Trung Quốc sắp đổ vỡ?

china_real_estate_bubble_debt_collapse

Nguồn: Robert J. Samuelson, “China’s Coming Crash?”, The Washington Post, 24/05/2015.

Biên dịch: Nguyễn Văn Đức | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Đã đến lúc để lo lắng về Trung Quốc.

Trong bất kì danh sách nào về những thảm họa đe dọa nền kinh tế thế giới, sự sụp đổ của Trung Quốc luôn đứng đầu hoặc luôn xếp ở gần vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên nguyên nhân sẽ gây ra “sự sụp đổ” là chưa rõ ràng. Tỉ lệ tăng trưởng nóng của Trung Quốc đã giảm từ 10%/ năm- mức tăng trưởng trung bình từ cuối thập kỉ 1970 cho đến 2011- xuống còn 7%, nhưng con số này vẫn còn cao so với các mức tiêu chuẩn trong lịch sử. Câu hỏi đặt ra là liệu sự giảm tốc có tiếp diễn và chỉ số tăng trưởng có xuống mức thấp hơn nữa hay không.

Một Trung Quốc chững lại có thể khiến thế giới trở lại suy thoái. Vì Trung Quốc là một khách hàng lớn về các vật liệu thô (các loại ngũ cốc, kim loại, nhiên liệu), giá của những sản phẩm này sẽ vẫn còn trì trệ. Công suất dư thừa của Trung Quốc về các sản phẩm công nghiệp cơ bản, như thép, sẽ ngày càng được xuất khẩu và kiềm chế giá ở mức thấp. Điều này sẽ làm giảm bất cứ sự phục hồi nào trong đầu tư kinh doanh toàn cầu. Lòng tin sẽ bị ảnh hưởng.

Vậy còn hậu quả chính trị? Nhà kinh tế Eswar Prasad của Đại học Cornell nói rằng “Chính phủ Trung Quốc đã duy trì tính chính danh của nó bằng việc hứa hẹn về sự phát triển kinh tế”. Nếu lời hứa bị phá vỡ, thật khó để biết người dân Trung Quốc sẽ phản ứng lại thế nào. Hoặc các nhà lãnh đạo của Trung Quốc cũng vậy. Liệu họ có trở nên dân tộc chủ nghĩa hơn và hung hăng hơn để làm chệch hướng sự chú ý (của dân chúng) khỏi sự thất vọng về kinh tế?

Người Mỹ sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tất cả các hiệu ứng lan tỏa tiềm tàng này. Prasad nghi ngờ việc kịch bản xấu nhất sẽ xảy ra; hàng loạt các chuyên gia khác đều đồng ý như vậy. Rốt cuộc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ những chuyên gia dự báo tiêu cực này. Có rất nhiều lí do để chứng minh nền kinh tế có thể tiếp tục phát triển. Lí do hiển nhiên nhất: chi tiêu tiêu dùng chỉ chiếm 37% nền kinh tế (tổng sản phẩm quốc nội) trong năm 2014, thấp nhất trong số các cường quốc (chỉ số của Mỹ: 68% GDP). Nếu người Trung Quốc trở nên hoang phí hơn một chút, nền kinh tế của họ sẽ có thể phát triển mạnh.

Tuy nhiên, có một ví dụ về Nhật Bản. Trong những năm 1980, nước này đã được biết đến rộng rãi như là nền kinh tế năng động nhất thế giới, vượt qua cả Mỹ. Sau đó các triển vọng của Nhật Bản đã sụp đổ. Các đối thủ cạnh tranh châu Á mới (Đài Loan, Hàn Quốc) và đồng tiền tăng giá đã hủy hoại mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu của nước này. Không có khả năng xây dựng một mô hình mới, Nhật Bản đã đi xuống từ đó.

Trung Quốc hiện đang trong tình trạng tương tự. Có một sự đồng ý chung rằng mô hình kinh tế của nước này đã lạc hậu. Mô hình này cũng tập trung vào tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và chi tiêu đầu tư cao (song song với chi tiêu tiêu dùng thấp). Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã chứng minh những hạn chế của cả hai.

Xuất khẩu giảm, vì những khách hàng lớn nhất của Trung Quốc – Mỹ và châu Âu – rơi vào khủng hoảng. Để cải thiện nền kinh tế, Trung Quốc đã tuyên bố một gói kích cầu trị giá 586 tỉ đô-la, gần bằng 13% GDP, vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, không giống như gói kích cầu của Mỹ năm 2009, vốn là một phần của ngân sách liên bang, phần lớn chi tiêu thêm của Trung Quốc được giải ngân thông qua các ngân hàng nhà nước và các chính quyền địa phương. Điều xảy ra sau đó là bùng nổ tín dụng, để lại một lượng lớn những ngôi nhà không ai mua, công suất công nghiệp dư thừa và những khoản nợ có vấn đề.

Prasad nói rằng, lĩnh vực nhà đất tỏ ra là trở ngại lớn nhất đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc vì nó chiếm tới khoảng 25% GDP cả nước, bao gồm các ngành công nghiệp cung cấp chủ yếu như thép, xi măng, kính. Với việc cung nhà đất vượt quá cầu, việc xây dựng đang chậm lại. Giá nhà đất bị giảm khoảng 6% từ đỉnh gần nhất của nó. Nhà kinh tế Yukon Huang của Viện Carnegie về Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) phát biểu rằng: sự suy giảm sẽ tới mức 10%.

Làm trầm trọng hơn điểm yếu này chính là việc giảm chi tiêu của chính quyền địa phương vào các dự án cơ sở hạ tầng (đường sá, sân bay, bệnh viện). Để cung cấp tài chính cho các dự án này, nợ chính quyền địa phương tăng nhanh từ khoảng 6% GDP vào năm 2008 lên đến 33% GDP vào giữa năm 2013, theo ngân hàng toàn cầu UBS. Chính phủ đang cố gắng làm chậm lại sự gia tăng của khoản nợ này.

Khi nhìn lại, Huang lập luận rằng, gói kích cầu năm 2008 là quá mức, “ Họ đã cung cấp quá liều”, ông nói – cho vay quá nhiều và “quá nhiều tiền đã được đổ vào nhà cửa và đất đai”

Không nguyên nhân nào trong những điều trên định trước một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện. Có những yếu tố giảm nhẹ. Các cuộc mua bán nhà đất ở Trung Quốc thường được trả bằng tiền mặt nhiều hơn so với ở Mỹ; ở hầu hết các thành phố, thuế bất động sản không tồn tại. Những thông lệ này hạn chế các chi phí giao dịch và áp lực vỡ nợ. Về nợ chính phủ, số nợ của Trung Quốc là trung bình so với các tiêu chuẩn toàn cầu, bất chấp những khoản gia tăng gần đây.

Trình trạng kinh tế khó khăn của Trung Quốc tương tự như trường hợp của Mỹ. Nó cần một công thức cho phát triển bền vững, điều không phụ thuộc vào hàng loạt các gói kích cầu nhân tạo, cho dù bằng cách chi tiêu thâm hụt hay nới lỏng tín dụng kéo dài.

Thú vị thay, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc và các nhà kinh tế nước ngoài đều đồng ý các bước cần thiết để chuyển chi tiêu từ đầu tư (bây giờ đang là quá nhiều) sang chi tiêu tiêu dùng (hiện quá ít). Mạng lưới an sinh xã hội cần được tăng cường để mọi người có thể tiết kiệm ít hơn nhằm đề phòng các thảm họa cá nhân. Và các ngân hàng cần được cấu trúc lại để tỉ lệ lãi suất thấp giả tạo không trợ cấp cho những người đi vay kinh doanh trong khi đẩy chi phí sang cho những người gửi tiền.

Mặc dù con đường phía trước có vẻ thông thoáng, nó vẫn rải rác các trở ngại chính trị và tâm lí – các lợi ích ăn sâu và các thói quen thâm căn cố đế. Nỗi sợ có lý là Trung Quốc không thể đến đích đó mà không chịu một sự vấp váp lớn nào.

Robert J. Samuelson là bình luận viên chuyên mục kinh tế của tờ Washington Post. Ông là tác giả của các cuốn The Great Inflation and Its Aftermath: The Past and Future of American Affluence” (2008)The Good Life and Its Discontents” (1995).