Tiến bộ xã hội quan trọng ra sao?

Print Friendly, PDF & Email

spi

Nguồn: Michael Porter, “Why Social Progress Matters,” Project Syndicate, 09/04/2015.

Biên dịch: Lưu Tuấn Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Tăng trưởng kinh tế đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo và cải thiện cuộc sống của rất nhiều người khác trong vòng nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, ngày càng rõ ràng rằng một mô hình phát triển con người chỉ dựa vào sự tiến bộ của nền kinh tế không thôi là chưa đủ. Một xã hội mà thất bại trong việc giải quyết những nhu cầu cơ bản của con người, trang bị cho người dân để cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường, và tạo ra cơ hội cho nhiều người dân, thì không được coi là thành công. Tăng trưởng mang lại lợi ích cho tất cả người dân (inclusive growth) đòi hỏi cả tiến bộ kinh tế và tiến bộ xã hội.

Những cạm bẫy của việc chỉ tập trung vào một mình GDP là rõ ràng nếu nhìn vào các phát hiện của Chỉ số Tiến bộ Xã hội (SPI) năm 2015 được đưa ra vào ngày 9 tháng 4.

SPI, ra đời từ sự hợp tác của Scott Stern đến từ Học viện Công nghệ Massachussets và Tổ chức phi lợi nhuận Social Progress Imperative, đo lường hiệu quả hoạt động của 133 quốc gia trên nhiều khía cạnh xã hội và môi trường. Đó là khuôn khổ toàn diện nhất được phát triển để đo lường tiến bộ xã hội, và là chương trình đầu tiên đo lường tiến bộ xã hội một cách độc lập với GDP.

Dựa trên 52 chỉ số về hiệu quả xã hội của một quốc gia, SPI là một công cụ thiết thực cho các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp để xác định chuẩn hiệu quả hoạt động của quốc gia và ưu tiên cho những lĩnh vực cần cải thiện xã hội nhất. Do đó, SPI cung cấp một cơ sở mang tính hệ thống và thực nghiệm để hướng dẫn chiến lược cho sự phát triển mang lại lợi ích cho tất cả người dân.

Một điều không có gì đáng ngạc nhiên là các dữ liệu cho thấy rằng nhiều khía cạnh của tiến bộ xã hội có xu hướng được cải thiện khi thu nhập tăng lên. Những quốc gia giàu có hơn, ví dụ như Na Uy (dẫn đầu về SPI năm nay), nhìn chung tạo ra tiến bộ xã hội tốt hơn so với các nước có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, một phát hiện đáng chú ý là GDP hoàn toàn không phải là yếu tố duy nhất quyết định tiến bộ xã hội. Ví dụ, Costa Rica đã đạt được tiến bộ xã hội cao hơn Italia, dù GDP bình quân đầu người chỉ bằng 1/3 của Italia.

Và Costa Rica không phải là trường hợp cá biệt. Trên phạm vi các quốc gia, từ giàu tới nghèo, chúng ta thấy các ví dụ như New Zealand hoặc Senegal đã thành công vượt trội trong việc biến tăng trưởng kinh tế thành tiến bộ xã hội so với các nước khác như Mỹ hay Nigeria. Nhiều nền kinh tế mới nổi đang tăng trưởng nhanh như Trung Quốc hay Ấn Độ cũng chưa có khả năng đạt được mức tiến bộ xã hội mà mức tiến bộ kinh tế của họ cho phép.

Nơi nào có sự mất cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội thì ở nơi đó sự bất ổn chính trị và bạo động thường xảy ra, như ở Nga và Ai Cập. Tiến bộ xã hội tụt hậu cũng kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế ở những quốc gia này cũng như ở những nước thất bại trong việc giải quyết các nhu cầu của con người, xây dựng vốn xã hội, và tạo cơ hội cho người dân của họ. Các quốc gia phải đầu tư vào tiến bộ xã hội, chứ không nên chỉ tập trung vào các thể chế kinh tế, để tạo ra nền tảng thích hợp cho tăng trưởng kinh tế.

Theo kinh nghiệm của riêng tôi (Michael Porter), tôi đã thấy cách mà Rwanda biến đầu tư vào tiến bộ xã hội – bao gồm bình đẳng giới, tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm 61% trong vòng một thập niên, và 95% trẻ em ở độ tuổi tiểu học được đến trường – trở thành một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển kinh tế của nước này. Thành tích kinh tế tích cực của Rwanda sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự cải thiện của các yếu tố này và những mặt khác của tiến bộ xã hội.

Tập trung vào tiến bộ xã hội bằng cách này dẫn đến chiến lược phát triển tốt hơn, và xây dựng sự ủng hộ chính trị cho những biện pháp gây tranh cãi đôi khi là cần thiết để nâng cao sự thịnh vượng. Sự đo lường chặt chẽ hiệu quả xã hội, cùng với các chỉ số kinh tế truyền thống, là rất quan trọng để bắt đầu vòng tròn phát triển mà trong đó tăng trưởng GDP cải thiện hiệu quả xã hội và môi trường thông qua những cách vốn thúc đẩy nền kinh tế thành công vượt trội hơn. Và bằng cách tránh những tranh luận hạn hẹp, như GDP so với bất bình đẳng thu nhập, SPI đã cung cấp một công cụ thiết yếu, thứ đem lại một chương trình nghị sự khả thi nhằm thực hiện mục tiêu trên.

Sự quan tâm tới SPI đã phát triển theo cấp số nhân kể từ khi phiên bản thử nghiệm của nó được tung ra vào năm 2013. Những phát hiện của nó đang được chia sẻ tới hàng triệu người dân trên toàn thế giới, khiến nó trở thành một công cụ cho người dân để giám sát trách nhiệm của các nhà lãnh đạo.

Hơn nữa, các sáng kiến chiến lược để thúc đẩy sự cải thiện tiến bộ xã hội đang được triển khai ở hơn 40 quốc gia. Ví dụ, Paraguay đã thông qua SPI để dẫn dắt cho một kế hoạch phát triển quốc gia mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân đến năm 2030. Và SPI đang được dùng không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn bởi các chính quyền địa phương cũng như thành phố. Các bang như Para ở Brazil, cùng với các thành phố như Bogota và Rio de Janeiro ở Mỹ Latinh và thành phố Somerville ở tiểu bang Massachussets của Mỹ, đang bắt đầu sử dụng SPI như một thước đo thành công của sự phát triển.

Năm nay, Ủy ban Châu Âu sẽ triển khai SPI cấp khu vực trên toàn châu Âu. Và các công ty như Coca Cola và Natura đã đang sử dụng SPI để cung cấp thông tin cho chiến lược đầu tư xã hội của họ và xây dựng mối quan hệ hợp tác với các đối tác nhà nước và tư nhân.

GDP đã là tiêu chuẩn dẫn dắt sự phát triển kinh tế trong hơn một nửa thế kỷ. SPI được đưa ra nhằm bổ sung (chứ không thay thế) cho GDP như một thước đo cốt lõi của hiệu năng quốc gia. Đo lường tiến bộ xã hội cung cấp cho người dân và các nhà lãnh đạo một bức tranh toàn diện hơn về việc đất nước của họ đang phát triển như thế nào. Và điều đó sẽ giúp xã hội có những lựa chọn tốt hơn, tạo ra những cộng đồng bền vững hơn, và cho phép mọi người có cuộc sống trọn vẹn hơn.

Xem giáo sư Michael Porter thảo luận về chỉ số tiến bộ xã hội năm 2015:

Michael Porter, Giáo sư Trường Kinh doanh Harvard, là Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Tổ chức Social Progress Imperative.