Lý do doanh nghiệp Mỹ chuyển trụ sở ra nước ngoài

20150815_wbp505

Nguồn: What’s driving American firms overseas”, The Economist, 16/08/2015.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Các công ty Mỹ đang trên đà dịch chuyển. Ngày 6 tháng 8 vừa qua, CF Industries, một nhà sản xuất phân bón, và tập đoàn Coca-Cola, một nhà sản xuất nước đóng chai, đồng thời nói rằng họ sẽ chuyển trụ sở tới Anh sau khi hoàn tất các cuộc sáp nhập với các doanh nghiệp không phải của Mỹ. Năm ngày sau, Terex, nhà sản xuất cần cẩu, tuyên bố một vụ sáp nhập trong đó bao gồm việc chuyển trụ sở được công nhận pháp lý từ Westport, Connecticut, thuộc vùng lân cận 3 tiểu bang của New York tới thị trấn tí hon Hyvinkää thuộc Phần Lan. Điều gì đang đẩy các doanh nghiệp này gói ghém và ra đi?

Trong hơn 30 năm, các công ty, đặc biệt là các công ty Hoa Kỳ, đã và đang sáp nhập với các doanh nghiệp nước ngoài hoặc mua lại chúng nhằm chuyển dịch cơ sở nộp thuế của họ ra nước ngoài. Xu hướng này bắt đầu vào năm 1982, khi McDermott, một công ty xây dựng, đã qua mặt Sở thuế vụ Mỹ (IRS) bằng cách chuyển trụ sở của công ty từ New Orleans tới Panama, nơi công ty có chi nhánh. Kể từ đó, cách di chuyển này, được gọi là “đảo trụ sở” (corporate inversion), đã trở thành một phương thức hấp dẫn với các công ty Hoa Kỳ có doanh thu từ nước ngoài, nhằm giảm nghĩa vụ thuế của họ.

Do ngành thuế của Mỹ có thể vươn xa một cách đáng ngạc nhiên, những công ty đặt trụ sở tại Mỹ mà thu được lợi nhuận từ nước ngoài có thể lâm vào tình cảnh hàng chồng tiền mặt bị tắc lại ở nước ngoài: các khoản thu phải đối mặt với thuế doanh nghiệp ngất ngưởng ngay khi chúng được đem vào Mỹ (ví dụ để trả lương nhân viên hoặc để đầu tư). Việc đảo trụ sở có thể không ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày của một công ty, nhưng bằng cách thay đổi một cách chính thức nước đăng ký trụ sở, đây là giải pháp rất hiệu quả để tránh thuế. Do điều này đồng nghĩa với việc nộp ngân sách ít hơn cho “chú Sam”, chính phủ Mỹ đã và đang cố gắng một cách tuyệt vọng nhằm ngăn các công ty tháo chạy và đem theo doanh thu cùng với họ. Nhưng hiếm khi chính phủ đủ nhanh chân để bắt được họ.

Để thành công trong việc đảo trụ sở chỉ đòi hỏi một chút chiêu trò khéo léo. Khi công ty A (ví dụ là đặt trụ sở tại Mỹ) mua công ty B (có trụ sở tại Ireland), các quản lý của công ty A cùng với công ty B được quyền chọn 1 nơi đặt trụ sở. Nếu họ chọn Mỹ, điều đó có nghĩa họ chọn trả thuế doanh nghiệp tương đối cao cho Mỹ – tới 39% – trên tất cả các khoản lợi nhuận nước ngoài mà họ mang về. Nguyên tắc khác thường của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) là họ đánh thuế thu nhập đối với hoạt động khắp toàn cầu. Thay vào đó, nếu họ chọn Ireland, họ sẽ phải trả mức thuế thấp hơn rất nhiều (12,5%) trên lợi nhuận tạo ra tại Ireland, nhưng vấn đề mấu chốt ở đây là họ sẽ chỉ phải trả mức thuế theo địa phương cho bất kỳ khoản lợi nhuận nào được tạo ra tại các chi nhánh ở nước ngoài – bởi vì Ireland, giống như hầu hết các quốc gia khác, chỉ đánh thuế dựa trên cơ sở lãnh thổ. Điều đó có nghĩa là, ví dụ, họ sẽ trả 39% trên lợi nhuận tạo ra tại Hoa Kỳ, 20% tại Anh hoặc 0% tại Bermuda.

Một lựa chọn thứ ba là chọn một đất nước trung lập, ví dụ như Anh hoặc Hà Lan mà, giống như phần lớn thế giới, cũng có các mức thuế thấp hơn và hệ thống thuế theo lãnh thổ. Do có các lựa chọn như vậy, ít công ty toàn cầu sẽ chọn đóng đô ở Mỹ mặc dù rất nhiều công ty duy trì trụ sở ở đó, thường vì lý do danh tiếng. Các ông chủ của Walgreen đã bãi bỏ kế hoạch di chuyển tới châu Âu năm ngoái, nhưng chỉ sau khi có những lời kêu gọi tẩy chay của người tiêu dùng. Sở Thuế vụ Mỹ đã xoay sở để thắt chặt một số quy định trong tháng 9 này, điều có vẻ sẽ gây khó khăn hơn một chút cho các công ty khác trong việc đảo trụ sở.

Nhưng chỉ gây cản trở cho việc ra đi của các công ty chắc chắn không phải là câu trả lời. Nó làm tăng khả năng các doanh nghiệp Mỹ đang gặp khó khăn (do thuế cao) sẽ bị thôn tính bởi các đối thủ nước ngoài. Điều này đã xảy ra với các công ty bị đưa vào tầm ngắm tại Mỹ với tổng giá trị 315 tỷ đô la, tất cả được bán cho cổ đông nước ngoài trong năm nay, theo tính toán của S&P Capital IQ, một nhà cung cấp số liệu. Chừng nào luật thuế của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục không giống với hệ thống của các nước khác trên thế giới thì các doanh nghiệp nước này sẽ còn tìm lý do để chuyển đến những vùng đất công bằng hơn, cho dù Sở Thuế vụ có thích điều đó hay không./.