Nguồn: Joseph S. Nye, “A New Sino-Russian Alliance?” Project Syndicate, 13/1/2015.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Một số nhà phân tích tin rằng năm 2014 đã mở ra một kỷ nguyên mới của địa chính trị theo phong cách Chiến tranh Lạnh. Cuộc xâm lược Ukraina và sáp nhập Crimea của Tổng thống Nga Vladimir Putin bị đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề của châu Âu và Hoa Kỳ, làm suy yếu mối quan hệ của Nga với phương Tây và khiến Điện Kremlin mong muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có thể xây dựng một liên minh thực sự với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa hay không?
Thoạt nhìn, điều đó có vẻ hợp lý. Quả thật, lý thuyết truyền thống về cân bằng quyền lực cho thấy ưu thế vượt trội của Mỹ về các nguồn lực sẽ bị cân bằng lại bởi sự hợp tác Trung – Nga.
Có lẽ điều thuyết phục hơn là dường như sự cộng tác này từng có tiền lệ trong lịch sử. Trong những năm 1950, Trung Quốc và Liên Xô là đồng minh chống lại Hoa Kỳ. Sau khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon xích lại gần Trung Quốc năm 1972, cán cân chuyển dịch, với việc Mỹ và Trung Quốc cùng hợp tác để hạn chế những gì họ xem là sự trỗi dậy nguy hiểm của quyền lực Liên Xô.
Với sự sụp đổ của Liên Xô, liên minh Mỹ – Trung trên thực tế đã kết thúc, và sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga bắt đầu. Năm 1992, hai nước tuyên bố rằng họ đang theo đuổi một quan hệ “đối tác xây dựng”; năm 1996, họ phát triển hướng tới “quan hệ đối tác chiến lược”; và vào năm 2001, hai bên ký một hiệp ước “hữu nghị và hợp tác.”
Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đã hợp tác chặt chẽ trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đưa ra các lập trường tương tự nhau đối với việc kiểm soát Internet. Họ đã sử dụng các khuôn khổ ngoại giao – chẳng hạn như nhóm BRICS gồm các nước mới nổi lớn (cùng Brazil, Ấn Độ, và Nam Phi) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (cùng với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan) – để phối hợp các lập trường. Putin cũng đặt nền móng cho một mối quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dựa trên việc cả hai cùng chia sẻ chủ nghĩa phi tự do trong nước cũng như mong muốn chống lại ý thức hệ và ảnh hưởng của Mỹ.
Quan hệ kinh tế của họ dường như cũng đang phát triển. Tháng 5 năm ngoái, ngay sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã công bố một thỏa thuận trị giá 400 tỉ USD, hàng năm cung cấp 38 tỉ mét khối khí đốt cho Trung Quốc trong 30 năm, bắt đầu từ 2019.
Các hợp đồng giữa tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đòi hỏi phải xây dựng một đường ống dẫn khí đốt kéo dài 4.000 km tới tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc (tình cờ lại là nơi gần như xảy ra chiến tranh giữa hai nước cách đây mấy thập niên). Dù mức giá chính xác vẫn còn là bí mật, có thể Nga đã đưa ra nhiều nhượng bộ lớn sau gần một thập niên đàm phán để đảm bảo thỏa thuận thành công.
Hơn nữa, hồi tháng 11 năm ngoái, Gazprom đã công bố một thỏa thuận cung cấp thêm 30 tỉ mét khối khí cho tỉnh Tân Cương của Trung Quốc từ Tây Siberia trong 30 năm thông qua một đường ống mới. Nếu các đường ống “miền Đông” và “miền Tây” được hoàn thành theo kế hoạch, 68 tỉ mét khối khí đốt mà họ cung cấp cho Trung Quốc hàng năm sẽ lớn hơn nhiều 40 tỉ mét khối mà Nga xuất khẩu cho Đức, khách hàng lớn nhất hiện nay của họ.
Điều này có thể báo trước một mối quan hệ song phương ngày càng sâu sắc. Nhưng cũng có một vấn đề: các thỏa thuận khí đốt làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng thương mại song phương lớn, với việc Nga xuất khẩu nguyên liệu thô cho Trung Quốc và nhập khẩu thành phẩm từ nước này. Và các thỏa thuận khí đốt cũng không bù đắp được việc Nga không thể tiếp cận các công nghệ phương Tây cần thiết để phát triển các mỏ ở biên giới Bắc Cực và trở thành một siêu cường năng lượng, chứ không chỉ là trạm xăng của Trung Quốc.
Trên thực tế, một liên minh Trung – Nga còn gặp phải nhiều vấn đề trầm trọng hơn. Với sức mạnh kinh tế, quân sự và dân số của mình, Trung Quốc gây ra sự khó chịu đáng kể ở Nga. Thử xem xét tình hình nhân khẩu học ở miền Đông Siberia, nơi chỉ có 6 triệu người Nga sinh sống dọc theo biên giới, so với con số 120 triệu người của Trung Quốc.
Hơn nữa, sức mạnh kinh tế và quân sự của Nga đã suy giảm trong khi của Trung Quốc lại bùng nổ. Lo lắng về ưu thế lực lượng quân sự thông thường của Trung Quốc có thể phần nào thúc đẩy việc Nga công bố vào năm 2009 một học thuyết quân sự mới, dứt khoát bảo lưu quyền sử dụng trước (first use) vũ khí hạt nhân – một lập trường tương tự Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm ngăn chặn các lực lượng thông thường vượt trội của Liên Xô ở Châu Âu. Những sự mất cân bằng này cho thấy Nga sẽ chống lại một liên minh quân sự chặt chẽ với Trung Quốc, ngay cả khi hai nước theo đuổi phối hợp ngoại giao chiến thuật đôi bên cùng có lợi.
Việc Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga cũng có những giới hạn của nó. Xét cho cùng, chiến lược phát triển của Trung Quốc phụ thuộc vào sự hội nhập liên tục của nó vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là sự tiếp cận ổn định đối với các thị trường và công nghệ của Mỹ. Tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, và nó sẽ không đánh cược chiến lược này để đổi lại một kiểu “liên minh chuyên chế” với Nga.
Ngay cả trong các diễn đàn đa phương, các mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc còn lâu mới được cân bằng. Do nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn bốn nền kinh tế BRICS khác cộng lại, các sáng kiến của nhóm, bao gồm cả ngân hàng phát triển mới, có thể phản ánh ảnh hưởng vượt trội của Trung Quốc. Và dù Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã tạo điều kiện cho một số phối hợp ngoại giao, Trung Quốc và Nga vẫn mắc kẹt trong một cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á.
Liên minh Trung – Nga trong thế kỷ 20 là sản phẩm của sự yếu kém của Trung Quốc thời kỳ sau Thế chiến II và đầu Chiến tranh Lạnh, và ngay cả thế, nó cũng chỉ kéo dài hơn một thập niên. Trung Quốc của hôm nay lại mạnh mẽ, và sẽ ít có khả năng xích lại quá gần một nước Nga đang suy thoái ngày càng nhanh do những nhận định sai lầm của các nhà lãnh đạo.
Tóm lại, lịch sử sẽ rất khó lặp lại một liên minh Trung-Nga thách thức phương Tây. Trái ngược với những hi vọng của Putin, 2014 sẽ không được nhớ đến như một năm thành công của chính sách đối ngoại của Nga.
Joseph S. Nye là cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, và là giáo sư tại Đại học Harvard. Gần đây nhất, ông là tác giả của cuốn Presidential Leadership and the Creation of the American Era.