Nguồn: “Congress’s influence over foreign policy”, The Economist, 20/04/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hoàng Giang
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu, đề xuất Quốc Hội đưa ra quyết định cuối cùng về bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào đạt được với Iran; còn Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ đã quyết định rằng Quốc Hội nên bỏ phiếu “thuận hoặc không thuận” (up-or-down vote) về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và 11 quốc gia Thái Bình Dương khác.
Hầu hết người nước ngoài, và khá nhiều người Mỹ, vẫn cho rằng Tổng thống Mỹ là người điều hành chính sách đối ngoại của quốc gia. Điều đó là không đúng. Nhưng Quốc Hội cũng không chịu trách nhiệm hoàn toàn trong lĩnh vực đối ngoại. Điều mà Quốc Hội thường muốn là có được tiếng nói [trong vấn đề] trong khi lại từ chối chấp thuận các thỏa hiệp mà chính sách đối ngoại thường đòi hỏi. Vậy cơ quan lập pháp thực sự có ảnh hưởng gì lên các hoạt động đối ngoại của nước Mỹ?
Theo Hiến pháp, Quốc Hội có quyền tuyên bố chiến tranh, phê chuẩn các điều ước quốc tế và quản lý thu chi ngân sách. Như vậy nghĩa là Quốc Hội có quyền tối cao trong hoạt động đối ngoại. Nhưng trên thực tế, các Tổng thống lại có rất nhiều quyền lực khi phải đối phó với một sự kiện có diễn biến nhanh chóng.
Một ví dụ gần đây là chiến dịch không kích chống lại Nhà nước Hồi giáo, đã được Nhà Trắng tiến hành theo ủy quyền sử dụng vũ lực được Quốc Hội thông qua ngay sau những vụ tấn công ngày 11/09/2001. Các thành viên của Quốc Hội phàn nàn về điều đó, và Nhà Trắng đã cân nhắc tìm kiếm một nghị quyết mới. Tuy nhiên, Quốc Hội lại không muốn đưa ra quan điểm về vấn đề này. Phe Cộng Hòa nói chung quan ngại rằng cách diễn đạt của một nghị quyết như vậy sẽ quá yếu ớt, trong khi phe Dân Chủ nghĩ rằng một nghị quyết như vậy có thể là để mở quá mức, do đó cho phép Tổng thống tùy ý hành động.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran lại khác. Nó có diễn biến chậm chạp, khiến cho chính quyền của Tổng thống khó có thể nói rằng họ chỉ đang ứng phó với các sự kiện sao cho kịp thời. Và nó sẽ dẫn đến một hiệp ước. Tuy nhiên, tiền lệ ở đây lại khó hiểu: hầu hết các thoả thuận quốc tế của Mỹ trở thành luật sau khi Nhà Trắng ban hành một sắc lệnh hành pháp (executive order) thay vì sau khi được Quốc Hội phê chuẩn. Dù vậy, những hiệp ước có tầm quan trọng lớn và gây nhiều tranh cãi vẫn được trình lên trước Quốc Hội. Quốc Hội đã từ chối phê chuẩn Hòa ước Versailles hồi cuối Thế Chiến I, và gần đây hơn là từ chối phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử Vũ khí Hạt nhân Toàn diện, đã được Tổng thống George H. W. Bush ký vào năm 1992 nhưng vẫn chưa có hiệu lực (đối với Hoa Kỳ).
Người ta thường cho rằng các Tổng thống vào nhiệm kỳ thứ hai sẽ tìm kiếm những thành tích về chính sách đối ngoại bởi họ đã không còn khả năng tái tranh cử (nên ít bị ràng buộc bởi chính trị trong nước – NBT). Cho đến nay, Quốc hội đã cản trở một số kế hoạch mà Barack Obama có lẽ đã định biến thành thành tựu để đời của mình (trong đó có việc đóng cửa các căn cứ giam giữ tại Vịnh Guantanamo) nhưng lại thất bại khi ngăn chặn những kế hoạch khác (như việc bình thường hóa quan hệ với Cuba).
Trong năm nay, sẽ còn những trận chiến khác giữa Tổng thống và Quốc Hội. Trong nhiều vấn đề, có một cách dễ hiểu hơn (và đáng buồn là cũng đúng hơn) để hiểu cách mà Quốc Hội lựa chọn vấn đề nào để gây khó dễ với Tổng thống: xem xét xem vấn đề đó sẽ gây ra cho Tổng thống những rắc rối như thế nào. Trong hoạt động đối ngoại thì điều đó mới là mấu chốt, chứ không phải là số lượng chính xác máy ly tâm hay cắt giảm thuế xuất khẩu thịt bò.