Nguồn: Anders Åslund, “Russia’s War on Ukraine’s Economy,” Project Syndicate, 09/07/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thanh Mai | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Nền kinh tế của Ukraine có thể không còn rơi tự do nhưng vẫn đang ở trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này đã giảm 6,8% trong năm ngoái và được dự báo sẽ tiếp tục giảm 9% trong năm nay – tổng thiệt hại tương đương khoảng 16% trong hơn hai năm. Dù mọi thứ dường như đang được bình ổn ở một mức độ nhất định – đồng hryvnia (đồng tiền của Ukraine – NHĐ) xuống giá đã loại bỏ thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này và sự điều chỉnh tài khóa quy mô lớn đã giúp ngân sách Ukraine có được dòng tiền mặt cân bằng trong quý hai năm nay – nhưng tình hình vẫn còn bấp bênh.
Những thách thức kinh tế hàng đầu của Ukraine không nảy sinh từ chính trong nước mà là kết quả từ sự gây hấn của Nga. Người láng giềng phía Đông hiếu chiến của quốc gia này đã sáp nhập Crimea, tài trợ cho những cuộc nổi loạn ở miền Đông Ukraine, theo đuổi một cuộc chiến tranh thương mại, liên tục cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên, và đang đe dọa tấn công tài chính (nhằm vào Ukraine). Cho đến nay, Ukraine đã xoay sở một cách phi thường để trụ vững trước những đòn tấn công trên với ít sự hỗ trợ quốc tế – nhưng nó đang rất cần được giúp đỡ.
Việc Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3 năm 2014 đã lấy đi 4% GDP của Ukraine. Kể từ đó, các lực lượng vũ trang được Nga hỗ trợ đã chiếm đóng các vùng lãnh thổ phía Đông Ukraine vốn chiếm 10% GDP năm 2013 của nước này. Cùng với việc sản xuất của vùng Donbas giảm 70% trong những tháng sau đó, điều này đã làm Ukraine thiệt hại khoảng 7% GDP năm 2013.
Kể từ năm 2013, những đòn trừng phạt thương mại của Nga làm giảm 70% xuất khẩu của Ukraine vào Nga – tương đương 18% mức sụt giảm trong tổng xuất khẩu của nước này. Chỉ riêng năm ngoái, xuất khẩu của Ukraine vào Nga – bao gồm máy móc, thép, nông sản, và hóa chất – đã giảm một nửa. Những vấn đề hậu cần, việc thiếu các mối liên kết thương mại, và sự chuyên môn hóa một số sản phẩm (cho phù hợp với thị trường Nga – NHĐ) đồng nghĩa với việc nhiều loại hàng hóa không thể được xuất đi nơi khác trong ngắn hạn. Tôi ước tính khoản thiệt hại này có thể tương đương 6% GDP của Ukraine.
Giới doanh nhân ở khắp mọi nơi đều ý thức được cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine, và không có gì ngạc nhiên khi ít ai muốn đầu tư vào một vùng chiến sự. Do đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng (net FDI) vào Ukraine, tương đương khoảng hơn 3% GDP trước khi chiến sự bắt đầu, đã bốc hơi. Điều này đồng nghĩa với sự sụt giảm tương ứng 3% GDP. Thêm vào đó, Ukraine còn phải đối mặt với một cuộc chiến khí đốt theo từng đợt. Một cuộc tấn công tài chính có thể còn chưa xảy ra.
Tạm gác lại vấn đề Crimea, chúng ta có thể thử dè dặt tổng kết những thiệt hại kinh tế của Ukraine do sự gây hấn từ phía Nga. Khoảng 7% từ sự sụt giảm sản xuất ở miền Đông Ukraine đang bị chiếm đóng, 6% thiệt hại từ những đòn trừng phạt thương mại, cộng với 3% bị mất từ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tất cả lên đến 16% GDP – đó là tổng thiệt hại ước tính mà Ukraine phải chịu từ đầu năm 2014 cho đến cuối năm nay.
Mục tiêu rõ ràng nhưng không công khai của Nga là đảm bảo rằng quốc gia Ukraine dân chủ sẽ sụp đổ, mà tỏ ra là Nga không có vẻ hoàn toàn có tội vì đã gây ra sự sụp đổ đó. Điều này dẫn đến một kết luận quan trọng: Ukraine không phải thủ phạm mà là nạn nhân, và nó cần được đối xử cho phù hợp. Một quốc gia không chỉ cần những khoản vay bình ổn mà còn cần cả sự hỗ trợ quân sự để có thể phản công lại sự gây hấn quân sự.
Các nước châu Âu nên lưu ý rằng, với sự hiện diện quân sự của Điện Kremlin ở các nước Baltic và Balkan, có ít lí do để tin rằng mối đe dọa của Nga chỉ giới hạn ở Ukraine. Cung cấp vũ khí đến Ukraine trước khi Nga tấn công, công khai hay bí mật, nên là một ưu tiên.
Vào ngày mùng 1 tháng 7, Nga đã mở một mặt trận mới trong cuộc chiến kinh tế nhằm vào Ukraine, khi gã khổng lồ năng lượng Gazprom, phần lớn thuộc sở hữu của nhà nước và mù quáng theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại của Nga, đơn phương quyết định cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine. Với nguồn khí đốt dư thừa toàn cầu hiện nay thì châu Âu có vị thế để tuyên bố rõ ràng với Nga rằng các hành động xấu của quốc gia này không còn có thể chấp nhận được. Đặc biệt, Ủy ban châu Âu nên yêu cầu việc cho phép Ukraine có thể tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Gazprom nếu Gazprom muốn tăng nguồn cung cho châu Âu.
Hơn nữa, cuộc chiến tranh kinh tế đang khiến Ukraine hầu như không thể giải quyết tình trạng khẩn cấp nhân đạo mà cuộc tấn công của Nga gây ra: hơn 6.000 công dân thiệt mạng, hàng chục ngàn người bị thương, và hơn 1,3 triệu người phải sơ tán trong nước. Cộng đồng quốc tế, một lần nữa với sự dẫn đầu của EU, phải cung cấp hỗ trợ nhân đạo đáng kể.
Chương trình bình ổn của Ukraine với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là tốt nhưng còn thiếu vốn. Một khoản tín dụng bổ sung khoảng 10 tỉ đô la Mỹ là cần thiết để tăng dự trữ ngoại tệ của Ukraine và ổn định đồng tiền của nước này, nhờ đó các biện pháp kiểm soát (tiền tệ) có thể được dỡ bỏ. Nguồn tiền này có thể đến từ EU và Mỹ. Trong khi đó, EU nên đặt cuộc chiến thương mại của Nga với Ukraine làm tâm điểm của bất cứ cuộc đàm phán thương mại nào với Điện Kremlin. EU cũng nên xóa bỏ những hạn ngạch nhập khẩu nghiêm ngặt còn lại đối với hàng hóa của Ukraine.
Cuối cùng, tất cả cần theo đuổi mọi con đường pháp lý để buộc Nga có trách nhiệm. Những đòn trừng phạt dành cho thân hữu của Tổng thống Nga Vladimir Putin không những nên được tiếp tục mà còn nên khắt khe hơn. Và Mỹ nên tiếp nối những thành công trong việc xử lý FIFA bằng cách vạch trần các tội phạm trong chính quyền của cựu Tổng thống Ukraine Victor Yanukovych và tùy tùng của Putin. Vì nhiều người trong số đó có tài khoản ngân hàng quốc tế bằng đô la Mỹ nên họ có khả năng bị Mỹ truy tố. Ukraine không nên bị bỏ lại để một mình đương đầu với Nga.
Anders Åslund là thành viên cấp cao của Hội đồng Atlantic ở Washington, D.C., và là tác giả của cuốn Ukraine: What Went Wrong and How to Fix It.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Russia’s War on Ukraine’s Economy