28/06/1948: Nam Tư bị khai trừ khỏi COMINFORM

U1398457-24

Nguồn:Yugoslavia expelled from COMINFORM,” History.com (Truy cập ngày 27/6/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1948, Liên Xô đã khai trừ Nam Tư khỏi Cục Thông tin Cộng sản Quốc tế (COMINFORM) vì lập trường của nước này về cuộc Nội chiến Hy Lạp (1946–49). Việc trục xuất này là bằng chứng cụ thể của sự chia cắt vĩnh viễn diễn ra giữa Liên Xô và Nam Tư.

Liên Xô thành lập COMINFORM vào năm 1947 nhằm điều phối các đảng cộng sản ở Liên Xô, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Ý, Pháp, Tiệp Khắc, Romania, và Nam Tư. Hầu hết các nhà quan sát phương Tây cho rằng tổ chức này là sự kế thừa của Quốc tế Cộng sản (vốn đã bị Liên Xô giải thể từ năm 1943 nhằm xoa dịu những đồng minh chiến tranh của Liên Xô là Hoa Kỳ và Vương quốc Anh).

Tuy nhiên, với sự gia tăng thù hận Chiến tranh Lạnh sau Thế chiến II, việc thành lập COMINFORM báo hiệu rằng một lần nữa Liên Xô đang tự đưa mình lên làm lãnh đạo của các quốc gia thuộc khối cộng sản. Hơn nữa, việc kết nạp các đảng cộng sản Ý và Pháp cũng cho thấy Liên Xô muốn có tiếng nói mạnh mẽ trong sự phát triển chính trị bên ngoài các nước vệ tinh Đông Âu của nó.

Dù Nam Tư là thành viên ban đầu của COMINFORM, nhà lãnh đạo nước này là Josip Broz Tito lại tỏ ra miễn cưỡng trong việc tuân thủ đường lối của Liên Xô. Trong suốt hai năm 1947 và 1948, Tito đã gay gắt chỉ trích Liên Xô vì thiếu hỗ trợ cho lực lượng cộng sản đang đấu tranh giành quyền lực ở Hy Lạp. Khi Tito từ chối hạ giọng các chỉ trích của mình, Stalin đã ra lệnh khai trừ Nam Tư khỏi COMINFORM.

Sau khi bị trục xuất, Nam Tư vẫn tiếp tục đi theo con đường cộng sản nhưng độc lập trong các chính sách đối nội và đối ngoại. Hoa Kỳ rất vui mừng trước sự chia rẽ giữa Nam Tư và Liên Xô, và tích cực ve vãn Tito bằng viện trợ quân sự và kinh tế trong cuối những năm 1940 và 1950. Tuy nhiên, như Stalin đã nhận ra, Tito từ chối làm bù nhìn cho bất cứ chính phủ nào. COMINFORM dần suy yếu sau năm 1948 khi các đảng cộng sản khác, chẳng hạn như Đảng Cộng sản Ý, cũng bắt đầu mất kiên nhẫn với khao khát quyền lực của Liên Xô.

Liên Xô chính thức giải thể COMINFORM vào năm 1956.

Ảnh: Lãnh đạo Nam Tư Josip Broz Tito © Corbis