11/11/1918: Thế chiến I chấm dứt

Print Friendly, PDF & Email

The_Signing_of_Peace

Nguồn:World War I ends,” History.com (truy cập ngày 10/11/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1918, cuộc Đại Chiến (Great War – tên gọi ban đầu của Thế chiến I) chấm dứt. Lúc 5 giờ sáng ngày hôm đó, vốn đã suy kiệt về cả nhân lực lẫn vật lực và phải đối mặt với một cuộc xâm lược sắp diễn ra, Đức ký một thỏa thuận ngừng bắn với phe Hiệp ước (Anh, Pháp, và Đế quốc Nga, sau này có thêm Hoa Kỳ và một số quốc gia khác) trong một toa tàu bên ngoài Compiègne, Pháp. Thế chiến I đã tước đi sinh mạng của hơn 9 triệu binh lính và khiến 21 triệu người bị thương, trong đó Đức, Nga, Áo-Hung, Pháp, và Anh mỗi nước đã mất gần 1 triệu người hoặc hơn. Bên cạnh đó còn có ít nhất 5 triệu dân thường đã chết vì bệnh tật, đói khát, hoặc bom đạn.

Ngày 28 tháng 6 năm 1914, trong một sự kiện được coi là đã châm ngòi cho sự bùng nổ của Thế chiến I, Thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand cùng vương phi bị Gavrilo Princip, một phần tử cực đoan người Serbia gốc Bosnia ở Sarajevo, Bosnia, ám sát. Ferdinand đã tới Bosnia và Herzegovina tham dự lễ duyệt binh của quân đôi đế quốc Áo – Hung (lúc đó đang nằm dưới quyền kiểm soát của bác ông) bất chấp lời đe dọa từ những phần tử dân tộc chủ nghĩa người Serbia vốn muốn Bosnia và Herzegovina gia nhập quốc gia Serbia mới giành được độc lập.

Áo-Hung buộc tội chính phủ Serbia vì cuộc tấn công và hy vọng sẽ sử dụng vụ việc để biện minh cho việc giải quyết vấn đề chủ nghĩa dân tộc của người Slavơ vĩnh viễn. Tuy nhiên, do Đế quốc Nga ủng hộ Serbia, lời tuyên chiến của Áo-Hung đã được trì hoãn cho đến khi các nhà lãnh đạo của đế chế này nhận được sự đảm bảo từ Hoàng đế Wilhelm II của Đức rằng Đức sẽ hỗ trợ Áo-Hung trong trường hợp Nga can thiệp.

Ngày 28 tháng 7, Áo-Hung tuyên chiến với Serbia, nền hòa bình mong manh giữa các cường quốc châu Âu sụp đổ. Đến ngày 29, các lực lượng quân đội Áo-Hung bắt đầu bao vây thủ đô Belgrade của Serbia và Nga, đồng minh của Serbia, đã ra lệnh huy động quân đội chống lại Áo-Hung. Pháp, liên minh với Nga, bắt đầu huy động quân vào ngày mùng 1 tháng 8. Pháp và Đức tuyên chiến lẫn nhau vào ngày mùng 3. Sau khi tiến qua Luxembourg trung lập, quân đội Đức xâm lược Bỉ vào đêm mùng 3 sáng mùng 4 tháng 8, khiến Vương quốc Anh, đồng minh của Bỉ, tuyên chiến với Đức.

Phần lớn người dân châu Âu chào đón cuộc chiến với niềm hân hoan. Những phần tử ái quốc nhất cho rằng đất nước họ sẽ giành được chiến thắng chỉ trong vòng vài tháng. Trong số các bên tham chiến ban đầu, Đức là nước chuẩn bị tốt nhất cho chiến sự, và các nhà lãnh đạo quân sự nước này đã đặt ra một chiến lược quân sự tinh vi được gọi là “Kế hoạch Schlieffen,” âm mưu chinh phục Pháp bằng một cuộc tấn công lớn thông qua Bỉ vào miền Bắc nước này. Huy động quân muộn, Nga đã bị lực lượng Áo-Hung kiềm chân trong khi Đức tấn công Pháp.

Kế hoạch Schlieffen gần như đã thành công, nhưng đến đầu tháng 9 Pháp phản công và chặn cuộc tiến công của Đức tại trận Marne đẫm máu gần Paris. Đến cuối năm 1914, hơn một triệu binh sĩ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đã thiệt mạng trên chiến trường châu Âu, và cả phe Hiệp ước lẫn phe Trung tâm (Đức, Áo-Hung, Ottoman, và sau này có Bulgaria cùng sự hỗ trợ của nhiều nước khác) đều chưa thể sớm có một chiến thắng cuối cùng. Trên mặt trận phía Tây – chiến tuyến trải dài trên miền Bắc nước Pháp và Bỉ – các binh sĩ ẩn nấp trong các chiến hào giữa một cuộc chiến tranh tiêu hao tồi tệ.

Năm 1915, phe Hiệp ước cố gắng phá vỡ thế bế tắc bằng một cuộc đổ bộ lên Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước đã gia nhập phe Trung tâm từ tháng 10 năm 1914, nhưng sau khi chịu tổn thất nặng nề, phe Hiệp ước đã buộc phải rút lui vào đầu năm 1916. Năm 1916 chứng kiến ​​những cuộc tấn công lớn của Đức và Anh dọc theo mặt trận phía Tây, nhưng không bên nào giành được một chiến thắng quyết định. Ở mặt trận phía Đông, Đức đã thành công hơn, và quân đội Nga vô tổ chức phải chịu tổn thất rất lớn, đẩy nhanh sự bùng nổ của Cách mạng Nga năm 1917. Đến cuối năm 1917, những người Bolshevik lên nắm quyền tại Nga và lập tức đàm phán hòa bình với Đức. Năm 1918, quân đội và các nguồn lực từ Mỹ đổ vào mặt trận phía Tây cuối cùng cũng khiến cán cân nghiêng về phía có lợi cho phe Hiệp ước. Đức buộc phải ký một thỏa thuận ngừng bắn với phe Hiệp ước vào ngày 11 tháng 11 năm 1918. Chiến tranh kết thúc.

Thế chiến I đã được biết đến như là “cuộc chiến để kết thúc mọi cuộc chiến” do thiệt hại và sức tàn phá lớn mà nó gây ra. Thật không may, việc hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt cuộc xung đột – Hiệp ước Versailles 1919 – đặt ra những điều khoản trừng phạt đối với nước Đức đã làm mất ổn định châu Âu thời hậu chiến và đặt nền móng cho Thế chiến II.

Ảnh: Bộ trưởng Johannes Bell của Đức ký Hiệp ước Versailles năm 1919. Tác giả: William Orpen | Nguồn: Imperial War Museum London.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]