Nguồn: Koichi Hamada, ”The Renewed Promise of Abenomics,”Project Syndicate, 29/12/2014.
Biên dịch: Lưu Tuấn Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản vừa giành được chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 14/12/2014, với sự đồng thuận áp đảo của cử tri Nhật Bản dành cho chương trình nghị sự về chính sách kinh tế vĩ mô của Thủ tướng Shinzo Abe. Dù số lượng cử tri đi bầu là tương đối thấp, chủ yếu do điều kiện kỹ thuật, thông điệp của cuộc bầu cử đã trở nên rõ ràng: phần lớn người dân Nhật Bản đều vô cùng ghét viễn cảnh phải quay về quỹ đạo kinh tế ảm đạm lan khắp đất nước trước khi có “Abenomics.”
Khi “mũi tên” đầu tiên của Abenomics – một chương trình kích thích tài khóa – được đưa ra cách đây gần 2 năm, phản ứng tức thời của các thị trường tài sản là khá tích cực. Mũi tên thứ hai của Abenomics – chính sách nới lỏng tiền tệ – đã tăng cường những tác động này.
Trong hai năm qua, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng gần gấp đôi về giá trị, sự giàu có của người tiêu dùng Nhật Bản do đó cũng tăng lên. Hơn nữa, đồng yên đã giảm gần 1/3 so với đồng đô la Mỹ, từ khoảng 80 yên xuống gần 120 yên đổi một đô la, tiếp thêm sinh lực cho các ngành xuất khẩu của Nhật Bản.
Điểm tích cực hơn cả là sự phát triển trong thị trường lao động, không như trong thị trường tài sản, nó phản ánh kết quả thực tế chứ không phải là những kỳ vọng. Cũng là một tin tốt ở đây khi thị trường lao động đã được thắt chặt, với tỉ lệ thất nghiệp giữ ở mức 3,5% và số lượng công việc đã nhiều hơn so với số lượng ứng viên.
Tất nhiên, cũng có một số trở ngại nhất định: GDP của Nhật Bản giảm liên tục trong quý hai và quý ba của năm 2014. Nhưng không thể đổ lỗi sự suy thoái, kết quả của việc tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% vào tháng 4, cho Abenomics. Thật ra, Abe chỉ thực hiện (việc tăng thuế) theo một đạo luật do chính phủ trước đó của Đảng Dân chủ Nhật Bản ban hành.
Hai mũi tên đầu tiên của Abenomics đều nhằm mục đích kích cầu – và chúng đều vô cùng hiệu quả. Tăng thuế tiêu thụ là cần thiết để duy trì tầm xa của những mũi tên này. Thật không may, mức tăng là quá lớn để giữ chúng ở độ cao mong muốn.
Tin tốt là những tác động của việc tăng thuế này chỉ là tạm thời. Ngay sau đó, tác động của nó sẽ bắt đầu giảm, và sản lượng công nghiệp sẽ bắt kịp mức công suất tối đa. Khi lượng cầu bắt đầu vượt quá nguồn cung, chính sách kích cầu sẽ ngày càng trở nên không hiệu quả, và đó chính là lúc để bắt đầu mũi tên thứ ba của Abenomics: những cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Những cải cách này là rất cần thiết để thúc đẩy năng suất tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản. Có bốn nhiệm vụ nổi bật.
Nhiệm vụ đầu tiên là loại bỏ, hay chí ít là giảm thiểu những quy định của chính phủ đang bóp nghẹt sự năng động của nền kinh tế. Hệ thống hiện tại luẩn quẩn và phức tạp đến nỗi phải mất đến hơn ba thập kỷ mới mở được một trường y khoa mới ở Tokyo. Tương tự, các chuyến bay đến sân bay Haneda, một điểm nối chuyến thuận tiện đến khu vực thành phố Tokyo, đã được xếp lịch theo hạn ngạch. Đây không phải là công thức cho một nền kinh tế thành công trong dài hạn.
Hơn nữa, chính phủ Nhật Bản nên thúc đẩy việc hoàn tất các cuộc đàm phán cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện đang được đàm phán giữa 12 quốc gia, từ Mexico, Hoa Kỳ cho đến Việt Nam. TPP sẽ cải thiện đáng kể triển vọng thương mại của Nhật Bản, kể cả trong các lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp, trong đó việc xuất khẩu nhóm hàng hóa tiêu dùng nhanh như hoa và rau quả sẽ được hưởng lợi.
Các nhà lãnh đạo của Nhật Bản cũng phải tìm giải pháp để mở rộng lực lượng lao động, hiện đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng, phần lớn là do sự già đi một cách nhanh chóng của dân số. Trong khi quy mô dân nhập cư không lớn mà Nhật Bản vẫn chưa chịu nhượng bộ, một trong những giải pháp tương đối đơn giản là tăng cường tỉ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động. Mức tăng 10% trong tỉ lệ nữ tham gia lực lượng lao động Nhật Bản – một mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được – sẽ tương đương với mức tăng 5%trong toàn bộ lực lượng lao động.
Cuối cùng, chính phủ Abe phải giảm tỉ suất thuế doanh nghiệp về mức gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt để thu hút đầu tư nước ngoài, giảm thuế doanh nghiệp trên thực tế sẽ làm tăng doanh thu thuế cho Nhật Bản bằng cách thúc đẩy các công ty đầu tư kho dự trữ tiền mặt khổng lồ của họ vào các hoạt động hiệu quả hơn.
Với việc được trao một sứ mạng mới từ cử tri Nhật Bản, chính phủ Abe cần thực hiện những gì đã hứa – đó là thực hiện các cải cách cơ cấu một cách kiên quyết và toàn diện. Tất nhiên, điều này sẽ đòi hỏi một số hi sinh. Quả thật, các hộ gia đình đang phải gánh chịu một số khó khăn do ảnh hưởng của việc tăng thuế tiêu dùng.
Bước tiếp theo cho chính phủ Abe là sử dụng nguồn vốn chính trị của mình để vượt qua các lợi ích cá nhân, cả ở bộ máy hành chính lẫn trong cộng đồng doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp buộc phải từ bỏ một số lợi ích đặc biệt về thuế mà họ đang được hưởng. Về phần mình, các chính trị gia phải tham gia vào hệ thống xác định đối tượng nộp thuế. Các quan chức cũng phải từ bỏ một số quyền lực mà các quy định quản lý thừa thãi dành cho họ.
Nếu tất cả các nhóm nói trên cùng đồng lòng chấp nhận những hi sinh hợp lý với dân chúng Nhật Bản, chính phủ Abe có thể thực hiện được những lời hứa của mình và xây dựng một nền kinh tế phát triển mạnh. Vì lợi ích của mọi người dân Nhật Bản – chưa kể đến việc nền kinh tế thế giới đang cần một chủ thể năng động mới– lời hứa ấy xứng đáng được thực hiện.
Koichi Hamada là cố vấn kinh tế đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, giáo sư hưu trí (Professor Emeritus) ngành Kinh tế tại Đại học Yale và Đại học Tokyo.