Nguồn: “How NATO’s Article 5 works,” The Economist, 09/03/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thị Huyền Trang | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là liên minh quân sự quan trọng nhất thế giới. Nó được hình thành trong vai trò một thành lũy chống lại sự xâm lược của Liên Xô trong thời kỳ đầu sau Thế chiến II, song vẫn được duy trì và hoạt động khá tích cực trong nhiều thập niên sau khi Liên Xô sụp đổ . Những can thiệp của nó gần đây đều là các cuộc chiến mà nó lựa chọn; NATO dẫn đầu cuộc can thiệp vào Afghanistan và giúp lật đổ chính quyền Slobodan Milošević ở Nam Tư. Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc sáng lập của NATO là phòng thủ tập thể, thể hiện trong điều khoản số 5 quan trọng của Hiệp ước Washington 1949 (còn gọi là Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NHĐ).
Điều khoản này quy định rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh” và tất cả các thành viên sẽ hỗ trợ (những) nạn nhân của một cuộc tấn công như vậy “ngay lập tức.” Điều khoản số 5 dường như không còn phù hợp sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng giờ đây, khi Nga tăng cường ngân sách quốc phòng và thực hiện nhiều cuộc tấn công nguyên tử giả (dummy nuclear attacks)[1] vào các quốc gia láng giềng và tiến hành nhiều cuộc tập trận trên vùng biên giới với các quốc gia Baltics thì Điều khoản số 5 một lần nữa lại trở nên thích hợp. Nhưng Điều khoản số 5 đòi hỏi những gì từ các đồng minh NATO, và liệu họ có tuân thủ nó nếu cần hay không?
Điều khoản số 5 quy định rằng hành động đáp trả có thể bao gồm tấn công vũ trang, song không bắt buộc. Trên thực tế, tất cả những gì NATO hứa hẹn là sẽ có “hành động như vậy nếu xét thấy cần thiết” để khôi phục và duy trì an ninh. Đó có thể là bất cứ điều gì, từ một cuộc chiến tranh hạt nhân cho đến phản đối ngoại giao gay gắt.
Có ba yếu tố chính cần được cân nhắc khi xem xét bản chất của sự đáp trả từ NATO. Thứ nhất là vị trí địa lý: ở những nơi kẻ tấn công có thể nhanh chóng hoàn tất và củng cố một cuộc xâm lược, NATO có rất ít lựa chọn. Vùng Baltics là một ví dụ, một dải đất phẳng và mỏng ven biển, không có khả năng tự vệ. Một cuộc tấn công bất ngờ của Nga có thể lan tới bờ biển trong vài giờ, và đảo ngược một cuộc xâm lược thành công của Nga như thế là rất khó, thậm chí là bất khả. Điều đó cũng đúng với Tây Berlin. Các quốc gia Baltics cho rằng theo Điều khoản số 5 thì bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào họ cũng đồng nghĩa với một cuộc đối đầu Đông–Tây toàn diện. Nếu Nga cũng tin như thế thì việc răn đe chống lại sự tấn công của Nga sẽ có hiệu quả. Song điều khoản số 5 không quy định về những hành động đáp trả như thế.
Vấn đề thứ hai và có liên quan ở đây là xử lý những căng thẳng leo thang. Rất nhiều thành viên NATO muốn giúp đỡ các quốc gia Baltics trong thời điểm khủng hoảng, thậm chí sẵn sàng sử dụng vũ khí sát thương để chống lại “những người đàn ông nhỏ màu xanh” (“little green men” – tức lực lượng chiếm đóng Crimea – ND). Nhưng nếu Nga đáp lại những sự chuẩn bị của NATO bằng cách tuyên bố một vùng cấm bay, được hỗ trợ bởi lực lượng phòng không hùng mạnh và kho vũ khí hạt nhân chiến thuật khổng lồ, thì cuộc đối đầu sẽ nhanh chóng trở nên vô cùng nguy hiểm. Quyết định hành động hay không thực ra không được đưa ra ở trụ sở của NATO ở Brussels, mà là ở Washington, DC. Và rất nhiều thành viên NATO ở phía Đông lo rằng khó mà hình dung được một tổng thống Mỹ sẽ mang chiến tranh hạt nhân ra đánh cược chỉ để bảo vệ một quốc gia bé nhỏ cách đó nửa vòng trái đất.
Thách thức lớn nhất trên thực tế của NATO là định nghĩa một cuộc tấn công. Nga hiện đang tiến hành “chiến tranh lai” (hybrid war) – một sự pha trộn giữa tuyên truyền, hối lộ, phá hoại, gián điệp, khai thác sự phụ thuộc về kinh tế và năng lượng, ngoại giao, và sử dụng các lực lượng vũ trang bất thường (như những “những người đàn ông nhỏ màu xanh” đổ bộ vào Crimea hồi năm ngoái). Ở Baltics, “chiến tranh lai” có thể bao gồm những nỗ lực kích động căng thẳng sắc tộc, ngôn ngữ, và khu vực, hoặc sử dụng những tình huống khẩn cấp có chủ đích – ví dụ như vấn đề với tuyến đường sắt của Nga chạy qua Litva tới Kaliningrad. Những gì các nước Baltics coi là một cuộc tấn công không thể chấp nhận được vào chủ quyền của họ chưa chắc đã được Brussels xem là một cuộc “tấn công vũ trang” để áp dụng Điều khoản số 5.
Đa phần nỗ lực của NATO hiện nay là nhằm đảm bảo nó có thể đáp ứng những lời kêu gọi giúp đỡ một cách phù hợp với thực tiễn, cả về mặt chính trị và quân sự. Sức mạnh của khối đồng minh quân sự lớn nhất thế giới này sẽ không còn ý nghĩa nếu các thành viên của nó không thể thống nhất trong việc xác định khi nào kẻ tấn công đã đi quá giới hạn.
——————-
[1] Chẳng hạn như năm 2008, máy bay ném bom siêu thanh của Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân giả vào miền Bắc nước Anh, xâm nhập không phận nước này trong 90 giây trước khi đổi hướng – NHĐ.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]