Ba nỗi lo nhấn chìm các thị trường toàn cầu

Print Friendly, PDF & Email

globalmarkets

Nguồn: Anatole Kaletsky, “The Three Fears Sinking Global Markets”, Project Syndicate, 29/01/2016.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tháng Giêng thường được xem là tháng tốt cho thị trường chứng khoán, với lượng tiền mới tràn vào các quỹ đầu tư, trong khi các đợt bán liên quan đến thuế thường giảm đi vào dịp cuối năm trước. Cho dù dữ liệu về lãi đầu tư ở Mỹ thực ra cho thấy lãi vào tháng Giêng trong lịch sử chỉ cao hơn chút đỉnh so với con số thông thường của mỗi tháng, nhưng niềm tin lan rộng về một “hiệu ứng tháng Giêng” có lợi càng làm cho sự suy yếu của thị trường chứng khoán khắp thế giới đầu năm nay còn gây sốc nhiều hơn nữa.

Nhưng những người bi quan có lý, cho dù họ đôi khi nói quá về phép màu của tháng Giêng. Theo những nhà thống kê tại Reuters, thị trường năm nay khởi đầu với mức suy giảm cao nhất một thế kỷ qua của Phố Wall, và mức giảm 8% hàng tháng của chỉ số MSCI thế giới làm tháng Giêng năm nay trở thành tháng tệ hơn so với 96% số các tháng Giêng từng được ghi nhận. Vậy thì chúng ta phải lo đến mức nào về tình hình kinh tế thế giới?

Ba nỗi lo hiện tại đang gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường: Trung Quốc, dầu và nỗi lo về một cuộc suy thoái ở Mỹ hoặc toàn cầu.

Trung Quốc chắc chắn là một vấn đề đủ lớn để ném nền kinh tế thế giới và các thị trường chứng khoán vào nhiều khó khăn trong phần còn lại của thập kỷ. Chúng ta có thể thấy điều này trong bốn ngày đầu tiên của năm, khi sự sụt giảm bất ngờ trên thị trường chứng khoán của Trung Quốc châm ngòi cho sự hỗn loạn tài chính toàn cầu trong tháng 1. Nhưng thị trường chứng khoán Trung Quốc không gây hệ quả quan trọng cho phần còn lại của thế giới. Nỗi lo thực sự là việc những nhà chức trách Trung Quốc sẽ có thể mạnh tay phá giá đồng nhân dân tệ, hay có khả năng hơn, là bị mất khả năng kiểm soát đồng tiền do các “tai nạn” trong quản lý, dẫn tới việc vốn tháo chạy ra nước ngoài ở quy mô gây hại.

Một kịch bản như thế dường như có thể đã diễn ra trong vài tuần của mùa hè năm ngoái, và nó lại nổi lên như một mối đe dọa trong hai tuần đầu năm nay. Nhưng đến cuối tháng 1, quan điểm của thị trường đã quay đầu lại để ủng hộ sự bình ổn ở Trung Quốc. Sự bình ổn này có thể bị gián đoạn một lần nữa nếu nguồn dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc một lần nữa cho thấy mức giảm trong tháng cao, và nỗ lực của nhà chức trách nhằm quản lý sự giảm tốc của nền kinh tế  một cách quy củ vẫn sẽ là nguồn quan ngại lớn nhất của các thị trường tài chính trong nhiều năm tới. Nhưng nếu xem xét phản ứng của thị trường trong nửa sau của tháng 1, có vẻ nỗi lo về Trung Quốc đã giảm, ít ra cho đến bây giờ.

Nhận định này không thể áp dụng được cho nỗi lo lớn thứ hai của thị trường: sự sụp đổ của giá dầu. Từ lúc nhà đầu tư ngừng hoảng loạn về Trung Quốc, vào tuần thứ hai của tháng 1, thị trường chứng khoán khắp thế giới lại bắt đầu sụt giảm (và đôi khi hồi phục) đúng theo diễn biến giá dầu. Khác với nỗi lo hợp lý về Trung Quốc, quan điểm của thị trường về mối quan hệ giữa dầu và nền kinh tế thế giới đơn giản là không chính xác. Chỉ trong ngắn hạn thì mối tương quan giữa giá dầu và thị trường chứng khoán mới cùng hướng (tức giá dầu giảm làm thị trường chứng khoán giảm và ngược lại – NBT), còn trong dài hạn thì sẽ ngược hướng, và gần như chắc chắn sẽ như thế trong những năm sắp đến (tức giá dầu giảm làm thị trường chứng khoán tăng – NBT).

Khi giá dầu tụt ở mức 10% mỗi ngày, điều này chắc chắn sẽ gây nhiễu loạn trong ngắn hạn: mức chênh lệch tín dụng trong ngành khoáng sản và các ngành có liên quan tăng mạnh, và các nhà đầu tư đang gánh nợ buộc phải bán tháo tài sản để có thể đáp ứng các yêu cầu bảo chứng (margin call). May mắn thay, nỗi hoảng loạn của thị trường giờ đã giảm, khi giá dầu xuống mức thấp trong khoảng giá giao dịch 25-50 đôla, mức giá thích hợp với tình hình chính trị và kinh tế ngày nay. Bây giờ khi giá dầu đã ổn định ở mức giá dài hạn hợp lý, nền kinh tế thế giới và các doanh nghiệp không kinh doanh hàng hóa cơ bản sẽ hưởng lợi. Giá dầu giảm làm tăng mức thu nhập thực, kích thích tiêu dùng đối với các mặt hàng và dịch vụ không liên quan đến tài nguyên, và tăng mức lãi cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.

Tuy nhiên, mặc cho những lợi ích hiển nhiên, đa số các nhà đầu tư giờ dường như tin rằng giá dầu giảm sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hoạt động kinh tế, và điều này dẫn chúng ta đến nỗi lo thứ ba ám ảnh thị trương tài chính vào mùa đông này: một cuộc suy thoái của nền kinh tế toàn cầu hoặc của Mỹ. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy rằng giá dầu không phải là một tín hiệu hữu ích cho hoạt động kinh tế. Đúng ra, nếu những dịch chuyển trong giá dầu hữu ích trong dự báo kinh tế thì nó thể hiện ở chỗ giá dầu là một chỉ dấu ngược. Mỗi đợt suy thoái toàn cầu từ năm 1970 đến giờ đều xảy ra sau một đợt tăng giá dầu mạnh, còn bất kỳ đợt sụt giảm giá dầu nào lớn hơn 30% đều dẫn tới mức tăng trưởng tăng và giá cổ phiếu cao hơn. Quan điểm rộng rãi rằng giá dầu giảm là dấu hiệu cho suy thoái là một ví dụ rõ ràng của việc người ta tin rằng lần này sẽ khác – một niềm tin thường thống trị thị trường tài chính ở các thời điểm đỉnh hoặc đáy của các chu kỳ bùng nổ – suy thoái.

Cuối cùng, chúng ta có thể nói như thế nào về việc thị trường chứng khoán suy giảm như một dấu hiệu cho những rủi ro xảy ra suy thoái? Người ta có thể trích dẫn câu nói nỗi tiếng của nhà kinh tế học Paul Samuelson, rằng thị trường chứng khoán đã “báo trước chín trong số năm đợt suy thoái vừa qua” (tức dự báo sai, theo hướng thổi phồng tác động của suy giảm thị trường chứng khoán – NBT). Nhưng lại có một câu trả lời đáng lo ngại. Dù thị trường thường dự báo sai các sự kiện kinh tế, các kỳ vọng tài chính đôi khi sẽ ảnh hưởng đến những sự kiện đó. Kết quả là, thực tế có thể bị điều chỉnh cho phù hợp với kỳ vọng của thị trường, chứ không phải ngược lại.

Quá trình này, được gọi là sự “phản thân” (flexivity),[1] là một lực mạnh trong thị trường tài chính, đặc biệt trong những thời điểm bất ổn hoặc là khủng hoảng. Chừng nào sự phản thân hoạt động thông qua niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, nó sẽ không phải là một vấn đề lúc này, bởi sự sụp đổ giá dầu sẽ chống lại sự suy giảm của thị trường chứng khoán. Người tiêu dùng đang được hưởng lợi từ giá dầu rẻ nhiều hơn so với những gì họ mất từ giá chứng khoán, vì thế tác động ròng của những hỗn loạn tài chính gần đây lên tiêu dùng sẽ ở mức dương, và tiêu dùng mạnh hơn sẽ giúp doanh thu doanh nghiệp gia tăng.

Một nỗi lo lớn hơn là cách mà cơ chế “phản thân” hoạt động trong hệ thống tài chính. Các công ty năng lượng cỡ nhỏ phá sản, tuy không có nhiều tác động quan trọng về mặt kinh tế, nhưng chúng lại tạo nên sức ép lên tài chính toàn cầu và làm giảm nguồn tín dụng cho những doanh nghiệp khỏe mạnh và những hộ gia đình, những người đáng lẽ có thể là người  được hưởng lợi từ giá dầu rẻ. Những nỗi lo của việc chưa xảy ra (và có thể không bao giờ xảy ra) rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền đang có ảnh hưởng tiêu cực tương tự lên tín dụng tại các thị trường mới nổi. Cùng lúc đó, các nhà quản lý hệ thống ngân hàng đang tiếp tục thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay, dù cho tình hình kinh tế gợi ý rằng họ nên nới lỏng.

Nói tóm lại, tình hình nền kinh tế thế giới không cho thấy một đợt giảm tốc lớn hay suy thoái sẽ không thể tránh được hay có thể xảy ra. Nhưng một sự pha trộn chết người giữa những kỳ vọng tự trở thành hiện thực và những sai lầm chính sách có thể làm thực trạng kinh tế đi theo những tâm trạng ảm đạm đang phổ biến trong các thị trường tài chính.

Anatole Kaletsky là Kinh tế trưởng và đồng Chủ tịch của Gavekal Dragonomics, Chủ tịch Viện Tư duy Kinh tế Mới (The Institute for New Economic Thinking). Từng phụ trách mục bình luận tại Times of London, The New York Times và Financial Times, ông là tác giả cuốn sách Capitalism 4.0 và The Birth of a New Economy.

——————–

[1] “Flexivity” miêu tả quan hệ vòng tròn giữa nguyên nhân và kết quả, theo đó nguyên nhân dẫn tới kết quả và ngược lại. Trong thị trường tài chính, lý thuyết flexivity thể hiện trường hợp các định kiến của các nhà đầu tư có thể làm thay đổi các yếu tố nền tảng của thị trường, qua đó góp phần xác định các mức giá của thị trường (NBT).

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Three Fears Sinking Global Markets
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]