Nguồn: Richard Weitz, “Putin’s Winning Streak,” Project Syndicate, 29/12/2014.
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Vân | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Kể từ khi Nga xâm chiếm Crimea mùa hè năm ngoái, phương Tây đã dựa vào một chiến lược với các lệnh trừng phạt kinh tế và cô lập quốc tế để buộc Điện Kremlin ngừng hỗ trợ cho phiến quân ở miền Đông Ukraina. Nhưng một loạt những thành công gần đây trong ngoại giao của Tổng thống Nga Vladimir Putin – đặc biệt là với Iran, Bắc Triều Tiên, và Pakistan – đã làm giảm hiệu quả của chiến lược này.
Chắc chắn, Putin đã bị cô lập tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Brisbane hồi tháng 11 năm ngoái, với việc nước chủ nhà Úc và các nhà lãnh đạo phương Tây đã chỉ trích ông trong các cuộc họp song phương vì đã xâm phạm chủ quyền của Ukraina và gây rạn nứt mối quan hệ giữa Nga với các đối tác kinh tế phương Tây của nó. Putin đã rời Hội nghị sớm, với tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt của Phương Tây dù sao đi nữa cũng đang gây tổn hại cho nền kinh tế châu Âu nhiều hơn là cho nền kinh tế Nga.
Nhưng Putin đã không nản chí, tiếp tục đưa ra những sáng kiến lớn với các nước có vai trò quan trọng đối với an ninh của phương Tây, thúc đẩy đòn bẩy ngoại giao của Nga và tăng cường giá trị của nó đối với đối tác dù rụt rè những vẫn là quan trọng nhất của Nga: Trung Quốc. Như Putin tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn gần đây, chính phủ Nga cam kết đảm bảo rằng Nga sẽ không trở nên cô lập với thế giới sau một Bức mành Sắt mới.
Với Iran, Điện Kremlin đã mở một ngân hàng chung, cho phép các công ty của Nga mở rộng thương mại song phương mà không cần phải sử dụng tiền tệ phương Tây hay lo lắng về các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây. Thương vụ này được xây dựng trên thỏa thuận“đổi dầu lấy hàng” hồi hè vừa rồi, theo đó, mỗi ngày Nga sẽ đổi hàng hóa của mình lấy 500.000 thùng dầu của Iran.
Hợp tác an ninh song phương cũng đã tiến triển, với việc Hải quân Nga tổ chức một cuộc diễn tập ba ngày trên biển với hạm đội Caspi của Iran. Cho đến nay, những nỗ lực làm suy yếu mối quan hệ của Nga với Iran, chưa kể đến đồng minh Trung Đông lớn khác của họ là Syria, đều liên tục thất bại. Hồi tháng 10, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin đã phê phán sáng kiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ đứng đầu vì đã không cho phép sự tham dự của Iran và Syria, hai nước mà ông gọi là “những đồng minh hợp lý trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực.”
Hơn nữa, Nga đã ký một thỏa thuận đảm bảo rằng các công ty của họ vẫn là những doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự của Iran, ngay cả khi một thỏa thuận hạt nhân sẽ khiến các cường quốc phương Tây nới lỏng lệnh trừng phạt Iran. Theo những điều khoản của thỏa thuận này, Nga sẽ giúp Iran xây dựng thêm ít nhất hai lò phản ứng hạt nhân – và nhiều nhất là tám.
Những nhà máy mới, như lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Iran do Nga xây dựng ở Bushehr, sẽ phải tuân thủ sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và chỉ sử dụng nhiên liệu hạt nhân do Nga sản xuất, được trả lại cho Nga lưu trữ nhằm ngăn chặn Iran phát triển công nghệ hạt nhân nguy hiểm. Dù vậy, Nga đã đồng ý đào tạo thêm nhiều chuyên gia hạt nhân người Iran và có lẽ sẽ cho phép Iran tự sản xuất một số thành phần của các thanh nhiên liệu uranium.
Ở Bắc Triều Tiên, ngoại giao Nga còn đạt được nhiều bước tiến hơn thế. Hè năm ngoái, Putin đã xóa 90% khoản nợ 11 tỉ USD củaTriều Tiên dưới thời Liên Xô cũ, và tuyên bố rằng 1 tỉ USD còn lại có thể được sử dụng như một phần của chương trình “viện trợ bằng các khoản nợ,” tài trợ cho các dự án y tế, năng lượng, và giáo dục của đất nước này.
Điều này đã mở đường cho các dự án phát triển mới và tăng cường đầu tư song phương cũng như khu vực. Ví dụ, các công ty Nga đang lên kế hoạch giúp Bắc Triều Tiền xây dựng lại mạng lưới đường sắt để đổi lại được tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác của nước này.
Nga đã đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Bắc Triều Tiên hơn bất kỳ nước nào khác trong năm qua, bao gồm cả đặc sứ của nhà lãnh đạo ít giao thiệp quốc tế Kim Jong-un là Choe Ryong- Hae, một quan chức cấp cao trong Đảng Lao Động cầm quyền. Ông này đã dành hẳn một tuần họp với các nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị của Nga. Trên thực tế, các quan chức Nga chỉ ra rằng Putin đang sẵn sàng trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên gặp mặt Kim Jong-un, người đang mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Nga để bù đắp cho mối quan hệ đang chững lại với Trung Quốc.
Tháng 11 cũng là một tháng tốt cho ngoại giao Nga tại Pakistan, với việc Sergei Shoigu trở thành bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Nga đến thăm đất nước này kể từ năm 1969. Trong thời gian ở Islamabad, Shoigu và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã ký một thỏa thuận chưa từng có vốn có thể thiết lập một khuôn khổ cho các cuộc diễn tập quân sự chung, thăm viếng lẫn nhau, và một cuộc đối thoại sâu rộng về các vấn đề an ninh khu vực.
Ngoài ra, Điện Kremlin đã nới lỏng sự phản đối của mình về việc Pakistan trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cùng với Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, và Uzbekistan. Chính phủ Nga cũng đã đồng ý bán cho Pakistan đến 20 máy bay trực thăng tấn công hạng nặng Mil Mi-35 “Hind E” để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống khủng bố và buôn lậu ma túy.
Cho đến nay, Nga đã hạn chế bán các thiết bị quân sự tiên tiến cho Pakistan, nhằm tránh phá hỏng mối quan hệ với Ấn Độ. Tuy nhiên, khi mối quan hệ chiến lược của Nga với Ấn Độ đã tăng cường, bao gồm cả việc thông qua một cơ chế chung để mua và cung cấp vũ khí của Nga cho chính phủ Afghanistan, Putin đã đạt được sự tự tin để thúc đẩy hợp tác với Pakistan. Việc công bố nhiều thỏa thuận song phương hơn trong chuyến thăm Ấn Độ gần đây của Putin cho thấy sự tự tin của ông là có cơ sở.
Tất cả những điều này có thể làm tăng thêm tác động của Nga đối với Trung Quốc, nước vốn quan tâm đến việc gia tăng ảnh hưởng lên Iran, Bắc Triều Tiên, và Pakistan nhưng đã tìm cách khai thác một cách tinh tế sự cô lập của Nga. Nguồn dự trữ khí tự nhiên dồi dào của Nga cũng thu hút Trung Quốc, nước đã đàm phán cứng rắn trong thỏa thuận cung cấp khí đốt trị giá 400 tỉ đô la Mỹ trong vòng 30 năm mới được ký gần đây giữa hai nước.
Bằng cách đưa cho những chủ thể then chốt trong khu vực các lựa chọn thay thế cho việc cúi đầu trước các áp lực từ phía Mỹ trong các vấn đề như chống phổ biến vũ khí hạt nhân và các cuộc đấu tranh chống khủng bố, những động thái gần đây của Nga đã gây khó khăn đáng kể cho những nỗ lực ngoại giao của Mỹ. Dù chưa phá vỡ sự đồng thuận quốc tế về những vấn đề này, Putin có thể ngăn chặn những tiến bộ để buộc Mỹ phải thay đổi chính sách của họ đối với Ukraina, Syria, và các nước khác. Kết quả là một cục diện an ninh toàn cầu đầy nguy hiểm thậm chí có thể còn trở nên nguy hiểm hơn.
Richard Weizt là chuyên viên cấp cao và giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị – Quân sự thuộc Viện Hudson.