Nguồn: “D-Day,” History.com (truy cập ngày 05/6/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Mặc dù từ “D-Day” thường được dùng như một biệt ngữ quân sự để chỉ ngày một chiến dịch hay sự kiện diễn ra, đối với nhiều người, nó cũng đồng nghĩa với ngày mùng 6 tháng 6 năm 1944, ngày quân đội Đồng Minh vượt qua eo biển Manche và đổ bộ lên bãi biển Normandie, Pháp, bắt đầu giải phóng Tây Âu khỏi sự kiểm soát của Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Trong vòng ba tháng, miền Bắc của nước Pháp đã được giải phóng và lực lượng Đồng Minh chuẩn bị tiến vào Đức, nơi họ nhập cùng đoàn quân của Liên Xô đến từ phía Đông.
Với việc quân đội của Hitler kiểm soát hầu như toàn bộ châu Âu lục địa, các nước Đồng Minh hiểu rằng việc đổ bộ thành công lên châu lục này là trọng tâm để giành chiến thắng. Hitler cũng hiểu rõ điều đó, và đã dự kiến một cuộc tấn công vào phía Tây Bắc châu Âu vào mùa xuân năm 1944. Hitler hi vọng đẩy lùi quân Đồng Minh khỏi bờ biển với một cuộc phản công mạnh mẽ giúp trì hoãn những nỗ lực tấn công của quân đội Đồng Minh trong tương lai, cho Hitler dành thời gian tập trung lực lượng để đánh bại Liên Xô ở phía Đông. Hitler tin rằng một khi điều đó được hoàn thành thì chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về tay mình.
Vào sáng ngày mùng 5 tháng 6 năm 1944, Đại tướng Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower, chỉ huy tối cao của quân đội Đồng Minh ở châu Âu, thông qua Chiến dịch Overlord, chiến dịch đổ bộ quân sự lớn nhất trong lịch sử. Theo lệnh của ông, 6.000 tàu đổ bộ, tàu chiến, và các loại tàu khác, chở theo 176.000 binh lính bắt đầu rời khỏi nước Anh để tới Pháp. Đêm đó, 822 máy bay chở lính dù xuất phát hướng tới các khu thả quân ở Normandie. Hơn 13.000 máy bay khác cũng được huy động để bảo vệ trên không và hỗ trợ cho cuộc đổ bộ.
Đến rạng sáng ngày mùng 6 tháng 6, hơn 18.000 lính dù đã hạ cánh xuống mặt đất; cuộc đổ bộ lên đất liền bắt đầu vào lúc 6 giờ 30 sáng. Anh và Canada đã vượt qua các lực lượng phòng thủ mỏng manh để chiếm các bãi biển Gold, Juno, và Sword; Mỹ chiếm bãi biển Utah. Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều ở bãi biển Omaha, nơi 2.000 lính Đồng Minh thiệt mạng. Đến cuối ngày, 155.000 lính Đồng Minh – bao gồm Mỹ, Anh, và Canada – đã đánh chiếm thành công bãi biển Normandie.
Về phần mình, quân đội Đức đã bị rối loạn hàng ngũ và thiếu vắng sự có mặt của chỉ huy nổi tiếng là Nguyên soái Erwin Rommel, khi đó đang đi nghỉ phép. Ban đầu, do tin rằng cuộc đổ bộ là mồi nhử được thiết kế để đánh lạc hướng người Đức khỏi một cuộc tấn công từ phía Bắc sông Seine nên Hitler đã từ chối điều động quân đội gần đó để tham gia phản công, quân tiếp viện được gọi tới từ những vị trí xa hơn nên đã gây ra sự chậm trễ. Hitler cũng lưỡng lự trong việc kêu gọi các sư đoàn thiết giáp tham gia phòng thủ. Ngoài ra, quân đội Đức cũng bị lép vế trước lực lượng không quân hỗ trợ hiệu quả của quân đội Đồng Minh, vốn đã kiểm soát các cây cầu trọng yếu buộc người Đức phải đi đường vòng, cũng như sự hỗ trợ hiệu quả của hải quân, giúp bảo vệ quân đội Đồng Minh tiến công trong cuộc đổ bộ.
Dù không hoàn toàn diễn ra đúng như kế hoạch, như Thống chế Anh Bernard Montgomery đã tuyên bố sau này, D-Day vẫn là một thành công quyết định đối với quân đội Đồng Minh. Đến cuối tháng 6 năm 1944, quân Đồng Minh đã tập hợp được 850.000 binh lính và 150.000 xe quân sự ở Normandie và đã sẵn sàng tiếp tục hành quân trên khắp châu Âu.
Chủ nghĩa anh hùng và lòng dũng cảm của quân đội các nước Đồng Minh trong ngày D-Day là nguồn cảm hứng cho rất nhiều bộ phim, trong đó nổi tiếng nhất là The Longest Day (1962) và Saving Private Ryan (1998). Nó cũng được thể hiện trong mini-series Band of Brothers (2001) của kênh truyền hình HBO.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]