28/07/1914: Thế chiến I bùng nổ

worldwarone-960x496

Nguồn:Austria-Hungary declares war on Serbia,” History.com (truy cập ngày 27/7/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 28 tháng 7 năm 1914, đúng một tháng sau khi Thái tử Franz Ferdinand của Áo cùng vợ ông bị một người Serbia theo chủ nghĩa dân tộc ám sát tại Sarajevo, Áo-Hung tuyên chiến với Serbia, làm bùng nổ Thế chiến I.

Bị đe dọa trước tham vọng của người Serbia trong một khu vực Balkan đầy biến động của châu Âu, Áo-Hung đã quyết định rằng phản ứng thích hợp để đáp lại vụ ám sát là chuẩn bị cho một cuộc xâm lược quân sự nhằm vào Serbia. Sau khi đảm bảo sự hỗ trợ vô điều kiện của đồng minh hùng mạnh của mình là Đức, Áo-Hung gửi một bức tối hậu thư tới Serbia vào ngày 23 tháng 7, yêu cầu mọi biện pháp tuyên truyền chống Áo trong lãnh thổ Serbia phải bị đàn áp, và Áo-Hung phải được phép tiến hành điều tra riêng về vụ ám sát Thái tử, cùng một số yêu cầu khác.

Mặc dù về cơ bản Serbia đã chấp nhận hầu hết các yêu cầu của Áo, chính phủ Áo vẫn hủy bỏ quan hệ ngoại giao với Serbia vào ngày 25 và bắt đầu các biện pháp quân sự được chuẩn bị sẵn. Trong khi đó, được cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sắp diễn ra, Nga – người bảo hộ hùng mạnh của Serbia ở Balkan – bắt đầu những bước huy động quân sự đầu tiên để đối phó với Áo.

Trong những ngày sau khi Áo hủy bỏ quan hệ ngoại giao với Serbia, các nước còn lại ở châu Âu, trong đó có cả các đồng minh của Nga là Anh và Pháp đã quan sát với sự dè dặt, lo sợ rằng nếu Nga can thiệp vào cuộc xung đột sắp đến ở vùng Balkan thì điều đó sẽ đe dọa làm bùng phát một cuộc chiến tranh trên toàn châu Âu. Bộ Ngoại giao Anh đã vận động các đối tác của mình ở Berlin, Paris, và Rome về ý tưởng tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm xoa dịu cuộc xung đột; tuy nhiên, chính phủ Đức đã bác bỏ ý tưởng này, và đề nghị Vienna tiếp tục kế hoạch của mình.

Ngày 28 tháng 7 năm 1914, sau quyết định đạt được một ngày trước đó để đáp lại áp lực của Đức thúc giục hành động nhanh chóng, Áo-Hung đã tuyên chiến với Serbia (Quốc vương Wilhelm II được một số tài liệu cho rằng ông vẫn nhận thấy có khả năng đạt được một giải pháp ngoại giao hòa bình cho cuộc xung đột nhưng lại bị giới lãnh đạo quân sự và chính phủ hiếu chiến hơn qua mặt). Để đáp lại, Nga chính thức huy động lực lượng bốn quân khu nằm sát Galacia, mặt trận chung với Đế quốc Áo-Hung. Trong đêm hôm đó, các sư đoàn pháo binh Áo bắt đầu một cuộc bắn phá ngắn và không hiệu quả nhằm vào Belgrade (thủ đô của Serbia), qua sông Danube.

“Người đẹp yêu dấu của anh, mọi thứ có vẻ đang hướng tới thảm họa và sụp đổ,” Winston Churchill đã viết cho vợ ông đêm 29 tháng 7. Lời nói của ông đã thành sự thật ít ngày sau đó. Ngày mùng 1 tháng 8, sau khi Nga từ chối yêu cầu của Đức là dừng điều động binh lính, Đức tuyên chiến với Nga. Đồng minh của Nga là Pháp cũng bắt đầu điều động binh lính của mình trong ngày hôm đó, và đến mùng 3 tháng 8, Đức và Pháp tuyên chiến lẫn nhau. Trước kế hoạch xâm lược nước Bỉ trung lập của Đức được tuyên bố vào ngày mùng 4 tháng 8, Anh tuyên chiến với Đức. Như vậy, vào mùa hè năm 1914, các cường quốc của thế giới phương Tây – ngoại trừ Hoa Kỳ và Ý vì cả hai đều tuyên bố lập trường trung lập, ít nhất là trong thời điểm đó – đã lao đầu vào Thế chiến I.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]