Trận Tết Mậu Thân chỉ là bước khởi đầu

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Edwin Moise, “The Tet Offensive Was Just the Beginning”, The New York Times, 01/02/2018.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chiến dịch Tết Mậu Thân, làn sóng tấn công của cộng sản trên khắp miền Nam Việt Nam, bắt đầu vào ngày 30 và 31/01/1968. Chiến dịch này đã phần nào tạo được bất ngờ. Các chỉ huy người Mỹ biết rằng một điều gì đó đang đến gần, nhưng họ đã không mong đợi một kiểu tấn công lan rộng như vậy.

Một phần là vì họ đã đánh giá thấp cả quy mô lẫn khả năng chịu đựng giao tranh quy mô lớn của lực lượng Cộng sản. Ngày 01/02, Tướng William Westmoreland nói rằng địch đã “sắp hết hơi” (about to run out of steam.) Sau đó, ông tái khẳng định, kẻ thù đã nhanh chóng hết hơi, rằng “ở hầu hết mọi nơi, trừ ngoại ô Sài Gòn và Huế, giao tranh đã kết thúc chỉ sau hai hoặc ba ngày.”

Nhiều người đã chấp nhận quan điểm này – Tết Mậu Thân là một chiến dịch dồn dập nhưng tương đối ngắn ngủi. Và nó chẳng thể ngang bằng được đội quân nhiều kinh nghiệm mà Westmoreland đang chỉ huy.

Đợt tấn công đã chuyển hướng khỏi hầu hết các thị trấn và thành phố từ khá sớm, và ra khỏi Sài Gòn và Huế trước cuối tháng Hai. Nhưng nó chẳng đi đâu xa. Cộng sản tiếp tục duy trì thế tấn công, thay vì rút lui về căn cứ. Chỉ có trận đánh đẫm máu kéo dài nhiều tuần ở Huế là điều bất thường. Thực tế, ở nhiều nơi, giao tranh giữa quân đội Mỹ và cộng sản đạt tới mức dữ dội nhất chỉ sau khi quân Cộng sản ra khỏi vùng trung tâm thành phố.

Khoảng 400 người Mỹ đã bị giết trong tuần lễ mà trận Tết Mậu Thân bắt đầu, nhiều hơn bất kỳ tuần lễ nào trước đó trong cuộc chiến. 400 người khác bị giết trong tuần tiếp theo. Nhưng điều tồi tệ nhất còn chưa đến. Làn sóng đầu tiên của trận Tết Mậu Thân chủ yếu nhắm vào các thị trấn và thành phố, tức là nhắm vào các lực lượng của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Nhiều đơn vị lính cộng sản đã chọn cách né tránh lính Mỹ thay vì tấn công trực diện.

Sau đó, trong bốn tuần lễ tiếp theo, từ 11/02 đến 09/03, Mỹ phát động giai đoạn phản công rộng khắp, và đã có 500 lính Mỹ thiệt mạng mỗi tuần. Sang giữa tháng 03, giao tranh đã nguội bớt, nhưng vẫn ở mức cao bất thường. Tính đến cuối tháng 03 và tháng 04, tỷ lệ lính Mỹ chết khi chiến đấu vẫn cao hơn 50% so với mức trung bình của năm 1967.

Nhìn chung, lực lượng Mỹ ở miền Nam Việt Nam thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi nào suốt ba tháng kể từ khi đợt tấn công bắt đầu, ngay cả khi cộng sản lo tái tập hợp lực lượng cho một đợt tấn công khác vào đầu tháng 05.

Người Mỹ thường xem nhẹ đợt tấn công tháng 5; họ gọi nó là Tết Mậu Thân mini (Mini-Tet). Nó thậm chí còn chẳng có được sự bất ngờ mà chiến dịch Tết Mậu Thân đã có, vậy nên cũng chẳng thể đạt được những thành công quan trọng. Nhưng không có gì là mini ở đây cả. Tháng 05/1968 là tháng đẫm máu nhất trong cuộc chiến đối với quân Mỹ, với 2.169 người thiệt mạng, và thậm chí trong nửa đầu tháng 6, số người chết vẫn cao hơn mức trước Mậu Thân.

Những người cộng sản, tất nhiên, còn mất mát nhiều hơn thế. Một số nhà phân tích sau này đã chỉ trích Mỹ vì không tung ra một cuộc phản công sau Tết Mậu Thân, với cơ sở rằng phe cộng sản đã quá yếu, đến nỗi chẳng thể tiếp tục những trận đánh dữ dội, nhưng vấn đề là người Mỹ vì quá sốc bởi trận Tết Mậu Thân nên đã mất ý chí để tiếp tục đi đến chiến thắng chung cuộc. Westmoreland viết rằng Tổng thống Lyndon Johnson “phớt lờ câu châm ngôn rằng khi kẻ thù đang tổn thương, đừng  giảm bớt áp lực mà phải tăng nó lên.” Nhiều tác giả gần đây cũng nói rằng Johnson tìm cách hạ nhiệt trận chiến như một cách đáp lại Tết Mậu Thân.

Bản thân Johnson cũng đã đặt nền tảng cho quan niệm này qua bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 31/03/1968, trong đó ông tuyên bố rằng mình sẽ không tái tranh cử. Tổng thống nói rằng, trong một nỗ lực để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình, ông sẽ “giảm bớt đáng kể mức độ thù địch hiện tại.”

Nhưng đó không phải là sự thật. Johnson vẫn cam kết cho một chiến thắng của người Mỹ. Ông chỉ quan tâm đến một thỏa thuận hòa bình, trong đó những người cộng sản từ bỏ nỗ lực giành quyền kiểm soát miền Nam Việt Nam. Và để khiến họ chấp nhận một dàn xếp như vậy, ông đã ngày càng tăng, chứ không phải giảm, áp lực quân sự lên họ.

Johnson đã không gửi đến Việt Nam đoàn quân tiếp viện hơn 200.000 người mà các tướng lĩnh của ông đề nghị. Nhưng ônggửi quân tiếp viện. Khoảng 498.000 sĩ quan quân đội Mỹ có mặt tại Việt Nam khi trận Tết Mậu Thân bắt đầu vào cuối tháng 01. Con số này tăng lên 515.000 người vào thời điểm bài phát biểu của Johnson hai tháng sau đó, và sẽ tăng lên 536.000 người vào hai tháng tiếp theo.

Họ đã chiến đấu hết mình, và Johnson luôn thúc giục họ. Ngay cả vào mùa thu, sau khi Tướng Creighton Abrams thay thế Westmoreland làm Tổng Tư lệnh tại Việt Nam, thì mệnh lệnh của Johnson cho Abrams cũng là: “Không ngừng truy đuổi kẻ thù. Đừng cho chúng một phút nghỉ ngơi. Cứ tiếp tục tấn công. Hãy để kẻ thù cảm nhận sức nặng của mọi thứ mà anh có trong tay.”

Ông cũng ra lệnh leo thang trong việc sử dụng không lực. Trước Tết Mậu Thân, lượng bom lớn nhất mà người Mỹ từng thả xuống Đông Dương trong một tháng là 83.000 tấn. Nhưng đầu tháng 03/1968, một tháng trước bài phát biểu của Johnson, con số này là 97.000 tấn. Sau đó tiếp tục tăng lên hơn 110.000 tấn/tháng trong vòng năm tháng tiếp theo, từ tháng 04 đến tháng 08.

Nhưng Johnson đã phải đối mặt với những lời chỉ trích, phần lớn là từ chính nội bộ Đảng Dân chủ, rằng chính sách của ông ở Việt Nam là bạo lực mà thiếu đầu óc. Thế nên ông mới không nói rằng mình đang tăng cường lực lượng đánh bom. Thay vào đó, ông nói rằng đang thu hẹp diện tích mà bom Mỹ sẽ rơi xuống. Ông chọn sử dụng thứ ngôn ngữ mơ hồ dễ gây hiểu lầm để khiến kẻ khác tin rằng mình thực sự đang thu nhỏ diện tích ném bom.

Giao tranh trên mặt đất đã không còn quá căng thẳng kể từ giữa năm 1968, không còn dữ dội như từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 6. Nhưng người Mỹ vẫn tiếp tục chiến đấu và những người cộng sản đã kháng cự lại, đủ để tạo ra những thời kỳ giao tranh dữ dội đáng kể.

Trong số 12 tháng đẫm máu nhất của Chiến tranh Việt Nam, tức khoảng thời gian chứng kiến con số lính Mỹ thiệt mạng khi chiến đấu cao nhất, có tới 8 tháng là sau bài phát biểu của Johnson. Bốn trong số tám tháng đó là vào năm 1969, sau khi Richard Nixon trở thành Tổng thống.

Trong những tháng đầu nhiệm kỳ, Nixon đã tiếp tục chính sách đánh bom và tấn công quy mô lớn của Johnson. Và phải đến nửa sau năm 1969, lượng bom được sử dụng ở Đông Dương, số lượng nhân viên quân sự người Mỹ ở miền Nam Việt Nam, và sự sẵn sàng của các chỉ huy Mỹ trong việc tiếp tục tình trạng thương vong nặng nề sau các chiến dịch mặt đất dữ dội, cuối cùng mới bắt đầu suy giảm.

Edwin E. Moïse là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Clemson và tác giả cuốn sách The Myths of Tet: The Most Misunderstood Event of the Vietnam War.”

Tại sao Mỹ bất ngờ trước trận Tết Mậu Thân?