Nguồn: Dani Rodrik & Sharun Mukand, “The Puzzle of Liberal Democracy,” Project Syndicate, 13/05/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Gần hai thập niên trước, nhà bình luận chính trị Fareed Zakaria đã viết một bài báo mang tính tiên tri có nhan đề “Sự trỗi dậy của nền Dân chủ Phi tự do”, trong đó, ông lo lắng về sự nổi lên của những kẻ chuyên quyền được lòng dân nhưng ít quan tâm đến pháp quyền và các quyền tự do dân sự. Các chính phủ có thể được bầu lên một cách tự do và công bằng, ông viết, nhưng vẫn thường xuyên vi phạm các quyền cơ bản của công dân họ.
Kể từ khi bài báo của Zakaria ra đời, các nền dân chủ phi tự do đã trở nên bình thường hơn chứ không còn là ngoại lệ. Theo báo cáo của tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House), hơn 60% các quốc gia trên thế giới có nền dân chủ bầu cử – chế độ mà trong đó các đảng chính trị cạnh tranh và lên nắm quyền thông qua các cuộc bầu cử thường xuyên được lịch trình sẵn – tăng từ khoảng 40% vào cuối những năm 1980. Nhưng đa số các nền dân chủ này đều không đảm bảo được sự bảo vệ bình đẳng trước pháp luật.
Thông thường, các nhóm thiểu số (về dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, hoặc vùng miền) sẽ phải chịu đựng gánh nặng của các chính sách và hành động phi tự do. Nhưng các nhóm phản đối chính quyền thuộc phe chính trị nào cũng đều có nguy cơ bị kiểm duyệt, bắt bớ, hay bỏ tù sai trái.
Dân chủ tự do dựa trên ba nhóm quyền riêng biệt là quyền sở hữu, quyền chính trị, và quyền dân sự. Nhóm quyền đầu tiên bảo vệ các chủ sở hữu và các nhà đầu tư khỏi bị tước đoạt tài sản. Nhóm quyền thứ hai đảm bảo các nhóm giành chiến thắng trong bầu cử có thể nắm quyền và lựa chọn chính sách theo ý muốn của mình – với điều kiện những chính sách này không vi phạm hai nhóm quyền còn lại. Cuối cùng, các quyền dân sự đảm bảo sự đối xử bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục.
Cả quyền sở hữu và quyền chính trị đều có đối tượng thụ hưởng là những người có quyền lực. Nhóm quyền sở hữu là mối quan tâm chủ yếu của giới tinh hoa – các chủ sở hữu và các nhà đầu tư. Tuy tương đối ít về số lượng, họ vẫn có thể huy động các nguồn lực vật chất nếu không đạt được ý muốn. Họ có thể đầu tư vào nơi khác, hoặc chọn không đầu tư – tức là đặt gánh nặng chi phí đáng kể lên phần còn lại của xã hội.
Nhóm quyền chính trị là mối quan tâm chủ yếu của quần chúng nhân dân có tổ chức – giai cấp công nhân hay sắc tộc đa số, tùy thuộc vào cấu trúc và phân chia giai cấp trong xã hội. Thành viên của nhóm này có thể tương đối nghèo, nhưng họ chiếm đa số. Họ có thể đe dọa giới tinh hoa bằng các cuộc nổi dậy và quốc hữu hóa.
Ngược lại, đối tượng thụ hưởng chính của các quyền dân sự lại thường là những nhóm thiểu số và không giàu có. Người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, người Romania ở Hungary, những người theo chủ nghĩa tự do ở Nga, hay thổ dân ở Mexico thường có ít quyền lực trong đất nước của họ. Yêu cầu của họ về quyền bình đẳng do đó không có hiệu lực như yêu cầu về quyền sở hữu và quyền chính trị.
Các lý thuyết có nội dung giải thích nguồn gốc lịch sử của nền dân chủ đã bỏ qua sự bất đối xứng giữa các nhóm yêu sách các dạng quyền khác nhau. Những lý thuyết này xoay quanh sự thương lượng giữa giới tinh hoa có tài sản và nhân dân lao động: khi phải đối mặt với mối đe dọa nổi dậy, giới tinh hoa mở rộng quyền chính trị và cho phép quần chúng được bỏ phiếu. Đổi lại, quần chúng – hoặc các đại diện của họ – đồng ý không tước đoạt tài sản của giới tinh hoa.
Tất nhiên, giới tinh hoa thích một chế độ chuyên chế mà họ độc quyền cai trị và bảo vệ các quyền lợi riêng của họ, chứ không phải của ai khác. Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, họ có cách để đạt được điều này.
Một cuộc thương lượng dân chủ chỉ trở nên khả thi khi quần chúng có thể tổ chức và huy động lực lượng vì những lợi ích chung. Điều này khiến cho cả mối đe dọa nổi dậy của họ trước khi thương lượng và lời hứa bảo vệ quyền sở hữu sau đó đều trở nên đáng tin. Trong lịch sử, những cuộc vận động như thế là sản phẩm của công nghiệp hóa và đô thị hóa, chiến tranh, hay đấu tranh chống thực dân.
Nhưng các cuộc thương lượng này, với bản chất của chúng, lại tạo ra các nền dân chủ bầu cử chứ không phải các nền dân chủ tự do. Những nhóm thiểu số bị tước đoạt và phụ thuộc nhiều nhất vào quyền dân sự lại không có vai trò gì trong quá trình chuyển tiếp dân chủ, bởi lý do đơn giản là họ thường không có con bài nào để mang lên bàn thương lượng. Vì vậy, thương lượng dân chủ mang lại quyền sở hữu và quyền chính trị, nhưng lại hiếm có quyền dân sự.
Nhìn từ góc độ này, bài toán không phải là tại sao dân chủ lại thường xuyên trở nên phi tự do, mà là dân chủ tự do có thể thực sự xuất hiện hay không.
Một nhóm tình huống có lợi cho dân chủ tự do là khi không có sự phân biệt chủng tộc rõ ràng hay những sự phân chia bản sắc khác giữa những người không thuộc giới tinh hoa. Tính đồng nhất văn hóa và xã hội có nghĩa là nhóm chiếm đa số không thể phân biệt đối xử với bất kỳ một nhóm thiểu số rõ ràng nào. Gần đúng với nguyên mẫu này là các nước Scandinavia trước đây, và gần hơn là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Một tình huống khác đem lại kết quả tương tự là khi có sự phân chia đa dạng và chồng chéo. Nếu không có sự phân biệt rõ ràng giữa đa số và thiểu số, mỗi nhóm nắm quyền có thể sẵn sàng công nhận các quyền của nhóm khác vì sợ rằng chính họ có thể phải đối mặt với một giai đoạn mất đi quyền lực trong tương lai. Đây là loại cân bằng bấp bênh (mà ví dụ như nền dân chủ “hiệp thương” [“consociational”] của Li-băng dựa vào) – cho đến khi tốc độ tăng trưởng dân số khác biệt và sự can thiệp của bên ngoài làm cho nó mất cân bằng.
Khả năng thứ ba là sự phân biệt dân tộc hay chủng tộc rõ rệt nhất lại trùng với sự phân chia giữa quần chúng với giới tinh hoa có tài sản. Ví dụ như ở Nam Phi, những người da trắng vừa là giới tinh hoa, vừa là chủng tộc thiểu số. Khi chính phủ Apartheid đàm phán với Đại hội Dân tộc Phi (ANC) trước quá trình chuyển đổi dân chủ năm 1994, họ đã đòi hỏi (và đã nhận được) quyền sở hữu và quyền dân sự cho người thiểu số da trắng để đổi lấy quyền chính trị cho người da đen chiếm đa số. Kết quả của cuộc thương lượng này vẫn tồn tại, bất chấp những thời điểm khó khăn mà nền dân chủ Nam Phi đã trải qua sau đó.
Ngoài ra, có lẽ dân chủ tự do ít có liên quan tới cán cân quyền lực giữa các nhóm xã hội và các động lực chiến lược của họ. Thay vào đó, có lẽ nó đòi hỏi sự phát triển nền văn hóa khoan dung và tự do dân sự. Hoặc có lẽ cả hai đều cần thiết để duy trì các thể chế nhằm duy trì các quyền sở hữu, quyền chính trị, và quyền dân sự trong dài hạn.
Bất luận lý do khiến dân chủ tự do xuất hiện là gì, chúng ta cũng không nên ngạc nhiên bởi sự không phổ biến của nó trong thực tế. Hiếm khi các lực lượng chính trị có thể liên kết cùng nhau để tạo ra được một phiên bản dân chủ tự do bền vững.
Dani Rodrik là Giáo sư Khoa học xã hội tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey. Ông là tác giả cuốn One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth và gần đây nhất là cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy.
Sharun Mukand là thành viên của Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, và là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Warwick, Anh.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]