Sự trở lại của vấn đề Balkan

Print Friendly, PDF & Email

640px-Sarajevo_martyrs_memorial_cemetery_2009_2

Nguồn: Dominique Moisi, “The Return of the Balkan Question,” Project Syndicate, 22/05/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

“Chúng ta phải châu Âu hóa Balkan (tức bán đảo Ban-căng – NBT), để tránh việc Balkan hóa châu Âu.” Tôi đã viết những lời đó cùng với nhà khoa học chính trị người Pháp Jacques Rupnik vào năm 1991, ngay khi chiến tranh vừa nổ ra giữa các quốc gia kế thừa của Nam Tư. Cuộc chiến đó đã kéo dài đến cuối thập niên, lấy đi hàng ngàn sinh mạng, và hai lần yêu cầu sự can thiệp của NATO (ở Bosnia vào năm 1995 và Serbia vào năm 1999).

Gần một phần tư thế kỷ sau, các nước Balkan vẫn tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình châu Âu, giống như vào đêm trước Thế chiến I và sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, lúc sự sụp đổ của Nam Tư không chỉ dẫn đến cuộc chiến tranh đầu tiên của châu Âu kể từ năm 1945, mà còn là sự trở lại của nạn diệt chủng.

Cuộc giao tranh gần đây ở Macedonia, khiến 8 sĩ quan cảnh sát và 14 dân quân Albania thiệt mạng, đã làm gia tăng nỗi ám ảnh bạo lực tái hiện. Thật khó để biết liệu cuộc đổ máu này có phải là ổ mưng mủ của một vết thương cũ khó lành hay là một điều gì mới, một phản ứng chống lại chính phủ người Slav chiếm đa số mà dường như đang đi theo Chủ nghĩa Sô vanh dân tộc.

Điều rõ ràng là khu vực này vẫn còn rối rắm và có nguy cơ bùng nổ, đe dọa sự ổn định của châu Âu vốn đã rất mong manh sau cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine. Khu vực này là sự kết hợp đầy biến động của chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, nỗi thất vọng tột cùng về kinh tế, và vỡ mộng về tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu. Tiềm năng của một cuộc hỗn loạn buộc chúng ta phải xem xét lại một lần nữa việc làm thế nào để xử lý tốt nhất mồi lửa ở Balkan.

Khi tôi ở Belgrade (thủ đô của Serbia) mới đây, cuộc đọ súng ở Macedonia là chủ đề chính trong mọi cuộc trò chuyện. Một số người Serbia khi nói chuyện với tôi đã phê phán sự mù quáng của phương Tây. Đặc biệt, họ chỉ trích EU, NATO, và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vì đã mô tả cơn bạo lực bùng phát là một loạt “các sự cố biệt lập.” Từ quan điểm của những người Serbia này, các cuộc tấn công của những người Albania dân tộc chủ nghĩa nhiều khả năng là khởi đầu của một nỗ lực mở rộng lãnh thổ sang các nước Thiên Chúa giáo láng giềng, bắt đầu từ nước yếu nhất.

Cùng với tình trạng bạo động, những quan điểm như vậy có nguy cơ làm gia tăng mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ EU về triển vọng của bất kỳ sự mở rộng mới nào. Tiền lệ của Hy Lạp, không hẳn là ví dụ mẫu mực của việc gia nhập Liên minh châu Âu, dường như đặc biệt phù hợp khi áp dụng vào các nước láng giềng phía Bắc (Hy Lạp), vốn cũng có tỉ lệ tham nhũng và thất nghiệp cao tương đương. Và một số thành viên EU hiện đang bị nản lòng trước quan hệ thân thiết của Giáo Hội Chính Thống giáo và các tín đồ (ở các nước này) đối với nước Nga của Vladimir Putin, hoặc bởi số dân Hồi giáo lớn tại khu vực này.

Những e ngại ở châu Âu phần nào phản ánh sự thất bại của các nhà lãnh đạo lục địa này trong việc tận dụng sự mở rộng đôi khi thành công ngoạn mục, mà Ba Lan là ví dụ đáng chú ý nhất. Thay vào đó, các lý do chính trị trong nước đã khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu chỉ tập trung vào những khó khăn và thất bại của quá trình mở rộng.

Với sự thờ ơ như vậy từ các nước Tây Âu, không có gì ngạc nhiên khi ở một số nơi như Belgrade, khuynh hướng thân EU đã bắt đầu nhường chỗ cho nỗi hoài niệm về thời đại Nam Tư. “Lúc đó, chúng tôi đã được tôn trọng,” là điều mà một nhà ngoại giao Serbia về hưu đã nói với tôi. “Chúng tôi đã từng là một trong những quốc gia lớn của Phong trào Không liên kết.”

Những tình cảm tương tự cũng thể hiện rõ ở Bosnia, và thậm chí ở cả Croatia, quốc gia là thành viên của EU kể từ năm 2013. Trong thời kỳ cộng sản, Nam Tư là sự tương phản sắc nét với khối Xô viết. Về mặt kinh tế và xã hội, công dân của họ tốt hơn so với những người ở Trung Âu. Ngày nay, vận may của họ đã đảo lộn. Ba Lan đang phát triển, trong khi các quốc gia kế thừa của Nam Tư (ngoại trừ Slovenia) đang gặp khó khăn, nạn nhân của những vết thương khó lành của quá khứ từ xa đến gần – bao gồm cả nỗ lực của cựu Tổng thống Nam Tư và Serbia Slobodan Milošević trong việc giành và duy trì quyền lực.

Đã nhiều năm kể từ khi EU trông có vẻ biệt lập và xa cách. Quyết định bãi bỏ vị trí Ủy viên phụ trách Mở rộng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker được xem là có tính biểu tượng cao, khiến nhiều người phải đi tìm một mô hình thay thế. Việc Nga tái chinh phục Crimea đem đến một câu chuyện để những người Serbia theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan được dịp than thở về việc mất Kosovo nơi có người Albania chiếm đa số. Trong khi đó, văn phòng Gazprom ở trung tâm Belgrade đã cung cấp một bằng chứng rõ ràng về sự hiện diện (hay ảnh hưởng – NBT) về năng lượng của Nga ở nước này.

Tất nhiên, sự thật là không có “mô hình Nga” nào cho Balkan ngoài việc sử dụng bạo lực. Mối quan hệ gần gũi hơn bao giờ hết với châu Âu vẫn là cách tốt nhất cho các cư dân của khu vực này và cho cả EU. Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, bất chấp tất cả, những lý tưởng châu Âu vẫn là thuốc giải độc hiệu quả duy nhất cho độc dược chủ nghĩa dân tộc. Đối với khu vực Balkan, cũng như đối với phần còn lại của châu Âu, EU là lựa chọn thay thế duy nhất cho một tương lai tồi tệ như những thời khắc quá khứ tồi tệ nhất trước đây.

Dominique Moisi, Giáo sư Học viện Chính trị Paris (Sciences Po), là Cố vấn cao cấp của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) và là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học King’s College London. Ông là tác giả cuốn The Geopolitics of Emotion: How Cultures of Fear, Humiliation, and Hope are Reshaping the World.

Hình: Một nghĩa trang của các nạn nhân chiến tranh tại Sarajevo, Serbia. Nguồn: Michael Buker – Wikipedia.