Nguồn: Anatole Kaletsky, “How Far will the Euro Fall?”, Project Syndicate, 17/03/2015.
Biên dịch: Nguyễn Vũ Nhật Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Suốt 12 năm qua đồng đô la Mỹ lập trần mới gần như mỗi ngày, trong khi đồng euro dường như trượt dốc không phanh thậm chí xuống dưới mức tương đương với đô la Mỹ. Các xu hướng tiền tệ thường được mô tả là khó dự báo nhất so với các biến tài chính khác. Dù vậy những sự kiện gần đây ở thị trường ngoại hối lại lần đầu tiên tỏ ra tương đối dễ lí giải – một điều được hầu như mọi nhà kinh tế học và nhà làm chính sách thừa nhận.
Ít nhất thì tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã ngỡ ngàng chào đón đồng euro mất giá: “Nó khiến mọi thứ trở nên đẹp và rõ ràng: một đồng euro đổi một đồng đô la,” ông Hollande nói trước một nhóm các nhà công nghiệp. Nhưng cũng chính khi mọi thứ trông “đẹp và rõ ràng” là lúc các nhà đầu tư cần tư duy lại. Đồng đô la mạnh trong khi đồng euro yếu rõ ràng là một ván cược hấp dẫn trong năm 2015. Nhưng liệu có khả năng xu hướng tỉ giá hối đoái đã đang đi quá xa hay không?
Ở một góc độ nhất định, cách lí giải truyền thống về xu hướng tỉ giá euro-đô la vẫn chắc chắn là chính xác. Nguyên nhân chính rõ ràng là do những dị biệt trong chính sách tiền tệ, khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo đuổi chính sách thắt chặt, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn duy trì lãi suất sát đáy và đang khởi động việc nới lỏng định lượng. Nhưng sự khác biệt này đóng vai trò đến mức độ nào? Câu trả lời phụ thuộc vào việc bao nhiêu người, hoặc không chú ý đến chênh lệch lãi suất (giữa Mỹ và châu Âu), hoặc không tin rằng mức chênh sẽ tăng quá xa.
Năm ngoái, nhiều nhà đầu tư đã nghi ngờ khả năng ECB sẽ khởi động một chương trình mua trái phiếu trước sự phản đối của Đức. Nhiều người cũng không tin tưởng việc Fed sẵn sàng thực hiện thắt chặt tiền tệ, bởi làm vậy có thể gây nghẽn quá trình hồi phục của nền kinh tế Mỹ. Đây là lí do gần một năm trước một đồng euro vẫn ăn 1,4 đồng đô la Mỹ – đồng thời lí giải tại sao nhiều người trong đó có tôi mong đợi đồng euro sẽ trượt giá sâu so với đồng đô la.
Tuy nhiên triển vọng cho những diễn biến bất ngờ liên quan đến việc đô la tăng giá hay euro giảm giá hiện nay hẹp hơn nhiều. Liệu có ai còn tin rằng nền kinh tế Mỹ đang trên bờ vực suy thoái (để Fed không thắt chặt tiền tệ – NHĐ)? Hay rằng Ngân hàng Trung ương Đức có đủ quyền lực để qua mặt các quyết sách của chủ tịch ECB Mario Draghi?
Khi sự khác nhau trong chính sách tiền tệ không còn đóng vai trò đáng kể, có lẽ chúng ta cần hướng sự chú ý đến những nhân tố khác có ảnh hưởng đến các xu thế tiền tệ trong vài tháng tới.
Liên quan đến việc đô la Mỹ tăng giá và euro giảm giá, có thể có ba khả năng. Một là Fed có thể nâng lãi suất nhanh hơn đáng kể so với dự đoán. Một khả năng nữa là các nhà đầu tư và quản lý tài chính doanh nghiệp trở nên tự tin và quyết đoán hơn trong việc vay euro để đổi ra đô la nhằm tận dụng chênh lệch tỉ giá. Cuối cùng, ngân hàng trung ương hay các quỹ đầu tư chính phủ tại các quốc gia ở châu Á và Trung Đông có thể sẽ tranh thủ động thái mua vào trái phiếu của ECB để bán thêm nhiều trái phiếu của Đức, Pháp và Ý (mà họ đang nắm giữ) rồi tái đầu tư các khoản thu được vào trái phiếu Mỹ có lãi suất cao hơn.
Đây đều là các kịch bản có lí. Nhưng ít nhất có bốn yếu tố có thể đẩy tỉ giá đô la-euro theo hướng khác.
Đầu tiên, bản thân đồng đô la mạnh có ảnh hưởng đến nền kinh tế và chính sách tiền tệ của Mỹ. Nếu đô la tiếp tục tăng giá, hoạt động kinh tế Mỹ và lạm phát sẽ yếu đi. Khi điều đó xảy ra, Fed thay vì tăng lãi suất nhanh hơn dự đoán, có thể trở nên ít quyết liệt hơn.
Thứ hai, chắc chắn phải có những nghi ngờ nghiêm túc về việc liệu các chính phủ tại châu Á và Trung Đông trên thực tế có muốn tăng dự trữ bằng đồng đô la hay không, đặc biệt khi điều này có nghĩa là họ sẽ phải bán lỗ số euro tích trữ từ năm 2003 ở mức giá thấp hơn nhiều so với sức mua tương đương của nó. Nhiều quốc gia đã tốn hàng thập kỉ đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ để tránh phụ thuộc vào mỗi đồng đô la, cả vì những lí do tài chính lẫn địa chính trị. Với việc Mỹ ngày càng có thói quen sử dụng tiền tệ như một công cụ ngoại giao, thậm chí là công cụ chiến tranh – một xu hướng được Washington gọi là “biến đô la thành vũ khí” – Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê Út chẳng hạn nhiều khả năng sẽ lượng lự trong việc dự trữ thêm trái phiếu của Mỹ.
Nhân tố thứ ba – chênh lệch thương mại của Mỹ và châu Âu gợi mở rằng xu hướng trượt giá của euro so với đô la có thể không kéo dài lâu nữa. Khoảng cách vốn đã khá lớn: IMF dự báo Mỹ sẽ phải chịu thâm hụt lên đến 484 tỉ đô la, trong khi khối đồng euro chờ đón mức thặng dư tương đương 262 tỉ đô la. Gần như chắc chắn khoảng cách này sẽ còn nới rộng do đồng euro đã mất giá tới 20% so với lúc IMF đưa ra dự báo mùa thu vừa rồi.
Điều này hàm ý rằng hàng trăm tỉ đô la vốn sẽ phải chảy từ châu Âu sang Mỹ hàng năm chỉ để duy trì tỉ giá euro-đô la hiện hành. Và với việc chênh lệch thương mại xuyên Đại Tây Dương ngày càng nới rộng, dòng chảy vốn nói trên sẽ phải tăng lên hơn nữa nếu muốn đẩy giá đồng euro xuống. Dòng chảy vốn lớn đến vậy là hoàn toàn khả thi, nhưng điều gì sẽ thúc đẩy nó?
Câu hỏi này dẫn đến lí do cuối cùng và quan trọng nhất để mong chờ xu hướng giảm giá của euro sẽ đảo ngược, hay ít nhất là bình ổn. Mặc dù lãi suất trái phiếu Mỹ cao sẽ thu hút một số nhà đầu tư, số khác sẽ chạy khỏi đồng đô la nếu sự kết hợp giữa một đồng euro có sức cạnh tranh hơn, gói kích thích tiền tệ khổng lồ của ECB và một làn sóng nới lỏng tài khóa xuất phát từ Pháp, Ý và Tây Ban Nha đủ sức tạo ra một sự phục hồi thực chất cho kinh tế châu Âu. Theo đó, nguồn vốn đổ vào châu Âu dưới dạng chứng khoán, tài sản và đầu tư trực tiếp, tất cả hiện đều rẻ hơn đáng kể so với những tài sản tương tự ở Mỹ, có thể dễ dàng trở nên lớn hơn dòng tiền mặt và đầu tư trái phiếu vào Mỹ do lãi suất ở Mỹ tăng lên.
Vậy thì điều gì có thể đem đến sự cân bằng giữa các lực lượng đối lập đang tác động lên tỉ giá euro-đô la? Không ai dám chắc, nhưng một điều là rõ ràng: dù lợi tức từ việc đầu cơ vào chênh lệch tỉ giá xuyên Đại Tây Dương có thể lên tới 1% hay 2% một năm, giới đầu tư có thể mất trắng khoản đó trong một ngày, thậm chí một giờ, vì đầu tư vào đồng tiền sai khi xu hướng quay đầu. Như chúng ta đã biết từ hàng thập kỉ kinh nghiệm của Nhật Bản và Thụy Sĩ, bán đồng tiền lãi suất thấp chỉ để chạy theo khoản lợi cao hơn từ đô la Mỹ thường là một sai lầm đắt giá.
Anatole Kaletsky là Chủ tịch của Viện Tư duy Kinh tế Mới và tác giả của cuốn Capitalism 4.0: The Birth of a New Economy.