02/02/1943: Đức đầu hàng, trận Stalingrad kết thúc

Print Friendly, PDF & Email

stalingrad-german-pow

Nguồn:Battle of Stalingrad ends“, History.com (truy cập ngày 1/2/2016).

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1943, các binh sĩ cuối cùng của Đức tại thành phố Stalingrad của Liên Xô đã đầu hàng Hồng quân, kết thúc một trong những trận đánh then chốt của Thế chiến II.

Ngày 22 tháng 6 năm 1941, bất chấp các điều khoản của Hiệp ước bất tương xâm Xô – Đức năm 1939, phát xít Đức đã phát động một cuộc xâm lược lớn chống lại Liên Xô. Được hỗ trợ bởi lực lượng không quân hùng mạnh hơn, quân đội Đức đã nhanh chóng băng qua vùng đồng bằng Nga, gây tổn thương khủng khiếp cho Hồng quân và người dân Liên Xô. Với sự hỗ trợ của quân đội các nước đồng minh trong phe Trục, người Đức đã chinh phục được một vùng lãnh thổ rộng lớn, và tới giữa tháng 10, các thành phố lớn của nước Nga là Leningrad và Moskva đã bị bao vây. Tuy nhiên, Liên Xô tiếp tục cầm cự, và mùa đông sắp tới buộc Đức phải tạm dừng các cuộc tấn công.

Trong cuộc tấn công mùa hè năm 1942, Adolf Hitler đã ra lệnh cho Tập đoàn quân thứ sáu, dưới quyền Tướng Friedrich von Paulus, tấn công Stalingrad ở miền Nam, một trung tâm công nghiệp và là một trở ngại cản trở sự kiểm soát của Đức Quốc xã đối với các giếng dầu ở vùng Cáp-ca-dơ. Trong tháng 8, Tập đoàn quân thứ sáu của Đức đã băng qua sông Volga trong khi các cuộc không kích của Đức đã biến Stalingrad thành một đống đổ nát, giết chết hơn 40.000 dân thường. Tới đầu tháng 9, tướng Paulus ra lệnh tiến hành cuộc tấn công đầu tiên vào Stalingrad, dự tính rằng đoàn quân của ông chỉ mất khoảng 10 ngày để chiếm được thành phố. Từ đó bắt đầu một trong những trận chiến khủng khiếp nhất trong Thế chiến II, và có thể là trận đánh quan trọng nhất vì nó là bước ngoặt trong cuộc chiến giữa Đức và Liên Xô.

Trong nỗ lực để chiếm được Stalingrad, Tập đoàn quân số sáu của Đức đã phải đối mặt với một lực lượng Hồng quân mạnh mẽ dưới quyền tướng Vasily Zhukov, người biến thành phố đổ nát thành lợi thế cho mình, chuyển các tòa nhà bị phá hủy và đống đổ nát thành công sự tự nhiên. Trong một phương pháp tác chiến mà quân Đức bắt đầu gọi là Rattenkrieg, nghĩa là “cuộc chiến của chuột,” các lực lượng hai bên đã chia thành từng đội quân nhỏ từ 8 đến 10 người, chiến đấu với nhau để giành từng ngôi nhà và từng thước đất. Cuộc chiến đã chứng kiến những tiến bộ nhanh chóng trong nghệ thuật chiến tranh đường phố, chẳng hạn như loại súng máy Đức có thể bắn vòng qua góc, và một loại máy bay hạng nhẹ của Nga lướt âm thầm trên các vị trí của quân Đức vào ban đêm, thả bom gây chết người mà không gây nên cảnh báo. Tuy nhiên, cả hai bên đều thiếu lương thực cần thiết, nước uống, vật tư y tế, và hàng chục ngàn người thiệt mạng mỗi tuần.

Lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã quyết tâm giải phóng thành phố mang tên ông, và trong tháng 11, ông ra lệnh điều một lực lượng quân tiếp viện lớn đến khu vực này. Ngày 19 tháng 11, tướng Zhukov đã phát động một đợt phản công lớn vượt ra ngoài đống đổ nát của Stalingrad. Bộ chỉ huy quân Đức đã đánh giá thấp quy mô đợt phản công và Tập đoàn quân số sáu đã nhanh chóng bị lép vế trước quân Liên Xô, bao gồm 500.000 quân, 900 xe tăng, và 1.400 máy bay. Trong thời gian ba ngày, toàn bộ lực lượng của Đức hơn 200.000 người đã bị bao vây.

Quân Ý và Rumani tại Stalingrad đã đầu hàng, nhưng người Đức vẫn bám trụ, nhận được các nguồn cung hậu cần hạn chế qua đường hàng không và chờ quân tiếp viện. Hitler ra lệnh cho Von Paulus giữ nguyên trận địa và phong ông làm nguyên soái, vì chưa có một vị nguyên soái nào của Đức Quốc xã từng đầu hàng. Nạn đói và mùa đông khắc nghiệt của Nga đã khiến nhiều quân Đức thiệt mạng không kém số lượng bị tiêu diệt bởi quân đội Liên Xô, và vào ngày 21 tháng 1 năm 1943, sân bay cuối cùng mà quân Đức kiểm soát đã rơi vào tay Liên Xô, hoàn toàn cắt đứt nguồn tiếp tế của quân Đức. Ngày 31 tháng 1, Von Paulus đưa quân Đức ra đầu hàng tại khu vực phía nam, và vào ngày 2 tháng 2, số quân Đức còn lại đầu hàng. Chỉ có 90.000 binh sĩ Đức còn sống, và trong số này chỉ có 5.000 người sống sót được qua các trại tù binh chiến tranh của Liên Xô và quay về được nước Đức.

Trận Stalingrad đã làm đổi chiều cuộc chiến giữa Đức và Liên Xô. Tướng Zhukov, người đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng, sau đó đã dẫn đầu cuộc tấn công của quân Liên Xô vào Berlin. Ngày 1 tháng 5 năm 1945, ông đã trực tiếp chấp nhận sự đầu hàng của Đức tại Berlin. Trong khi đó, Von Paulus đã kích động các tù binh Đức chống lại Adolf Hitler trong thời kỳ bị giam giữ tại Liên Xô, và vào năm 1946 ông đã ra làm chứng tại Tòa án Quân sự Quốc tế Nuremberg. Sau khi được Liên Xô thả ra vào năm 1953, ông đã định cư tại Đông Đức.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]