Nguồn: Shinzo Abe, “Japan’s Vote for Bold Reform”, Project Syndicate, 05/01/2015.
Biên dịch: Lương Khánh Ninh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Với sứ mệnh to lớn được người dân Nhật Bản giao phó thể hiện qua số phiếu ủng hộ áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 14 tháng 12 vừa rồi, khả năng hành động quyết đoán của chính phủ chúng tôi đã được tăng cường đáng kể. Thật vậy, giờ đây chúng tôi không chỉ có thẩm quyền để hành động mà còn nhận được một thông điệp rõ ràng và dứt khoát từ cử tri rằng chúng tôi phải hành động như vậy.
Cụ thể, giờ đây chúng tôi có nhiệm vụ khởi động chương trình cải cách cơ cấu, thứ được thế giới biết đến như là “mũi tên thứ ba” của cái gọi là chính sách kinh tế “Abenomics.” Chính cải cách cơ cấu sẽ giải phóng khả năng cạnh tranh cũng như tính năng động vốn bị kìm hãm quá lâu của các doanh nghiệp và người dân Nhật Bản.
Mục đích của tôi trong việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử đột xuất hồi tháng 11 là để củng cố nguồn vốn chính trị của chính phủ – không phải nhằm tích trữ mà là để sử dụng vào những cải cách được hứa hẹn lần đầu cách đây hai năm. Giờ đây, với thẩm quyền mới được trao, những cải cách ấy chính là điều chúng tôi sẽ làm.
Trước hết, chúng tôi dự định tiến hành đánh giá lại hệ thống thuế khóa một cách căn bản. Điều này không chỉ đòi hỏi phải tăng thuế tiêu thụ – do chúng tôi đã hoãn đợt tăng thuế đợt hai – mà còn phải thực hiện những sự điều chỉnh cần thiết để hệ thống thuế của chúng tôi không còn cản trở các động lực đầu tư. Một số tổ chức kinh doanh nông nghiệp, vốn là những ví dụ điển hình của các nhóm lợi ích cá nhân, sẽ phải thay đổi và chúng tôi sẽ thúc đẩy sự thay đổi này.
Thứ hai, chúng tôi phải điều chỉnh các quy định về lao động của Nhật Bản cho phù hợp với các tiêu chuẩn của đời sống hiện đại mà ta có thể thấy được ở bất cứ đâu, điều này có nghĩa là cho phép mọi cá nhân đạt được điểm cân bằng có lợi giữa đời sống và công việc. Người Nhật chúng tôi vẫn sẽ luôn làm việc chăm chỉ – tôi không nghi ngờ gì điều này. Nhưng chúng tôi cũng cần cho phép và khuyến khích nhiều phụ nữ Nhật Bản tham gia vào lực lượng lao động hơn, dù họ vừa mới bắt đầu sự nghiệp hay sau khi lựa chọn sinh nở và nuôi dạy con cái.
Hơn nữa, những cải cách táo bạo trong nước không phải là điều duy nhất chúng tôi theo đuổi. Nhật Bản cũng cần thay đổi cách nền kinh tế Nhật Bản tương tác với thế giới.
Hãy xem xét Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật – EU. Việc hoàn thành các thỏa thuận thương mại và đầu tư là một trong số những nhiệm vụ cấp thiết nhất mà chúng tôi đang phải đối mặt, bởi nền kinh tế Nhật Bản cần chất xúc tác mạnh mẽ từ bên ngoài để khuyến khích sự thay đổi trong cách chúng tôi cạnh tranh ở trong nước cũng như ở các thị trường xuất khẩu. Nhật Bản không có lựa chọn nào khác ngoài gắng sức thực hiện mọi thứ cần thiết và khả thi để tăng cường năng suất lao động.
Giờ đây chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ từ công chúng để thực hiện tất cả những thay đổi này. Sự ủng hộ ấy có được là nhờ những tuyên bố công khai về ý định của chính phủ. Chẳng hạn, giờ đây các cử tri đã hiểu rõ và chấp thuận rằng đến tháng 4/2017, chính phủ chúng tôi sẽ tăng thuế tiêu thụ. Cho đến lúc đó, chúng tôi sẽ không còn bị sa lầy vào các cuộc tranh luận về tính đúng sai của quyết định này.
Nhưng chúng tôi cũng biết rằng không gian chính trị mà chúng tôi có được là vô cùng quý giá và không thể bị lãng phí. Chúng tôi phải quyết tâm sử dụng nó để tiến hành cải cách nhằm tăng cường tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Nhật Bản.
Vị thế toàn cầu của Nhật Bản phụ thuộc vào điều này. Trong hai năm qua tôi đã đi 570.000 km, thăm tổng cộng 62 quốc gia và có 246 cuộc gặp trực tiếp với các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo đất nước khác. Những trải nghiệm ấy đã thuyết phục tôi rằng thế giới vẫn đang vô cùng tin tưởng vào con đường mà đất nước Nhật Bản thời hậu chiến đã chọn. Cụ thể, không có bất kỳ sự nghi ngờ nào đối với các chuẩn mực và nguyên tắc mà người dân và chính phủ Nhật Bản từ lâu đã đề cao, chẳng hạn như chủ quyền, tôn trọng quyền con người và hòa bình – các trụ cột của hiến pháp Nhật Bản.
Nhật Bản cũng được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bởi suốt bảy thập kỷ qua, nền ngoại giao Nhật Bản chưa một lần tìm cách ép buộc hay dọa dẫm bất cứ một quốc gia nào bằng những đe dọa quân sự. Quan trọng hơn cả, niềm tin toàn cầu đối với Nhật Bản phản ánh đức tính khiêm nhường và đúng mực mà rất nhiều người Nhật là những ví dụ điển hình, bằng chứng là họ đã phấn đấu nhằm biến nền kinh tế Nhật trở thành một trong ba nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.
Niềm tin của thế giới đặt vào đất nước và người dân Nhật Bản là tài sản quý giá nhất của nền ngoại giao Nhật Bản từ trước đến nay. Nhiệm vụ của chúng tôi được nhân dân Nhật Bản giao phó là đảm bảo rằng truyền thống này sẽ được tiếp nối và phát huy trong tương lai.
Đây là lời tuyên thệ sắp tới của tôi khi tôi đảm nhận vai trò lãnh đạo đất nước Nhật Bản trong nhiệm kỳ sắp tới. Về phía tôi và chính phủ của tôi, nhiệm vụ trọng yếu phía trước – làm việc chăm chỉ hơn để khôi phục nền kinh tế Nhật Bản – sẽ không thể tách rời khỏi việc bảo vệ vị trí của đất nước trong đội tiên phong toàn cầu vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng.
Shinzo Abe là Thủ tướng Nhật Bản.