Nguồn: “India joins the nuclear club,” History.com (truy cập ngày 17/5/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày 18 tháng 5 năm 1974, trên sa mạc Thar (còn gọi là Rajasthan) thuộc địa phận Pokhran, Ấn Độ đã thử thành công vũ khí hạt nhân đầu tiên của mình, một quả bom phân hạch có sức nổ tương đương quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima, Nhật Bản.
Cuộc thử nghiệm rơi vào lễ kỉ niệm ngày Đức Phật giác ngộ, và sau vụ nổ Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đã nhận được một lời nhắn “Đức Phật đã mỉm cười” từ các nhà khoa học tiến hành cuộc thử nghiệm.
Cuộc thử nghiệm, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thứ sáu trên thế giới, đã phá vỡ sự độc quyền hạt nhân của năm thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Hoa Kỳ, Liên Xô, Vương quốc Anh, Trung Quốc, và Pháp.
Do có nhiều tranh chấp lãnh thổ biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ đã từ chối ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968. Lo sợ một cuộc chiến tranh thứ hai với Trung Quốc và một cuộc chiến thứ tư với Pakistan, Ấn Độ đã tích cực tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe trong những năm 1970.
Vụ thử bom nguyên tử thành công lần đầu tiên của Ấn Độ vào ngày 18 tháng 5 năm 1974 đã bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mở rộng giữa Ấn Độ và Pakistan dù không có thêm vụ thử hạt nhân nào khác mà thay vào đó là sự phát triển của các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa của cả hai nước.
Đến ngày 11 tháng 5 năm 1998, Ấn Độ tiếp tục thử nghiệm hạt nhân, dẫn đến các chỉ trích gay gắt từ quốc tế và việc Pakistan thử nghiệm thành công quả bom hạt nhân đầu tiên của mình vào cuối tháng 5 cùng năm.
Ảnh: Hố bom do quả bom nguyên tử đầu tiên của Ấn Độ tạo ra sau vụ nổ. © http://nuclearweaponarchive.org/.