Thêm nhiều dấu hiệu đàn áp tự do biểu đạt ở Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

cyber-740x600

Nguồn:More general signs of a crackdown on expression,” The Economist, 05/12/2015.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Giữa tháng 8 năm nay, Triệu Thiếu Lân (Zhao Shaolin), cựu ủy viên thường vụ tỉnh ủy Giang Tô, một tỉnh miền Đông Trung Quốc, đã bị bắt giữ bởi ủy ban chống tham nhũng của đất nước này. Không có gì bất thường trong sự kiện đó. Hàng chục ủy viên tỉnh ủy đã bị bắt giữ trong một chiến dịch chống tham nhũng trên phạm vi toàn quốc. Điều đáng ngạc nhiên là những tội danh mà ông Triệu bị cáo buộc. Những tội danh như thế này thường nhấn mạnh khối lượng tài sản khổng lồ được cho là đã bị bòn rút từ các hoạt động bất chính. Tuy nhiên, tội danh của ông Triệu, theo tờ Nhật báo Bắc Kinh, một tờ báo của đảng, là đã coi thường kỷ luật đảng bằng cách chỉ trích các chính sách của chính phủ. Theo lời giáo sư Tạ Xuân Đào (Xie Chuntao) của Trường Đảng Trung ương, một số người nghĩ “họ thông minh hơn Đảng, mà như thế thì không được phép.”

Ông Triệu không phải là người duy nhất. Hồi giữa tháng 10, ủy ban chống tham nhũng cũng đã bắt giữ hai bí thư tỉnh uỷ đương nhiệm ở Hà Bắc, gần Bắc Kinh, và ở Quảng Tây, một tỉnh miền Nam. Danh sách tội danh của họ cũng bao gồm chỉ trích đảng. Ngày 12 tháng 10, Bộ Chính trị đã thông qua một bộ Điều lệ Đảng mới. Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước cho biết, đó là “bộ quy tắc ứng xử đầy đủ và nghiêm ngặt nhất” trong lịch sử của Đảng Cộng sản. Điều lệ này cấm các đảng viên đưa ra “các ý kiến tiêu cực” hay “các nhận xét ​​vô trách nhiệm” về chính sách. Các đảng viên có thể tranh luận về các vấn đề – nhưng chỉ khi nào họ biết nói những điều tốt đẹp.

Sự nhấn mạnh việc tuân thủ ý thức hệ này đánh dấu sự trở lại của những thói quen cũ. Trong tháng 9 năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi phê bình và tự phê bình là “một vũ khí mạnh mẽ… Càng sử dụng nhiều thì càng giúp cải thiện khả năng của các nhà lãnh đạo trong việc phát hiện và giải quyết các vấn đề của họ.” Nhưng trong vài tháng qua, và không phải là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, sự tranh luận cởi mở hơn đã phải nhường đường cho những hạn chế chặt chẽ hơn về biểu đạt, vốn chưa bao giờ được hoàn toàn tự do.

Trong bài phát biểu quan trọng của mình về nghệ thuật hồi năm ngoái, ông Tập không chỉ kêu gọi hướng tới “năng lượng tích cực” trong nghệ thuật, mà còn đả kích kiến trúc hiện đại và sự mô phỏng nghệ thuật phương Tây. Thời điểm của bài phát biểu khiến những người theo chủ nghĩa tự do cảm thấy không thoải mái. Đó là dịp kỷ niệm một bài phát biểu của Mao Trạch Đông vốn mở đường cho một cuộc bùng nổ bạo lực được gọi là Chiến dịch Chỉnh phong (Rectification Campaign – Chỉnh phong Vận động) khiến 10.000 người thiệt mạng. Việc chỉ trích Mao Trạch Đông là một con quái vật đã một lần nữa trở nên không thể chấp nhận được. Sau khi người dẫn một chương trình truyền hình nổi tiếng tên là Tất Phúc Kiếm (Bi Fujian) vô tình bị quay phim khi đang nhại lời một vở kinh kịch chế nhạo Người chèo lái vĩ đại (tức Mao), ông đã bị sa thải.

Các phương tiện truyền thông đang cảm thấy ớn lạnh. Tháng trước, Triệu Tân Úy (Zhao Xinwei), biên tập viên tờ Nhật báo Tân Cương, đã bị sa thải, rõ ràng là vì đã bày tỏ quan ngại về một cuộc đàn áp chống khủng bố tại tỉnh Tân Cương ở viễn Tây Trung Quốc nơi người Hồi giáo chiếm đa số. Vào tháng 8, Vương Hiểu Lộ (Wang Xiaolu) của tờ Tài Kinh (Caijing), một tạp chí tài chính, đã bị đưa lên đài truyền hình quốc gia và phải thú nhận tội truyền bá “hoảng loạn và rối loạn” trong đợt sụp đổ của thị trường chứng khoán vào mùa hè. Tội của ông là đã loan tin rằng Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã tìm cách dừng việc vực dậy thị trường.

Đồng thời, ba trong số các ấn phẩm tự do cuối cùng còn lại của Trung Quốc, Nam phương Tuần báo (Southern Weekend), Nam phương Đô thị báo (Southern Metropolis), và Nam phương Nhật báo (Southern Daily), được gọi chung là loạt báo miền Nam, đã bị các nhà kiểm duyệt viếng thăm. Một phóng viên làm việc ở đây đã nói với Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists), một nhóm vận động chính sách ở Hoa Kỳ, rằng xu hướng đưa tin xu nịnh về cuộc diễu binh lớn trong ngày quốc khánh của Trung Quốc “đã giết chết chút kỳ vọng và ấn tượng tốt đẹp cuối cùng mà công chúng dành cho loạt báo miền Nam.” Nhận được thông điệp (của Đảng), 50 tổ chức truyền thông đã ký một “hiệp ước tự kỷ luật” vào tháng 9, hứa hẹn không “xuất bản hoặc truyền bá các ý kiến có thể làm tổn hại hình ảnh của Đảng và của đất nước chúng ta.”

Tổng hợp lại phạm vi các hạn chế ngày càng mở rộng hồi đầu năm nay, Freedom House, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, cho biết trong số 17 đối tượng thường xuyên chịu kiểm duyệt – chẳng hạn như các nhà hoạt động ở cơ sở, các giáo sư và người Tây Tạng – 11 đối tượng đã phải đối mặt với áp lực lớn hơn dưới thời Tập Cận Bình. Hơn 100 luật sư đã bị bắt giữ vào mùa hè. Một nhóm các nhà nữ quyền đã bị bắt giữ (sau đó được bảo lãnh) về tội “gây rối.” Trên thực tế, họ chỉ thu hút sự chú ý về vấn đề quấy rối tình dục trên phương tiện giao thông công cộng. Các trường đại học và viện nghiên cứu cũng được khuyên là cần phải thận trọng.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập đã nhiều lần bác bỏ các tư tưởng phương Tây như tự do báo chí và nhân quyền. Nhưng đồng thời ông cũng cân bằng lại truyền thống ra lệnh và kiểm soát đó bằng cách thi thoảng đề cập đến tầm quan trọng của Hiến pháp Trung Quốc, một văn kiện tự do hơn. Có ba điều đang xảy ra hiện nay khiến ông phải nhấn mạnh mặt kiểm soát các vấn đề.

Tình trạng bình thường mới

Thứ nhất, nhiệm vụ mà ông tự đặt ra cho mình là làm trong sạch một Đảng Cộng sản mục nát đang trở nên ngày càng khó khăn. Chiến dịch chống tham nhũng đã chạm tới hàng nghìn quan chức cấp cao, và có rất ít dấu hiệu cho thấy sự suy giảm. (Cũng như những vụ bắt giữ đầu tiên đối với các lãnh đạo cấp tỉnh đương nhiệm, năm nay đã chứng kiến việc chiến dịch chống tham nhũng được mở rộng tới cả việc theo dõi giới lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước.) Ông Tập có thể đã cho rằng việc hạn chế ý kiến của các thành viên trong Đảng là cần thiết để thúc đẩy chiến dịch của mình.

Thứ hai, chính phủ đang nỗ lực tăng cường kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội, vốn vừa mới bùng nổ vào thời điểm ông Tập lên nắm quyền. Các hướng dẫn mới từ Văn phòng Thông tin Internet Quốc vụ viện, ban hành vào tháng 8, đã áp đặt các hạn chế lên các phương tiện truyền thông được gọi là microblog ở Trung Quốc (ví dụ, các blog được đăng tải trên WeChat, một dịch vụ tin nhắn tức thời). Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ tháng 11 quy định rằng người nào “truyền bá tin đồn” trên mạng thì có thể bị phạt đến bảy năm tù giam – nhưng pháp luật lại không quy định điều gì được xem là “tin đồn.” Và một dự thảo luật an ninh mạng sẽ yêu cầu các công ty internet phải hạn chế cho phép ẩn danh trực tuyến và báo cáo “các sự cố an ninh” được xác định là nguy hại cho chính phủ.

Thứ ba, nhiều khả năng sự suy giảm của nền kinh tế đang làm sống lại nỗi sợ hãi rằng bất ổn của người lao động hoặc các hình thức bất ổn khác có thể đe dọa đến sự kiểm soát quyền lực của Đảng. Đảng có được tính chính danh nhờ vào việc mức sống đã gia tăng nhanh chóng trong nhiều năm qua; và khi chúng tăng chậm lại, người dân có thể bắt đầu phàn nàn về những người cai trị họ. Các nhà lãnh đạo Đảng cảm thấy rằng điều đó nên được ưu tiên đập tan trước.

Chủ tịch Trung Quốc đã gọi tăng trưởng kinh tế chậm hơn là tình trạng “bình thường mới.” Kiểm soát chặt chẽ hơn về biểu đạt cũng đang trở thành một tình trạng bình thường mới.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]