Nguồn: Bridget Welsh, “Corruption scandal divides Malaysia’s political elite”, East Asia Forum, 21/07/2015.
Biên dịch: Vũ Thị Hương Giang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Malaysia Najib Razak đang đối mặt với những cáo buộc mạnh mẽ liên quan đến biển thủ công quỹ, tham nhũng và thao túng bầu cử – những vấn đề đánh thẳng vào vai trò lãnh đạo cũng như tính chính danh của chính phủ của ông. Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) – đảng chính trị của Najib – và cả Malaysia lại sa vào một cuộc khủng hoảng nữa.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) đã lôi ra ánh sáng các vấn đề quản lý kinh tế sai, khiến danh tiếng các thể chế tài chính của Malaysia bị giảm sút. Số tiền được cho là nằm trong tài khoản ngân hàng của Najib (700 triệu USD) đã tạo ra nhiều cơn sốc. Các lãnh đạo UMNO biết rằng kể cả trong những vụ giải ngân bầu cử ồ ạt trong cuộc tổng tuyển cử 2013, số tiền cỡ đó cũng không thể nào rót hết xuống mạng lưới bảo trợ thân hữu của họ.
Vấn đề bây giờ là Najib sẽ làm gì [sau khi] đã gây tai hại nghiêm trọng cho đất nước. Không may thay ngày nào ông còn tại vị, ngày đó vai trò lãnh đạo của ông còn ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của đất nước này. Tín nhiệm quốc tế của Malaysia đang lung lay không khác gì đồng nội tệ, tiếp cận vốn nước ngoài và sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai.
Không như cha mình – Thủ tướng thứ hai của Malaysia là Abdul Razak Hussein – Najib rõ ràng đã đưa lợi ích mình lên trên đất nước. Trong nhiệm kỳ của ông, Najib đã sử dụng các thể chế chính trị trong nước một cách hiệu quả để củng cố địa vị cá nhân.
Najib đáng được điều tra một cách công bằng và không thiên vị về những cáo buộc do WSJ đưa ra. Có thể thực hiện điều này nếu ông chọn cách đi nghỉ trong thời gian điều tra và bổ nhiệm các cá nhân không thiên vị, có uy tín lãnh đạo cuộc điều tra. Thay vào đó, ông lại đưa ra nhiều lời phủ nhận, tiến hành các pha phản đòn, và giao cho một đội đặc nhiệm không vô tư nhiệm vụ điều tra vấn đề trên. Thiếu khách quan không giúp ích gì cho chuyện xây dựng tín nhiệm, nhất là trên các thị trường quốc tế.
Nhưng UMNO chứ không phải Najib sẽ là nhân tố quyết định những diễn biến tiếp theo. Đảng này đã bị chia rẽ thành ba phe: phe trung thành với Najib và sự bảo trợ hào phóng của ông; phe phản đối ông nhưng còn lưỡng lự trước việc đối đầu công khai; và phe lưng chừng, những người đang chờ tiếp đất xuống “bên an toàn” để bảo vệ sinh mệnh chính trị và kinh tế của mình. Najib không giành được đa số tín nhiệm mà phụ thuộc nặng nề vào nhóm ở giữa này. Nhóm ở giữa này sẽ xác định tương lai của UMNO và Najib. Họ sẽ quyết định liệu lợi ích của đảng này và của đất nước có quan trọng hơn lợi ích của một cá nhân bất kỳ hay không.
Những cá nhân quan trọng thống trị những phe này sẽ là các vị lãnh đạo cấp cao trong UMNO -những người có thế đứng trên toàn quốc – và các thế hệ lãnh đạo nguồn mới của đảng. Những cuộc gặp sân sau sẽ tiếp tục bất chấp sự phản đối từ các cơ sở đảng. Trong những thảo luận sau cánh cửa khép kín, việc phủ nhận công khai các sai trái không dễ gì bị bỏ qua.
Hầu hết chú ý đều tập trung vào cựu thủ tướng Mahathir Mohamad của UMNO – người đã bị chính những kẻ do ông nuôi dưỡng và đào tạo chính trị trước đây lên án vì ông đã công kích Najib không thương xót. Nhưng vẫn còn những người khác có ảnh hưởng và nhận ra tầm nghiệm trọng của những vấn đề này đối với vị thế của Malaysia chứ không chỉ với lợi ích cá nhân. Những lãnh đạo cấp cao này giờ đây đang nắm trong tay lựa chọn đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện thời.
Nhóm thứ ba bên trong UMNO là các lãnh đạo trẻ. Thế hệ Trẻ UMNO bị phân rẽ sâu sắc trước vai trò lãnh đạo của Najib, và điều này phản ánh chính cấu trúc bên trong UMNO. Những người nằm trong nội các đại diện cho giới trẻ tỏ ra trung thành với Najib, nhưng những tiết lộ động trời trên đã gia tăng chia rẽ trong cơ quan đảng quan trọng này. Các lãnh đạo trẻ hơn của UMNO có nhiều thứ để mất nhất nếu vai trò lãnh đạo của Najib tiếp tục suy yếu; tương lai chính trị (và kinh tế) của họ sẽ chịu thiệt hại. Một số tin rằng Najib có thể chèo lái qua cơn khủng hoảng này, tin vào hiệu quả của việc “lẩn trốn và phủ nhận”, nhưng những người khác lại nhận ra rằng phần lớn người Malaysia nhìn nhận cuộc khủng hoảng đúng bản chất của nó: một trong những sự kiện chính trị gây thiệt hại nhiều nhất cho UMNO trong lịch sử đất nước.
Nhưng bất cứ cuộc khủng hoảng nào đều đi kèm với cơ hội. Các tuyên bố cho rằng phe đối lập đang “loạn cào cào” phản ánh sự bất bình của cử tri trước sự thiếu vắng một lựa chọn chính trị khác mang tính vững bền. Phe đối lập đã không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng. Cựu lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim vẫn ngồi tù và cuộc đấu trong nội bộ phe đối lập vẫn xoay quanh việc ai sẽ thay thế ông chứ không phải làm thế nào để thúc đẩy các nguyên tắc cải cách nhằm giành ủng hộ cho phe đối lập trước đã. Tranh giành quyền lực và đấu đá cá nhân đã vô hiệu hoá nhóm lãnh đạo của phe đối lập.
Cuộc khủng hoảng của UMNO tạo cơ hội cho phe đối lập củng cố lại. Phản ứng trước vụ xì-căng-đan cho thấy ai là người thực sự quan tâm đến cải cách. Nó tạo nền tảng chung cho việc tái khẳng định các nguyên tắc như sự liêm chính của các thể chế, chống tham nhũng, giải trình công khai và quản trị tốt. Vụ xì-căng-đan cũng diễn ra vào thời điểm đồng nội tệ đang yếu đi, lạm phát gia tăng do thuế hàng hoá, dịch vụ, và cắt giảm trợ cấp tuỳ tiện – tóm lại, vào đúng thời điểm người dân đang phải vật lộn.
Phép thử giờ đây sẽ là liệu phe đối lập sẽ tập trung vào lợi ích chung của dân tộc hay tiếp tục gây thất vọng. Cho đến nay, phe đối lập đã đạt được điều thứ hai. Họ vẫn thiếu sự thống nhất và không thể tập trung vào các vấn đề then chốt. Dường như họ cũng không phối hợp và tập trung mấy vào những gì Malaysia cần – một con đường rõ ràng theo hướng cải cách nhiều hơn, ổn định về chính trị và tự tin về kinh tế.
Cuộc khủng hoảng này sẽ cho thấy năng lực, đặc thù và khí phách của cả phe đối lập lẫn lãnh đạo UMNO. Nó cũng đánh dấu bước chuyển đối với công chúng khi họ quan tâm hơn đến cải cách mạnh mẽ, dân chủ và quản trị tốt.
Xì-căng-đan hiện thời có thể thật sự là một trong những thời điểm đen tối nhất của Malaysia, và không thể làm ngơ trước khả năng những ngày đen tối hơn vẫn còn trước mắt trong quá trình diễn biến của cuộc khủng hoảng này khi Najib đấu tranh giữ quyền lực. Nhưng ở các cấp độ khác nhau vẫn có thể có những lựa chọn nhằm đưa đất nước này đi vào đúng hướng của lịch sử.
Bridget Welsh là chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ (Center for Democratic Studies) tại Đại học Quốc gia Đài Loan.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]