Đây mới là cuộc chiến thực sự của lính Mỹ ở Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Andrew Wiest, “Charlie Company and the Small-Unit War”, The New York Times, 16/05/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chiến dịch Cedar Falls. Chiến dịch Junction City. Chiến dịch Scotland. Với sự hiện diện của gần 500.000 lính Mỹ tính đến cuối năm, năm 1967 thường được nhớ đến là thời điểm mà Tướng William Westmoreland gây áp lực chiến tranh lên kẻ thù thông qua các chiến dịch lớn khắp miền Nam Việt Nam. Từ Chiến khu C đến Đăk Tô đến Cồn Tiên, giao tranh ác liệt trong các trận đánh lớn đã thống trị mọi trang nhất báo chí Mỹ. Năm ấy, lực lượng Hoa Kỳ có 9.377 người chết và 12.716 người bị thương, gần gấp đôi con số của năm trước đó.

Nhưng thực tế Chiến tranh Việt Nam đối với hầu hết lính Mỹ lại hoàn toàn khác. Đối với họ, chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến mà người lính bị kiệt sức trong hành trình dai dẳng tìm kiếm những kẻ thù không muốn bị phát hiện, cày xới khắp những đồng lúa, sục sạo trong những khu rừng rậm, những túp lều. Nhưng thường thì các đợt tuần tra đơn thuần chỉ là những “cuộc đi bộ dài dưới ánh mặt trời nóng nực”, có thể giúp họ bắt được một số người tình nghi là Việt Cộng, nhưng tuyệt nhiên chẳng có cuộc đối đầu nào. Cũng có thể có những người lính bị dính bẫy, mất một chân chỗ này, một chân chỗ nọ. Hay có thể là vài vụ bắn tỉa nho nhỏ.

Còn những trận chiến thực sự là tương đối ít, và nếu có xảy ra, chúng cũng thường khá nhỏ, chứ không phải như những gì xuất hiện trên các trang tin tức. Tất cả tạo nên chuỗi ngày đơn điệu của những người lính bộ binh tác chiến tại Việt Nam. Đối với hầu hết các binh sĩ, Việt Nam là một cuộc chiến tranh đơn vị nhỏ, một cuộc chiến luẩn quẩn, một cuộc chiến được hiểu rõ nhất là ở cấp độ con người – cấp độ mà mọi cuốn sách và mọi bộ phim chẳng thể miêu tả trọn vẹn. Đó là một cuộc chiến của cá nhân, trong đó may rủi nghĩa vụ quân sự khiến nhiều người trẻ phải đánh đổi mạng sống, khiến tương lai vỡ vụn và ước mơ tan tành.

Đó là câu chuyện của Don Peterson. Sinh năm 1947 ở Salinas, California, Don là điển hình của thế hệ Baby Boomer (sinh ra sau Thế chiến II). Cha anh, Pete, làm việc trong ngành xây dựng và là một kẻ nghiện rượu, nhưng may mắn thay gia đình anh vẫn thuộc tầng lớp trung lưu. Nổi tiếng khắp trường trung học và là ngôi sao trong đội tuyển bóng bầu dục, Don mơ ước lớn lên sẽ trở thành một thợ sơn như cha và có thể bắt đầu một gia đình của riêng mình.

Jacque McMullen trong lễ tốt nghiệp. Cô kết hôn cùng Don Peterson sau lễ tốt nghiệp, khi mới 17 tuổi.

Năm thứ hai ở trường trung học, Don nhận được lời mời đến vũ hội Sadie Hawkins từ Jacque McMullen, một cô gái anh gần như không quen biết. Jacque là một người đẹp tóc vàng cực kỳ nổi tiếng, và đương nhiên, Don hào hứng chấp nhận lời mời. Chẳng mấy chốc, cả hai hẹn hò và cùng nhau tận hưởng những chuyến đi dạo bên bờ biển, lướt sóng, chèo thuyền trong lúc nghe nhạc Beatles và uống những chai bia mà họ chưa đủ tuổi để mua. Sau khi tốt nghiệp, năm Don 19 tuổi và Jacque 17 tuổi, họ kết hôn trong ngôi nhà của ông bà Don. Hai vợ chồng tìm được một căn hộ nhỏ, và vào mùa xuân năm 1966, Jacque trở về nhà từ phòng khám với tin vui bất ngờ rằng mình đang mang thai, chỉ để rồi gặp Don đứng trân trân nhìn hộp thư trước cửa, không tin vào mắt mình khi thấy tờ thông báo nghĩa vụ quân sự.

Jacque theo Don đến Fort Riley, Kansas, nơi họ ở chung một ngôi nhà nhỏ với hai cặp vợ chồng khác từ Sư đoàn Bộ binh số 9 mới được tái hoạt động. Mặc dù ngôi nhà nhỏ đến mức chiếc tủ quần áo lớn cũng phải chuyển thành chỗ sinh hoạt, nhưng ai nấy đều vui vẻ. Jacque được trải nghiệm trở thành một bà nội trợ và học các mẹo nấu ăn từ những người bạn cùng phòng, trong khi khóa huấn luyện cơ bản giúp Don có được hình thể tốt nhất của mình.

Tuy nhiên, Việt Nam đã trở nên quá thật vào cái ngày Don đưa Jacque về Montgomery, Alabama, sống cùng với mẹ và cha dượng, còn bản thân thì chuẩn bị lên đường. Con trai của họ, James, được sinh ra trong những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Giáng sinh. Nặng tầm 4,1 kg, Jimmy là một đứa bé to khỏe, và Don ngay lập tức mơ về tương lai cầu thủ của cậu con trai. Nhưng anh chỉ kịp bế bé trên tay một giờ trước khi phải bắt tàu để trở về Fort Riley. Khi chồng quay lưng rời đi, Jacque rơi nước mắt: “Anh đừng xung phong chạy ra và cố gắng trở thành anh hùng. Hãy giữ lấy mạng sống mình. Mẹ con em cần anh!”

Ngày 15/05/1967, đơn vị của Don – Đại đội Charlie, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Bộ binh 47 – đang trải qua một ngày bình thường như bao ngày, săn lùng Việt Cộng. Nhưng hẳn là Don đã có linh cảm. Thường thì những lá thư anh gửi cho Jacque chẳng có gì ngoài sự lạc quan, với những câu hỏi về bé Jimmy và những câu chuyện về bạn bè trong doanh trại anh dành kể cho vợ. Nhưng vào ngày 10/05, lá thư của Don rất khác biệt, khác biệt đến đáng ngại. “Anh chết mất. Hãy đưa anh ra khỏi đây.”

Ngày 15/05, đến lượt nhóm của Don, Tiểu đội 2 của Trung đội 1, đi tuần ở hàng đầu trong khi Đại đội Charlie băng qua một cánh đồng lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Một loạt đạn bắn tỉa bất ngờ xuất hiện. Charlie Nelson quay sang Don, “Tôi ngờ rằng đây là một cái bẫy?” Nhưng chẳng còn cách nào khác, Tiểu đội 2 vẫn phải tiến lên làm trinh sát cho đường hành quân của Đại đội Charlie. Khi họ đến giữa cánh đồng, khi cách xa đại đội và không còn được bảo vệ, hỗn loạn xảy đến.

Hỏa lực tập trung bắt đầu bắn ra từ một đại đội Việt Cộng đang nấp dưới boongke, tạo thành một vị trí phục kích hình chữ L. Bị áp đảo hoàn toàn, Tiểu đội 2 nhanh chóng tìm nơi ẩn nấp, thương vong ngay lập tức xảy đến. Charlie Nelson bị bắn xuyên cằm, gãy xương bánh chè. Dave Jarczewski vội vã đến bên cạnh để băng bó vết thương cho đồng đội, chỉ để rồi bị trúng một viên đạn vào vai – nó cắt qua thân giữa, đâm thủng phổi và làm gãy năm xương sườn trước khi thoát ra khỏi lưng anh. Còn Carl Cortright thì bị bắn xuyên qua cột sống và cứ nằm đó tê liệt.

Phần còn lại của tiểu đội cố gắng chiến đấu hết sức có thể, nhưng họ đã bị mắc bẫy. Và Don biết điều đó. Có lẽ đó là khi những lời chia tay của Jacque văng vẳng bên tai; hoặc có lẽ chỉ đơn thuần là bản năng. Nhưng Don đã quyết định hành động để cứu bạn bè mình. Anh hét lên, “Các cậu chạy ngay đi, có tôi bọc hậu rồi.” Don ngay lập tức đứng dậy, chạy đến boongke của kẻ thù với khẩu M-16 ở chế độ liên thanh. Những người đàn ông còn lành lặn của Tiểu đội 2 liền dùng hết sức lực để chạy tìm chỗ an toàn, nhưng chỉ vài giây sau, Don đã trúng đạn. Anh chỉ kịp hét lên, “Ngực tôi! Ngực tôi!” rồi đổ gục giữa cánh đồng.

Suốt ngày hôm ấy, phía Việt Cộng và phần còn lại của Đại đội Charlie đã quần nhau phía trên và xung quanh những người lính thương vong của Tiểu đội 2. Đại đội Charlie có tổng cộng 14 người bị thương và một người chết vào ngày hôm đó, trong khi những người lính Việt Cộng nằm chết rải rác quanh khu vực, có lẽ vào khoảng 100 người – một cái giá quá đắt khi đối đầu hỏa lực Mỹ. Nhìn từ bất cứ góc độ nào, đó cũng là một chiến thắng rõ ràng cho phía người Mỹ.

Đó là một cuộc giao tranh quá nhỏ để được ghi nhận, hay được đưa tin trên bất kỳ tờ báo nào ở quê nhà. Nhưng khi các thành viên của Đại đội Charlie tập trung quanh thi thể của Don Peterson đêm đó, chiến tranh đã trở nên quá thật. Don đã luôn là một sự hiện diện vĩ đại trong đơn vị. Anh là khuôn mặt tươi cười đã mang mọi người xích lại gần nhau, là người lính liên tục vỗ lưng đồng đội mà khoe bức ảnh mới nhất của cậu nhóc Jimmy. Anh là người đàn ông có nhiều lý do để sống sót nhất trong Đại đội Charlie, và giờ anh đã không còn. Thân xác anh sẽ được đưa lên một chiếc trực thăng và đi mãi. Chẳng bao giờ được nhìn thấy một lần nữa.

Thời điểm mà chiếc trực thăng cất cánh cũng là lúc ai nấy bắt đầu dằn vặt. Một vài người cảm thấy tội lỗi. Đáng ra họ đã có thể cứu anh? Đáng ra họ nên dũng cảm bắn trả kẻ thù và cố gắng đến gần người bạn đã ngã gục? Những kẻ khác lại trải qua một cảm giác nhẹ nhõm khó chịu. Don đã chết, nhưng họ vẫn còn. Thật tệ rằng Don đã ra đi, nhưng chí ít nhất họ vẫn còn sống sót. Dù vậy, có rất ít thời gian để suy nghĩ. Sáng hôm sau họ đã phải xách ba lô lên và đi tiếp. Có hay không có Don Peterson, cuộc chiến vẫn tiếp tục.

Ngày 15/05/1967 ở Mỹ chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác. Trong lịch sử Chiến tranh Việt Nam, nó cũng chỉ là một ngày bình thường. Nhưng đối với một đơn vị ở Đồng bằng Sông Cửu Long thì đó là ngày không thể nào quên. Đó là ngày mà mọi người mất đi một người bạn thân. Đó là ngày mà nhiều người được gửi đến bệnh viện, và vài trong số ấy phải mất cả đời để phục hồi. Đó là ngày khiến một số người phải vật lộn với sự thật rằng họ đã trở thành kẻ giết người. Đó là ngày không đáng kể về mặt chiến lược, nhưng ở cấp độ con người, đó là ngày của những mảnh đời bị lãng quên trong một cuộc chiến đơn vị nhỏ đầy tuyệt vọng.

Andrew Wiest là giáo sư lịch sử tại Đại học Nam Mississippi và là tác giả cuốn “The Boys of ’67: Charlie Company’s War in Vietnam.”

Hình: Don Peterson. Nguồn: Jacque Peterson/NYT.