13/04/1941: Xô-Nhật ký hiệp ước bất tương xâm

Print Friendly, PDF & Email

824149_640

Nguồn:Japan and USSR sign nonaggression pact,” History.com (truy cập ngày 12/4/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1941, trong khuôn khổ Thế chiến II, các đại diện của Liên Xô và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận trung lập kéo dài 5 năm. Dù là kẻ thù truyền thống, hiệp ước trung lập này đã cho phép hai nước rút một số lượng lớn binh lính đang chiếm đóng các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Mãn Châu và Ngoại Mông để phục vụ cho những mục tiêu bức thiết hơn.

Hiệp ước Xô-Nhật được ký gần hai năm sau khi Liên Xô ký một thỏa thuận tương tự với Đức Quốc xã, chia đôi đa phần lãnh thổ Đông Âu giữa hai nước. Hiệp ước Molotov-Ribbentrop cho phép lãnh đạo Đức Quốc xã là Hitler điều động quân lính sang mặt trận phía Tây cho các cuộc phản công lớn trong giai đoạn 1939-1941, và cho lãnh đạo Xô viết Joseph Stalin thời gian để chuẩn bị đế chế của ông cho sự can dự không thể tránh khỏi vào Thế chiến II, điều ông đã dự đoán được từ trước.

Tuy nhiên, đến ngày 22 tháng 6 năm 1941, chỉ hai tháng sau khi Hiệp ước Xô-Nhật được ký, Hitler mở Chiến dịch Barbarossa, xâm lược Liên Xô. Stalin bị bất ngờ, và Wehrmacht (tức quân đội) Đức đã thâm nhập được sâu vào lãnh thổ Liên Xô, sát hại hàng triệu người Nga và tiếp cận những vùng ngoại ô của Moskva trước khi Hồng quân Liên Xô có thể bắt đầu một cuộc phản công hiệu quả. Nếu Nhật Bản tấn công miền Đông Liên Xô trong thời gian này, Liên Xô có thể sẽ thất thủ, nhưng Nhật Bản lại buộc phải tập trung mọi nguồn lực của mình để chống lại cuộc phản công lớn của Mỹ ở Thái Bình Dương mùa thu năm 1942.

Trong Hội nghị Yalta diễn ra đầu năm 1945, Joseph Stalin, trước sức ép từ Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, đã đồng ý tuyên chiến với Nhật Bản trong vòng ba tháng sau khi Đức đầu hàng. Ngày mùng 8 tháng 8 năm 1945, đúng như lời hứa của Stalin, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản (dù Hiệp ước Xô-Nhật chưa hết hiệu lực), và ngày hôm sau, Hồng quân Liên Xô bắt đầu xâm lược Mãn Châu. Cũng hôm đó, Mỹ đã ném quả bom nguyên tử thứ hai của mình xuống Nhật Bản, tàn phá Nagasaki như Hiroshima phải hứng chịu ba ngày trước đó. Phải đối mặt với sự lựa chọn hoặc bị hủy diệt hoặc phải đầu hàng, Nhật Bản đã chọn đầu hàng. Ngày 15 tháng 8, một tuần sau khi Liên Xô tuyên chiến, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố Nhật Bản đầu hàng trên đài phát thanh quốc gia, kêu gọi nhân dân Nhật Bản hãy “chịu đựng điều không thể chịu đựng.”