Những thông điệp từ chiến sự ở Ukraine

Print Friendly, PDF & Email

v2-ukraine-10

Nguồn: Stephen Holmes & Ivan Krastev, “The Ukrainian School of War,” Project Syndicate, 25/2/2015.

Biên dịch: Lê Công Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Tình trạng bất ổn đang diễn ra ở Ukraine thường được so sánh với cuộc khủng hoảng Nam Tư đầu những năm 1990, và quả thật, giữa chúng có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, đến khi hiểu được tại sao cuộc xung đột giữa chính phủ Ukraine và các phần tử ly khai do Nga hậu thuẫn vẫn cứ dai dẳng và tại sao, sau một năm chiến sự ngày càng tàn bạo, một giải pháp hòa bình dường như là quá xa vời thì sẽ nhận ra rằng sự khác biệt giữa hai cuộc khủng hoảng là quan trọng hơn nhiều.

Chiến thuật của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vấn đề Ukraine cũng giống như chiến thuật của Tổng thống Serbia Slobodan Milošević trong sự tan rã của Nam Tư. Việc nhắc lại Thế chiến II một cách lạm dụng của Tổng thống Putin trong công tác tuyên truyền, nhằm thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Nga mãnh liệt, thường được ví như bản sao “cắt và dán” của chiến dịch thông tin sai của Tổng thống Milošević hồi đầu những năm 1990 từng làm dấy lên tư tưởng bài người Croatia trong lòng người Serbia.

Cả Putin và Milošević đều đã tiếp sức cho nhóm kiều bào thiểu số trong hai quốc gia trên, hai quốc gia mà họ muốn thiết lập sự kiểm soát trước khi tiến hành những sự xâm lược bằng quân sự dưới vỏ bọc bảo vệ những cộng đồng kiều bào thiểu số đó của họ. Cuối cùng, cả hai nhà lãnh đạo đều đảm bảo cho sự thành lập của một “nền cộng hòa” tự xưng bên trong biên giới của một quốc gia khác.

Với những điểm tương đồng này, nhiều người cho rằng các cường quốc phương Tây nên lặp lại cách chấm dứt khủng hoảng ở Nam Tư– và điều đó đồng nghĩa với việc cung cấp “viện trợ quân sự phòng thủ có khả năng sát thương cao” cho Ukraine. Xét cho cùng, Hiệp định Dayton kết thúc chiến tranh Bosnia chỉ trở nên khả thi sau khi người Mỹ quyết định tranh bị vũ trang cho người Hồi giáo ở Croatia và Bosnia.

Nhưng tất nhiên, nước Nga của Putin không phải là Serbia của  Milošević . Nga không phải chỉ là một cước chú trong lịch sử (a footnote in history – tức không có vai trò quan trọng – NHĐ) hay một tiểu nhà nước vùng Balkan; mà là một siêu cường hạt nhân chống lại một Ukraine, dù được trang bị vũ khí hạng nặng nhưng không có cơ hội nào để chiến thắng bằng quân sự. Do đó, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ gây đổ máu trầm trọng hơn mà không thuyết phục được Tổng thống Putin suy xét lại biện pháp của mình cũng như ủng hộ một nền hòa bình lâu dài.

Hơn nữa, bối cảnh địa chính trị đã có những thay đổi đáng kể trong hai thập kỷ qua. Trong thời kỳ Chiến tranh Nam Tư, phương Tây không chỉ có một vị thế đức cao vọng trọng mà còn được xem là bất khả chiến bại nhờ vào chiến thắng của họ trong Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, phương Tây được nhìn nhận là đang trong cơn suy thoái, trong khi tính chính danh của Mỹ trong vai trò một nhà lãnh đạo toàn cầu ngày càng bị ngờ vực.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đúng khi phản đối việc vũ trang cho Ukraine. Nhưng bà đã sai khi cho rằng các cuộc đàm phán với Nga có thể đem lại một giải pháp lâu dài như Hiệp định Dayton, bởi bản chất của hai cuộc khủng hoảng là hoàn toàn khác nhau. Trong khi Nam Tư phải trải qua một cuộc khủng hoảng địa phương nhưng có ảnh hưởng lan ra toàn châu Âu thì Ukraine lại đang sa lầy trong một cuộc khủng hoảng của châu Âu nhưng với những tác động địa phương.

Milošević đã có một mục tiêu chiến lược rõ ràng: thành lập một Đại Serbia (Greater Serbia). Để đạt được mục tiêu đó, ông ta muốn hoặc là vẽ lại biên giới của khu vực Balkan, hoặc ít nhất là ký kết một thỏa thuận trao quyền tự chủ cho các khu vực có đại đa số là người Serbia bên ngoài lãnh thổ Serbia đích thực. Những cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh Balkan trở nên khả thi chính là bởi chúng tập trung vào các tấm bản đồ.

Với Putin, việc sáp nhập Crimea là đủ, theo nghĩa chiến lược. Ông không còn quan tâm đến việc vẽ lại những đường biên giới trên bản đồ. Putin hành động như vậy không phải vì quyết tâm thôn tính vùng Donbas (vùng có ý nghĩa chiến lược không đáng kể đối với Nga), dựng lên một hành lang đất liền tới Crimea, hay tạo ra một cuộc xung đột bị đóng băng.[1]

Putin duy trì sự can thiệp vào Ukraine vì nhiều lý do mà dường như phần lớn là mang tính thị phm (pedagogical). Ông ta có một thông điệp cho phương Tây luôn tỏ ra cao đạo và cho những người Ukraine khao khát được gia nhập câu lạc bộ các quốc gia phương Tây đó.

Với phương Tây, thông điệp mà Putin muốn nhắn gửi là Nga sẽ không nhân nhượng cho bất kỳ hành động can thiệp nào vào sân sau của nó. Theo quan điểm của Putin, phương Tây phải chấp nhận toàn bộ không gian hậu Xô-viết, trừ các quốc gia vùng Baltic, là khu vực ảnh hưởng đặc quyền của Nga. (Thất bại thấy rõ của Điện Kremlin là không lường trước được việc Trung Quốc từ chối chấp nhận sự phân chia này – đặc biệt là ở Trung Á, khu vực mấu chốt trong tầm nhìn kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình – thể hiện một sự sai sót khó hiểu trong những tính toán chiến lược của Putin.)

Với Ukraine và đặc biệt là với chính phủ mới của nó, thông điệp của Putin là Ukraine sẽ không thể tồn tại, ít nhất ở bên trong biên giới hiện tại của nó, nếu không có sự ủng hộ của Nga. Putin cũng muốn cho người Ukraine thấy rằng cuối cùng thì phương Tây cũng sẽ không thực sự quan tâm đến họ. Người Mỹ sẽ không chiến đấu vì họ và châu Âu sẽ không cung cấp số tiền mà chính phủ của họ đang rất cần.

Động cơ của phương Tây trong vấn đề Ukraine dường như cũng mang tính thị phạm hơn là chiến lược: cho Putin thấy rằng việc thay đổi biên giới bằng vũ lực là không thể chấp nhận được ở châu Âu ngày nay. Hy vọng là các biện pháp trừng phạt kinh tế cùng với những thương vong của Nga trên trận địa sẽ buộc Nga phải nhún nhường để chấp nhận vị thế hậu Chiến tranh Lạnh của mình như một cường quốc hạng ba, cùng với việc gửi đi thông điệp bổ sung rằng bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu đều cầm chắc thất bại với cái giá rất đắt về kinh tế.

Mục tiêu chiến lược rõ ràng khiến các bên đàm phán thừa nhận rằng có một nửa còn hơn không có gì. Nhưng cả hai bên vốn đơn giản chỉ muốn dạy cho nhau một bài học lại đều thiếu một lập trường chung cần thiết để đưa ra một thỏa hiệp chấp nhận được cho cả hai. Đó là lý do tại sao những cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine ngày nay có vẻ như chỉ đạt được các lệnh ngừng bắn chắp vá, ngắn ngủi, mà không phải những giải pháp dài hạn như đã đạt được sau Chiến tranh Bosnia.

Stephen Holmes là giáo sư tại Trường Luật, Đại học New York và gần đây nhất là tác giả của cuốn The Matador’s Cape: America’s Reckless Response to Terror.

Ivan Krastev là giám đốc Trung tâm Chiến lược Tự do (The Center for Liberal Strategies) Sofia, và là ủy viên thường trực tại Viện Khoa học Nhân văn (IWM) Viên. Cuốn sách mới nhất của ông có nhan đề In Mistrust We Trust: Can Democracy Survive When We Don’t Trust Our Leaders?

——————

[1] Xung đột đã chấm dứt nhưng chưa có giải pháp chính trị hay hiệp ước hòa bình được các bên chấp nhận – NHĐ.