Sự trỗi dậy nguy hiểm của chủ nghĩa sô vanh Phật giáo

_67354744_154146214(1)

Nguồn: Yuriko Koike, “The Dangerous Rise of Buddhist Chauvinism,” Project Syndicate, 28/07/2015.

Biên dịch: Lưu Bảo Nam Dung | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Đức Phật, Siddhartha Gautama, chưa từng soạn ra bản kinh nào về hận thù tôn giáo hay phân biệt sắc tộc. Vậy nhưng chủ nghĩa sô vanh Phật giáo lại đang đe dọa tiến trình dân chủ ở cả Myanmar và Sri Lanka. Một số nhà sư từng chống lại chính quyền quân sự Myanmar trong “Cuộc cách mạng cà sa” (Saffron Revolution) năm 2007 ngày nay lại cổ vũ bạo lực chống lại các thành viên của cộng đồng thiểu số người Hồi giáo Rohingya tại đất nước này. Ở Sri Lanka, chủ nghĩa sô vanh dân tộc của Phật tử người Sinhala, do một cựu tổng thống quyết tâm lấy lại quyền lực khuấy động, đang đi ngược lại mục tiêu hòa giải đã định với người Tamils theo Ấn Độ giáo bại trận (trong nội chiến Sri Lanka).

Ở Myanmar, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Phật tử là nguồn gốc của một cuộc xung đột gần như là nội chiến ở bang Rakhine và đang thúc đẩy một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà trong đó hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya đã phải bỏ chạy khỏi đất nước của mình bằng đường bộ và đường biển. Hầu hết đều lo ngại cho tương lai của Myanmar, vì tất cả các nạn diệt chủng đều có liên quan đến hành động của chính quyền, sự thù hằn sắc tộc và tôn giáo này không thể nào là tự phát. Người Rohingya đã bị tước bỏ quốc tịch Myanmar, và một số lượng lớn các dự luật mới và đang được đề xuất nhằm càng đẩy người Hồi giáo sang bên lề có vẻ chắc chắn sẽ kích động thêm nhiều bạo lực.

Ví dụ, một đạo luật mới về hôn nhân yêu cầu các cặp đôi theo các tôn giáo khác nhau phải đăng ký ý định kết hôn của họ với chính quyền địa phương, và chính quyền địa phương sẽ công bố rộng rãi về thông tin đính hôn này; chỉ khi không có công dân nào phản đối – điều này rất khó xảy ra trong tình hình hiện tại – thì cặp đôi mới được kết hôn. Một dự luật khác đang được bàn thảo sẽ cấm người dưới 18 tuổi cải đạo, và ngay cả người trưởng thành muốn cải đạo cũng phải được quan chức địa phương cho phép với nhiều lần thẩm vấn.

Có lẽ gây khó chịu nhất là dự luật thứ ba gần đây cho phép áp đặt biện pháp kiểm soát dân số theo phong cách Trung Quốc lên bất cứ nhóm nào có tỉ lệ sinh con cao hơn tỉ lệ trung bình của quốc gia. Phụ nữ có thể phải đợi đến 3 năm sau khi sinh con trước khi muốn có một đứa con khác. Trong vấn đề này, chính quyền địa phương, vốn dễ bị ảnh hưởng nhất bởi những định kiến của đám đông, sẽ được trao quyền để thực hiện một đạo luật vốn có vẻ đặc biệt nhắm đến người Rohingya, với những gia đình đông thành viên của họ.

Những dự luật này vẫn chưa giống với phiên bản thời hiện đại của luật Nuremberg (đạo luật chống Do Thái mà Đức Quốc xã ban hành năm 1935). Nhưng nó phản ánh nghị trình của những người ủng hộ cơn oán giận của Phật tử nhằm ngăn chặn tiến trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar. Tham vọng đen tối này đã được coi là vấn đề cấp bách bởi vì Myanmar sắp tổ chức cuộc bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên kể từ khi quá trình chuyển đổi dân chủ bắt đầu vào năm 2011.

Dĩ nhiên, người Rohingya là đối tượng chính của chiến lược này. Nhưng vẫn còn một đối tượng khác: Aung San Suu Kyi, chủ nhân giải Nobel Hòa bình (năm 1991) và lãnh đạo Đảng đối lập.

Đến thời điểm này, Suu Kyi đã bị loại khỏi cuộc đua tổng thống bằng một điều khoản hiến pháp thâm độc loại trừ bất cứ ai có bạn đời hoặc con cái mang hộ chiếu nước ngoài (hai người con trai của Suu Kyi với người chồng quá cố người Anh của bà có hộ chiếu Anh Quốc). Tuy nhiên, chính quyền, vẫn còn sợ ảnh hưởng của bà, đang chơi ván bài chủng tộc và tôn giáo để làm mất lòng tin đối với bà Suu Kyi và đảng của bà, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đảng đã thắng gần hết các ghế quốc hội (trừ một ghế) được bầu trong cuộc bầu cử bổ sung gần đây (cũng như đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử không được quan đội công nhận năm 1990).

Bằng cách làm gia tăng bạo lực của giới Phật tử đối với người Rohingya, chính quyền đã nhắm đến mục tiêu làm giảm thiểu cơ hội chiến thắng của Suu Kyi và Đảng NLD trên hai khía cạnh. Nếu bà lên tiếng ủng hộ người Rohingya, hình ảnh của bà đối với Phật tử, chiếm phần lớn dân số Myanmar, có thể bị tổn hại đủ để đưa quân đội lên nắm lại chính quyền. Còn nếu bà không bảo vệ người Rohingya, khí chất của một nhà lãnh đạo tinh thần của bà có thể bị phai nhạt trong những người ủng hộ bà, cả ở trong nước và quốc tế.

Cho đến nay, Suu Kyi đã xoay sở tránh khỏi cái bẫy này bằng những tuyên bố đánh lạc hướng mà người ta vẫn trông đợi từ một chính trị gia thông thường, chứ không phải là từ một người với lòng can đảm và vị trí như bà. Nhưng khi bạo lực gia tăng và cuộc bầu cử đang đến gần, không gian để bà xoay sở chắc chắn sẽ thu hẹp lại. Thay vì chỉ ra những nhu cầu thực sự của đất nước – cải cách đất đai một cách nghiêm túc, chống tham nhũng và giải phóng nền kinh tế khỏi sự kiểm soát của nhóm thiểu số chính trị – bà có thể bị lôi kéo vào việc bảo vệ một nhóm dân tộc thiểu số vốn không được lòng dân.

Một diễn biến chính trị tương tự tại trung tâm chủ nghĩa sô vanh của người Sinhala cũng quay trở lại đột ngột trong đời sống của người dân Sri Lanka. Niềm tin mạnh mẽ về tôn giáo và chủng tộc của người Sinhala được cổ vũ trong suốt giai đoạn cuối và đẫm máu dẫn đến kết thúc cuộc nội chiến kéo dài một phần tư thế kỷ với lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil năm 2009. Nhưng thay vì tìm kiếm sự hòa giải với người Tamil sau khi đánh bại họ, Tổng thống lúc đó là Mahinda Rajapaksa đã tiếp tục lợi dụng sự thù hận sắc tộc khi ông lật đổ nền dân chủ của Sri Lanka.

Việc Rajapaksa bất ngờ bị đánh bại bởi liên minh của các nhà dân chủ Sri Lanka và các đảng chính trị Tamil trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 1 vừa qua – một kết quả mà ông này đã tìm cách bãi bỏ – đã có thể chấm dứt cả sự nghiệp của ông ta cũng như thủ đoạn chính trị đánh vào vấn đề chủng tộc. Nhưng vị cựu tổng thống này đang tìm cách trở lại mạnh mẽ và có thể sẽ thắng trong cuộc bầu cử nghị viện dự kiến được tổ chức vào ngày 17 tháng 8.

Một lý do cho khả năng chiến thắng của Rajapaksa là nguồn lực tài chính mạnh mẽ của ông ta; lý do khác là ông có thể dựa vào sự hỗ trợ từ Trung Quốc vì ông đã cho phép lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân xây dựng các bến cảng và các cơ sở vật chất khác trong thời gian ông còn làm tổng thống. Nhưng chìa khóa cho vận may của ông là nỗ lực khơi dậy nỗi sợ hãi của nhóm người Sinhala chiếm đa số trong xã hội.

Vì vậy, Rajapaksa đang đặt Thủ tướng Ranil Wickremesinghe vào cùng một vị trí khó khăn như của bà Suu Kyi tại Myanmar. Cho đến nay, Wickremesinghe đã thành công trong việc gợi ý người Sinhala nên lo sợ về sự trở lại của Rajapaksa hơn là các vấn đề dân tộc thiểu số của đất nước. Nhưng đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của sự thù hận trong việc làm suy yếu một nền dân chủ từ bên trong.

Yuriko Koike là cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhật Bản, Chủ tịch Đại hội đồng Đảng Dân chủ Tự do và hiện đang là thành viên của Quốc hội Nhật Bản.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Dangerous Rise of Buddhist Chauvinism