp chí học thuật và chính trị, bao gồm Revista Brasileira de Política Internacional, East Asia Policy, E-International Relations, và ASIEN.
Phạm Ngọc Minh Trang là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, và hiện là nghiên cứu sinh tại Tòa Quốc tế về Luật biển (ITLOS).
————————
[1] Ngày 18/9/2013, tàu phá băng Arctic Sunrise treo cờ Hà Lan chở theo các nhà hoạt động môi trường của tổ chức Green Peace đến gần dàn khoan dầu Prirazlomnaya của Công ty khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga với mục đích treo biểu ngữ phản đối việc khai thác dầu làm ảnh hưởng đến môi trường. Nga đã điều động cảnh sát lên tàu bằng trực thăng, bắt giữ và cáo buộc tội cướp biển đối với 30 nhà hoạt động đến từ 16 quốc gia, lai dắt tàu về cảng Murmansk. Hà Lan sau đó đã kiện Nga ra Tòa Quốc tế về Luật biển, yêu cầu Nga trả tự do cho tàu Arctic Sunrise và những người trên tàu – ND.
[2] Tranh chấp về quyền tài phán đánh cá giữa Vương quốc Anh và Iceland năm 1973. Xem tóm lược vụ việc tại đây – ND.