Giới tính và chủ nghĩa dân túy

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Daniel Gros, “Sex and Populism”, Project Syndicate, 05/09/2018.

Biên dịch: Nguyễn Tuấn Anh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tốc độ dân nhập cư đến châu Âu đang giảm đáng kể từ khi một số lượng lớn dòng người đổ về đây vào năm 2015. Thế nhưng nhập cư tiếp tục chi phối các cuộc thảo luận chính trị trên toàn EU. Điều này cho thấy là tình cảm dân túy chống nhập cư không hẳn chỉ xuất phát từ những tuyên bố  cho rằng giới chính trị gia dòng chính không bảo vệ được biên giới châu Âu.

Sự sụt giảm những người nhập cư mới bắt đầu trước khi những chính trị gia chống nhập cư lên nắm quyền ở Italia hay sức ép về nhập cư suýt lật đổ liên minh cầm quyền ở Đức. Kết quả này phần lớn nhờ những nỗ lực của EU, gồm thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn người Syria vượt qua đây để vào Hy Lạp, hợp tác với các lực lượng dân quân ở Lybia và gây sức ép mạnh mẽ nên những quốc gia thuộc vùng Sahara nằm trên hướng di cư phải đóng cửa biên giới. Nhờ những biện pháp này, trên thực tế châu Âu đã trở thành một cứ điểm chống nhập cư.

Vậy tại sao nhập cư tiếp tục là chủ đề được quan tâm hàng đầu của nhiều người châu Âu? Câu trả lời có thể qui về vấn đề kinh tế: những người đến đây trong năm 2015-2016 đã gây nên sự mất cân bằng thị trường lao động, với việc những người nhập cư kỹ năng thấp đang cạnh tranh ngày càng gay gắt để giành việc làm của dân bản địa kỹ năng thấp. Thực tế là trên hầu khắp châu Âu, những lao động kỹ năng thấp có phản ứng thù địch với người nước ngoài gay gắt nhất.

Nhưng có nhiều lí do để tin rằng thái độ chống nhập cư bắt nguồn từ không chỉ vấn đề kinh tế. Trước hết, thái độ chống nhập cư (đúng hơn là chống người nước ngoài) đang bắt đầu chuyển thành bạo lực, không chỉ ở Italia, nơi có những trường hợp xả súng nhằm vào người nhập cư, mà còn cả ở Đức, quốc gia nói chung là có an ninh ổn định.

Ở thành phố Chemnitz thuộc miền đông nước Đức, bạo động đã bùng phát giữa những người biểu tình cánh hữu với cảnh sát và những người chống biểu tình, sau khi một người Đức bị hai thanh niên đến từ Iraq và Syria sát hại. Chemnitz và khu vực xung quanh có sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho đảng cánh hữu Alternative für Deutschland (AfD), với hầu hết các cuộc tấn công người ngoại quốc diễn ra ở các bang mới thuộc Đông Đức trước đây.

Bạo lực và thất nghiệp không thể giải thích  tình trạng bất ổn này. Chemnitz là nơi cư trú của ít người nước ngoài hơn khi so sánh với những thành phố Đức có kích cỡ tương đương, và tình trạng tội phạm ở đây nói chung cũng đã được kiểm soát. Hơn thế, nạn thất nghiệp, vốn đang suy giảm trên toàn nước Đức, cũng không quá cao ở Chemnitz, ở mức 7%.

Tuy nhiên có cách giải thích hợp lí  khác ở đây, xuất phát từ biến chuyển tâm lý. Một xu hướng hiếm khi được đề cập trong các cuộc thảo luận về nhập cư là tình trạng nam giới chiếm tỉ trọng ngày càng gia tăng trong số người tị nạn và tìm kiếm tị nạn. Trong 3 năm qua, đàn ông trong độ tuổi 18-35 chiếm hơn 2/3 số người tìm kiếm tị nạn ở Đức. Dù người tị nạn chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ (2.5%) trong tổng dân số Đức, nhưng họ lại chiếm một tỉ lệ lớn hơn nhiều trong lực lượng nam thanh niên của nước này.

Tác động của điều này đặc biệt đáng lưu ý ở miền đông nước Đức, nơi đã có tình trạng mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ trong thế hệ trẻ với tỉ lệ 115/100 trong hầu khắp khu vực. Bởi các phụ nữ có học thức thường có xu hướng chuyển sang các bang Tây Đức để kiếm công việc lương cao hơn so với nam giới, điều này dẫn đến hệ quả là nhiều đàn ông trẻ tuổi ở Đông Đức khó có cơ hội tìm kiếm bạn đời hay lập gia đình.

Có nghiên cứu chỉ ra rằng khi số lượng đàn ông nhiều hơn nhiều so với phụ nữ, cuộc cạnh tranh căng thăng để kiếm bạn đời có thể dẫn đến bạo lực. Một ngiên cứu liên hệ chế độ đa thê, nơi những người người đàn ông địa vị thấp khó kiếm được vợ, với các cuộc nội chiến.

Hàm ý của thực tế này là tình trạng thù địch chống người nước ngoài ở miền đông nước Đức và có thể trên toàn châu Âu có lẽ bắt nguồn một phần từ phản ứng phòng vệ nguyên thủy của đàn ông địa phương muốn bảo vệ lãnh thổ của mình, gồm cả những phụ nữ ‘của họ’, khỏi những người đàn ông khác. Có thể không phải ngẫu nhiên mà Chemnitz, nơi có xu hướng bỏ phiếu ủng hộ các đảng cực đoan, lại có tỉ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất nước Đức trong số những người ở độ tuổi 20-40.

Không phải tất cả đàn ông đều chịu tác động như nhau bởi hiện trạng này. Vì phụ nữ có xu hướng kiếm bạn đời có địa vị kinh tế xã hội cao hơn, những người đàn ông ít học thức và thu nhập thấp hơn sẽ chịu tác động nhiều nhất về triển vọng đời sống tình cảm bởi làn sóng những người tìm kiếm tị nạn là nam giới. Thực sự, nhóm người này tỏ rõ sự chống đối với người nhập cư nhất.

Cần lưu ý, những vấn đề phát sinh từ mất cân bằng giới tính không thể được khắc phục bằng cách cải thiện giáo dục hay tái phân phối thu nhập, bởi xu hướng lựa chọn bạn đời có tính tương đối, không cố định. Những người dân địa phương có thu nhập và học vấn thấp nhất sẽ luôn rơi vào tình trạng tệ hơn khi họ phải cạnh tranh với những người nhập cư là nam giới trẻ tuổi.

Chắc chắn, mất cân bằng giới không phải là tác nhân duy nhất dẫn đến thái độ chống nhập cư, chưa nói tới chủ nghĩa dân túy nói chung. Nhưng sự chuyển biến tâm lý trong việc cạnh tranh giành bạn đời cộng thêm với các khía cạnh khác có thể giúp chúng ta hiểu rõ hiện tượng này, đồng thời giúp tiên đoán các cuộc bạo động dân sự sẽ nổ ra vào lúc nào và ở đâu.

Khó có thể làm được gì để thay đổi tình trạng mất cân bằng giới tính ở một nơi cụ thể nào đó. Thế nhưng, ngay cả khi vấn đề không thể “khắc phục,” thì hiểu biết về chúng có thể giúp chúng ta hạn chế thiệt hại, ít nhất là giúp các nhà lãnh đạo có thể tránh đưa ra những chính sách không hữu ích hay làm trầm trọng thêm căng thẳng. Ví dụ, việc ngăn cấm đoàn tụ gia đình (nhằm giới hạn số lượng người nước ngoài) có thể làm vấn đề thêm tồi tệ, bởi những người tị nạn là nam giới có khả năng sẽ tìm kiếm bạn đời mới trong cư dân địa phương nhiều hơn.

Các nước như Đức mới đây đã  chấp nhận một số lượng lớn người tị nạn nam giới trẻ tuổi sẽ phải giải quyết những hệ lụy xã hội phát sinh từ đó. Thực hiện hiệu quả điều này đòi hỏi  các nhà lãnh đạo của chúng ta phải thừa nhận rằng những thay đổi này không chỉ xuất phát từ vấn đề kinh tế.

Daniel Gros là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu tại Brussels. Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và là cố vấn kinh tế cho Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, thủ tướng và bộ trưởng tài chính Pháp. Ông là biên tập viên của tờ Economie Internationale và International Finance.

Copyright: Project Syndicate 2018