Đương đầu với một nước Nga xét lại

russia-east

Nguồn: Shlomo Ben-Ami, “Taking on Revisionist Russia,” Project Syndicate, 09/3/2015.

Biên dịch: Lê Công Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Đối với một số quốc gia, thất bại trên mặt trận quân sự hay chính trị là không thể chấp nhận và vô cùng nhục nhã, đến mức họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để lật đổ những gì mà họ xem là một trật tự quốc tế bất công. Một đất nước theo chủ nghĩa xét lại như vậy là Ai Cập, quốc gia đã quyết tâm đảo ngược thất bại của mình trước Israel năm 1967 và giành lại Bán đảo Sinai. Cuối cùng Ai Cập cũng đạt được mục đích này, nhưng chỉ sau khi Tổng thống Anwar Sadat theo đuổi một chiến lược hòa bình bằng chuyến công du lịch sử đến Jerusalem. Tuy nhiên, trường hợp đáng lo ngại nhất vẫn là nước Đức trong những năm 1930, quốc gia đã xé vụn trật tự châu Âu sau Thế chiến I thành từng mảnh.

Lịch sử cho thấy có hai cách để đối trọng lại một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại. Nó có thể bị các quốc gia khác chống lại với sự mạnh mẽ tương đương, như cách các cường quốc bảo thủ ở châu Âu đánh bại Napoleon năm 1815, cũng như cách phe Đồng minh đánh bại phát xít Đức trong Thế Chiến II. Hoặc nó tự đi đến giới hạn sức mạnh quân sự và kinh tế của mình (rồi sụp đổ), như trong trường hợp của Liên Xô vào thời điểm tan rã.

Đến lúc đó, quốc gia theo chủ nghĩa xét lại có hai lựa chọn. Hoặc như Đức, chấp nhận hòa hợp với trật tự quốc tế. Hoặc đi theo con đường của nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin và phát triển một chiến lược phục thù mới – trong trường hợp này là để lật đổ trật tự hình thành sau thất bại của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Dù Putin rõ ràng là nhân tố chính thúc đẩy chiến lược này, việc Ukraine theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Liên minh châu Âu (EU) – một động thái mà cả châu Âu và Mỹ nhìn chung đều hoan nghênh – chắc chắn càng đẩy mạnh nó. Putin biết ông có thể lợi dụng sự chia rẽ sắc tộc – tôn giáo ở Ukraine (miền Đông Ukraine đa phần là theo Chính thống giáo Nga và trung thành với điện Kremlin) để làm suy yếu những nỗ lực này. Có vẻ như châu Âu đã đánh giá thấp quyết tâm của Nga trong việc duy trì những gì mà nó coi là lợi ích cốt lõi ở Ukraine.

Cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Ukraine là một cuộc chơi mà Putin không thể để thất bại. Với phương Tây, nguyên tắc không vẽ lại biên giới bằng vũ lực là một vấn đề chính trị sống còn – thật vậy, nó là một trụ cột của trật tự thế giới văn minh. Nhưng cả Mỹ và châu Âu đều thể hiện rõ rằng việc hy sinh cho chủ quyền của Ukraine là không đáng, với một EU thờ ơ với ngay cả việc đi theo Mỹ trong việc áp dụng các lệnh trừng phạt ngày càng mạnh tay.

Putin đã đạt được ưu thế trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng với việc sáp nhập Crimea. Hiện tại, ở vùng Donbas miền Đông Ukraine, Putin đang khéo léo buộc một phương Tây bị chia rẽ và không thích rủi ro phải lựa chọn giữa chiến tranh và thỏa hiệp.

Dù cả hai lựa chọn đều không thật sự hấp dẫn thì sự nguy hiểm từ một cuộc chiến với Nga không nên được đánh giá quá cao. Xét cho cùng, trong một cuộc chiến như thế, cả hai bên đều sở hữu những kho vũ khí hạt nhân lớn. Đó là lý do tại sao, như Tướng Adrian Bradshaw, Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy tối cao của NATO, gần đây đã ngụ ý, chiến tranh chỉ được tính đến trong trường hợp Nga xâm lược một quốc gia NATO – một bước tiến mà có vẻ như Putin sẽ không thực hiện, ngay cả khi ông đã dốc hết các hành động khiêu khích của mình, bao gồm cả các vụ bắt cóc xuyên biên giới. Và kể cả thế, vẫn còn có những lý do để ngần ngại.

Việc các nước phương Tây không muốn chiến tranh cũng tạo ra những rủi ro của chính nó. Việc Nga trắng trợn tảng lờ Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 – trong đó Nga, Mỹ, và Vương quốc Anh cam kết sẽ tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nếu nó từ bỏ vũ khí hạt nhân – đang gửi đi một thông điệp nguy hiểm đến các quốc gia hạt nhân như Iran, Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, và Pakistan. Họ biết rằng nếu Ukraine vẫn còn vũ khí hạt nhân thì nó gần như chắc chắn sẽ giữ được Crimea.

Tuy nhiên, quan điểm của phương Tây về một cuộc chiến ở Ukraine có vẻ sẽ không thay đổi. Do đó, dù đã làm tê liệt nền kinh tế Nga, các biện pháp trừng phạt rõ ràng là chưa đủ để đập tan ý chí của Putin. Điều đó chỉ đem lại sự thỏa hiệp – nghĩa là về cơ bản thừa nhận tính chính danh của tuyên bố thẩm quyền ảnh hưởng đối với Ukraine của điện Kremlin và có thể là toàn bộ các quốc gia “cận hải ngoại” còn lại của nó (tức là các nước cộng hòa mới hình thành sau sự sụp đổ của Liên Xô – NHĐ).

Trong kịch bản này, Nga sẽ tránh nỗ lực cai trị Ukraine trực tiếp nhưng sẽ kiên quyết ngăn cản Ukraine gia nhập các khối và liên minh thù địch. Như lời Tổng thống đắc cử lúc đó là Dmitri Medvedev phát biểu hồi năm 2008: “không quốc gia nào vui vẻ khi một khối quân sự mà nó không phải là thành viên đang tiến đến biên giới của nó.” Nếu phương Tây có cùng quan điểm về điểm mấu chốt này thì Putin sẽ nóng lòng kết thúc cuộc chiến hiện tại, cuộc chiến mà trong đó nền kinh tế Nga đang suy kiệt thảm hại.

Nhưng cuộc khủng hoảng do điện Kremlin gây ra sẽ không kết thúc. Thật vậy, nghị trình xét lại của Putin không chỉ dừng lại ở Ukraine mà còn bao gồm cả việc “Phần Lan hóa” (“Finlandization” – tức buộc các nước  khác có đường lối thân thiện với mình – ND) các quốc gia lân cận khác, bao gồm cả các thành viên EU như Hungary và Romania.

Nếu muốn kết thúc chính sách bên miệng hố chiến tranh (brinkmanship) đầy nguy hiểm của Putin, các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ cần tìm ra một con đường để bắt đầu hợp tác chiến lược với Nga. Đặc biệt, họ phải thiết kế một cuộc mặc cả lớn (grand bargain) vì hòa bình để giải quyết các vấn đề cơ bản liên quan đến các nguyên tắc an ninh toàn cầu và kiểm soát vũ khí vốn đang cản trở sự hợp tác chiến lược nói trên.

Tất nhiên, Nga không còn là một siêu cường toàn cầu. Nhưng nó vẫn giữ được khả năng và những đặc điểm của một cường quốc: lịch sử lâu đời và văn hóa phong phú, diện tích rộng lớn, tiềm lực hạt nhân ghê gớm, ảnh hưởng mạnh mẽ trên khắp lục địa Á-Âu, và có khả năng đóng vai trò kẻ phá bĩnh trong nhiều cuộc xung đột. Bất kỳ cuộc mặc cả lớn nào trong thực tế cũng phải tính đến điều này.

Với Ukraine, con đường phía trước là rất khó xác định – trên hết là bởi những kinh nghiệm mâu thuẫn của các quốc gia vùng đệm trong quá khứ. Kaiser Wilhelm II đã xâm lược nước Bỉ trung lập để khơi mào Thế chiến II. Hitler đã nuốt chửng Áo và Tiệp Khắc khi thời điểm thích hợp; nhưng sự trung lập của nước Áo sau năm 1955 lại đủ để giúp nước này làm hài lòng cả hai khối trong Chiến tranh Lạnh, và ngày nay nó là một phần của EU.

Tương tự, từ năm 1967 đến nay, Jordan vẫn đóng vai trò như một quốc gia vùng đệm không chính thức giữa Israel và phần còn lại của thế giới Ả Rập. Bất kỳ nhà nước Palestine nào trong tương lai cũng đều phải gánh vác một vai trò tương tự, vì Israel sẽ không bao giờ chấp nhận việc một số liên minh quân sự thù địch có cơ hội tiếp cận mình.

Kế hoạch của Pháp và Đức đối với vấn đề Ukraine là kêu gọi thành lập một khu vực phi quân sự ngăn cách chính phủ với các lực lượng ly khai, và chấp nhận điều mà Tổng thống Pháp François Hollande định nghĩa là trao quyền tự chủ “khá mạnh mẽ” cho các khu vực nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine. Nói cách khác, nó đáp ứng tầm nhìn của Nga về một Ukraine có chính thể liên bang, theo đó khu vực miền Đông thân Nga sẽ có tiếng nói trong các vấn đề an ninh và đối ngoại.

Tuy nhiên, không thể trông chờ vào một kế hoạch như vậy để kiềm chế những tham vọng xét lại nói chung của Putin. Chỉ có một phương Tây thống nhất và quyết tâm mới có thể làm được điều đó.

Shlomo Ben-Ami, nguyên Ngoại trưởng Israel, là phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế vì Hòa bình Toledo. Ông là tác giả của cuốn sách Scars of War, Wounds of Peace: The Israeli – Arab Tragedy.