Tại sao các biện pháp trừng phạt Nga sẽ không hiệu quả?

Print Friendly, PDF & Email

640x-1

Nguồn: Andrei Kolesnikov, “Why Sanctions on Russia Don’t Work”, Project Syndicate, 28/03/2015.

Biên dịch: Trương Thị Thanh Hiền | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Phương pháp tiếp cận của phương Tây đối với Nga được xác định dựa trên giả thiết rằng tiếp tục gây áp lực đối với Nga sẽ làm cho chế độ của Tổng thống Vladimir Putin phải có những nhượng bộ và thậm chí là sụp đổ. Nhưng sự thật không phải như vậy.

Các giả định cơ bản về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của phương Tây là sự suy thoái nhanh chóng về kinh tế do các biện pháp này gây ra sẽ khiến cho công chúng Nga, đặc biệt là tầng lớp tinh hoa chính trị và tài chính, chống lại Điện Kremlin. Putin sẽ không thể chống lại sự bất đồng chính kiến đang gia tăng từ các khu vực thành thị giàu có và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh của đất nước.

Tiếp theo, quan điểm này cho rằng áp lực quân sự – dưới hình thức phương Tây có thể hỗ trợ các vũ khí sát thương cho Ukraine – tương tự sẽ huy động người dân Nga chống lại Putin. Không muốn nhìn thấy các con trai của mình chết vì Donbas, họ sẽ hình thành phong trào chống chiến tranh buộc ông Putin phải kiềm chế các tham vọng lãnh thổ của mình. Chịu sức ép cùng một lúc từ trên xuống và từ dưới lên, Điện Kremlin sẽ phải thay đổi chính sách của mình, và có lẽ thậm chí là bắt đầu dân chủ hóa.

Các nhà hoạch định chính sách phương Tây đã không hiểu rằng phương pháp tiếp cận như vậy thay vì có thể làm suy yếu chế độ thì lại làm cho người Nga đoàn kết hơn. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Nga nhận thức rằng áp lực và các biện pháp chế tài của phương Tây nhằm vào không chỉ Putin và những người thân tín của ông, mà còn nhằm vào nước Nga và các công dân của nó. Trong tháng Giêng, 69% người Nga ủng hộ chính sách của Điện Kremlin đối với vấn đề Ukraine, theo một cuộc thăm dò của Trung tâm Levada độc lập.

Chắc chắn, sự ủng hộ đối với Putin không phải là không thể phá vỡ; quả thật, có một sự nghi ngờ đang lan rộng về tình trạng tham nhũng trong chính phủ của ông. Nhưng người Nga có một truyền thống lâu đời về việc bảo vệ đồng bào của mình khỏi những người bên ngoài. Và trong trường hợp này, những đồng bào bị tấn công là Putin và chính phủ của ông.

Sự tuyên truyền của Nga đã đánh vào cảm xúc sâu sắc về chủ nghĩa dân tộc, kích động một cách khôn khéo những tình cảm và hình ảnh từ Thế Chiến II. Được biết đến trong nước với tên gọi Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, nỗ lực để bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược của người Đức vẫn còn thiêng liêng đối với nhiều người Nga. Đó là lý do tại sao Điện Kremlin đã kết hợp các thuật ngữ lịch sử có nghĩa xấu như “Phát xít” (Nazis) để chỉ giới tinh hoa chính trị hiện nay của Ukraine.

Xã hội Nga đã được quân sự hóa qua nhiều thập niên, nếu không nói là hàng thế kỷ. Sự sẵn sàng về mặt quân sự là một trong những giá trị chung quan trọng nhất ở Liên Xô– một tình cảm đã được thu gọn trong câu khẩu hiệu được in nổi bật trên các huy hiệu phát cho những trẻ em xuất sắc trong môn điền kinh: “Sẵn sàng cho Công việc và Quốc phòng.”

Chính trong bối cảnh này mà Putin có thể lợi dụng áp lực từ phương Tây làm một công cụ để lấy lại sự ủng hộ của nhiều người Nga, những người mà chỉ cách đây vài năm đã cảm thấy bị tách rời, nếu không muốn nói là bị xa lánh bởi chính phủ của ông. Với việc tồn tại một mối đe dọa có thật hoặc tưởng tượng đối với đất nước, những công dân Nga bình thường đã dành sự ủng hộ cho các nhà lãnh đạo của đất nước.

Tầng lớp trung lưu của Nga, chiếm khoảng 20-30% dân số, cũng không có khả năng gây ra nhiều mối đe dọa đối với Putin. Với nhiều thành viên của tầng lớp này, sự giàu có gần đây của họ là nhờ vào giá dầu cao và sự phục hồi kinh tế của những năm 2000, lòng trung thành đối với chế độ của Putin là một trong những đặc tính khó thay đổi của tầng lớp trung lưu ở Nga.

Các cuộc thăm dò ý kiến và nghiên cứu về xã hội học có xu hướng chỉ ra rằng một người càng có vị trí cao trong xã hội, thì càng có khả năng bỏ phiếu cho người đương nhiệm. Các động lực đằng sau hình mẫu bỏ phiếu như vậy rất đa dạng – một số cử tri đã trở nên giàu có nhờ sự phục hồi kinh tế, trong khi những người khác chỉ đơn giản là bằng lòng với tình trạng hiện tại. Nhưng điểm mấu chốt là những cử tri đó chứng tỏ lòng trung thành cơ bản đối với nhà nước và chế độ.

Thật vây, chỉ một phần nhỏ tầng lớp trung lưu đã tham gia các cuộc biểu tình vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012, hầu hết họ tập trung ở Moscow. Và dẫu sao, việc Putin đàn áp tàn nhẫn những người bất đồng chính kiến là không có gì bất ngờ. Ông đã siết chặt các đạo luật nhằm trấn áp xã hội dân sự, theo đuổi các vụ kiện chống lại những người biểu tình, và ngăn chặn hành động của Alexei Navalny, một chính trị gia đối lập đầy triển vọng. Những nỗ lực này đã có ảnh hưởng lâu dài đến các nhóm là tâm điểm của phong trào phản kháng.

Người Nga thuộc tất cả các tầng lớp xã hội đã cho thấy rằng họ thích thích ứng thụ động hơn là chống đối. Khi đối mặt với các áp lực kinh tế ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu Nga tránh xa sự can dự về chính trị. Tầng lớp lao động cũng không có gì khác biệt. Phương Tây ngày càng gia tăng sức ép của mình thì tình trạng này ngày càng ít có khả năng sẽ thay đổi.

Andrei Kolesnikov là thành viên cấp cao và là chủ tịch của Chương trình Thể chế Chính trị và Chính trị Nội bộ Nga tại Trung tâm Carnegie Moscow.